CHÚA
NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN A
CHÚA
BAN LƯƠNG THỰC CHO LOÀI NGƯỜI
+++
A. DẪN NHẬP.
Mọi sinh vật trên mặt đất này cần phải
có một thứ lương thực thích hợp để nuôi sống. Con người cũng là một sinh vật
nên cũng phải theo qui luật bất di bất dịch ấy. Nhưng con người lại khác với
những sinh vật khác ở chỗ ngoài sự sống vật chất còn có sự sống tinh thần, sự
sống thần linh mà lương thực trần gian không thể đáp ứng được. Căn cứ vào lời Chúa Giêsu nói với qủi đến cám
dỗ Ngài :”Người ta không sống nguyên bởi
bánh”. Như vậy con người còn có một thứ lương thực đặc biệt khác, đó là
lương thực thần linh.
Mọi người đói khát hãy đến với Chúa vì
theo ý Chúa Cha, Đức Giêsu đã tự hiến dâng để làm dịu cơn đói khát luơng thực
thiêng liêng ấy. Ngày nay Hội thánh dạy
chúng ta : lương thực thần thiêng nuôi dưỡng chúng ta đó là Lời Chúa và Thánh
Thể. Khi đã được Chúa nuôi dưỡng bằng
luơng thực ấy, chúng ta cũng có trách nhiệm phải làm cho người khác cũng được
nuôi dưỡng như vậy vì :”Các con đã lãnh
nhận nhưhg không thì cũng phải cho đi nhưng không”.
Thiên Chúa như nguồn nước, Ngài không
ngừng thông ban ân phúc cho con người qua các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh
Thể và Lời Chúa, nên các môn đệ Chúa ngày nay mặc dù không có khả năng sản xuất
ra lương thực nuôi dân, nhưng họ sẽ gắng sức, tận dụng tài năng, trí lực của
mình để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, rồi trao ban cho con người để người
người biết cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, làm giầu mặt đất và
đem lại hạnh phúc cho nhân lọai.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài
đọc 1 : Is 55,1-3.
Khi thời gian lưu đầy ở Babylon sắp
hết, tiên tri Isaia được sai đến kêu gọi toàn dân (-540) khi thoát cảnh lưu đầy
trở về xây dựng lại đất nước, hãy “lắng
tai và đến cùng Ta, hãy nghe thì sẽ
được sống”. Thiên Chúa mời gọi người
ta đến dự một bữa tiệc do Người khoản đãi. Bữa tiệc sẽ có những cao lương mỹ
vị, hoàn toàn miễn phí, không phải trả đồng xu nào.
Với hình ảnh thức ăn và thức uống vật
chất được tặng miễn phí cho người nghèo của Giavê, Isaia muốn dạy chúng ta phải
biết thèm muốn và tìm lương thực tâm linh là Lời Chúa và tình thân hữu với
Chúa.
Như vậy, hình ảnh bữa tiệc mang ý
nghĩa tượng trưng :
- Tượng trưng cho sự thoả mãn những
khát vọng của con người.
- Tượng trưng cho hạnh phúc Nước Trời.
+ Bài
đọc 2 : Rm 8,35, 37-39.
Trong đoạn thư này, thánh Phaolô biểu
lộ niềm tin và niềm hy vọng vào Chúa Kitô. Tình yêu của Chúa Kitô chiến thắng
tất cả, vì thế không có gì có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng mến của Đức
Kitô, dù bị gian nan thử thách như gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng,
nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo.
Chúa yêu thương chúng ta như chưa có ai đã thương như thế bao giờ.
Ngay từ bây giờ chúng ta tham dự cuộc sống thần thánh của Người trong khi chờ
đợi chúng ta chia sẻ vinh quang của Người trên trời.
+ Bài
Tin mừng : Mt 14,13-21.
Thánh Matthêu mô tả việc Chúa Giêsu
làm cho bánh hóa ra nhiều để nuôi hơn 5000 người ăn. Phép lạ cũng được cả bốn
Thánh sử ghi chép lại, nói lên sự quan trọng của sự việc. Chiều đến, Chúa Giêsu nói với các môn đệ :”Họ chẳng cần phải đi đâu, anh em hãy cho họ
ăn”.
Việc biến hoá bánh ra nhiều là biểu tượng phép Thánh Thể mà Chúa sẽ
thiết lập sau này. Thánh Thể cũng sẽ là lương thực, là của ăn của nhân loại
trên đường về quê trời. Và Chúa Giêsu
cũng thiết lập vào một buổi chiều tối, Giáo hội tiên khởi cũng “bẻ bánh” lúc
đêm về.
Phép Thánh Thể là bí tích của đoàn
người đi trong sa mạc, trong đêm tối dưới ánh sáng Chúa Phục sinh, như ngày xưa
dân Chúa đi qua sa mạc dưới ánh cột lửa và nhờ manna nuôi sống.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Lương thực
dưỡng nuôi chúng ta.
I. NHU CẦU CỦA CON
NGƯỜI.
Con người được kết hợp bởi hai phần :
linh hồn và thể xác. Mỗi phần có những nhu cầu khác nhau. Con người không những cần phải được thỏa mãn
những nhu cầu vật chất nhưng còn những nhu cầu tinh thần nữa.
1. Nhu cầu vật chất.
Con người cũng như các sinh vật phải
ăn mới có thể sống. không ăn không uống là chết, đó là qui luật tự nhiên cho
mọi sinh vật trên mặt đất này. Người Việt nam chúng ta hay nói :
Dĩ
thực vi tiên
hay
Có
thực mới vực được đạo.
Người Tây phương cũng nói giống như
thế :”Ăn đã rồi hãy triết lý”
(manducare priusquam philosophare).
Điều ấy chứng tỏ rằng ăn uống là cần
thiết và cũng là điều kiện tất yếu của sự sống.
Một cuộc nghiên cứu có tính cách quốc
tế cho biết một nửa dân số thế giới không được cung cấp đủ nuớc sạch và 450
triệu người mỗi đêm đi ngủ mà bụng đói meo. Nhiều nước châu Phi đã bị nạn đói
hoành hành trầm trọng cần được Liên hiệp quốc cứu trợ.
Xem ra loài người được cho là thông
minh nhất vẫn mãi mãi lo giải quyết cái ăn cái mặc. Và oái oăm thay vẫn những
phương tiện tối tân như cơ giới hóa việc cầy cấy, gieo trồng lúa đúng khoa học
kỹ thuật, thay trời làm mưa gió để tăng năng xuất, thế mà dường như thế giới
loài người càng ngày càng nghèo hơn, đói
khổ lan tràn. Ở Việt nam chúng ta,
chương trình xóa đói giảm nghèo đang được xúc tiến mạnh mẽ, hy vọng dân chúng sẽ bớt nghèo đói. Phải chăng đói khổ mãi mãi là hậu quả của tội
nguyên tổ mà con cháu loài người chúng ta phải lãnh đủ lời nguyền rủa của Thiên
Chúa “phải khó nhọc bưới đất nhặt cỏ mới
có của ăn” ?
Chúng ta nên nhớ rằng Thiên Chúa đã
tạo dựng nên trái đất này, một trái đất phong phú, sản sinh ra đầy đủ đến dư
thừa mọi lương thực chẳng những cho loài người mà còn cho muôn loài. Cho nên
trên căn bản là Chúa bảo đảm cho con người được no nê.
2. Nhu cầu tinh thần.
Con người tuy cũng là con vật nhưng là
một con vật có lý tính (Homo est animal rationale) không những chỉ đòi hỏi thỏa
mãn nhu cầu vật chất mà còn đòi hỏi thỏa mãn
những nhu cầu cao hơn vật chất : đó là những khát vọng cao hơn và quí
hơn như bình an sâu sắc, tình yêu chân thật, sự sống vĩnh cửu... Chân, thiện,
mỹ tuyệt đối. Những khát vọng này không ai và không cái gì có thể thoả mãn cho
chúng ta, ngoài một mình Thiên Chúa.
Chúa Giêsu rao giảng ở đâu thì người
ta tấp nập kéo đến khắp nơi từ thành thị đến thôn quê. Người ta đến quấy rầy
Chúa đến nỗi Ngài và các môn đệ không có thì giờ nghỉ ngơi ăn uống. Số
người đến nghe Chúa rao giảng rất đông.
Nếu chỉ tính riêng đàn ông mà đã tới 5000 người thì con số sẽ lên đến 10.000
hay 15.000 người nếu kể cả đàn bà và con nít.
Họ say mê đi nghe Chúa giảng đến nỗi quên cả thời gian, quên cả ăn uống.
Như trong bài Tin mừng hôm nay, sau khi đã giảng dạy dân chúng lâu giờ, trời đã
xế chiều, có lẽ vào khoảng 3 giờ chiều, các môn đệ giục Chúa cho họ về, vào
làng mạc mà mua thức ăn, kẻo ở nơi hoang địa thì không có gì ăn và đêm đã xuống
dần.
