CHÚA
NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN A
HẠT
GIỐNG LỜI CHÚA
+++
A. DẪN NHẬP.
Lời Chúa là đèn soi bước đường chúng
ta đi, là ánh sáng chỉ đường trong đêm tối và là lương thực nuôi linh hồn chúng
ta. Lời Chúa được ví như hạt giống, tự
nó có sức phát triển mạnh mẽ, nhưng hạt giống ấy, tuy là hạt giống hảo hạng có
sức mạnh vô song, cũng cần có điều kiện thuận lợi để phát triển. Chúng ta có
nhiệm vụ phải làm cho hạt giống ấy nảy nở và phát triển. Chúa đòi chúng ta phải
cộng tác vào trong công việc này.
Hạt giống Lời Chúa được gieo vãi khắp
nơi một cách dồi dào, nhất là gieo vào lòng người. Hạt giống ấy có được tiếp
nhận hay không, hoặc được tiếp nhận một
cách ơ hờ lạnh nhạt, hoặc được tiếp nhận một cách trân trọng, thì hạt giống ấy
được phát triển tùy theo thái độ của từng người. Chúng ta cố gắng biến thành
thửa đất tốt để đón nhận hạt giống Lời Chúa, hy vọng hạt giống ấy sẽ sinh hoa kết quả, hạt sinh
30, hạt sinh 60 hay sinh 100 hạt khác.
Tâm hồn mỗi người là một thửa ruộng,
và không có thửa ruộng nào là vô ích. Nhưng để thửa ruộng là mảnh đất phì nhiêu
đòi hỏi mỗi người chúng ta phải ra công cầy xới. Đương nhiên cuộc cầy xới nào
mà không đòi phải vất vả, long đong. Tâm hồn chúng ta sẽ không là mảnh đất sinh
hoa trái nếu chúng ta không chịu hy sinh, mất mát lo cầy xới, gạn lọc, nhổ hết
gai góc, nhặt đi những sỏi đá của ích kỷ hẹp hòi, của những đam mê hư hèn, của
gian tham lừa lọc, của thù hận ghen tương.
Như vậy Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng
ta đừng để tâm hồn mình thành sỏi đá, đường đi bởi do lòng ích kỷ và thói vô
tâm, cũng đừng để tâm hồn mình là bụi gai bởi lòng tham những của hư hèn và
tính ươn lười ngại hy sinh cố gắng, nhưng là hãy ra công cầy xới cho hồn mình
là mảnh đất phì nhiêu.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài
đọc 1 : Is 55,10-11.
Dân Do thái đang phải sống trong cảnh
lưu đầy, niềm tin đang lụi dần, tiên tri Isaia được sai đến an ủi, khuyến khích
và nói cho dân biết rằng Thiên Chúa đã hứa cho dân thoát cảnh lưu đầy và được
trở về quê hương.
Tuy thế, nhiều người Do thái tỏ ra
nghi ngờ lời hứa đó, họ không thể tin được. Tiên tri Isaia phải nói cho họ biết
tính chất phong phú của lời Chúa giống như mưa và tuyết thấm vào đất làm cho
đất nên phì nhiêu thế nào thì lời Chúa luôn luôn hữu hiệu như vậy : Ngài đã nói
thì thế nào cũng xẩy ra đúng như lời Ngài đã nói, Ngài đã hứa thì chắc chắn
Ngài sẽ thực hiện. Lịch sử đã minh chứng cho lời tiên tri Isaia : dân Do thái đã được hồi hương vào năm 538 trước công
nguyên đúng như lời đã báo trước.
+ Bài
đọc 2 : Rm 8,18-23 (Chủ đề phụ).
Trong đoạn thư gửi tín hữu Rôma mà
phụng vụ hôm nay ghi lại, thánh Phaolô cố cho chúng ta hiểu thế nào là niềm hy
vọng của người Kitô hữu. Tuy mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang
Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không,
nhờ công trình cứu chuộc được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô. Niềm hy vọng của
Kitô giáo là một sự chờ đợi, được thực hiện trong nước mắt khổ đau như một cuộc
vượt qua cái chết.
Tuy sống trong cuộc đời đầy đau khổ nhưng
Kitô hữu luôn lạc quan hướng về tương lai, chờ đợi ngày được hưởng ơn cứu độ
viên mãn trong Nước Trời.
+ Bài
Tin mừng : Mt 13,1-23.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu
dùng dụ ngôn về người gieo giống đi gieo lúa, để dạy rằng cũng một lời Chúa rao
giảng nhưng sinh nhiều hiệu quả khác nhau là tùy theo thái độ đón nhận của các
tâm hồn người nghe.
