CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN A
SỰ
KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC
+++
A. DẪN NHẬP.
Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay thúc
dục chúng ta hãy tìm kiếm sự khôn ngoan. Vua Salomon trong bài đọc 1 đã không
xin Chúa điều gì khác ngoài sự khôn ngoan. Lời cầu xin ấy làm đẹp lòng Chúa nên
Salomon đã được như ý và Chúa cho ông trở thành người khôn ngoan nhất trên đời.
Dụ ngôn kho tàng và viên ngọc qúi
trong bài Tin mừng cũng nhắc cho chúng ta phải đi tìm kiếm sự khôn ngoan. Hai
người tìm được kho tàng và viên ngọc qúi tỏ ra khôn ngoan, sẵn sàng bán hết của
cải để mua cho được hai thứ đó. Người Kitô hữu đã được biết Chúa Giêsu, là sự
Khôn ngoan của Thiên Chúa, đã lãnh nhận được đức tin thì phải dứt bỏ tất cả để
chiếm hữu cho được của qúi giá ấy, mặc dầu phải hy sinh .
Đức tin là một kho tàng vô giá, nó đem
đến cho chúng ta sự sống vĩnh cửu và sự sống bất tận của Thiên Chúa. Chính nhờ Đức
tin chúng ta chiếm hữu được Thiên Chúa là nguồn mọi sự thiện hảo. “Đức tin cho
ta biết liên hệ giữa đời này và đời sau, giữa người ta và Thiên Chúa. Với Đức
tin ta được đón nhận ánh sáng siêu nhiên để nhận biết ở trong ta những khả thể
mà đến nay ta không biết. Đức tin đổi mới cái nhìn của ta về Thiên Chúa, về vũ
trụ và về chính chúng ta. Nó làm cho ta có cái nhìn siêu việt của Thiên Chúa”
(Lm Thân văn Tường trong tập “Đối diện với Chúa”).
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài
đọc 1 : 1V 33,5.7-12.
Bài đọc 1 cho chúng ta biết Salomôn là
ông vua sáng chói nhất trong Cựu ước và của riêng dân Israel. Vị vua này lúc 20
tuổi lên kế vị cha là vua Đavít vào năm 960 trước công nguyên. Salomôn đến Gabaon và cầu nguyện. Trong khi cầu
nguyện, Thiên Chúa hiện ra và bảo :”Ngươi muốn xin gì thì hãy xin và Ta sẽ ban
cho”. Salomon không xin sống lâu, được giầu có, tiêu diệt quân thù mà lại xin được
ơn khôn ngoan để biết suy xét và lãnh đạo dân chúng. Thiên Chúa khen ông và ban cho sự khôn ngoan,
đến nỗi sau này trong lịch sử, ông được mang tên là “Ông Vua Khôn Ngoan”. Sự khôn ngoan biến thành từ ngữ “Khôn ngoan như vua Salomôn”.
Nhưng bất hạnh thay, lúc về già, vua
Salomôn thay tính đổi nết, đã trở nên dại dột, đã làm những điều ngang trái và đây
là cả một sự tai hại lớn cho Israel.
+ Bài
đọc 2 : Rm 8,28-30.
Trong thư gửi cho tín hữu Roma, thánh
Phaolô đã đề cập đến ơn “Tiền định”. Theo đó, tiền định đây chỉ có nghĩa là
ngay từ trước khi tạo thành thế giới, Thiên Chúa đã định cho loài người nên con
cái của Người, theo hình ảnh của Con của Người, Đấng đã trở nên người Anh Cả của
một đàn em đông đúc.
Đối với những người được Thiên Chúa thương
yêu thì :
- Người giúp họ được sự lành,
- Người kêu gọi họ nên thánh,
- Người kêu gọi họ và sẽ cho họ được
vinh quang.
+ Bài
Tin mừng : Mt 13,44-52.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu
đưa ra ba dụ ngôn để khuyến khích thính giả hy sinh tất cả, không do dự, để sở
hữu được Nước Trời.
Hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc qúi dạy
chúng ta rằng Nước Trời là một thứ qúi giá nhất, đối tượng của mọi nỗ lực tìm
kiếm của ta, đáng cho mọi người bán đi tất cả để mua lấy.
Dụ ngôn mẻ lưới kéo nhiều cá từ biển lên
cũng cùng một ý nghĩa với dụ ngôn lúa và cỏ lùng của tuần trước. Dụ ngôn nhắc cho chúng ta : trong Nước Trời có
người tốt kẻ xấu sống lẫn lộn. Thiên Chúa
chỉ phân xử trong ngày tận thế để lựa lọc : kẻ tốt sẽ được thuởng, còn kẻ xấu sẽ
bị phạt trong lửa đời dời.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Hãy tìm kiếm sự khôn ngoan.
Người ta thường nói :”Khôn
sống mống chết” hay “Khôn sống bống
chết” nghĩa là khôn ngoan thì sống, dại dột đần độn thì chết. Tục ngữ “khôn
sống mống chết” dùng nói về việc ở đời, nếu biết cách lo liệu, tính toán làm ăn,
cư xử thì mọi việc đều đạt được đời sống khá giả. Ngược lại, sẽ lâm vào cảnh thất
bại, khổ sở.
Trong đời sống thiêng liêng, người Kitô
hữu cũng phải biết khôn ngoan lo cho tương lai của mình . Đời sống mai hậu hoàn
toàn tùy thuộc ở nơi mình : được hạnh phúc vĩnh cửu hay trầm luân đời đời. Nước
Trời là đối tượng của mọi sinh hoạt nơi trần thế, nhiều khi phải từ bỏ tất cả để
chiếm hữu được Nước Trời, vì Nước Trời chỉ có thể chiếm được bằng sức mạnh
(regnu coelorum vim patitur). Theo Kinh thánh thì “Đầu mối sự Khôn ngoan là lòng kính sợ Chúa”.
I. Ý NGHĨA BA DỤ NGÔN..
Dụ ngôn Nước Trời giốâng như kho báu chôn
trong ruộng có vẻ hơi lạ đối với một số người, nhưng lại hoàn toàn tự nhiên đối
với dân chúng ở Palestine. Trong thời Chúa
Giêsu và cả ngày nay nó cũng vẽ ra bức tranh mà dân ở Đông phương đều biết cả.
Người thường dân hay cất giấu tài sản
qúi giá nhất dưới đất, xem đó là nơi an toàn. Trong dụ ngôn về các nén bạc, người
đầy tớ không trung tín chôn giấu nén bạc mình dưới đất để khỏi mất (Mt 25,25) đều
nói lên thói quen đó. Ở Việt nam chúng
ta thỉnh thoảng cũng có người tình cờ đào được chum vàng hay những vật qúi giá
chôn dưới đất từ lâu mà nay đã mất chủ.
Truyện : Kho tàng ở Sidon.
Thompson trong quyển “Xứ thánh và Kinh
thánh” xuất bản đầu tiên năm 1876 kể lại một trường hợp chính ông đã chứng kiến
một kho tàng ở Sidon. Trong thành phố đó có một đại lộ nổi tiếng có trồng cây,
một số công nhân đang đào xới trong một khu vườn trên đại lộ đã khám phá ra nhiều
hũ bằng đồng chứa đầy những đồng tiền vàng. Họ có ý giữ kín chuyện khám phá này,
nhưng vì họ đông và vì quá mừng nên chuyện lộ ra và chính quyền địa phương sung
công kho tàng ấy. Đó là kho tàng của
Alexandre đại đế và phụ hoàng Philippe. Thompson cho rằng khi Alexandre bất ngờ
qua đời ở Babylon và tin này đến Sidon thì một số viên chức chính quyền đã chôn
giấu số tiền này với ý định chiếm đoạt chúng trong cuộc khủng hoảng sau cái chết
của Alexandre.
Cả ba dụ ngôn này có ý nói rằng Chúa
muốn dạy chúng ta phải là người khôn ngoan chân chính, là người biết đi tìm Nước
Chúa, biết lo phần rỗi linh hồn mình, lo việc Chúa trước đã. Nói thế không phải
là không lo đến đời sống vật chất, đời sống gia đình. Chúng ta phải lo việc Chúa
trước đã “Mọi sự khác Chúa sẽ ban cho
sau”.
II. NÓI VỀ SỰ KHÔN
NGOAN.
Nếu nói về chuyện” khôn dại dại khôn” thì chúng ta hãy nói đến
chuyện vua Salômon. Vua Salomon xem ra “dại” nhưng thực ra lại quá “khôn”. Chúa đã bảo :”Ngươi muốn gì cứ
xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Ông dại quá, không xin giầu có, không xin sống lâu,
không xin một thế lực hùng mạnh... mà lại xin khôn ngoan. Tuy nhiên, thực
ra ông quá khôn, bởi vì Khôn ngoan là nền tảng và nguồn gốc của mọi thứ khác :
nhờ khôn ngoan nên sau đó ông giầu có, triều đình ông vững bền, đất nước ông giầu
mạnh... và nhất là ông được Thiên Chúa che chở bảo vệ.
Thi sĩ Nguyễn bỉnh Khiêm, sau khi đã chán ngán với đường danh vọng, và bị ảnh
hưởng triết lý “vô vi” của Lão Tử đã về ở ẩn.
Ông đã nói lên cái “triết lý dại khôn” của ông trong một bài
thơ :
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người tìm chốn lao xao.
(Nguyễn bỉnh Khiêm)
Ở đời, có những người khôn mà
không ngoan, có người ngoan mà không khôn. Có những người khôn vặt, khôn láu cá,
khôn lỏi, cái khôn mà Thánh Kinh gọi là sự Khôn
ngoan của con cái tối tăm. Nghĩa
là chỉ biết khôn ngoan trong việc trần thế vật chất, tội lỗi, mà không có một
chút khôn ngoan trong sự sáng, biết phân biệt lành dữ, biết lo phần rỗi. Chúa phán :”Được mọi sự thế gian, nghĩa là
khôn ngoan nơi trần thế mà mất linh hồn thì nào được ích gì “? Vì thế người
ta mới nói :
Khôn thế gian làm quan địa ngục,
Dại thế gian làm quan thiên đàng.
Muốn có sự khôn ngoan, con người phải
dùng đến lý trí và lương tâm trong sáng mới đạt được, nghĩa là đừng để cho vật
dục lôi kéo, trấn áp, làm cho tâm trí trở nên mê muội. Có những người học thức
cao, bằng cấp đầy mình mà hành động hết sức thiếu khôn ngoan. Trường hợp của
vua Salomon cũng nói lên điều đó.
Salomon là vị vua khôn ngoan nhất trần gian, sáng tác được những câu châm
ngôn tuyệt vời, không ai sánh bằng, nhưng khi về già đã đổi tính đổi nết, kết hôn
với những người đàn bà ngoại đạo, đưa các thần ngoại vào trong triều đình, khiến
nhà vua mất khôn ngoan sáng suốt, làm những việc ngu xuẩn khác với thời trước.
Truyện : Ngọc bích họ Hòa.
Nước Sở có người họ Hòa, được một hòn
ngọc ở trong núi, đem dâng vua Lệ Vương. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói :”Đá,
không phải ngọc”. Vua cho người họ Hoà là nói dối, sai chặt chân trái.
Đến khi vua Vũ Vương nối ngôi, người họ
Hòa lại đem ngọc ấy dâng. Vua sai thợ ngọc xem.
Thợ ngọc nói :”Đá, không phải ngọc”. Vua lại cho họ Hòa là nói dối, sai
chặt nốt chân phải.
Đến khi vua Văn Vương lên ngôi, người
họ Hòa ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi Sở-sơn
suốt ba ngày ba đêm đến chảy máu mắt ra. Vua thấy thế, sai người đến hỏi. Người
họ Hoà thưa:”Tôi khóc không phải là thương hai chân tôi bị chặt, chỉ thương về
nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là nói dối”. Vua bèn sai người xem lại
cho rõ kỹ, thì quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên gọi là “Ngọc bích họ Hòa”.
(Nguyễn văn Ngọc, Cổ
học tinh hoa, tập 1, tr 144)
III. CÁCH HÀNH XỬ CỦA
TA.
1. Phải can đảm chọn lựa.
Trong cuộc đời có nhiều sự chọn lựa.
Quyền chọn lựa là do mỗi người và mỗi người phải nhận lấy hậu quả của sự chọn lựa
ấy. Không một chọn lựa nào có thể hoàn toàn bảo đảm cho tương lai, nên con người
luôn bị day dứt về sự lựa chọn : bởi vì có người lựa chọn trong sự khôn ngoan sáng
suốt, có người lựa chọn trong sự u tối mờ
mịt. Nhưng riêng trong việc lựa chọn Nước Trời luôn là một sự lựa chọn khôn
ngoan, một chọn lựa đúng hướng. Muốn lựa chọn Nước Trời, chúng ta phải có thái độ
can đảm, dám hy sinh tất cả, dám gạt bỏ mọi trở ngại trong việc tìm kiếm, dám
nhận lấy cái nhãn hiệu là “người dại, người
khờ”
Hai người trong bài Tin mừng hôm nay rất
khôn ngoan : người thứ nhất khám phá một kho tàng giấu trong một thửa ruộng.
Anh vội về nhà bán hết tài sản rồi trở lại mua thửa ruộng đó. Người thứ hai thấy
được một viên ngọc qúy, cũng về nhà bán hết tài sản để trở lại mua viên ngọc qúy
đó. Ai trong chúng ta khám phá một kho tàng
hay một viên ngọc qúy mà không làm như hai người ấy ! Đương nhiên chúng ta sẽ làm
như họ thôi. Chúng ta dám bỏ tất cả vì chúng ta biết mình sẽ được lại cái còn qúi
giá hơn nhiều.
Truyện : cách bắt khỉ.
Muốn bắt khỉ, người ta cho quả táo vào
cái ống to, miệng nhỏ, chỉ để vừa tay con khỉ thò vào, đầu kia gắn vào gốc cây, rồi người ta ngồi
rình chờ. Khỉ đến thấy quả táo ngon thì thò tay vào lấy luôn nhưng không rút
tay ra được vì vướng miệng ống. Muốn rút tay ra được thì phải buông quả táo ra.
Nhưng con khỉ không biết buông quả táo ra mà cứ nắm chặt lấy nó mà la hét. Người ta đến bắt dễ dàng.
Con khỉ thật dại dột, không biết buông
quả táo ra để có thể rút bàn ta ra khỏi ống mà cứ khư khư giữ lấy quả táo thì
không bao giờ có thể rút tay ra được. Con khỉ không biết bỏ cái nhỏ mà chọn lấy cái lớn, không biết bỏ
quả táo đi mà giữ lấy bản thân.
Chúng ta đôi lúc cũng hành động như vậy.
Chúng ta muốn thờ Thiên Chúa vừa muốn thờ thần Mammon, trong khi đó Chúa đã nhắc
nhở :”Không ai có thể làm tôi hai chủ”.
Bao lâu chúng ta còn hành động theo kiểu “bắt
cá hai tay” thì không bao giờ thành công, phải chọn một trong hai. Muốn vào
Nước Trời thì phải hy sinh, phải từ bỏ những gì làm cản trở :”Không phải cứ kêu Lạy Chúa, Lạy Chúa mà được
vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai làm theo ý Cha trên trời”. bởi vì Nươc Trời chỉ có thể chiếm được bằng sức mạnh, sức mạnh
tinh thần (regnum coelorum vim patitur). Chúng ta dám bỏ tất cả để được một kho
tàng, để chiếm được một viên ngọc qúi. Tại sao chúng ta không dám bỏ tất cả để
chiếm hữu được Nước Trời.
2. Chuẩn bị cho Giờ của Chúa.
Hình ảnh chiếc lưới vét hết mọi loại cá
thường được dùng chỉ ngày tận thế, ngày cuối cùng của lịch sử (x.Lc 21,34). Điều
khác biệt với dụ ngôn trên đây là vào ngày đó, tất cả mọi người, dù muốn hay không
đều phải ra trình diện truớc toà phán xét. Ngày ấy sẽ là cuộc thanh lọc người dữ
người lành. Sự lành sự dữ không thể được xếp đồng hạng với nhau. . Sẽ có thời điểm
phân tách để thưởng phạt công minh. Như vậy người khôn ngoan là người sống hôm
nay mà đang chuẩn bị cho tương lai ngày mai.
Họ sống trên trần gian nhưng không thuộc về trần gian, vì họ luôn hướng
về Quê Hương vĩnh cửu. Tuy vậy, hạnh phúc đời đời không làm chúng ta quên đi bổn
phận đối với anh em, đối với cuộc sống hiện tại. Vì hạnh phúc vĩnh cửu chính là
kết quả của những gì chúng ta đã thực thi trong cuộc đời này.
Truyện : Cần phần rỗi linh hồn
Attila xâm chiếm nước Italia với các binh đoàn hùng hậu của ông. Khi
đã chiếm đóng làm chủ khắp mọi nơi thuộc đế quốc Roma, ngày kia quân lính đến báo
cáo với ông ta rằng :”Ở vùng ông ta đang trú đóng có một vị ẩn tu rừng” Attila,
ông vua hiếu chiến, hung dữ, rất kiêu căng này luôn muốn mọi người run sợ sụp lạy
trước mặt mình nên ông ta nảy ra ý định thử đến gặp vị ẩn sĩ xem sao.
Tưởng rằng vị tu hành sẽ sợ hãi khi đối diện với nhà chinh phục khét
tiếng này, không ngờ, người của Thiên Chúa chẳng những không run khiếp, trái lại
còn tỏ ra ung dung tự tại khiến Attila vừa nể phục vừa cảm mến. Sau khi trò
truyện với một người khôn ngoan, có tài đáp ứng mau lẹ, Attila bèn hứng chí nói
:”Ta sẽ cho ngươi tất cả những gì ngươi có thể ước muốn trong vương quốc ta”. Lúc
đó, vị ẩn sĩ vừa ngửa tay chìa về phía Attila vừa nói :”Thưa Ngài, trong toàn vương
quốc của Ngài, tôi chỉ ước muốn một điều duy nhất : Phần rỗi của linh hồn Ngài thôi”.
(Quê Ngọc, Dấu ấn tình yêu, năm A, tr 98)
Phần rỗi linh hồn là một điều quan trọng
và khẩn thiết nhất trong cuộc đời. Đức tin đưa chúng ta đến phần rỗi đời đời.
Như người lái buôn tìm được ngọc quí, ông ta về bán tất cả những gì mình có mà
mua viên ngọc ấy. Người Kitô hữu được Thiên Chúa tặng ban cho Đức tin là một hồng
ân quí giá, chúng ta hãy về bán tất cả để giữ cho được cái kho tàng ân sủng ấy,
có nghĩa là chúng ta phải dứt khóat từ bỏ những sở hữu phàm trần như : những đam
mê thấp hèn, lòng tham danh vọng, tiền tài vật chất quá lẽ, tính ích kỷ kiêu căng,
sự thờ ơ trước những đau khổ của người khác…
Suy gẫm các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay chúng ta thấy Chúa Giêsu
đưa ra ba dụ ngôn này là muốn mỗi người
chúng ta phải nhận thức cho bằng được bài học quan trọng này : đang lúc còn sống
ở trần gian, ai cũng phải ghi tâm khắc cốt rằng không có gì cao qúi và quan trọng
cho bằng NƯỚC TRỜI. Nước Trời là kho báu
tuyệt vời mà mọi người đáng mong ước. Xác tín như thế, người ta mới dám hy sinh
từ bỏ mọi sự khác, hy sinh cả bản thân mình để chiếm được hạnh phúc thiên đàng.
Lm
Giuse Đinh lập Liễm
Giáo
xứ Kim phát
Đà
lạt