II. CHÚA THỎA MÃN
NHU CẦU CON NGƯỜI.
Thánh Matthêu cho biết khi hay tin
Chúa Giêsu xuống thuyền đi đến chỗ hoang vắng riêng biệt thì dân chúng từ các
thành đi bộ mà theo Người. Chúa Giêsu
thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương vì họ như đàn chiên không có
người chăn. Họ đến với Chúa như đến với vị mục tử nhân lành, họ đặt tin tưởng vào
Chúa. Đáp lại, Chúa Giêsu chữa lành nhiều bệnh nhân và đáp ứng nhu cầu vật chất
cho họ.
Dân chúng say mê nghe Chúa giảng, quên
ăn quên uống, nhưng dù sao dạ dầy của họ cũng phải nổi loạn khi không được cung
cấp thức ăn thức uống cho nó. Bóng chiều đang xuống dần mà dân còn đang ở trong
nơi hoang vắng xa làng mạc thành thị, họ ra về, đường còn xa sợ có người đói lả
dọc đường. Chúa Giêsu muốn các môn đệ cho họ ăn. Nhưng trong hoang địa này lấy
đâu ra lương thực cho ngần ấy người ăn. Ở đây chỉ có thằng nhỏ có 5 chiếc bánh
và 2 con cá. Bằng ấy thực phẩm thì nhằm
nhò gì với một biển người như vậy ! Nhưng Chúa Giêsu cứ bảo họ ngồi xuống thảm
cỏ để cho Người làm việc. Thánh Matthêu
kể :”Người cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con
cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ
trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người
ta thu lại được 12 giỏ đầy”.
Lời giảng của Chúa đã làm cho dân
chúng say mê, Lời Chúa là thức ăn nuôi dưỡng và bồi bổ cho linh hồn. Tuy thế,
Chúa không quên thỏa mãn nhu cầu vật chất cho họ, vì họ là con người có hồn có
xác, phải được nuôi dưỡng đầy đủ. Như vậy Chúa thực hiện lời khuyên :”Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa, còn mọi sự
khác Người sẽ thêm cho”.
Ngoài thức ăn vật chất, Chúa Giêsu còn
muốn hướng con người đến một thức ăn khác nữa, cần thiết hơn, qúi trọng hơn.
Bởi đó, sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, người ta tiếp tục tuốn đến với Chúa mong
Người tái diễn phép lạ ấy, nhưng Người đã lánh họ mà đi. Theo tường thuật của
thánh Gioan , Người còn nói với họ :”Các
ngươi tìm Ta chỉ vì đã được ăn bánh no nê. Hãy nỗ lực tìm kiếm thứ lương thực
nuôi dưỡng sự sống muôn đời”. Thứ
lương thực ấy chính là bản thân của Chúa Giêsu, được ban cho chúng ta qua bí
tich Thánh Thể.
III. CHÚA CẦN CHÚNG
TA CỘNG TÁC.
Ở đây diễn tả lòng nhân đạo của các
Tông đồ đối với dân chúng. Nhưng lòng nhân đạo này chỉ có tính cách hạn hẹp
theo khả năng tự nhiên của con người, nên bất lực không thể lo cho họ ăn được.
Vì thế ở đây muốn nói lên sự hạn hữu và bất lực của con người nơi các Tông đồ
nhưng chính sự bất lực này làm nổi bật quyền năng của Thiên Chúa qua Chúa
Giêsu trong việc làm phép lạ hóa bánh ra
nhiều để nuôi đám đông dân chúng.
Chúa Giêsu biết rõ các Tông đồ bất lực
trong việc cho dân chúng ăn no, nhưng Người vẫn ra lệnh cho các ông để chứng tỏ
việc phân phát có ý nghĩa như một trung gian, cho dân chúng ăn là việc các Tông
đồ làm được, còn việc làm cho có bánh nhiều là việc các Tông đồ bất lực thì
chính Người sẽ làm thay (x Ga 6,6).
(Trần hữu Thành, Suy niệm Tin mừng Chúa nhật năm A, tr
235-236).
Chúa Giêsu không muốn làm việc một
mình, Ngài muốn cho chúng ta cộng tác, mỗi cái Ngài làm một nửa, Ngài để công
việc còn “dang dở” cho chúng ta
tiếp tục.
Chiều hôm ấy, đám dân chúng đói không
có gì ăn. Các môn đệ không đủ bánh, nghĩa là có nhưng thiếu ; hoặc nói cách
khác là có mà dở dang. Chúa không vất cái dở dang ấy rồi tự mình làm phép lạ.
Chúa bảo đem cáo dở dang ấy đến. Sao Chúa không làm phép lạ cho có bánh, mà chỉ
làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều ? Sao
Chúa ưa thích cái dang dở của các Tông đồ làm chi (Mc 6, 36-43) ?
Chúa thích làm phép lạ dang dở. Chúa
làm có một nửa nên nhân loại mới được
góp phần trong công việc trọng đại ấy. Cái dang dở Chúa để xẩy ra là
dang dở huyền nhiệm. Thiếu dang dở này con người thiệt thòi biết bao. Cần có những dang dở của Chúa để dang dở của
con người hết dở dang. Con người không thể làm phép lạ tự cứu lấy mình. Chúa
cũng không cứu con người khi con người không tự do lãnh nhận. Phép lạ của Chúa
cần là phép lạ một nửa, phép lạ dang dở để tôi được tham dự. Cái dở dang của
Chúa là chỗ trống cho tôi bước vào. Cái dở dang của Chúa thật là huyền diệu,
sâu thẳm.
(Nguyễn tầm Thường, Viết
trong tâm hồn, tr 7)
Các Tông đồ chỉ kiếm cho Chúa được có 5
cái bánh và 2 con cá. Thật là một đóng góp quá nhỏ nhoi, nhưng thực ra, chỉ cần
bằng ấy đã quá đủ đối với Chúa. Chúa không muốn làm phép lạ tự không mà có bánh
cho họ ăn, nhưng Chúa muốn cho con người đóng góp một chút để cộng tác với Chúa. Như vậy, phép
lạ hóa bánh ra nhiều là kết quả của sự kết hợp giữa quyền năng vô biên của Chúa
với sự cộng tác nhỏ bé của con người.
Việc này muốn dạy rằng để giải quyết
kinh tế, con người với trí óc thông minh và sức lực sẵn có của mình tự tìm kiếm
miếng cơm manh áo cách chính đáng trước, còn thiếu những gì Chúa sẽ bù đắp
thêm. Cho nên phải tránh tính ỷ lại, lòng cậy trông kiểu giao khóan trắng cho
Chúa an bài, còn mình ngồi không mà thụ hưởng hay kiêu căng tự phụ cho mình làm
ra tất cả, chẳng ai giúp đỡ kể cả Thiên Chúa.
Truyện : Người chạnh lòng thương.
Me Têrêsa Calcutta thuật lại một câu
chuyện như sau : Một hôm, có một cặp vợ chồng trẻ đến thăm tu viện và trao tặng
cho chúng tôi một khoản tiền lớn, bảo là để đóng góp vào chi phí mua thức ăn
cho những người nghèo.
Ở Calcutta mỗi ngày dòng Nữ tử Bác ái
Truyền giáo chúng tôi phải cung cấp lương thực cho 9000 người. Bởi đó không lạ
gì hai bạn trẻ này muốn dùng khoản tiền họ tặng vào mục tiêu trên.
Thấy họ còn quá trẻ, tôi tò mò hỏi :
- Hai con có thể cho mẹ biết tiền đâu mà hai con có nhiều thế ?
Họ trả lời :
- Chúng con vừa cưới nhau được hai
ngày. Chúng con quyết định không may đồ cưới, cũng không tổ chức linh đình, để
dùng tiền đó giúp những người kém may mắn hơn chúng con..
Mẹ Têrêsa hỏi tiếp :
- Ở Ân độ, không có quần áo cưới và
tiệc cưới là điều nhục nhã. Tại sao các con lại quyết định táo bạo như thế, làm
phật lòng cha mẹ và họ hàng ?
Họ thưa :
- Chúng con yêu nhau và muốn tặng nhau
món quà cưới đặc biệt. Chúng con muốn khởi đầu cuộc chung sống bằng một hy sinh
mà cả hai cùng đóng góp vào.
(Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, tr 106-107)
Hôm nay, Người cũng mời gọi chúng ta
góp phần nhỏ bé và âm thầm của mình cho anh em. Người chờ đợi nơi chúng ta một
chút lòng chạnh thương. Và cả thế giới được hưởng chung phép lạ lẫy lừng của
Thiên Chúa.
Thực ra, con người chỉ tìm được ý
nghĩa cho cuộc sống khi biết chia sẻ cho đi. Con người chỉ lớn lên theo mức độ
của sự trao ban vô vị lợi mà thôi. Có
biết trao ban thì con người mới thực sự triển nở trong nhân cách. Có biế trao
ban thì con người mới vui sống và tìm được hạnh phúc đích thực trong cuộc
sống. Triết gia Platon quả quyết :”Con người chỉ tìm được hạnh phúc khi làm cho người khác được hạnh phúc”. Thánh Phaolô cũng đã ghi lại khuôn vàng thước
ngọc của Chúa Giêsu :”Cho thì có phúc hơn
nhận lãnh” (Cv 20,35).
Chúng ta hãy làm cho thế giới này được
hạnh phúc. Chắc chúng ta cho rằng mình
chỉ là hạt cát trong biển cả làm sao có thể làm gì cho thế giới ? Đúng vậy, chúng ta quá nhỏ nhoi và yếu đuối,
tài hèn, nhưng Thiên Chúa chỉ cần chúng
ta đúng góp phần nhỏ mọn của chúng ta như một dụng cụ trung thành, còn bao
nhiêu hãy dành cho Chúa. Cậu bé với 5
cái bánh và 2 con cá làm sao có thể làm cho ngần ấy người ăn no lại còn thu
được 12 thúng đầy ? Cậu không làm được, nhưng Chúa làm được. Thiên Chúa sẽ
hoành chỉnh được những cái “dang dở” của ta.
Trong thời kỳ mới tìm hiểu đạo Chúa,
Premanand đến liên lạc với Giám mục Whiley ở Ranchi. Ông viết :”Vị giám mục đọc
Kinh thánh với tôi mỗi ngày. Đôi khi tôi đọc tiếng Bangal. Càng sống gần vị
giám mục, tôi càng đến gần ngài hơn, và Chúa Cứu thế càng được bầy tỏ cho tôi
qua đời sống của ngài. Hành động và lời
nói của ngài khiến tôi dễ hiểu được giáo huấn của Chúa Giêsu về những điều tôi
đọc trong Kinh thánh mỗi ngày. Tôi có một sự hiểu biết mới về Chúa Giêsu khi
tôi nhìn thấy cuộc đời yêu thương, hy sinh và từ chối bản thân của Chúa Cứu thế
trong đời sống hằng ngày của vị giám mục, đối với tôi ngài thực sự là sứ giả
của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cần những môn
đệ để Ngài có thể làm việc qua họ, và nhờ họ đem chân lý và tình yêu của Ngài
đến với đời sống của người khác. Không có những người như vậy, Ngài không thể
làm việc. Phận sự chúng ta là làm những người đó cho Ngài. Người ta dễ lo sợ
nản lòng đối với một công tác to lớn như vậy”.
Nhưng còn một điều khác trong câu
truyện này có thể nâng cao tinh thần của chúng ta. Khi Chúa Giêsu bảo môn đệ
cho đám đông ăn, họ bảo chỉ có 5 cái bánh và 2 con cá. Với những thứ họ mang
đến đó, Chúa Giêsu đã làm phép lạ. Chúa đặt trên mỗi chúng ta một công tác
trọng đại là truyền đạt Ngài cho người khác, nhưng Ngài không đòi hỏi chúng ta
những tài năng, tiền của và những phẩm tính mà chúng ta không có. Ngài bảo
chúng ta :”Hãy đến với Ta bằng con người thật của ngươi, dù nó nghèo nàn, hãy mang
đến Ta điều gì ngươi có, dù ít ỏi, và Ta sẽ xử dụng nó một cách lớn lao trong
công việc của Ta”.
(TVH, Tin mừng Chúa
nhật, năm A, tr 192)
Chúng ta hãy kết thúc với bài thơ của
Amado Nervo, một đại thi sĩ cũng là một nhà huyền bí, người Mễ tây Cơ. Bài thơ này tóm tắt sứ điệp và tinh thần bài
Tin mừng hôm nay :
“Con chỉ là một tia lửa,
xin biến con thành ngọn lửa.
Con chỉ là một sợi dây,
xin biến con thành chiếc đàn.
Con chỉ là một ngọn đồi cỏn con,
xin biến con thành ngọn núi.
Con chỉ là một giọt nước,
xin
biến con thành một giòng suối.
Con
chỉ là một cọng lông,
xin biến con thành chiếc cánh.
Con chỉ là gã ăn mày,
xin biến con thành một ông vua”.
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt