CHÚA
NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN A
HÃY
THA THỨ CHO NGƯỜI KHÁC
+++
A. DẪN NHẬP.
Không ai trong chúng ta là người hoàn
toàn trong sạch trước mặt Chúa. Không ai
dám tự hào nói mình không hề lỗi phạm đến
Chúa. Trái lại, phải thành thực mà nói, ai cũng đã phạm đến Chúa rất nhiều, nhưng
Chúa lại rộng lòng tha thứ cho sự yếu đuối của chúng ta.
Nếu Chúa đã tha thứ cho chúng ta thì,
như Chúa dạy, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Chúa Giêsu đã nói :”Khi con đi dâng lễ vật trên bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang bất hoà với con, thì hãy để lễ vật lại,
trở về làm hòa với người anh em ấy trước đã, rồi mới trở lại dâng lễ vật sau”. Đó
là cách nói mạnh, nhằm khuyến khích chúng ta tha thứ cho người khác như Chúa đã
tha cho chúng ta.
Hơn nữa, nếu chúng ta có tha thứ cho
người khác thì Cha trên trời mới tha thứ cho chúng ta, đó là một điều kiện bắt
buộc phải có khi chúng ta cầu nguyện :”Xin
tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài
đọc 1 : Hc 27, 30 – 28.7.
Ông Ben Sira, tác giả sách Huấn ca,
khuyên người ta phải biết tha thứ. Ông đưa ra những lý do bênh vực cho sự tha
thứ :
- Ai báo thù phải chuốc lấy báo thù của
Chúa.
- Ai bỏ qua điều sai trái cho người khác,
Chúa sẽ tha tội cho.
- Nếu nuôi lòng oán thù thì làm sao dám
xin Chúa tha thứ cho mình.
- Hãy nghĩ đến điều sau hết, tức là cái
chết, để chấm dứt hận thù.
- Và sau cùng, hãy nghĩ đến giao ước của
Chúa, tức là giao ước yêu thương, để bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.
+ Bài
đọc 2 : Rm 14,7-9.
Thánh Phaolô nhận thấy tín hữu Roma
hay phê bình chỉ trích nhau vì họ không có cùng một quan niệm về nhiều vấn đề
ví dụ như ăn của cúng hay là tin vào ngày tốt xấu... Ngài cho họ biết là mọi người chỉ có Đức Kitô
là đối tượng duy nhất để tin theo. Chúng
ta có sống hay chết cũng là sống chết cho Chúa. Cũng như chỗ khác Ngài khẳng định
: Sống của tôi là Đức Kitô. Như vậy Ngài cóù ý khuyên : đừng để ý đến người khác,
cũng đừng để ý đến mình, nhưng tất cả hãy qui chiếu vào Chúa Kitô.
+ Bài
Tin mừng : Mt 18,21-35.
Ônt Phêrô tỏ ra hào hiệp khi hỏi Chúa
Giêsu : khi anh em xúc phạm đến mình, thì phải tha tới mấy lần ? Có đến 7 lần
không ? Đối với ông, con số 7 là con số tròn đầy, con số quá lớn đối với ông,
vì theo thói quen người ta chỉ : “quá tam ba bận” thôi”.
Để trả lời, Chúa Giêsu đưa ra một dụ
ngôn : Một ông quan nợ vua 10 ngàn nén vàng, nhưng không có gì trả, xin khất một
kỳ hạn. Vua thương tha ngay, tha hết nợ cho.
Khi ra đường, ông quan này gặp một người
bạn nợ có 100 nén bạc (quá nhỏ đối với 10 ngàn nén vàng). Anh này xin khất nợ
nhưng quan không chịu, tống anh ta vào ngục cho đến khi trả hết nợ.
Sự việc đến tai vua, nhà vua thịnh nộ
ra lệnh bắt ông quan tống ngục cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng.
Dụ ngôn trên có ý khuyên chúng ta hãy
tha thứ cho anh em vì nếu chúng ta có tha thứ cho anh em thì Thiên Chúa mới ta
cho chúng ta. Lỗi của chúng ta thì nặng nề vô cùng mà Chúa còn tha thứ cho ta,
phương chi anh em chỉ lỗi đến ta có một chút, tại sao ta lại không biết tha thư
ù
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Tha thứ thì được thứ tha.
I. THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG THA THỨ.
1. Trong Cựu ước.
Chính lúc đối diện tội lỗi mà Thiên Chúa
hay ghen (Xac 20,5) tỏ ra là Thiên Chúa đầy lòng tha thứ. Việc chối bỏ Thiên Chúa
sau khi đã ký giao ước, đáng lý ra khiến Thiên Chúa hủy diệt toàn dân (Xac
32,30tt), lại trở nên cơ hội để Thiên Chúa tự xưng là “Thiên Chúa dịu dàng và hay thương xót, chậm bất bình, giầu ân sủng và
trung tín... dung thứ lẫm lẫn, sai phạm và tội lỗi, tuy nhiên Ngài sẽ không bỏ qua sự gì mà không sửa phạt...”. Thế nên Moisen mới có thể yên tâm cầu nguyện
với lòng tin tưởng :”Thật là một dân cứng
đầu cứng cổ. Nhưng xin Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng con và cho chúng con trở
thành gia nghiệp Ngài” (Xac 34,6-9)
Xét theo khía cạnh nhân bản và pháp lý,
sự tha thứ tự nó không thể biện minh được, Thiên Chúa thánh thiện đã không phải
bầy tỏ sự thánh thiện của Ngài bằng sự công bình của Ngài (Is 5,16) và gia phạt
những ai khinh thường Ngài đó sao ? Làm sao vị hôn thê bất trung với Giao ước lại
có thể ỷ lại vào lòng tha thứ khi nàng
không biết xấu hổ vì mình đã gian dâm (Gr 3,1-5) ? Tuy nhiên lòng Thiên Chúa không
như lòng loài người và đấng thánh không thích hủy diệt, thay vì muốn cho tội nhân phải chết, Ngài muốn cho họ hoán cải (Ez
18,23) để có thể đổ tràn ơn tha thứ của Ngài , vì đường lối của Ngài vượt xa tư
tưởng của chúng ta một trời một vực.
Sau cùng, Thiên Chúa thực hiện ơn tha
thứ một cách hoàn hảo nơi Đức Giêsu. Ngài đã tuyên bố Tin mừng cứu độ, Ngài kêu
gọi hoán cải tất cả những ai cần trở lại (Lc 5,32t) vàNgài thúc đẩy họ trở lại
bằng cách mạc khải cho biết Thiên Chúa là một người Cha chỉ vui khi tha thứ (Lc
15) và Ngài không muốn ai bị hư mất (Mt 18,12t).
2. Trong
Tân ước.
Chúa Giêsu đến không phải phá hủy lề
luật nhưng để kiện toàn. Các lề luật trong Đạo Cũõ đều tốt nhưng chưa được hoàn
hảo. Vì thế khi ai phạm đến ta thì người ấy trở nên kẻ thù của ta. Do đó, theo Đạo
Cũ, người ta không cần thương yêu kẻ thù, chỉ cần thương yêu thân nhân thôi, còn
kẻ thù thì phải chịu luật công bình. Ta hãy nghe Chúa nói :”Các ngươi có nghe lời truyền rằng : hãy yêu
thương thân nhân, mà ghét thù địch mình. Song Ta dạy các ngươi rằng : hãy yêu
thương kẻ thù, cứ làm ơn cho kẻ ghét mình, lại cầu nguyện cho những người bắt bớ
vu vạ cho ngươi nữa, để các ngươi nên
con cái Cha các ngươi ở trên trời : vì Ngài cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ tốt
cũng như người xấu, và làm mưa trên người chính trực cũng như kẻ bất luơng” (Mt
5,43-45).
Theo với luật yêu thương, ta thấy cần
có luật tha thứ đi kèm, vì nếu không có luật tha thứ thì luật thương yêu sẽ bị
giới hạn rất nhiều.Nên Chúa Giêsu đã phán :”Nếu
khi nào ngươi dâng của lễ trên bàn thờ. mà ngươi sực nhớ ra anh em có điều bất
bình với ngươi, hãy để của lễ ngươi trên bàn thờ, hãy đi làm hòa cùng anh em đã,
rồi ngươi mới đến dâng của lễ”(Mt 5,23-24).
Hoặc chỗ khác Chúa cũng nói :”Nếu
các ngươi tha thứ cho người ta, thì Cha các ngươi trên trời cũng sẽ tha thứ cho
các ngươi”(Mt 6,14).
II. CON NGƯỜI PHẢI
THA THỨ.
1. Thực
hiện lời Chúa dạy.