Để ý nhận xét, ta thấy người nông phu
này gieo hạt giống xuống mọi loại đất mặc dù biết trước là nhiều hạt sẽ không
nảy mầm mọc lên. Điều đó có ý nói Thiên Chúa rất hào phóng sẵn sàng ban lời
Ngài cho mọi người và ban cách quảng đại dồi dào.
Một nhận xét nữa là dụ ngôn kể ra 4
loại đất trong đó có tới 3 loại đất xấu. Điều đó có ý nói là có rất nhiều người
không sẵn sàng đón nhận lời Chúa để cho lời ấy sinh hoa kết quả. Nhưng cũng có
những người thiện chí biết đón nhận lời Chúa và đem ra thực hành để cho Lời
Chúa sinh hoa kết quả dồi dào : hạt sinh 30, 60, 100 hạt khác.
Qua bài dụ ngôn hôm nay, Giáo hội muốn nhắc nhở chúng ta phải
nhận thức giá trị thiêng liêng của Lời Chúa, để nhờ đó chúng ta biết tha thiết
lắng nghe và chăm chỉ đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Lời
Chúa sinh hoa kết quả.
Khi đi truyền giáo, Chúa Giêsu rao
giảng về Nước Thiên Chúa hay Nước Trời.
Đây là những ý tưởng quá trừu tượng mà thính giả phần lớn là dân quê, ít
học, ngay các tông đồ nồng cốt cũng ở trong tình trạng đó. Để diễn tả về Nước
Trời, Chúa Giêsu hay dùng dụ ngôn để giảng dạy, mỗi dụ ngôn diễn tả được một
khía cạnh của Nước Trời. Đây là một lối giảng dạy rất cụ thể , dễ hiểu, hấp
dẫn, động não để đi từ cái cụ thể đến cái trừu tượng mà các nhà hiền triết thời
xưa thường dùng.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu
dùng dụ ngôn người gieo giống đi gieo lúa để nói về hạt giống của Lời Chúa.
Theo đó, Lời Chúa như hạt giống được gieo vào lòng mọi người để có thể phát
triển và sinh hoa kết quả tùy theo thái độ đón nhận của từng người : có người
không chấp nhận, có người chấp nhận với thái độ ơ hờ lạnh nhạt, có người đón
nhận với lòng thành để Lời Chúa có thể sinh hoa kết quả dồi dào gấp 30, 60 hay
100 lần.
I. LẮNG NGHE LỜI
CHÚA.
1. Lời
Chúa trong Thánh Kinh .
Thấu hiểu huấn lệnh Chúa truyền, Giáo
hội đã khuyên nhủ chúng ta :”Thánh công đồng Vatican 2 nhiệt liệt cổ vũ các tín
hữu chuyên cần lắng nghe và đọc Thánh Kinh, suy gẫm và sống Lời Chúa, vì đó là
khoa học cao siêu dạy về Chúa Kitô. Vì theo thánh Giêrônimô :”Dốt Thánh Kinh là không hiểu biết về Chúa
Kitô”(cf Verbum Dei # 25). Thánh Kinh dạy cho chúng ta hiểu biết về Chúa,
am tường về các mầu nhiệm cao cả của Nước Trời, hay nói cách khác ,Thánh Kinh
là Lời Thiên Chúa nói với chúng ta, tỏ cho chúng ta thánh ý của Ngài.
2.
Ba bước đón nhậnLời Chúa.
Theo Mark Link, có ba bước trong việc lắng
nghe Lời Chúa, mỗi buớc một tiến hơn :
* Bước thứ nhất là nghe Lời Chúa.
Chúng ta có thể gọi đây là bước của trí não. Bước này bao hàm việc chăm chú
lắng nghe, đọc và giải thích Kinh thánh.
* Bước thứ hai là trân trọng tích
giữ Lời Chúa. Bước này có thể được gọi là bước của trái tim, bao hàm việc ghi
sâu vào lòng lời ta vừa nghe, và suy nghĩ xem có cách nào áp dụng lời ấy vào
cuộc sống và làm sao để lời ấy biến cuộc sống của chúng ta nên tốt đẹp
hơn. Bước thứ hai này không nhất thiết
xẩy ra tại nhà thờ. Nó có thể khởi sự tại nhà thờ nhưng thường kéo dài suốt
tuần lễ sau khi chúng ta suy nghĩ Lời Chúa đã nghe hôm Chúa nhật.
* Bước thứ ba là đem Lời Chúa ra
thực hành. Nếu chúng ta gọi bước thư nhất là của “trí não”, bước thứ hai là của “trái
tim”, thì chúng ta có thể gọi bước thứ ba là bước của “linh hồn”. Bước này bao hàm tác động lên những gì trí óc chúng ta
lãnh nhận và con tim chúng ta tích chứa giữ gìn.
3. Bốn thái độ tiếp nhận Lời Chúa.
Theo bài Tin mừng, Chúa Giêsu đã phân
chia thành 4 loại đất mà người nông phu gieo hạt giống vào. Bốn loại đất ấy
tiêu biểu cho 4 thái độ của con người trước Lời Chúa :
* Đất vệ đường : những kẻ chẳng thiết
tha gì đến Lời Chúa. Lời gieo xuống đó chẳng bao lâu thì bị qủi dữ cướp đi.
* Đất lẫn sỏi đá : những người mau mắn
đón nhận Lời Chúa nhưng không qúi chuộng bao nhiêu. Khi gặp chút gian khó là bỏ
cuộc.
* Đất có nhiều gai : những người cũng
đón nhận Lời Chúa, nhưng điều họ quan tâm hơn là những đam mê, vui thú, của
cải...Các thứ sau này như gai góc um tùm dần dần làm cho Lời Chúa chết ngẹït.
* Đất tốt : những người sốt sắng đón
nghe Lời Chúa, ghi sâu vào tâm hồn và quảng đại đem ra thi hành trong cuộc
sống.
Mỗi người phải chuẩn bị đất
tốt để đón nhận hạt giống Lời
Chúa :
.
Đất phải xốp : không cứng như vệ đường, tức là phải có tinh thần
khao khát Lời Chúa như một nhu cầu của sức sống để lắng nghe, tìm hiểu và thực
hành lời Chúa.
. Đất
không có sỏi đá : tức là phải cất những chướng ngại vật như : sự lười
biếng, thờ ơ, chểnh mảng Lời Chúa, bỏ các thành kiến, khuynh hướng xấu trong
tâm hồn.
. Đất
không có gai : tức là tâm hồn phải thanh thỏa, không có những bồn chồn
lo lắng về những sự ở đời như thú vui xác thịt, danh vọng, của cải vật chất...
vì những cái đó là những gai góc bóp chết lời Chúa.
. Đất
tốt : là tâm hồn khiêm nhường biết tin tưởng, trông cậy và yêu mến Lời
Chúa để biến đổi đời sống.
(Trần hữu Thành, Suy niệm Tin
mừng Chúa nhật năm A, tr 218).
II. SỐNG THEO LỜI
CHÚA..
1. Sức
mạnh của Lời Chúa.
Hạt giống lời Chúa là thứ hạt giống
tốt có thể phát triển mạnh. Lời Chúa có thể thay đổi được lòng người nhưng Chúa
không muốn can thiệp vào đời tư của con người một cách thô bạo. Thiên Chúa tôn
trọng tự do của con người.
Lời Chúa tự nó có sức mạnh vô biên. Ta
có thể ví lời Chúa như nước chảy, nước rất mềm, nhưng có thể làm cho đá mòn như
người ta thường nói :”Nuớc chảy đá mòn”
(tục ngữ). Lời Chúa tuy êm ái nhẹ nhàng nhưng có sức bào mòn những gì gồ ghề
trong tâm hồn để trở nên những viên đá tròn trịa.
Thiên Chúa cứ gieo hạt giống Lời Chúa
vào lòng người, còn việc hạt giống đó có phát triển được hay không là do thái
độ của tùng người có muốn cộng tác hay không.
Truyện : nước làm sạch rổ rau.
Bà vợ đi lễ về làm cơm sáng hơi muộn
làm người chồng khó chịu. Người chồng thì khô khan, thỉnh thoảng mới đến nhà
thờ. Vợ thì siêng năng đi lễ để nghe Lời Chúa.
Bụng đang đói, chồng tức bực hỏi vợ :
- Em đi lễ hằng ngày như vậy để được
cái gì ?
Bà vợ trả lời :
- Được nhiều lắm, anh ạ.
Chồng hỏi tiếp :
- Được cái gì ?
Vợ thản nhiên đáp :
- Được nghe Lời Chúa. Được Lời Chúa soi dẫn và rửa sạch tâm hồn em
!
Chồng trợn mắt :
- Rửa sạch ?
Vợ chỉ tay vào rổ rau mới rửa, trả lời
:
- Vâng, nước đã làm cho bụi bặm rổ rau
này sạch trơn !
Người chồng hiểu, lặng thinh và suy
nghĩ !
2. Sống đạo bằng gì ?
Nếu được hỏi câu này, một người bàng
quan nhìn chúng ta sống sẽ trả lời rằng : họ sống đạo bằng đọc kinh, bằng nhận
lãnh các bí tích và bằêng tham dự các lễ nghi.
Đúng vậy, người Công giáo chưa hoặc
rất ít sống đạo bằng Lời Chúa. Nếu sống đạo bằng đọc kinh thì sau giờ kinh là
hết sống đạo ! Nếu sống đạo bằng lãnh nhận các bí tích thì có bao nhiêu dịp sống đạo đâu ! Và nếu
sống đạo bằng cách tham dự các lễ nghi
thì sẽ không còn sống đạo khi ra khỏi nhà thờ ! Vả lại, đạo ở các kinh đọc,
trong các bí tích và trong những lễ nghi không thấm nhập vào cuộc đời, vào xã
hội.
Đạo là đường, sống đạo là đi đường.
Trong cuộc hành trình này. Lời Chúa chỉ hướng cho ta đi. Lời Chúa dạy ta giải
quyết những tình huống như thế nào, Lời Chúa là kim chỉ nam đưa ta tới cùng
đích (Lm Carolô, Sợi chỉ đỏ, năm A, tr 387-388).
Truyện : Lời Chúa khắc ghi trong lòng.
Hôm ấy, một nhà thừa sai Công giáo gặp
một cậu bé người Ả rập trên đường từ trường về nhà. Nhà truyền giáo vui vẻ hỏi
:
- Sao, hôm nay con học thêm được gì về
sách Coran ?
Mắt cậu sáng lên và mau mắn đọc thuộc
lòng những câu trích từ sách Coran là sách thánh của các tín đồ Hồi giao. Nhà
truyền giáo nói thêm :
- Bây giờ, con thử viết những lời đó
trên đất để cha có thể hiểu dễ dàng hơn và học mau thuộc hơn không ?
Cậu bé đáp :
- Thưa cha, không được ! Lời Thánh
phải được viết trong trí và ghi khắc
trong lòng chứ không thể viết trên đất được.
Theo tư tưởng của cậu bé đó thì Kinh
thánh phải được ghi khắc trong tâm hồn, nghĩa là Lời Chúa phải thấm nhập vào
lòng trí người Kitô hữu để họ phải sống bằng Lời Chúa.
Sống đạo là để cho Lời Chúa thấm nhập
tâm hồn.
Sống đạo là để cho Lời Chúa hướng dẫn
cuộc sống.
Sống đạo là để cho Lời Chúa tuôn trào
ra cửa miệng và thấm nhuần môi trường sống.
III. PHỔ BIẾN LỜI
CHÚA.
Lắng nghe và thực hành Lời Chúa là
điều cần thiết nhưng chưa đủ, chúng ta còn có sứ mạng rao giảng Lời Chúa cho
người khác. Chúa Giêsu đã nói :”Nếu các
con đã lành nhận nhưng không, thì
cũng phải cho đi nhưng không” (Mt 11,08).
Nếu bản chất của Hội thánh là truyền giáo thì bản chất của những thành
viên trong đó cũng phải là truyền giáo.
Lời Chúa phải được chúng ta loan
truyền để mang lại nhiều mùa gặt khác. Cũng như những hạt giống được gió đưa
đi, rơi xuống và nảy mầm ở nơi xa, hạt giống Phúc âm phải được rải ra từ chính
tấm lòng của chúng ta vào trong lòng anh em chúng ta. Nếu chúng ta giữ Lời Chúa
cho riêng chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ mất Lời Chúa. Hạt giống không phải
được tạo ra để nằm trong một góc của bồ lúa, mà là để được nảy sinh trong những
cánh đồng và cuối cùng là trên khắp thế gian.
Mỗi người chúng ta tùy theo ơn gọi ,
địa vị, chức vụ và khả năng, đều được Chúa mời gọi lãnh nhận sứ vụ rao giảng
Lời Chúa, như hạt giống được gieo vào hồn chúng ta, như sức sống nuôi dưỡng làm
cho triển nở tới thời sung mãn, để rồi sau đó lại phải gieo rắc sự dư tràn đó
vào lòng những người khác. Đó là sứ mạng Chúa ủy thác cho mỗi người chúng ta phải chu toàn.
Truyện : rao giảng bằng cuộc sống.
Khi một người ra đi gieo Lời Chúa,
người ấy không biết rõ việc mình đang làm và kết quả của hạt giống đó sẽ ra thế
nào thì ông H.L. Gee đã thuật lại cho chúng ta câu chuyện sau đây :
Trong xóm đạo của ông, có
một cụ già cô độc tên là Tôma. Cụ thọ hơn bạn bè của cụ nên không còn ai biết
cụ nữa. Khi cụ Tôma qua đời, ông Gee nghĩ rằng không ai đi đưa đám cụ nên ông
quyết định đi để còn có người đưa cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Không có ai đi
đưa cả, hôm đó trời lại mưa dầm ướt lạnh. Khi quan tài đến nghĩa trang, có một
quân nhân đứng ở cổng chờ, đó là một sĩ quan nhưng trên áo mưa không thấy quân
hàm. Quân nhân đó đứng bên huyệt dự lễ an táng. Xong lễ, ông ta tiến đến bên
huyệt đưa tay lên chào theo nghi thức dành cho một vị vua. Rồi ông Gee và quân
nhân đó ra về.
Khi họ đang đi, gió thổi bật cái áo
mưa của vị sĩ quan và ông Gee thấy quân hàm của ông ta, quân hàm thiếu
tướng. Vị sĩ quan nói với ông Gee :
- Có lẽ ông ngạc
nhiên không hiểu tôi làm gì ở đây. Nhiều năm trước đây cụ Tôma là giáo viên dạy
giáo lý ở trường tôi. Tôi là một thằng bé ngỗ nghịch và là một thứ gai nhức
nhối cho cụ. Cụ không hề biết cụ đã làm
gì cho tôi nhưng cả đời tôi mang ơn cụ, và hôm nay tôi phải đến để nghiêng mình
chào tiễn cụ lần cuối.
Tôma không biết được
việc mình đã làm, không một giáo sư hay nhà truyền giáo nào biết được. Công tác
của chúng ta là gieo ra không chút nản lòng và phần còn lại hãy để cho Chúa
định liệu.
Khi một người đi gieo giống, anh ta
không thể và không được trông đợi có kết quả tức khắc. Trong thiên nhiên, sự
tăng trưởng không bao giờ vội vã, phải mất một thời gian dài để hạt giống đơm
bông kết trái, và có thể còn phải mất thời gian dài hơn nữa để hạt giống nảy
mầm trong lòng người.
Chúng ta tin chắc rằng hạt giống Lời
Chúa có sức tăng trưởng phi thường trong những môi trường thuận lợi. Công việc chúng ta là gieo, cứ gieo rồi để
hạt giống mọc lên và khi đã mọc lên thì phát triển mạnh mẽ để sinh hoa trái dồi
dào
Truyện : hạt giống bông lau.
Trong số những vị anh hùng xây dựng
Hợp chủng quốc, phải kể đến Benjamin Flanklin, tạ thế năm 1790. Ông là một văn
sĩ, nhà ấn loát và xuất bản ; lại còn là một nhà phát minh, một khoa học gia,
thương gia và nhà ngoại giao. Một hôm, ông nhận được món quà từ Ấn độ. Đó là một
cây chổi bông lau. Nhìn cây chổi, ông thấy có vài hạt còn dính lại ở đó, ông đã
nhặt ra và lấy đem gieo, thế là hạt giống nảy mầm, sinh hoa kết hạt. Tới mùa
gặt, ông lại lấy những hạt giống đó đem phân phát cho các bạn bè xóm ngõ. Tất
cả đều đem gieo và chẳng bao lâu, Hoa kỳ đã có một kỹ nghệ làm chổi bông lau
phát đạt rải rác khắp nơi trong quốc gia. Đó cũng là nhờ Benjamin Franklin đã
có sáng kiến, biết lợi dụng vài hạt giống nhỏ mọn.
Sau khi đã tìm hiểu lời Chúa, chúng
phải quyết tâm lắng nghe, thực hành và phổ biến Lời Chúa cho người khác. Muốn cuộc đời chúng ta sinh hoa kết quả, muốn
cho bản thân thành đạt trên đường đời, hãy kiểm tra ruộng lúa tâm hồn thường xuyên và kỹ lưỡng như
người nông dân luôn biết săn sóc ruộng sạ của mình. Càng vất vả cầy bừa, diệt
cỏ, càng can đảm diệt tính hư nết xấu, Lời Chúa gieo xuống, càng đem lợi ích
cho cuộc đời chúng ta.
Lm Giuse Đinh lập
Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt