CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN A

THIÊN CHÚA MUỐN CỨU RỖI MỌI NGƯỜI

+++

A. DẪN NHẬP.

 

          Thiên Chúa không dành riêng ơn cứu độ cho một dân tộc nào mà muốn dành cho mọi dân tộc không phân biệt mầu da, tiếng nói. Dân Do thái là dân được tuyển chọn, dân riêng của Chúa được chuẩn bị để đón nhận ơn cứu độ, đón nhận lời rao giảng của Chúa Giêsu , nhưng họ dã từ chối, lại còn chống đối Ngài.

 

          Người đàn bà Canaan là đại diện cho dân ngoại được đón nhận đức tin, được Chúa ban hồng ân theo lòng tin khiêm tốn và kiên trì của bà. Chính Chúa Giêsu đã phải bỡ ngỡ về lòng tin sắt đá của bà nên đã khen ngợi :”Lòng tin của bà mạnh thật”, và đáp lại lòng tin ấy Chúa Giêsu đã nói :”Bà muốn sao thì được như vậy”.

 

          Chúng ta là những Kitô hữu , ai cũng đã có đức tin nhưng nhiều khi còn non yếu, có khi còn non  yếu hơn cả người ngoại. Hãy củng cố đức tin ấy và sẵn sàng đón nhận những thử thách Chúa gửi cho để đức tin của chúng ta mỗi ngày một tăng trưởng dưới sứ hướng dẫn và che chở của Chúa.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

          +  Bài đọc 1 : Is 56,1.6-7.

 

          Tiên tri Isaia đã viết đoạn sách này từ một thế kỷ sau cuộc lưu đầy ở Babylon. Dân Israel được trở về quê hương, xây dựng lại đền thờ Giêrusalem, và đền thờ trở nên trung tâm của mọi sinh hoạt tôn giáo và xã hội.  Isaia cho biết : Thiên Chúa không những chỉ dành ơn cứu độ cho dân riêng của Ngài là Israel, Ngài còn muốn mở rộng dân này bằng cách nhận tất cả những ai thừa nhận Ngài như là Đức Chúa chân thật và duy nhất, mà hiến thân phục vụ Ngài vì “Nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.

 

          +  Bài đọc 2 : Rm 11,13-15.29-32.

 

          Trên bước đường truyền giáo, thánh Phaolô thấy dân Do thái đã được chuẩn bị đón Chúa lại khước từ không nhận Người.  Tuy thế, Ngài không thất vọng, vì dân ngoại đã có lòng tin mạnh mẽ nên được Thiên Chúa xót thương, để cho dân Do thái, dân đã có đạo từ lâu, thấy mình không được ơn thương xót cứu giúp vì kém lòng tin, nên phải có lòng tin mạnh mẽ mới mong được ơn thương xót của Chúa.

 

          Lòng thương xót của Chúa đối với dân ngoại là một đòn bẩy gián tiếp bẩy dân có đạo noi gương lòng tin mạnh mẽ của dân ngoại, đánh thức lòng tin của dân Chúa để sẽ được Chúa xót thương.

 

 

 

          +  Bài Tin mừng : Mt 15,21-28.

 

          Bài Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta : Thiên Chúa không phải chỉ dành riêng cho dân Do thái mà còn ban ơn cho cả dân ngoại.  Người đàn bà Canaan là một người dân ngoại, đáng lẽ bà không được hưởng hồng ân của Chúa ban  vì Đức Giêsu chỉ muốn thi hành sứ mệnh của Ngài với dân Do thái mà thôi, theo lời Ngài đã hứa với họ, nhưng Chúa không ngần ngại nhận lời cầu xin của người dân ngoại này.

 

          Tại sao Chúa ban hồng ân cho bà ấy ? Vì bà đã có đức tin rất khiêm nhường và hoàn toàn trông cậy nên bà ấy đã làm cho Chúa xiêu lòng : Ngài đã nhận lời cầu xin của bà và hứa cho con bà khỏi bị quỉ ám.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

                                                Lòng tin của bà mạnh thật

          Lòng tin mạnh mẽ cần thiết,  thế nên lòng tin ấy cần phát sinh tâm tình khiêm hạ, can đảm, kiên trì cũng như niềm hy vọng thật  sự thì lòng tin ấy mới có hiệu lực và ích lợi.  Người đàn bà Canaan ngày hôm nay, do lòng tin mạnh mẽ, nên bà đã khiêm hạ thực sự, nhìn nhận tất cả những thành kiến của người khác đối với mình, sự khiêm hạ này đã khiến Đức Kitô động lòng như thế nào ?

 

          Bà cũng đã can đảm nói lên ước muốn và kiên trì  xin cho được một ân huệ, bất chấp sự thinh lặng hững hờ của Chúa Giêsu, và bà đã không thất vọng vì những câu trả lời của Đức Giêsu đối với các môn đệ. Trái lại, qua những lời bà nghe thấy, bà nắm chắc được tia hy vọng lóe sáng ở đó : Ngài để cho vụn bánh từ bàn ăn rơi xuống... nhờ niềm hy vọng mà lời cầu xin của bà ta có sức mạnh.

 

I. NÓI VỀ ĐỨC TIN.

 

1. Tin là gì ?

 

  Đức tin là hạt giống thiên ân. Hạt giống đức tin vun trồng nhờ ơn thánh và sự nỗ lực của từng cá nhân. Tin là đòi hỏi chúng ta chấp nhận những điều vượt trên sự lý giải của lý trí. “Tin là chấp nhận vô điều kiện và bước theo” (ĐHY Nguyễn văn Thuận).

 

Phân tích chữ TIN.

          Chữ TIN bởi chữ TÍN.

          Theo Hán học, chữ TÍN gỗm chữ ‘nhân” và chữ “ngôn”, nghĩa là tin vào lời người khác nói.

          Tiếng Pháp thì chữ  CROIRE , nguyên ngữ của nó nghĩa là ‘dựa vào lời lẽ kẻ khác và chứng kẻ khác mà tin” vì họ không thể sai lầm và không thể đánh lừa ta.

 

          Chữ TIN còn có nghĩa rộng là nhận làm chắc chắn những cái ngũ quan ta không thấy, chỉ nhờ lý luận của ta mà biết có thực.  Ví dụ : Tôi thấy có vùng khói trước mặt tôi, tôi tin có lửa sau bức tường che mắt tôi.

          Theo SPINOZA và những triết gia khác đã phân tách : tin là việc hoàn toàn tùy thuộc vào lý trí, chúng ta tin vì những lý chứng hiển nhiên đáng cho ta tin. Một ý tưởng hiển nhiên nó thúc bảo chúng ta phải tin, chúng ta không thể phủ nhận không tin được ...

         

Ông J. Calvet nói :”Dĩ nhiên lòng tin phải dựa vào lý chứng bởi vì một phần nào nó cũng là kiến thức về chân lý, nhưng nó là một hành động tự do của ý chí cho chúng ta tin tưởng gieo mình vào cánh tay của Thiên Chúa, khi ta tới chỗ nào mà khoa học không còn gì cho ta biết nữa” (J. Calvet, Prends  et lis)

                           (Lê thành Trị, Tìm hiểu Duy linh, tr 91-92)

 

          2. Thấy và hiểu mới tin ư ?

 

          Khó hiểu là một chuyện mà phi lý lại là một chuyện khác ! Khó hiểu mà hợp với chân lý thì không sao. Chỉ sợ khó hiểu mà đi ngược với chân lý thôi.

 

          Biết bao điều bí ẩn trong vũ trụ mà ta chưa hiểu hết được, hay nói một cách thông thường, chán chi những sự dễ dàng trước mắt mà ta không hiểu nổi và không hiểu hết.

 

          Trí khôn con người chỉ hiểu biết một mức nào thôi, cũng ví như cậu học sinh không thể hiểu biết được ngang với trình độ giáo sư.  Ví dụ : một em bé, học mới trình độ toán cộng, em làm một bài toán : 1+1+1 = 3.  Nhưng tôi lại bảo rằng cũng phương pháp làm toán mà ba con số 1 bằng số 1 : 1x1x1 = 1.

 

          Em bé chưa hiểu quy tắc phép nhân nên không hiểu biết được. Vậy thì hỏi em bé này có tin phương pháp làm toán này không ?  Ví dụ trên cũng như trăm ngàn ví dụ khác đều chứng minh cho ta thấy rằng : chán chi sự việc trong đời rất tầm thường mà ta không thể hiểu hết được nhưng ta vẫn tin. (Sđd, tr 88-89).

 

                                      Truyện : Hiểu mới tin

          Một vị trạng sư tự phụ rêu rao trước mặt đông người rằng : mình chỉ tin cái mình hiểu thôi. Trong đám đông có một thằng nhỏ đã được nghe cha xứ giảng, đứng lên hỏi :

          - Thưa ông, nếu vậy ông không tin những gì ông không hiểu ư ?

          - Dĩ nhiên thế.

          - Thưa ông, vậy xin ông cho cháu biết : tại sao ông cử động được ngón tay ?

          - Tại vì ta muốn, chỉ có thế thôi.

          - Ông muốn, vậy sao ông không thể cử động được hai tai ?

          Vị trạng sư bí lối không biết trả lời thế nào, bèn mắng :

          - Thằng nhỏ này mày muốn giảng cho ta phải không ?

          Nghe vậy mọi người đều cười.

                (Trần công Hoán, Tìm hiểu ít thắc mắc, tr 50)

 

II. ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ CANAAN.

 

          Người đàn bà Canaan ngoại giáo này có một đức tin đặc biệt đã làm cho Chúa phải xiêu lòng mà ban cho bà được như ý sở nguyện :”Bà muốn thế nào sẽ được như vậy “(Mt 15,28). Như vậy, đức tin của người đàn bà này có nhiều đặc tính, chúng ta cùng tìm hiểu.

 

          1. Đức tin mạnh mẽ.

 

          Tại sao một số người co ùđức tin mạnh mẽ đang khi số khác đức tin lại yếu kém ? Tại sao một số người thấy đức tin là điều dễ dàng đang khi số khác lại thấy đó là điều khó khăn ?  Người đàn bà ngoại giáo này biết mình là người ngoại, không hy vọng được Chúa đoái nghe vì người Do thái không ưa người Canaan, nếu không muốn nói là ghét và khinh bỉ họ. Thái độ lãnh đạm, khó chịu và muốn xua đuổi của các Tông đồ đối với bà ?  Nhưng bà tin rằng thế nào Chúa cũng phải thương bà. Bà có lòng tin như một người ngoại khác là viên bách quan kia :”Thưa Thầy, tôi chẳng đáng Thầy vào nhà tôi, song xin Thầy chỉ phán một lời”(Mt 8,8).  Nghe vậy Chúa Giêsu bỡ ngỡ nói với các kẻ theo Ngài :”Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta chưa hề gặp được lòng tin như thế nơi một người nào trong Israel”(Mt 8,10).

         

          2. Tin và khiêm nhường.

 

          Con cái” thì hiểu về dân Do thái, “chó con” thì hiểu về dân ngoại. Chúa Giêsu dùng cách nói thông thường của người Do thái chứ không có ý mỉa mai.  Dùng chữ “chó con” mà không dùng chữ “chó” không. Chó con giống nuôi trong nhà được vỗ về, còn chó hay chạy bậy nơi đường phố có ý nghĩa khinh bỉ.  Và chính tiếng “chó con” đã gợi cho bà này một lời thỉnh nguyện đầy khiêm nhường và tin tưởng.

 

          Các Tông đồ đuổi bà đi mà không được, và chính Chúa Giêsu cũng dùng kiểu nói hơi nặng lời :”Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”.  Bà sụp lạy trước mặt Ngài hơn lũ chó con nằm chực vụn bánh trên bàn chủ rơi xuống, nên không lạ gì bà đã thưa :”Thưa Ngài, đúng thế, nhưng lũ chó con lại được ăn những vụn bánh trên bàn rơi xuống”.  Thật đáng kinh ngạc ! Không ai trong dân Israel hay dân có đạo nào lại khiêm tốn, hạ mình xuống đến thế trước mặt Ngài.

 

          3. Tin và yêu thương.

         

          Người đàn bà Canaan này có đứa con gái bị qủi ám đau khổ lắm.  Bà thương con vô cùng mà không biết làm cách nào để cứu chữa con, bà bất lực hoàn toàn trong cảnh huống này.  Vì quá thương đứa con gái bị qủi ám nên đã lặn lội đi tìm Đức Giêsu, nài nỉ van xin Ngài, bị các Tông đồ xua đuổi nhiều lần, bị Chúa Giêsu có vẻ hững hờ và còn nói những lời khinh bỉ nữa. Bà vẫn kiên trì, lòng yêu thương con bà  giúp bà chịu đựng tất cả. Bà đến với Chúa Giêsu là vì người khác chứ không vì chính bà, bà đã đến vì tình yêu, đã đến với tư cách một người mẹ đầy lòng yêu thương, tin tưởng. Lòng yêu thương của bà đối với đứa con đã làm cho Chúa cảm động và nhận lời cầu khẩn của bà. Còn tình yêu nào cảm động cho bằng câu chuyện dưới đây :

 

                                      Truyện : người mẹ Arménia.

          Câu  truyện này xẩy ra vào tháng 12 năm 1987. Một cơn động đất đã xẩy ra ở Armenia thuộc Liên xô cũ giết chết hàng ngàn người. Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có hai mẹ con  bà Suzanna. Hai mẹ con may mắn  nằm lọt trong một khoảng trống nhỏ.  Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó đứa con 4 thuổi kêu lên :”Mẹ ơi, con khát quá”.  Bà Suzanna không biết tìm đâu ra nước cho con. Nhưng tình mẫu tử đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo : bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng đứa con cho nó mút.  Một lúc sau nữa nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa. Cứ như thế cho đến cuối cùng người ta cứu hai mẹ con ra. Sau khi ra ngoài, bà mẹ cho biết rằng :”Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết. Nhưng tôi muốn con tôi sống”.

 

4 .Tin và kiên nhẫn.

 

          Người đàn bà này gặp cản trở vì không phải là người Do thái. Bà ấy thuộc về một dân tộc không những là ngoại giáo, nhưng từ lâu còn là thù địch của dân được Chúa tuyển chọn. Thế mà bà đã cứ kêu to nài xin Chúa Giêsu cứu chữa con của bà bị qủi ám.

 

          Bà mẹ người Canaan này là người dân ngoại. Bà biết ít hay không biết gì về Đấng là Thiên Chúa thật. Tuy nhiên, rõ ràng là bà đã nghe biết phép lạ của Chúa Giêsu, bà kêu lớn tiếng :”Lạy Ngài là con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Tóm lại, bà này không tin rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng bà tin Ngài là một người khác thường và có quyền năng tuyệt vời.

 

          Các môn đệ cứ muốn đuổi bà ấy đi, còn Chúa Giêsu thì thoái thác. Nhưng bà mẹ khôn ngoan và kiên trì này không thất vọng. Bà kêu lớn tiếng :”Lạy Ngài, xin giúp tôi”  Người đàn bà này đến với Chúa không phải chỉ vì Ngài có thể giúp đỡ, nhưng Ngài là nguồn hy vọng duy nhất của bà. Bà đến với niềm hy vọng tha thiết với nhu cầu thúc bách, với quyết tâm không chịu nản lòng. Người đàn bà này có một đức tính tối cần để cho lời cầu nguyện được hữu hiệu, đó là bà có lòng kiên nhẫn và thiết tha vô cùng. Cầu nguyện đối với bà không phải là một nghi thức nhưng là dốc đổ ước vọng nung nấu linh hồn bà, khiến bà cảm biết mình không thể bị từ chối.

 

III. ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA THẾ NÀO ?

 

          Qua bài Tin mừng hôm nay, Giáo hội muốn mời gọi chúng ta noi gương bắt chước người ngoại giáo này để có một đức tin chân thành, khiêm tốn và kiên trì trong khi cầu nguyện.

 

          Trong cuộc đời, rất nhiều khi ta bị hay được Thiên Chúa thử thách, nghĩa là Ngài cố tình để ta lâm vào cảnh đau khổ, cùng khốn, khó khăn. Cả cuốn sách về ông Gióp trong Kinh thánh nói lên sự thử thách có thể tới mức rất khủng khiếp của Ngài. Và thái độ của Đức Giêsu đối với người đàn bà Canaan là một thí dụ. Nhưng cuộc thử thách nào cũng phát xuất từ tình thương vô biên của Ngài đối với ta. Vì thử thách tới một mức độ nào đó rất là cần thiết để giúp con người tiến bộ, phát triển đức độ hoặc tài năng. Qua thử thách ta mới được rèn luyện vững vàng, bản lãnh. Và nhờ có thử thách ta mới chứng tỏ được đức tin, đạo đức, tài năng hay bản lĩnh của ta tới mức độ nào.

 

          Kinh thánh nói :”Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Thử thách rất quan trọng cho con người trong cả đời sống vật chất cũng như tinh thần, nhất là trong đời sống thiêng liêng.  Tổ phụ Abraham được gọi là  “Pater credentium” (cha của những kẻ tin) vì ông đã chịu một thử thách quá sức tưởng tượng mà ông đã thắng .

 

Khi nghe tiếng Thiên Chúa phán, Abraham kể ra có nhiều cớ để từ chối đề nghị của Thiên Chúa. Người ta thường dễ phiêu lưu, mạo hiểm khi con trẻ tuổi,  chưa bị gắn buộc bởi nghĩa vụ gia đình, hoặc chưa gây được sự nghiệp : nhưng Abraham đã cao niên, tuổi quá thất tuần (St 12,4), lại đã lập gia thất (St 11,29), còn cơ nghiệp thì dư dật, bộ hạ đông đúc, lục súc không ít, lời Thiên Chúa mời gọi xem như chẳng đem thêm gì đến cho Tổ phụ.      

 

          Người ta lại cũng dễ thay đổi môi trường sinh hoạt khi có môi trường phong phú hơn đem đến cho mình cơ  hội sống an toàn, sung mãn, với đủ tiện nghi : nhưng khi ấy Abraham đang sống tại Harân, một thị xã miềm Mêsopotamia mà lịch sử công nhận là văn minh, phồn thịnh. Bỏ Harân đã chắc gì tìm thấy một vị trí khá hơn ?  Nơi Thiên Chúa ấn định là nơi xa lạ, chẳng hiểu đến rồi làm ăn có nổi chăng ? Đành rằng Chúa cũng hứa nơi ấy sau này sẽ phì nhiêu cho con cháu  của ôngAbraham (St 12,2-3) : nhưng tổ phụ làm gì có con cái để mà hy vọng cho hậu thế (St 18,11-12) ?

 

          Vậy mà lời Chúa vang lên, Abraham đáp liền, rời cảnh an ninh, nếp sống nhàn hạ, lên đường để khởi xuớng một giai đoạn lang thang, long đong, chật vật, hết nếm mùi đói kém lại chịu cơn khói lửa của chiến tranh (St 12,10 và 14,13-14). Abraham đã gỡ mọi dây liên ái để gia nhập đất khách quê người : mà tổ phụ đã làm như thế CHỈ VÌ THIÊN CHÚA ĐÃ GỌI, CHỈ VÌ ABBRAHAM ĐÃ TIN.

 

          Đức tin bao giờ cũng là một cuộc  VĨNH BIỆT, CHIA LY : vĩnh biệt cái lòng tự phụ làm mình đinh ninh là có thể giải quyết mọi vấn đề, đối phó với các trở ngại bởi duy sức riêng mình, chẳng cần nhờ đến sự can thiệp bên ngoài, bên trên.  Vĩnh biệt để chấp nhận một trật tự khác : trật tự siêu nhiên của Thiên Chúa

                    (Nguyễn huy Lịch,  báo Nhà Chúa, số 3, 1968, tr 6-7).

 

          Trong mọi gian nan thử thách, chúng ta luôn tin tưởng rằng Chúa luôn ở bên chúng ta để nâng dờ, khích lệ mặc dầu chúng ta không trông thấy.  Con mắt Ngài hằng theo dõi chúng ta như người mẹ hiền đang tập cho con bước đi. Đứa con cứ tin tưởng bước đi trong vòng tay của mẹ, nếu có ngã thì vòng tay của mẹ đã ôm vào lòng.

 

                                        Truyện : Chính ba tôi cầm tay lái.

          Ông Byron, một thi sĩ Anh, có viết một câu truyện như sau :

          Hôm ấy, một con tầu đang rẽ sóng lướt đi trên mặt biển mông lung. Phía chân trời xa, một chòm mây xám chờn vờn nổi lên. Bầu trời quang đãng không mấy chốc đã bị phủ kín đen đặc. Rồi cơn giống tố ầm ầm phát nổ. Sấm chớp kinh hoàng. Và càng lâu mưa càng lớn, gió càng mạnh. Các hành khách hoảng hồn mất vía kêu la thất thanh, hỗn loạn. Duy có một đứa trẻ cứ ngồi chơi trên cầu tầu, bình tĩnh ngồi nhìn con tầu chòng chành nghiêng ngửa, giữa muôn con sóng dữ tợn gầm gừ đang lao mình tới, như không có việc gì xẩy ra.

          Lạ lùng ! Một thủy thủ giương to đôi mắt hỏi :

          - Em không sợ chết sao ?

          - Sao lại sợ ? Chính ba tôi cầm tay lái con tầu này kia mà.

 

          Chớ chi ta cũng trả lời được như vậy trước mỗi một cơn thử thách, mỗi một bước gập gềnh trên biển dương thế đầy giao động vì chính Cha chúng ta đang cầm lái con tầu trần gian !

 

          Chớ chi ta biết áp dụng vào đời sống lời Chúa đã nói lên trước ngày Thương khó :

                             Tôi phải đâu một mình đơn côi ?

                              “Tôi có Người Cha vạn năng ở bên cạnh”

                                                 (Ga 16,32)

 

          Xin Chúa cho mọi người chúng con cũng có một lòng tin mạnh mẽ vào quyền năng của Chúa như người đàn bà Canaan nọ, và từ niềm tin đó chúng con cũng biết khiêm hạ, trước nhan Chúa, nhưng không khiếp sợ; trái lại, can đảm kiên trì bầy tỏ tất cả những ước muốn chất chứa trong cõi lòng chúng con với niềm hy vọng sâu xa vào sự giúp đỡ của Chúa. Có như  thế đời sống của chúng con sẽ đầy tràn sự thỏa mãn và hạnh phúc.

 

                                      

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát

                                                                              Đà lạt

 


Về trang Mục Lục