Người ta thường nói :”Quá tam ba bận”,
nghĩa là chỉ tha có 3 lần thôi, quá 3 lần thì không tha nữa. Thánh Phêrô cũng theo chủ trương đó nhưng có
phần rộng rãi hơn. Ông tin rằng tha thứ 7 lần đã là quá nhiều, vì số 7 là con số
tối đa theo quan niệm của Kinh thánh, nói lên tính chất dư dật đúng mức.
Vì thế, ông Phêrô mới hỏi Chúa Giêsu rằng
:”Lạy Thầy, nếu anh em con lỗi phạm đến
con, con phải tha cho họ mấy lần, đến 7 lần
không” ? Chúa Giêsu đáp :”Thầy không
bảo đến 7 lần đâu, mà đế 70 lần 7”(Mt
18,21-22 ; Lc 17,4). Chúa bảo không tha chỉ tới 7 lần nhưng phải 70 lần 7,
nghĩa là tha thứ đến 490 lần. Chúa trả lời như thế không có nghĩa chỉ tha 490 lần,
rồi sang lần 491 thì không tha nữa, nhưng Chúa có ý nói rằng : phải tha luôn mãi
không có giới hạn (x. Mt 18,22 ; Lc 17,4).
Để quảng diền tư tưởng ấy, Chúa Giêsu đã
đưa ra một dụ ngôn : một người nợ vua 10.000 nén vàng mà không có gì trả, vua đã
quảng đại tha nợ cho ; nhưng chính người được tha nợ lại không tha cho người bạn
chỉ nợ có 100 quan tiền. Nghe được câu truyện đó, nhà vua phải nổi cơn thịnh nộ
mà phạt tên bất nhân đó.
Để hiểu thêm số tiền nợ này cách nhau
thế nào, theo các nhà chú giải Thánh kinh,thì một nén vàng tương đương 10.000 quan tiền. Vậy tên đầy tớ nợ ông chủ 60.000.000 quan tiền,
một số tiền quá lớn. Trong khi người bạn chỉ mượn anh ta một số tiền la 100 quan, như thế tỷ lệ chênh lệch là 1/600.000.
Dụ ngôn này nói lên cách đầy đủ một thực
tại khác. Mặc dầu giữa những con người có những khác biệt, nhân loại vẫn có vẻ
ngang hàng với nhau và những bất công gây ra cho con người không đến nỗi qúa trầm
trọng nếu so với những bất công đối với Thiên Chúa. Đối với con người tất cả đều
giới hạn. Dù con người có tỏ ra đòi hỏi nghiêm khắc, họ cũng chỉ cốt nhằm bảo vệ quyền lợi nên không muốn tha thứ.
Vì thế, chúng ta nói rằng nhân danh
con người, các bất công gây nên những tranh luận và kiện tụng. Nhưng nếu nhân danh Thiên Chúa và căn cứ theo
ân sủng hơn là quyền lợi, con người sẽ tỏ
lòng thương xót đối với anh em. Trước mặt
Thiên Chúa, con ngườiphải điều chỉnh tương quan của mình với tha nhân. Thái độ đối với Thiên Chúa sẽ xác định thái độ
đối với anh em. Ngược lại, tương quan giữa
con người với anh em sẽ xác định lối cư xử của họ đối với Thiên Chúa.
Người tín hữu khi đã biết Thiên Chúa đối
xử với họ tốt lành, mà còn tới gần anh em với tinh thần khắc nghiệt, họ cũng sẽ
bị điều mà Đức Kitô nhấn mạnh khi tuyên bố :”Cha
Ta cũng đối xử như thế đối với các
con, nếu các con không tha thứ cho nhau” .
Lòng quảng đại của Thiên Chúa sẽ thắng vượt tính hèn kém của con người,
và lòng từ ái của Ngài sẽ biến cải thái độ khắc nghiệt của họ.
(R. Gutwiller, Suy niệm Tin mừng
Matthêu, tập 2, tr 78)
2. Người
đời và sư tha thứ.
Tha thứ không phải là một giáo thuyết
xây trên không tưởng, hay chỉ dành cho những người theo giáo lý cuả Chúa Giêsu,
mà dành cho mọi người. Có những người đã xuất hiện trước Chú Giêsu mà họ cũng đã
đề cập đến vấn đề này. Chúng ta thử rảo qua xem :
* Nhận xét của nhân gian.
Người đời chia con ngườilàm hai loại
xung khắc nhau, đó là hiền nhân quân tử và kẻ tiểu nhân. Trong xã hội bị ảnh hưởng
Nho giáo, con người hiền nhân quân tử được đề cao, coi là bậc thầy, coi như mẫu
mực của con người ; còn tiểu nhân là những người tầm thường, bề tôi và nếu hiểu
theo tinh thần Kitô giáo, thì lại hiểu tiểu nhân là những kẻ tội lỗi. Vì thế,
người đời mong ước được trở nên các hiền nhân :”Sĩ hy hiền, hiền hy thánh, thánh hy thiên “: người học mong ước
trở nên hiền nhân, hiền nhân mong được trở nên thánh nhân, và thánh nhân được
ví như trời.
Những kẻ tiểu nhân, những kẻ vũ phu có
những hành động vụt chạc, thiếu suy nghĩ, không cầm mình được, khi bị xỉ nhục là
tuốt gươm xông đánh kẻ thù giống như trường hợp chàng Tân Ti Tụ ; còn người quân
tử hiếu dũng không thèm chấp nhặt những sỉ nhục ấy, họ bình thản đón nhận như
không có sự gì xẩy ra, lại còn đón nhận một cách vui vẻ như hiền triết
Soccrates. Vì thế, người đời coi tha thứ là đặc tính của bậc trượng phu, anh hùng
:
Đấng trượng phu đừng thù mới đáng,
Đấng
anh hùng đừng oán mới hay.
* Chủ
trương của hiền nhân quân tử.
Các hiền nhân quân tử luôn đề cao sự
tha thứ, đặc biệt các vị sáng lập các tôn giáo, trong đó ta thấy có hai khuôn mặt
dạy sự tha thứ nổi bật nhất là Phật Thích Ca và Đức Giêsu. Nhưng về phương diện
thực hành thì Đức Kitô là một tấm gương sáng chói.
.
Nhà Nho dạy thế nào ? Trong vấn
đề cư xử, học thuyết của Đức Khổng phu tử còn giống với luật báo oán của Cựu ước,
ngài dạy học thuết :”Dĩ trực báo oán”.
Nhưng sau này, các đồ đệ của ngài muốn đi xa hơn, họ thêm vào học thuyết của ngài
câu :”Dĩ đức báo oán”.
. Ông
Gandhi nói :”Luật vàng của xử thế là
sự tha thứ lẫn nhau”. Chính ông đã dùng thuyết bất bạo động để giải phóng dân
tộc Ấn độ khỏi ách thống trị của người Anh.
. Tertullien
nói :”Kẻ bị nhục, dùng sỉ nhục để báo thù,
có khác gì người sỉ nhục họ không ? Chẳng qua là những kẻ cùng làm quấy như
nhau, nhưng chỉ kẻ trước người sau mà thôi”.
. Hiền triết Marc Aurèle nói :”Biết
yêu kẻ đã xúc phạm mình, đó là hạnh phúc của quân tử. Muốn được vậy, phải biết
nghĩ rằng : những kẻ ấy là họ hàng thân thích mình – Những kẻ ấy phạm lỗi, là
vì không biết, chớ không phải cố ý – Những kẻ ấy rồi chẳng bao lâu cũng cùng với
ta mà chết – mà thứ nhất, những kẻ ấy, không có làm thiệt hại cho mình chút nào
cả, bởi họ không từng làm cho tâm tính mình hư
đi được”.
. Hiền triết Épictète có
một lối suy nghĩ khác, vượt trên lối suy nghĩ của mọi người. Ông tìm cách qui lỗi
vào mình và không oán giận kẻ khác nữa. Nhà ông có một chiếc đèn khá qúi, bị thằng
ăn trộm lấy mất. Ông tự trách mình có chiếc đèn qúi đã khêu gợi lòng tham của kẻ
ăn trộm, chứ ông không trách lòng tham của đứa ăn trộm ấy. Ông cho rằng chính
người gây ra căn cớ cho sự ăn trộm mới là đáng trách, và như vậy chính ông là
thủ phạm.
Truyện : Hoàng đế Trung hoa trả thù.
Một hoàng đế Trung hoa nói :”Một khi
chinh phục quốc gia ấy rồi, ta sẽ tiêu diệt tất cả các địch thù của ta”.
Ông đã chinh phục nước ấy, và cả đình
thần của ông chờ đợi một cuộc thảm sát địch quân. Họ mong cho những địch thủ đó
sau khi bị hành hình thì đem chém đầu. Họ rất bỡ ngỡ khi thấy tất cả các địch
thù ngồi ăn với vua và lại nói cười vui vẻ nữa.
Họ tâu vua :
- Muôn tâu hoàng thượng, hoàng thượng
nói hoàng thượng sẽ tiêu diệt tất cả địch
thù kia mà.
Hoàng đế trả lời :
- Ta đã tiêu diệt bọn họ rồi đó, tiêu
diệt bằng cách tha thứ cho họ và biến họ thành những người bạn của ta.
(Diamond, Đồng cỏ non, 1968, tr 166)
*
Cách trả thù hay nhất.
Có những người có tâm hồn
cao thượng, họ không thèm đếm xỉa gì đến những xúc phạm người khác làm cho
mình, vui vẻ đón nhận tất cả. Và cách trà thù cho người khác tức là tha thứ cho
họ. Sở dĩ họ làm như thế vì họ muốn làm người trên chứ không ngang hàng với người
làm sỉ nhục họ. Khi tha thứ là mình đã đứng
trên người được tha thứ.
Ông Swift nói :”Bị người ta làm
nhục mà hận, là đem cái lỗi của người mà hành hạ báo thù mình.
Marc Aurèle nói :”Không có cách
nào báo thù những kẻ làm ác với mình hay bằng cách này : đừng giống họ”.
Người ta ở đời, đối với loài
người mà gặp phải kẻ xử với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như
mình đi trong bụi rậm, vướng phải gai,
chỉ nên thong thả đứng lại, gỡ dần ra mà thôi. Gai góc kia có đáng gì đâu màgiận
? Xử được như thế, thì tâm hồn không phiền não, mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng
tiêu tan. Mạnh Tử nói :”Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến
ta như chiếc thuyền không lỡ đâm phải
ta, như cơn gió dữ lỡ tạt nhằm ta, ta nghĩ cho cùng thì có gì đáng giận”.
Truyện : trọng danh dự
Một thi hào Ý danh lừng bốn
bể, ông Le Tasse, tác giả cuốn “Thành Giêrusalem được giải cứu” có thời bị bao
nhiêu quân thù ganh tị âm mưu ám hại. Người ta loan tin xấu về ông. Các lời lăng
mạ, vu khống đổ về ông như mưa bấc có ý cho ông ở tù. Có người thân tín cho ông biết tên đầu sỏ của
vụ vu oan cáo ông đã phạm một tội nhục
nhã tầy trời và yêu cầu ông phổ biến điều ấy ra để trả đũa.
Le Tasse nghiêm trang trả lời
:
- Tôi không muốn làm mất
danh dự và sinh mệnh của người ta. Tôi chỉ muốn bài trừ ở họ ý muốn hành ác thôi
: đó là sự phục thù độc nhất của tôi.
(Hoàng xuân Việt, Thuật sống dũng, 1970, tr 200)
Vì thế, nhà hùng biện trứ
danh nước Pháp, cha Lacordaire, đã
khuyên bảo ta :”Anh muốn vui sướng trong
chốc lát : cứ trả thù. Anh muốn yên ủi mãi mãi : nên tha thứ”.
III. CHÚNG TA CŨNG PHẢI THA THỨ.
Với tất cả những tư tưởng được
trình bầy ở trên, chúng ta thấy rằng tha thứ là một điều cao thượng và cần thiết.
Không những người Kitô phải biết tha thứ theo lời Chúa dạy, mà cả những người
ngoại giáo cũng đã thực hiện. Tronh bài
giảng tên núi, Đức Giêsu đặc biệt lưu ý chúc phúc cho ai hiếu hoà, một cách gián
tiếp Chúa bảo những kẻ hiếu hòa là kẻ biết tha thứ cho nhau để tạo bầu không
khí hoà thuận giữa mọi người (x. Mt 5,9). Còn nhiều phần thưởng được dành cho
người biết tha thứ, như ta thấy có hai phần thưởng được Chúa ban trực tiếp khi
ai biết tha thứ và cũng là điều kiện “sine qua non” của lời cầu nguyện :
. Được Chúa tha thứ tội lỗi cho (Mt 6,14-15 ; Mc 11,25; Lc 11,4).
. Được Chúa nhận của lễ ta dâng (Mt 5,23-24) ; Mc 11,25).
Ta còn phải tha thứ cả bề
trong lẫn bề ngoài. Tha thứ cho người khác
những xúc phạm đến mình, tha thứ thật trong lòng đã là một điều đáng khen ngợi.,
và đấy là điều kiện căn bản và khởi điểm để đi xa hơn nữa. Tha thứ bề trong mà thôi, chưa đủ, còn phải biểu lộ ra bên ngoài nữa. Tại sao lại chưa đủ ? Vì ta dựa vào lời Chúa khi Ngài nói :”Hãy để của lễ ngươi trước bàn thờ, hãy đi làm hoà cùng anh em đã, rồi
ngươi mới đến dâng của lễ”(Mt 5,23-24). Chúa dạy phải đi làm hoà cùng anh
em đã. Chữ “đi làm hoà” gợi lên trong đầu óc ta một hành động cụ thể. Chúa đòi ta phải thực hiện sự tha thứ bằng việc
làm bên ngoài, nếu không thì Chúa chỉ bảo “hãy để của lễ trên bàn thờ, tha thứ
cho anh em đã rồi hãy dâng của lễ”. Như
vậy ta có thể kết luận rằng : không những Chúa đòi ta tha thứ trong lòng, mà còn đòi ta phải thực
hiện sự tha thứ ấy ra bên goài, bằng một hành động cụ thể.
Tại sao sự tha thứ cần được
biểu lộ ra bên ngoài bằng những hành động cụ thể ? Sở dĩ cần có những hành động
bên ngoài vì chính những hành động ấy phá tan tình trạng lạnh lùng, khẩn trương,
phá tan một cuộc chiến tranh lạnh bao trùm cuộc sống giữa hai người. Nhiều khi
trong lòng đã thực sự tha thứ, nhưng vẻ lạnh lùng bên ngoài khiến người khác tưởng
rằng mình không tha thứ hoặc coi như họ khinh mình.
Văn hào Goethe đã nói :”Sự tha thứ chỉ có thể là một trạng thái trung gian. Nó phải đưa đến sự
kính trọng. Tha thứ là làm nhục”.
Và
còn tệ hơn nữa, như P.J. Poulet nói :”Sự tha thứ có khi chỉ là một bộ mặt của sự trả thù”.
Đã nhiều lần chúng ta đọc
kinh Lạy Cha, chúng ta có để ý đến câu này không :”Và tha nợ chúng con, như chúng
con cũng tha kẻ có nợ chúng con” ? Có lẽ chúng ta chỉ chú ý đến phần trên “và tha nợ chúng con”, mà lại bỏ quên phần
sau “như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng
con”.
Nếu trong chúng ta có sự xích mich với nhau thì hãy tha thứ đi đã rồi hãy
dâng lễ, nếu không Chúa sẽ không nhận lễ vật chúng ta dâng.
Truyện : Hoàng đế Othon tha thứ
Dưới thời hoàng đế Othon I, các vương
hầu nổi lên làm loạn nhiều lần. Đặc biệt chính bá tước Henri, em ruột của hoàng
đế lại là kẻ cầm đầu quân phản loạn. Nhiều lần bị hoàng đế đánh bại, ba lần bị
lên án tử hình, nhưng được ân xá nhờ lời cầu khẩn của hoàng thái hậu Mathide. Lần
thứ tư Henri lại nổi loạn, bị bắt, lại bị xử tử hình. Hoàng đế nổi giận không muốn nghe sự thỉnh cầu
của bất cứ ai. Mặc dầu biết mất hết mọi hy vọng, nhưng Henri cố gắng lần cuối.
Đó là hôm áp lễ Noel năm 945, hoàng đế
và các vương hầu khanh tướng đến dự lễ tại nhà thờ chính toà Quellimbourg. Đến phần phụng vụ lời Chúa, bá tước Henri mặc
áo nhặm xuất hiện trong nhà thờ, tiến đến và xấp mình dưới chân hoàng đế xin
tha mạng, nhưng Othon nhìn bá tước nghiêm khắc và nói :”Ba lần ta đã tha chết
cho ngươi mà ngươi vẫn cố tình, đừng xin xỏ nài nỉ gì nữa, ba ngày tới đầu ngươi
sẽ rơi. Đúng lúc đó vị chủ tế mở sách Phúc âm và đọc đoạn thánh Phêrô hỏi Chúa
:”Lạy Thầy, con phải tha cho anh em bao nhiêu lần ? Có phải 7 lần chăng “? Chúa
đáp :”Ta không nói với con là 7 lần mà là 70 lần 7”.
Nghe lời đó, hoàng đế rúng động tâm
can đến phát khóc và không những nhà vua tha mạng cho đứa em phản loạn, mà còn ôm
vào lòng rồi ban cho em lãnh thổ Bavier nữa. (Quê
Ngọc, Dấu ấn tình yêu, năm A, tr 113-114)
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt