CHÚA
NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN A
HÃY
BẮT TAY VÀO VIỆC
A. DẪN NHẬP.
Trong
cuộc sống hằng ngày, người ta thường nói nhiều mà làm ít, giữa lý thuyết và thực
hành còn một khoảng cách lớn, vì thế mới có câu nói :”năng thuyết bất năng hành”, đúng là làm láo, báo cáo hay. Lý thuyết có hay mấy mà không được thực hiện thì cũng không có giá
trị.
Trong đời sống đạo cũng thế, chúng ta
cần biết Chúa, cần thông hiểu giáo lý vì “vô tri bất mộ” mà. Như thế cũng chưa đủ,
còn phải đem cái biết ra thực hành trong đời sống hằng ngày nữa. Chúa Giêsu đã nói :”Ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy” mà “giữ lời Thầy” thì có nghĩa
là hãy thực hành những điều Thầy dạy, là làm theo ý Thầy. Bài dụ ngôn về “Hai người con” trong Tin mừng
hôm nay đã chứng tỏ điều đó.
Người ta thường nói :”Trăm voi không được bát nước sáo” (Tục ngữ). Câu này mang tính chất mỉa
mai, ngụ ý chê những người ba hoa khóac lác, hứa hẹn suông, nói thì to tát, mà
rốt cuộc chẳng có gì, họ là người biết nói mà không biết làm. Có những người xưng
mình là Kitô hữu, nhưng họ chỉ có cái tên, cái mã bề ngòai, còn cuộc sống của họ
chẳng có gì cả, có khi còn ngược lại. Hãy sống trung thực với lòng mình. Hãy sống
cho xứng đáng là một Kitô hữu chính danh để cuộc sống của mình lúc nào cũng phải
“ngôn hành đồng nhất”.
B.. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài
đọc 1 : Ez. 18,25-28.
Cái nhìn của con người chỉ có một chiều
: hoặc tốt hoặc xấu. Đã tốt thì cứ tốt, đã xấu thì cho xấu luôn. Do đó, con người
có hai mặc cảm : Tự tôn và tự ti.
- Tự
tôn hay tự mãn : có những người cho là mình “công chính” rồi, nên tự mãn không
chịu cố gắng sống tốt hơn.
-
Tự ti : có những người cảm thấy mình tội lỗi nên thất vọng, cứ ở lỳ trong tội lỗi.
Cái nhìn của Thiên Chúa có hai chiều
hoán đổi : người tốt có thể trở nên xấu và người xấu có thể trở nên tốt. Tiên
tri Ezéchiel cảnh cáo những người tự mãn, họ sẽ bị chết nếu bỏ đường công chính
và phạm tội ác. Trái lại, những người đang ở trong tình trạng tội lỗi mà biết bỏ
đường gian ác, quay về đường lành thì sẽ được cứu sống.
Như vậy, Thiên Chúa mở rộng cho con người
con đường tương lai để người tội lỗi bỏ con đường xấu mà trở nên tốt lành và người
công chính sẽ trở nên tốt lành hơn.
+ Bài
đọc 2 : Pl 2,1-11.
Thánh Phaolô vạch ra cho các tín hữu Philipphê một phương
hướng để duy trì tình đoàn kết huynh đệ trong cộng đoàn Kitô hữu. Chúng ta có thể chia phương hướng này thành
hai phần :
a)
Để tránh sự chia rẽ mà duy trì sự đoàn kết huynh đệ thì đừng ai lấy bản
thân mình làm tiêu chuẩn để mà tự mãn. Cũng đừng lấy người khác làm đối tượng để
phân bì.
b)
Thánh Phalô đã xử dụng một Thánh thi phụng vụ đã được xử dụng trong cộng đoàn Kitô hữu để
ca tụng sự khiêm nhường thẳm sâu và sự vâng phục tuyệt đối của Chúa Giêsu khi
Ngài chấp nhận từ bỏ mọi vinh quang trên trời để mặc lấy thân xác hèn mọn của
con người. Ngài đã hạ mình xuống phục vụ
cho ơn cứu rồi loài người, nhưng nhờ đó Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài lên đến tột
bậc.
+ Bài
Tin mừng : Mt 21,28-32.
Đường lối của Thiên Chúa khác với đường
lối của loài người. Nếu trong bài đọc 1,
tiên tri Ezéchiel cho biết Thiên Chúa không
nhìn đến quá khứ mà chỉ nhìn đến tương lai,
Ngài mở đường cho những người tội lỗi có thể quay về với đường lành, thì
bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu hé mở cho chúng ta cái nhìn của Thiên Chúa về
cuộc sống con người. Thiên Chúa không
quan tâm đến lời nói mà chỉ chú ý đến việc làm.
Để triển khai tư tưởng này, Chúa Giêsu
đưa ra dụ ngôn “Hai người con” : đứa thứ nhất đãø từ chối lời người cha để đi làm
vườn, nhưng sau hối hận lại đi làm. Đứa con thứ hai : mau miệng thưa vâng để đi
làm ngay, nhưng rồi nó chẳng chịu đi làm.
Qua dụ ngôn này Chúa Giêsu cho biết :
- Đứa con thứ nhất tượng trưng cho dân
ngoại, tuy ban đầu họ đã từ chối, nhưng sau hối hận lại đi “làm” theo ý Thiên
Chúa.
- Đứa con thứ hai đại diện cho dân Do
thái, họ mau mắn thưa “vâng”, nhận lời ngay, nhưng trong thực tế thì không “làm”
theo ý Thiên Chúa.
Dụ ngôn này áp dụng vào lời Chúa Giêsu
đã nói :”Có những kẻ đứng trước hết sẽ nên
sau hết và kẻ sau hết lại trở nên trước nhất”.
B. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Kitô
hữu thật hay giả
I. TÌM HIỂU DỤ NGÔN.
1. Dụ ngôn về hai người con.
Các thượng tế, kỳ hào, luật sĩ và biệt
phái Do thái thường tự hào mình là con cái Abraham, đã từng giữ luật Maisen một
cách cặn kẽ, thế nào cũng được phần thưởng là Nước Trời. Theo họ nghĩ, Nước Trời
được dành riêng cho người Do thái, còn các dân tộc khác, những người ngoại giáo
sẽ bị loại ra ngoài, nhất là những người tội lỗi như bọn thu thuế và gái điếm.
Để sửa đổi quan niệm sai lạc đó, Chúa
Giêsu đã đưa ra cho người Do thái dụ ngôn về hai đứa con. Người cha có hai đứa con, ông bảo đứa thứ nhất
đi làm vườn nho cho ông, lúc đầu nó từ chối, nhưng sau nghĩ lại, hối hận, lại đi
làm. Ông cũng bảo đứa con thứ hai như vậy,
nó vui vẻ nhận lời, nhưng nó lại không đi làm.
Chúa Giêsu hỏi người Do thái,
trong hai đứa con, đứa nào đã làm theo ý cha mình ? Họ đều cho là đứa con thứ
nhất.
2. Ý nghĩa dụ ngôn.
Chúa Giêsu đã kết luận dụ ngôn này :”Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và
gái điếm, sẽ vào Nước Trời trước các ông”. Chưa bao giờ ta thấy Chúa Giêsu đã nói thẳng với người biệt phái như lần này. Chính họ có lẽ cũng không ngờ.
Câu đó có nghĩa là : các ông tưởng
mình thánh thiện trong sạch, giữ luật không trách được điểm nào, còn người thu
thuế các ông coi như cặn bã xã hội, những người mà các ông cấm không cho đi
chung đường với họ, coi như là những đàn bà dơ dáy đến nỗi con cái Israel đi vô
ý quệt phải áo họ thì phải về tắm rửa đã. Các ngươi lầm. Những người thu thuế và
đĩ điếm mà các người miệt thị đến mức đó sẽ vào Nước Trời trước các ông. Nói rõ
là họ tốt hơn các ông.
Sự thực đã xẩy ra : Lêvi (Mt 9,9) và
người đàn bà tội lỗi (Lc 7,37) đã theo sống bên Chúa, và biết bao người thu thuế
đã tin lời Gioan (Mt 9,10 ; 11,19 ; Lc 3,12) trong khi đó thì Hội đồng Cộng tọa
chống đối Chúa tìm giết Chúa.
(Trần văn Khả, Phúc âm Chúa
nhật, năm A, tr 236)
3. Con người thật và con người giả.
a)
Thế gian có hai hạng người : thật và giả.
Người ta chia con người thành hai loại
: tốt và xấu, thật và giả. Nhưng làm sao
có thể phân biệt một cách chính xác vềø hai loại người đó ? Ai là người tốt hay xấu ? Ai là người thật hay
giả ? Bởi vì có những người bề ngoài tốt lành thánh thiện mà trong lòng thì xấu
xa, như người ta thường mỉa mai :
Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người
không dao.
(Truyện
Kiều)
Người đời xưa cũng như đời nay hay công
kích những bậc tu hành, những vị này sống khắc khổû, chay tịnh, tuân theo kỷ luật của giới mình, là những người
đáng kính nể, nhưng trong nơi riêng rẽ
kín đáo thì lại phạm luật trai giới, việc làm bị bại lộ, người đời không kiêng
nể đã giáng trên đầu những vị phá giới đó những câu không thương tiếc :
Nam mô,
Một bồ dao găm,
Một trăm con chó,
Một lọ mắm tôm,
Một ôm rau húng.
Một thúng rau răm.
Có những người chỉ chú trọng đến cái dáng
bên ngoài theo phương châm “tốt đẹp khoe
ra, xấu xa che lại”, nhưng chính cái
họ khoe ra không phải là cái tốt thật bên trong mà chỉ là lớp hào nhoáng bên
ngoài, làm lòe mắt mọi người, nhưng không bịt được ai :
Khác nào quạ mượn lông
công
Ngoài hình xinh đẹp trong lòng xấu xa.
(Ca dao)
Thế giới ngày nay, quá ít người sống
chân thật. Quá nhiều người sống mã nước sơn bên ngoài. Họ không còn biết giá trị
“tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Lợi dụng
nhược điểm này, nghệ thuật tuyên truyền quảng cáo tràn ngập thị trường. Hàng giả,
hàng giỏm, đẹp mã, bán chạy như tôm tươi. Hàng thật, hàng tốt thì lại ế ẩm không
ai mua. Người tài đức bị liệng bỏ. Kẻ vô tài thất đức, lẻo mồm tâng bốc nịnh hót
thì lên như diều, để rồi “làm láo , báo cáo hay” :
Trông anh như thể sao
mai,
Biết rằng trong có như ngoài hay không.
(Ca dao)
b)
Kitô hữu thật hay giả ?
Theo bài đọc 1 hôm nay, thì tiên tri
Ezéchiel cho biết, tiên tri thật thì ít, tiên tri giả thì quá nhiều. Họ làm nhiều
người công chính, bỏ đàng công chính của Thiên Chúa đi theo tà thần đế quốc
Babylon để kiếm danh lợi. Tiên tri Ezéchiel đã phải quyết liệt cảnh cáo họ :”Khi người
công chính bỏ đàng công chính mà làm điều gian phi...thì nó phải chết”. Đồng
thời ông cũng kêu gọi :”Kẻ bất luơng bỏ đàng
bất lương, mà thi hành người công chính thì nó sẽ được sống”.
Ngày xưa có nhiều tiên tri giả, ngày
nay không còn tiên tri nữa thì lại có Kitô hữu giả. Họ mang danh là Kitô hữu nhưng
cuộc sống thực tế của họ không còn là Kitô hữu nữa. Có nhiều người cố gắng làm ra vẻ bề ngoài là
Kitô hữu nhưng cuộc sống riêng tư của họ không còn là Kitô hữu chính danh nữa,
vì họ không còn sống theo luật Chúa nữa. Có thể họ sẽ nói rất hay về đạo đức nhưng
trong thực tế họ không sống đạo chút nào. Họ chỉ có cái vỏ bề ngoài là đạo nghĩa.
Muốn trở thành người Kitô hữu chính
danh thì cần có sự “Hối cải”, vì như
triết gia Soren Kierkegaard, thì “không hề có
tình trạng đã thành một Kitô hữu mà chỉ có trong tình trạng đang trở thành một
Kitô hữu”.
Theo Mark Link thì sự hối cải chỉ là một tiến trình, là một cuộc du hành
đang tiếp diễn và chỉ chấm dứt khi nào chúng ta chết. Tiến trình này gồm ba bước :
- Bước thứ nhất trong tiến trình này là
sự bất mãn tận căn với nếp sống hiện tại của chúng ta..
- Bước thứ hai là bước tia lửa làm thành
ngọn lửa thúc giục chúng ta làm điều gì đó cho cuộc sống mình.
- Bước cuối cùng là thực hiện việc làm
đầu tiên cực kỳ quan trọng là hướng về một cuộc sống mới, nhờ sự cầu nguyện kiên
trì.
Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta
khám phá ra cuộc sống của mình. Chúng ta có cảm thấy bất mãn về mối tương giao
hiện tại giữa mình và Chúa Giêsu không ? Chúng ta có ao ước thân tình sâu sắc với
Chúa không ? Chúng ta có muốn yêu thương gia đình láng giềng của chúng ta nhiều
hơn giống như Chúa Giêsu yêu thương họ không ?
Nếu có thì các bài đọc hôm nay có thể
ví như tia lửa bật ra để biến thành ngọn lửa mà chúng ta cần thiết phải có để làm
nên một điều gì cụ thể cho các mối tương giao trên.
(x. Mark Link, Giảng
lễ Chúa nhậtä, năm A, tr 289).
II. TRỞ THÀNH KITÔ HỮU
THỰC THỤ.
1. Tránh tính phô trương.
Chúa Giêsu đã nhiều lần lên án thói phô
trương của đám luật sĩ và biệt phái. Ngài không ngại gọi họ là rắn độc, mồ quét
vôi trắng. Chúa khuyên họ hãy lo làm đẹp cái bên trong chứ đừng chỉ lo cái bên
ngoài :”Khốn cho các ngươi, hỡi các luật
sĩ và biệt phái ! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng
bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy, bên
ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình
và gian ác”(Mt 23,27).
Cái tính phô trương này xuất hiện
trong khi người ta không để ý đến bởi vì nó được ngụy trang bằng nhiều cách. Nhưng
giấu đầu hở đuôi, sự phô trương cũng bị lộ ra một cách bất ngờ.
Truyện : Ông Diogène và ông Platon.
Platon hồi ấy là người yêu nghệ thuật.
Nhà ở của ông được trang trí bằng nhiều bức thảm qúi đẹp. Một hôm, DIOGENE, - người chủ trương sống màn
trời chiếu đất, đầu đường xó chợ -, tới thăm Platon. Tới nơi, mặt đỏ gay, con mắt
trợn trừng, ông ta vừa đạp thình thịch lên tấm thảm qúi của Platon, vừa nghiến
răng nói :
- Ta chà đạp dưới chân tính phô trương
kiêu hãnh của nhà ngươi.
Ông Platon bình tĩnh trả lới :
- Phải, và với một sự phô trương kiêu
hãnh sâu rộng hơn nhiều.
Thì ra đời sống bên ngoài đầy quảng cáo
của Diogène không đi đôi với đời sống bên trong. Nhà quân tử cũng mắc phải chứng bệnh phô trương như ai.
(Vũ minh Nghiễm, Dừng,
1962, tr 207).
2. Sống trung thực với lòng mình.
Chúa Giêsu đã nói :”Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt là do lòng xấu mà ra”.
Biết thế, nhưng con người vẫn phô trương, mà phô trương là phô ra ngoài
những cái mình không có, ví dụ các luật sĩ và biệt phái, họ chỉ có cái vỏ bề
ngoài, còn bên trong thì trống rỗng.
Phải sống trung thực với lòng mình, phải
làm sao cho “ngôn hành đồng nhất”, lời
nói và việc làm không được mâu thuẫn nhau. Nhiều người nói thì rất hăng nhưng
khi làm thì chẳng thấy đâu, họ giống như đứa con thứ trong dụ ngôn hôm
nay. Lời nói không có giá trị khi không
có việc làm kèm theo :”Đức tin không có
việc làm là đức tin chết”. Nói mà không làm thì sẽ bị người ta chê cười :
Nói thì đâm năm chém
mười,
Đến khi tối trời chẳng dám ra sân.
(Tục ngữ)
Người ta đánh giá trị một người không
phải ở lời nói nhưng là việc làm. Có một khoảng cách xa giữa lời nói và việc làm,
cũng như giữa lý thuyết và thực hành : một lý thuết dù hay mấy mà không đem ra
thực hành thì cũng vô ích. Vì vậy mà người ta nói :”Năng thuyết bất năng hành”,
chỉ nói mà không làm.
Truyện : anh chàng Aristogiton.
Aristogiton hồi ấy lúc thanh bình, là
một nhà ái quốc thượng thặng. Thở ra lửa trận, nói ra sấm sét. Chàng lợi dụng mọi
hoàn cảnh để cổ võ những đức tính anh hùng kiêu hùng của người chiến sĩ yêu nước. Nghe chàng nói, thính giả có ấn tượng như chàng
đang tuyên chiến với tất cả các cường quốc trên thế giới.
Nhưng đến khi phải thi hành lệnh quân
dịch, người ta thấy chàng đột nhiên bước đi khập khiễng, tay chống gậy, chân
thì băng bó, trông thảm não vô cùng.
Biết rõ những bí ẩn của chàng, ông
Photion trợn mắt nói :”Aristogiton đã làm một người què lại còn hèn nhát”.
Theo các bài đọc hôm nay, chúng ta có
thể rút ra được hai bài học :
1. Giá trị của một đời người không nằm
ở quá khứ đạo đức hay tội lỗi của người đó, mà hệ ở hiện tại người đó có quyết
tâm sống công chính hay không. Theo bài đọc 1 :”Khi người công chính bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà
chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác
từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được
mạng sống mình... nó không phải chết”.
2. Giá trị thực của con người không do
những lời nói tốt đẹp người đó nói ra, mà do hành động của người đó :”Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý
muốn của người cha ? Họ trả lời : “Người
thứ nhất””. Vì Thiên Chúa theo đường
lối như thế cho nên Ngài đã ưu ái những
người một thời nổi tiếng tội lỗi như Giakêu, Mađalena, tên trộm lành...
Phần chúng ta đã biết đường lối của
Thiên Chúa là như thế, chúng ta phải làm sao ?
- Đừng nghĩ rằng mình đang thuộc hàng
“công chính” để rồi ngủ mê trong ảo tưởng đạo đức về mình.
- Cũng đừng cho rằng mình thuộc hàng
“thu thuế và đĩ điếm” để rồi buông xuôi
cho dòng đời lôi cuốn. (x. Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm A, tr 491-492)
Hãy sống trung thực với lòng mình. Hãy
sám hối và chỉnh sửa lại cuộc sống, sao cho mình xứng đáng là con Chúa, là Kitô
hữu để cuộc sống tốt lành của mình toả ra mùi thơm tho nhân đức vì “hữu xạ tự
nhiên hương”. Lúc đó không cần phải phô trương, tự cuộc sống của mình đã minh
chúng điều đó :
Trúc xinh trúc mọc bờ
ao,
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.
Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
(Ca dao)
Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng
ta có một tâm hồn và thể xác xinh đẹp như lời cầu của nhà hiền triết Aristote :
“Lạy các thần thánh
Xin cho tôi được xinh đẹp bên trong.
Xin cho mọi sự tôi có ở bên ngoài
đều thuận lợi cho vẻ đẹp của hồn tôi”.
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt