CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN A
HÃY TÌM GẶP THIÊN CHÚA
+++
A. DẪN NHẬP.
Trong cuộc sống ai cũng muốn cho mình có một đời sống an toàn, được
bảo đảm, không gặp những thử thách, những trở ngại làm cho mình phải lo sợ. Đấy
là ước vọng chung của mọi người. Nhưng trong thực tế, không ai có một cuộc đời
tươi đẹp như thế, bao lâu còn ở trên trần thế này. Cuộc đời không thiếu gì chông
gai, không thiếu gì những gian nan thử thách
làm cho nhiều người có thể vươn lên và có thể làm cho nhiều người bị tụt
xuống.
Phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt nước và cứu ông Phêrô cho khỏi bị
chìm nói lên quyền năng vô biên của Chúa. Trong cuộc sống bình yên cũng như
trong những lúc gặp gian nan thử thách, Thiên Chúa luôn ở bên cạnh con người. Chúa
sẵn sàng ban ơn phù trợ và cứu giúp khi chúng ta kêu cầu. Để bảo đảm cho cuộc sống, chúng ta hãy luôn
ngước mắt nhìn lên Chúa, đừng nhìn xuống, đừng cậy dựa vào mình hay vào người
khác mà chỉ cậy nhờ ơn Chúa phù giúp, kêu cầu Chúa như thánh Phêrô đã làm :”Lạy Thầy, xin cứu con”. Tin tưởng phó thác
vào Chúa như vậy con người sẽ có một cuộc sống an toàn.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : 1V
19,9a.11-13.
Thời vua Akháp đang trị vì nước Israel, hoàng hậu Zébabel đem việc
thờ phượng thần Baal vào nước, tiên tri
Elia phải liều mạng đến kéo đồng bào ông về với Thiên Chúa, giải thoát họ khỏi
gông cùm của tà thần, dù một mình phải thách thức với cả ngàn sư sãi thờ thần
Baal của hoàng hậu và nhà vua. Dù thắng cuộc và sư sãi thần Baal bị tiêu diệt, ông
vẫn phải trốn thoát tay hung tàn của hoàng hậu lùng bắt.
Ông phải chạy trốn lên núi Horeb trong một quãnh đường dài mệt mỏi.
Nơi đây Thiên Chúa đã hiện ra với ông, không phải trong tiếng sấm sét ầm ĩ của
một thiên nhiên giận dữ như khi hiện ra với ông Moisen, nhưng hiện ra với ông một
cách êm dịu trong sự tĩnh mịch của miền rừng núi. Elia không nhìn thấy Ngài, nhưng
ông biết Ngài đang hiện diện bên cạnh ông qua một làn gió hiu hiu.
+ Bài đọc 2 : Rm 9,1-5.
Thánh Phaolô giãi bầy tâm sự với tín hữu Roma : Ngài rất đau buồn khi
thấy đồng bào Do thái của Ngài không tin nhận Đức Kitô. Ngài muốn nói lên tình
yêu của Ngài đối với dân Do thái, dân Chúa chọn, mà trong những thế kỷ trước đã
được đầy tràn hồng ân của Chúa. Vì tình yêu thắm thiết ấy, thánh Phaolô sẵn sàng
chịu cho người ta nguyền rủa, ngay cả việc xa rời Chúa Kitô, nếu mãi mãi sự hy
sinh này cứu được dân Do thái.
Nhưng dù sao, Ngài cũng hy vọng rằng cuối cùng dân Do thái cũng sẽ
tin, bởi vì dù sao họ cũng “được quyền làm
con, được cho thấy vinh quang, nhận giao ước, lề luật, phụng tự và lời hứa”.
+ Bài
Tin mừng : Mt 14,22-33.
Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng hào hứng, muốn tôn Đức Giêsu
lên làm vua. Điều đó không phù hợp với sứ mạng Messia của Ngài. Có lẽ Ngài không
muốn cho lòng hăng hái lệch lạc này tác động
lên các tông đồ, nên đã vội vã bảo các ông lên thuyền sang bên bờ kia.
Sáng sớm Ngài đã đi trên mặt nước mà đến với các ông. Họ tưởng Ngài
là ma nên đã kêu rú lên. Nhưng Chúa Giêsu đã trấn an họ. Ông Phêrô muốn rời
thuyền đi trên mặt nước mà đến với Chúa. Được sự đồng ý của Chúa, ông mạnh dạn
bước đi, nhưng vì sóng lớn, ông sắp bị chìm, đã kêu lên :”Lạy Thầy, xin cứu con”. Chúa
Giêsu đưa tay ra đỡ ông lên tuyền và trách ông thiếu lòng tin. Sau biến cố này,
các môn đệ đã thốt lên :”Quả thật, Ngài là
Con ThiênChúa”.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Có Chúa trong cuộc đời.
Trên trần gian này ai cũng muốn được hạnh phúc, còn hạnh phúc đời
sau thì tùy ở mỗi người, có đức tin hay không. Sống trên đời, con người ai cũng
muốn được an toàn may mắn, gặp những điều tốt đẹp... nên họ chúc nhau : vạn sự như ý. Thế nhưng những trang lịch sử của toàn thế giới,
của các dân tộc và của riêng bao con người, đã cho thấy rằng các điều tốt đẹp
trên nếu có đạt được thì rất giới hạn và mau qua. Ngay trong đời sống của các thánh hiền hay của
những người có đức Kitô hiện diện cũng
không có nghĩa là họ thoát khỏi những khó khăn không ngờ xẩy đến.
Tuy nhiên, nếu như xưa Đức Kitô ở bên cạnh các tông đồ, giúp đỡ các
ông thắng vượt những khó khăn trên mặt biển, thì sự hiện diện của Đức Kitô nơi
chúng ta sẽ giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận và vượt qua những khó khăn hằng ngày
trong cuộc sống như vậy vì “ngày nào có sự khó cho ngày ấy”. Chính trong các
hoàn cảnh này, niềm tin của chúng ta mới
phát triển và trưởng thành hơn.
Kinh nghiệm cho hay những người có đức tin hay những người chẳng có
đức tin đều bị chi phối bởi những luật lệ
thiên nhiên mà không ai chống lại được. Không thiếu gì những thiên tai do thiên
nhiên đưa đến như bão lụt, động đất, hạn hán, sóng thần... hoặc do con người gây
ra như chiến tranh, loạn lạc, hận thù chia rẽ, khủng bố, nghèo đói...
Nữ sĩ Đoàn thị Điểm đã nói
lên nhận xét của mình về một xã hội chứa đầy những đau khổ loạn ly trong phần mở
đầu cuốn “Chinh phụ ngâm khúc” :
Thuở trời đất
nổi cơn gió bụi
Khách
má hồng nhiêu nỗi truân chuyên
Xanh
kia thăm thẳm tầng không,
Nào
ai gây dựng nên nông nỗi này ?
Thi sĩ Nguyễn Du cũng gửi
gấm tâm sự của mình trước những cảnh nhiễu nhương của xã hội thời ông, trong cuốn
“Đoạn trường tân thanh” :
Trăm năm trong cuộc
bể dâu,
Những điều trông thấy
mà đau đớn lòng.
Theo nhận xét của Nguyễn
Du đời người là mộc cuộc bể dâu, thay thay đổi đổi không ngừng, không có gì là
vững chắc. Trong những thay đổi ấy thi sĩ thấy có biết bao nhiêu cảnh đoạn trường
xẩy ra làm cho mình đau đớn. Chính những
điều thay đổi ấy không làm cho thi sĩ được yên ủi, nhưng ngược lại làm cho thi
sĩ phải buồn sầu đối với “Những điều trông
thấy mà đau đớn lòng”.
Thi sĩ Xuân Diệu thì có cái nhìn bi quan vềà sự
thay đổi của sự vật, nghĩa là chỉ nhìn thấy cái mất mà không thấy cái còn :
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt.
Một thi sĩ khác cũng phát biểu như thế :
Hoa nở để mà tàn,
Trăng tròn để mà khuyết,
Mây hợp để mà tan,
Nước đầy để mà vơi.
Có rất nhiều người trên đời đã phải vật lộn với biết bao gian nan
thử thách để mà sống. Có người đã vượt qua, có người bị đắm chìm, nên người ta đã
gửi kinh nghiệm sống ấy vào câu tục ngữ : Ba
chìm bảy nổi chín lênh đênh : nghĩa là số phận của con người, hoặc cuộc sống
long đong gặp nhiều gian truân vất vả.
1. Trong đời sống
vật chất và tinh thần.
Đối với những người yếu đuối tinh thần, những người nhu nhược thì sự
gian nan khốn khó làm cho họ nản lòng rủn chí. Trái lại, đối với những người có
ý chí vững mạnh, gian nan khốn khó càng
là động lực thúc đẩy họ tiến lên. Ông Baden
Powell, ông tổ của Hướng Đạo, đã nói :”Đời
sẽ thành vô vị nếu toàn là đường mật ; muối sẽ mặn chát nếu ta nhấm một mình nó,
nhưng khi bỏ nó vào đồ ăn, nó là một thứ gia vị ngon lành. Khó khăn, trở ngại đều
là những hạt muối trong đời”.
Người Đông phương thường truyền lại một câu chuyện mang tính chất
ngụ ngôn như thế này : Ngày xưa có chàng nông phu theo truyền thống lâu đời của
gia đình, năm nào cũng chăm chỉ cầy bừa đào xới đất ruộng, dù mười hai năm liền
trời không mưa.
Ngày nay phần đông chúng ta chỉ cần một năm trời hạn hán là đâm ra
chán nản, không muốn tiếp tục cầy ruộng nữa.
Chúng ta thường là những người thiếu ý chí, quên lời dạy của cổ nhân :”Ở đời không có con đường nào bước một bước mà
đến nơi bao giờ”.
Người ta cho gian nan thử thách là một điều cần thiết để đề cao giá
trị con người không biết mỏi mệt, không chịu đầu hàng trước những khó khăn :
Có gió lung mới biết
tùng bá cứng,
Có ngọn lửa hừng mới biết thức vàng
cao.
(Tục ngữ)
Hoặc một nhận xét rất thực tế của một
danh nhân :
“Những
cây mạnh nhất, cao nhất, mọc trên những mảnh đất cằn cỗi nhất”.
Bời vì kinh nghiệm của một thi sĩ đã
cho biết :
Chiến đấu có gian nan
Khải
hoàn mới vinh quang.
(Corneille)
2. Trong đời sống thiêng liêng.
Chúa Giêsu đã lãm gương cho chúng ta về
sự chấp nhận và biết thánh hoá những gian nan thử thách trong đời sống hằng ngày.
Thánh Phaolô đã diễn tả trong một bài Thánh ca :
“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên
Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng
đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống
như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu
chết, chết trên cây thập tự” (Tc Pl 2, 6-8).
Kinh thánh cũng cho biết gian nan thử
thách là cần vì nhờ đó mà vàng thau không còn lẫn lộn nữa. Nhờ thử thách vàng ròng
sẽ được tinh luyện :”Lửa thử vàng, gian
nan thử đức”. Vì thế người ta nói :
Vàng vào lửa hoá vàng y
Rác
rơm vào lửa biến đi đàng nào.
Thánh vịnh 90 cho biết cuộc đời con người
vắn vỏi chỉ như cơn gió thoảng qua, nhưng trong đó có biết bao đau khổ con người
phải chịu :
Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục
Mạnh
giỏi chăng là được tám mươi
Mà
phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ
Cuộc
đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.
(Tv
90,10)
Thánh Phaolô đã bị đau khổ dằn vặt vì
những khó khăn xẩy ra nơi mình. Ngài đã phải chiến đấu khổ sở. Ngài đã tiết lộ
cuộc chiến đấu cam go của ngài cho tín hữu Côrintô:”Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được,
thân xác tôi đã bị như một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả
mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi
khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi :”Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh
của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,7-9).
Truyện: Chỉ bán hạt giống.
Cha Antony de Mello kể lại giấc mơ của Paquita như sau : Nàng rảo quanh các quầy
hàng của một trong những cửa tiệm lớn nhất hành tinh. Bỗng nhiên nàng nhận
ra Thiên Chúa sau một quầy hàng :
- Lạy Chúa, Ngài bán gì vậy ?
- Tất cả những gì mà lòng con mong ước.
- Con muốn mua sự bình an trong tâm hồn,
tình yêu, sự khôn ngoan, những liều thuốc chữa trị mọi thứ sợ hãi.
- Tốt
lắm, nhưng ở đây không bán trái mà chỉ bán hạt giống thôi.
(André Sève, Sương mai, tr 51-52)
III. THÁI ĐỘ CỦA TA TRƯỚC GIAO NAN THỬ THÁCH.
Ta có thể coi trần gian là một
biển rộng mênh mông, con người chỉ là một chiếc thuyền trên mặt biển. Mặt biển có lúc phẳng lặng, con thuyền có thể lướt
qua mặt nước một cách an toàn. Nhưng cũng có lúc mặt biển nổi sóng to gió lớn
như biển Tibériade mà các tông đồ đang gặp phải trong bài Tin mừng hôm nay thì
con thuyền sẽ chao đảo, phải chèo chống mạnh mẽ. Trong những lúc con thuyền đời ta đang gặp sóng
gió trên biển cả, ta phải làm gì ? Một
mình chèo chống chưa đủ vì sức người yếu đuối, sóng gió lại dữ dội. Ngoài sức chèo chống của mình, chúng ta còn
phải kêu cầu Chúa đến giúp đỡ như các tông đồ đã làm :”Xin cứu con với”!
1. Ta phải tin cậy Chúa.
Trong cơn gian nan thử thách
ta hay thất bại, nản lòng vì chỉ tin vào sức mình hay vào người khác. Để vượt
qua những khó khăn ấy, Chúa đòi chúng ta phải có lòng tin vào Chúa. Thánh Phêrô
đã chứùng minh điều đó : khi bước xuống khỏi thuyền đi trên mặt nước đến với Chúa
: ông tin. Khi sắp bị chìm, ông sợ hãi kêu cứu : ông mất tin. Khi Chúa kéo ông
lên thuyền : ông tin. Tại sao ông Phêrô
cũng như chúng ta sợ ? Vì thiếu lòng tin. Chúa khuyên :”Đừng sợ”.
Truyện : đức tin lớn lao.
Có một bà nổi tiếng đạo đức,
nhân hậu và luôn bình tĩnh trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm,
nghe nói thì tìm đến, hy vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà
hỏi :
- Thưa bà, có phải bà có một
đức tin lớn lao ?
- Ồ không, tôi không phải là
người có đức tin lớn lao, mà chỉ là một người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên
Chúa lớn lao.
(Trích ở Góp nhặt)
Hai hình ảnh về một lòng tin
đã được thánh Matthêu nối kết với nhau, như một đối trọng, nói lên sự hiện diện
của Thiên Chúa ở cùng, luôn là điều cần thiết cho các môn đệ năm xưa. Lòng tin
của chúng ta vào Thiên Chúa như một mặt hồ phản chiếu. Có những lúc phẳng lặng
trong suốt soi rõ những vẻ đẹp thiên nhiên. Nhưng nhiều khi chỉ một làn gió nhẹ
làm gợn sóng, mặt hồ liền xáo động, bao nhiêu vẻ đẹp đều tan biến.
Nhìn lại những thăng trầm của
cuộc đời, mỗi khi chúng ta được sống trong bầu khí an vui, được hài lòng với mọi
sở nguyện, chúng ta dễ dàng xác tín và cảm nhận mạnh mẽ sự quan phòng của Chúa.
Thế nhưng khi gặp phải những gian nan thử thách, những điều bất ưng, những nghịch
cảnh – như các môn đệ xưa ở giữa sóng gió -
chúng ta dễ dàng hoang mang lo sợ và không nhận ra Ngài. Bởi lẽ chúng ta
đã quá lo lắng về cuộc sống và chỉ biết tự lo liệu lấy một mình. Nhưng “Phúc
thay ai bước đi không phải nhờ cái nhìn, mà nhờ sự phó thác của niềm tin” (Sh Roger). Quả thật, lòng tin của chúng
ta đã nhiều lúc yếu ớt, mong manh – một khi chúng ta không biết tín thác vào Chúa
Kitô để có sự bình an, không còn chia sẻ con đường thập giá như một phương tiện
để hưởng nhờ vinh quang với Ngài.
(Mai Chi, CG và DT,
số Giáng sinh 95, tr 228)
2. Ta phải nỗ lực.
Chúa luôn yêu thương ta, Chúa
không bao giờ “đem con bỏ chợ”. Nhưng
thương yêu không có nghĩa là lúc nào Ngài cũng âu yếm ôm ta vào lòng, chiều chuộng
như một đứa con nít, nhưng Chúa muốn ta phải trưởng thành, phải chịu gian nan
thử thách để thành nhân.
Tuy Chúa để ta phải chịu thử
thách, Ngài đã đo lường sức chịu đựng của chúng ta, không bao giờ chúng ta phải
chịu thử thách quá mức. Chúa chỉ đòi chúng ta cộng tác một nửa hay ít ra một phần,
còn bao nhiêu thì để phần cho Chúa, giống như trường hợp các tông đồ chỉ cung cấp
cho Chúa có 5 cái bánh và 2 con cá, nhưng Chúa đã làm cho 5000 người đàn ông ăn
no không kể đàn bà con trẻ, lại còn thu được 12 thúng bánh vụn.
Muốn thành công, Chúa đòi chúng
ta phải cộng tác, Chúa không chịu làm một mình. Thánh Augustinô đã có kinh nghiệm về chân lý ấy khi viết trong cuốn “Tự thuật”
:”Lạy Chúa, khi dựng nên con Chúa không cần
có con, nhưng Chúa không thể cứu con nếu con không cộng tác’.
Truyện : Phải kiên trì
Ông Paden Powell kể : Có hai con ếch té nhào vào trong một lu sữa to lớn.
Cả hai dẫy dụa và mệt lử. Một con nản lòng và chết đuối. Con kia cũng thất vọng,
nhưng mà điều đó càng khiến nó vùng vẫy đến nỗi nó trèo được lên đỉnh một khối
bơ, vì nhờ vậy mà nó thoát chết.
3. Ta phải cầu nguyện.
Trong cuộc sống chúng ta gặp
phải nhiều khó khăn, những ngăn trở làm cho chúng ta hoang mang. Chúng ta có thể
tham khảo ý kiến của những người khôn ngoan, hiểu biết hơn, nhưng những hiểu biết
đó chỉ có hạn ; hơn nữa những khó khăn ấy vượt khả năng của chúng ta, chỉ còn một
lối thoát là hãy chạy đến với Chúa, xin Ngài giúp đỡ. Hãy theo gương thánh Phêrô
kêu xin Chúa giúp :”Lạy Thầy, xin cứu con”. Hãy nhìn thẳng vào Chúa, đừng rời
Chúa. Bao lâu con mắt ta rời Chúa là ta thất bại vì chỉ biết nhìn vào chính
mình hoặc vào người khác.
Truyện : Hãy nhìn lên.
Vào lúc mới có thuyền buồm,
một cậu bé nọ xin đi biển để học làm thủy thủ. Một hôm biển có bão, người ta bảo
cậu leo lên trên cột buồm. Leo được nửa phần đầu thì dễ dàng vì cậu cứ đưa mắt
gắn chặt vào bầu trời. Nhưng đến lưng chừng
cậu lại phạm một sai lầm. Cậu nhìn xuống mặt nước biển trong cơn bão, thế là cậu
bị chóng mặt và sắp sửa ngã xuống.
Thấy thế, một thủy thủ già
la to lên với cậu :”Này nhóc, ngước nhìn lên lại bầu trời đi ! Nhìn lên lại bầu
trời đi”. Cậu bé nghe theo lời chỉ dẫn và cuối cùng đã leo lên được an toàn.
Lỗi lầm của cậu bé, giống hệt
lỗi lầm của Phêrô trong bài Tin mừng hôm nay.
Cậu ta đã rời mắt khỏi đích nhắm của mình và đã nhìn xuống mặt biển giông
tố giống như Phêrô đã rời mắt khỏi Chúa Giêsu và nhìn xuống mặt biển giông tố.
(M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr 242)
Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta thẳng
thắn nhìn vào cuộc sống của mình. Nếu chúng ta không cảm nghiệm được sự bình an
là niềm vui thiêng liêng mà ta đã từng cảm nhận, thì chắc hẳn là vì chúng ta đã rời khỏi mắt Chúa Giêsu. Nếu
chúng ta đang sắp bị bão tố cuộc đời nuốt trửng, thì có lẽ là vì chúng ta đã rời
mắt đi xa Chúa Giêsu.
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt