CHÚA
NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN A
PHẢI
TRẢ VỀ CHO AI ?
+++
A. DẪN NHẬP.
Thiên Chúa có thể dùng mọi phương tiện
để thực hiện ý định của Ngài. Ngài dùng ngay cả vua ngoại đạo để giải thoát dân
Ngài. Mọi sự đều ở trong tay Chúa. Chúa muốn thế nào thì được như vậy, không ai
có thể phá bỏ được kế hoạch của Thiên Chúa.
Người Kitô hữu sống trên trần thế có
hai nhiệm vụ song song : nhiệm vụ đối với Thiên Chúa và đối với Tổ quốc. Trên
nguyên tắc, hai nhiệm vụ này độc lập với nhau, nhưng trong thực tế, khi thi hành
những nhiệm vụ này, đôi lúc chúng ta gặp không ít khó khăn, đôi lúc làm cho chúng
ta lo lắng. Câu hỏi được đặt ra là làm
thế nào vừa phụng sự Thiên Chúa vừa phụng sự Tổ quốc mà không xung đột nhau ? Làm
sao có thể sống tốt đạo đẹp đời một cách hài hoà trong cuộc sống hằng ngày ?
Chúa Giêsu cũng là một công dân của nước
Do thái. Ngài cũng có lý lịch rõ ràng và một Tổ quốc để phụng sự. Ngài đã chu tòan
nhiệm vụ của một người công dân của một nước bị trị (x. Mt 17,26; Lc 23,22)
theo nguyên tắc “Của César thì trả cho César”.
Chúng ta cũng phải theo cách sống của Chúa Giêsu : chu tòan nhiệm vụ đối với
Thiên Chúa và Tổ quốc. Dĩ nhiên, trong những trường hợp có sự va chạm giữa
chính quyền và tôn giáo thì chúng ta hãy theo nguyên tắc này : không luật lệ nào
được chống lại luật của Thiên Chúa, vì như thế là cũng phạm đến con người.
Nhiệm vụ của Kitô hữu là phải cầu nguyện
và khôn khéo thế nào để tạo ra sự hòa hợp giữa Giáo hội và quốc gia để cả hai cùng
phục vụ con người một cách tốt đẹp.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Is 45,1.46.6.
Thiên Chúa có thể dùng bất cứ phương
tiện nào để thực hiện ý định của Ngài : bằng chứng là Ngài đã dùng Cyrô, vua
ngoại đạo, để giải thoát dân Ngài.
Theo lịch sử, năm 587 trước công nguyên,
đế quốc Babylon xâm chiếm Giêrusalem, dân chúng bị bắt đi đầy. Gần 50 năm sau, đế
quốc Babylon sụp đổ và đế quốc Ba tư chiếm ngôi bá chủ. Năm 538, vua Ba tư là
Cyrô, sau khi chiến thắng Babylon, đã ra sắc chỉ cho dân Do thái được hồi hương.
Mặc dầu vua là người không biết Thiên
Chúa nhưng Ngài đã dùng vua để thực hiện
chương trình của Ngài. Chính vua Cyrô cũng không ngờ rằng ông là khí cụ của Thiên
Chúa : chính Thiên Chúa trao quyền cho ông. Thiên Chúa cho ông thống trị các dân,
và Thiên Chúa xúi lòng ông cho dân Chúa được hồi hương. Vì thế tiên tri Isaia đã không ngại gọi ông là
“Đấng xức dầu của Thiên Chúa”.
+ Bài đọc 2 : Tx 1,1-5b.
Thánh Phaolôâ đã thành lập giáo đoàn
Thessalonica vào năm 50 trong chuyến truyền giáo lần thứ hai . Trong khi gặp rất
nhiều khó khăn : người Do thái muốn ám hại, nên Ngài phải bỏ trốn trước khi hoàn
thành việc đào tạo và tổ chức giáo đoàn. Khi được tin tốt về giáo đoàn non trẻ
này, Ngài vô cùng sung sướng vì họ có một
đức tin vững vàng, một lòng cậy trông và một đức ái sống động. Ngài viết thư này để khuyến khích họ và cảm tạ
Chúa vì tất cả những thành quả mà giáo đoàn này đã thu lượm được :”Chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh
em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì
anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi”.
+ Bài Tin mừng : Mt 22,
15-21.
Bình thường nhóm biệt phái và nhóm Hêrôđê
không thuận nhau vì, một đàng nhóm biệt phái là người ái quốc chống lại chính
quyền Roma đang đặt ách đô hộ trên quê hương họ; đàng khác nhóm Hêrôđê thì ủng
hộ chính quyền Roma để trục lợi. Hai
khuynh hướng mâu thuẫn nhau nhưng hôm nay cùng liên minh với nhau để gài bẫy Chúa
Giêsu.
Họ chất vấn Chúa bằng một cầu rất hóc
búa :”Có được phép nộp thuế cho César
không”? Nếu trả lời “có” thì nhóm biệt
phái cho Ngài là phản quốc vì tiếp tay với ngoại bang ; nếu trả lời “không” thì
sẽ bị nhóm Hêrôđê tố cáo là Ngài phản động và chắc chắn Ngài sẽ bị chính quyền
bắt giữ.
Nhưng, Chúa Giêsu giội cho họ một gáo
nước lạnh khi trả lời :”Của César trả cho
César, của Thiên Chúa trả cho Thiên
Chúa”. Chúa Giêsu đã thoát khỏi cạm
bẫy thâm độc của họ ; đồng thời dạy cho họ một bài học thực hành : có sự khác
biệt giữa tôn giáo và chính trị. Tôn giáo không phải là để phục vụ cho chính trị,
và chính trị cũng không để phục vụ cho tôn giáo.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Res clamat domino
Của đòi về chủ.
I. BỐI CẢNH CÂU CHUYỆN.
Từ trước tới nay chúng ta thấy
Chúa Giêsu ở thế công. Ngài đã dùng ba dụ ngôn để chỉ trích những nhà lãnh đạo
truyền thống Do thái : dụ ngôn đứa con trai bất hiếu không chịu nghe lời cha, dụ
ngôn người làm vườn gian ác đã giết đầy
tớ vua, dụ ngôn tiệc cưới của nhà vua vì họ không đến dự.
Bây giờ chúng ta thấy họ đưa
ra đòn phản công để đưa Chúa Giêsu vào thế gọng kìm bằng một câu hỏi hóc búa,
nhằm hai mục đích : một là bị nhà cầm quyền bắt, hai là mất uy tín với dân chúng
vì là người phản quốc.
Cũng nên biết chúng ta đang ở
vào năm 30 dưới thời hoàng đế César Tiberius, và quân đội ông đang chiếm xứ Do
thái gây nhiều nhiễu nhương cho dân chúng, phong trào chống đối đang âm ỉ lan rộng. Họ có hai tầng lớp người lãnh đạo chống đối
nhau : nhóm biệt phái ái quốc chống nhà cầm quyền và nhóm Hêrôđê thân chính quyền
đô hộ để trục lợi. Bình thường, hai nhóm này chống đối nhau, nhưng hôm nay cùng
nhau tìm phương thế ám hại Chúa Giêsu với một câu hỏi hóc búa về vấn đề nộp thuế.
Dân Do thái phải nộp thuế
cho chính quyền Rôma. Có ba thứ thuế :
- thuế điền thổ.
- thuế lợi tức.
- thuế thân.
Luật thuế thân qui định mọi
người nam nữ từ 14 đến 65 tuổi đều phải đóng một denier, tương đương với lương
công nhật của một người. Thuế ở trong câu hỏi đây là thuế thân.
Người dân các nước bị trị
bao giờ cũng phải nộp thuế cho chính quyền bảo hộ. Năm 1920, ông Gandhi hô hào
dân chúng Ấn không đóng thuế cho đế quốc Anh để tranh đấu cho nước được độc lập.
Đóng thuế là nghĩa vụ của dân đối với
chính quyền. Dân Ấn không đóng thuế là
không công nhận người Anh là chính quyền của mình, là chống lại đế quốc xâm lăng
để giải phóng đất nước thoát cảnh thực dân.
Vậy, Chúa Giêsu có theo đường
lối của ông Gandhi không hay phải theo một
đường lối nào để giải quyết cho ổn thỏa ?
Câu trả lời xẩy ra như sau theo Tin mừng của Luca :
“Hôm ấy, nhóm biệt phái và nhóm Hêrôdê
sai mấy môn đệ đến hỏi thử Chúa Giêsu :”Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người
chân thật cứ sựï thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai vì
Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến :”Có được phép nộp thuế cho César hay không”
?
Hỏi như vậy là họ đã đưa Chúa
Giêsu vào thế gọng kìm, mà triết học gọi la cái thế “luỡng đao luận”, nghĩa là
con dao hai lưỡi, nói thế nào cũng chết : chối cũng chết mà nhận cũng chết. Nếu
Chúa Giêsu bảo nên nộp thuế là lệ thuộc vào ngoại bang, là phản quốc, do đó mất
uy tín với dân chúng. Nếu Chúa bảo là không thì bị liệt vào loại phản động, chống
chính quyền, thế nào cũng bị bắt.
Nhưng Chúa Giêsu lại có một
cách xử lý rất khéo léo, rất tinh vi :”Cho
tôi xem đồng tiền nộp thuế”. Họ đưa cho Ngài một quan tiền. Người hỏi họ :”Hình
và danh hiệu này là của ai” ? Họ đáp :”Của César”. Bấy giờ, Người bảo họ :”Thế
thì của César, trả về cho César ; của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa”.
II. BÀI HỌC CHÚA DẠY TA.
1. Chúa Giêsu, một người công
dân.
Chúa Giêsu có một lý lịch rõ
ràng. Ngài là một công dân Do thái nên Ngài phải thi hành mọi nhiệm vụ đối với
một công dân Do thái đang bị người Roma đô hộ.
Bản thân Ngài sống như mọi người không có gì khác, cả gia đình Ngài cũng
vậy. Kinh thánh cũng cung cấp cho chúng
ta một số chi tiết chứùng tỏ gia đình Thánh gia thất đã chu toàn nghĩa vụ công
dân :
- Cha mẹ Ngài đã vâng lệnh
nhà vua để về Belem khai hộ khẩu {Lc
2,4).
- Chính Ngài đã sai Phêrô đi
câu cá để lấy tiền nộp thuế cho mình và cho Phêrô nữa (Mt 17,26).
- Chính quyền ra lệnh bắt và
giết Chúa, Ngài vẫn vui lòng tuân lệnh dù Ngài biết lệnh ấy bất công, mà chính
Philatô, người lên án giết Chúa cũng phải nhận là Ngài vô tội (Lc 23,22).
Câu nói của Ngài :”Của César
thì trả cho César” đã phản ảnh một cách hết sức trung thực những công việc Ngài
đã làm, đúng như Thánh kinh đã viết về Ngài :”Chúa làm trước, rồi mới dạy người ta làm sau” (Cv 1,1).
2. Kytô hữu, một người công dân.
Một người công dân phải có
giấy khai sinh và có một hộ khẩu thường trú. Không ai ở trên trời rơi xuống, không
ai sống lơ lửng trên không trung. Mỗi người
phải có một quốc tịch, mặc dù có thể thay đổi được quốc tịch ấy. Đã là công dân của một nước nào thì phải chấp
hành những luật lệ của nước ấy. Mọi công dân phải góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, tránh những hành vi làm tổn thương đến Tổ quốc ấy.
Về điểm này, ta có bằng chứng
về cách sống của những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Một tác giả vô danh hồi thế
kỷ thứ ba đã viết trong tác phẩm “Thư gửi cho Diognetus” như sau
: “Người Kitô hữu không khác với những người khác
về cư trú, về ngôn ngữ hay về lối sống. Bởi
vì họ không cư ngụ một thành nào riêng biệt, cũng không dùng ngôn ngữ nào khác
thường và nếp sống của họ chẳng có chi khác biệt. Không phải do suy tư hay bận
tâm tra cứu mà họ khám phá được các
giáo thuyết. Họ không chủ trương một giáo
điều nào của loài người như một số người nọ.
Họ ở rải rác trong các thành phố Hy lạp lẫn trong các thành của người Man
di, tùy theo số phận dun dủi. Họ sống theo tập tục của kẻ bản xứ trong cách phục
sức, ăn uống và cách sống, nhưng bộc lộ một thái độ sống khiến nhiều người cho
là lạ lùng. Họ sống trong quê hương của họ mà như những kẻ ở đâu. Họ tuân thủ mọi
cái chung như các công dân khác và chịu gánh nặng dường như ngoại kiều. Miền xa lạ cũng là quê hương của họ nhưng mọi
quê hương chỉ là đất khách cho họ mà thôi.
Họ cũng dựng vợ gả chồng như ai và sinh đẻ con cái, nhưng chẳng hề bỏ con. Họ đồng
bàn nhưng chẳng đồng sàng”.
(Cap.V.VI PG 21173
B.117 C , Các Bài đọc 2 Mùa PS, tr 84)
Chúng ta phải khẳng định rằng
trước khi là một Kitô hữu ta đã là người của một quốc gia nào đó, ví dụ, trước
khi là người Công giáo, tôi đã là người Việt nam. Nhờ phép rửa tội, chúng ta trở
thành người Việt nam công giáo. Giữa người
công dân Việt nam và người công dân Công giáo Việt nam không có gì khác nhau,
không có gì mâu thuẫn nhau. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi người đều
có bổn phận và quyền lợi như nhau đối với đất nước.
3. Tương quan giữa tôn giáo và
chính trị.
Vấn đề tương quan giữa tôn
giáo và chính trị, giữa Giáo hội và quốc gia là một vấn đề tế nhị và đôi khi,
thật gai góc, nhiều khi có nhiều lấn cấn.
Chúng ta có thể đưa ra đây mấy nguyên tắc cho chúng ta hành xử trong đời
sống thực tế không thể tránh được :
a) Nguyên tắc thứ nhất :
Xã
hội dân sự và xã hội tôn giáo, quốc gia và Giáo hội là hai vấn đề độc lập với
nhau. Dù là cả hai phục vụ cho ơn gọi cá
nhân và xã hội của con người ; nhưng quan điểm và cách hành động của họ vẫn khác
nhau.
b)
Nguyên tắc thứ hai :
Với tư cách là công dân, thành viên của một đoàn thể thế gian, người
Kitô hữu phải chấp nhận sống theo luật lệ của đoàn thể đó và làm trọn bổn phận
như đóng thuế, vâng phục chính quyền hợp pháp
trong mọi việc mà chính quyền đòi hỏi.
Người Kitô hữu sẽ dùng mọi phương tiện hợp pháp : bỏ phiếu, báo chí,
nghiệp đoàn để góp phần xây dựng một xã hội công bằng và nhân đạo hơn.
c)
Nguyên tắc thứ ba :
Người Kitô hữu cố giữ giá trị hướng thượng và tư cách tuyệt đối những
quyền của Thiên Chúa, vì biết rằng khi những giá trị này bị xâm phạm thì con người
cũng bị xâm phạm, nhất là kẻ hèn yếu. Chúng
ta không bao giờ chấp nhận một luật lệ nào chống lại luật của Thiên Chúa. Người Kitô hữu cố gắng làm sao để tạo ra sự
hoà hợp giữa Giáo hội và quốc gia, và như thế cả hai sẽ phục vụ tốt biết bao
cho con người.
(Cf Cử hành Phụng vụ Chúa nhật, tr 215)
III. SỰ CHỌN LỰA CỦA CHÚNG TA.
Người Kitô hữu chúng ta có hai quyên công
dân đi đôi với nhau. Chúng ta là công dân
của thế giới, tức trần thế này và công dân thiên quốc. Chúng ta phải phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc,
hai nhiệm vụ này phải đi sánh đôi. Như
thế chúng ta kính trọng và tôn kính đối với
những đòi hỏi của hai bên.
Thiên Chúa có thể dùng mọi phương tiện
để giúp ích cho con người và cho dân Chúa. Trong bài đọc thứ nhất, ta thấy Thiên
Chúa đã dùng vua Cyrô để giải phóng dân Chúa. Như thế, dân Chúa đã phải tùng phục
chính quyền trong những công việc về chính trị, mà không thể làm khác vì đó là đường
lối của Thiên Chúa.
Thánh Phêrô trong thư thứ nhất đoạn 2
câu 17 đã bảo các Kitô hữu :”Hãy tôn kính
Thiên Chúa và hãy kính trọng Hoàng đế”. Và trong thư gửi tín hữu Rôma đoạn 13, câu 1
và 7, thánh Phaolô bảo các Kitô hữu :”Hãy
vâng phục các vị cầm quyền. Hãy nộp cho họ những gì các ngươi mắc nợ họ, hãy nộp
thuế thân, thuế tài sản và hãy tỏ lòng kính trọng họ”.
Mong ước rằng hai loại quyền công dân
này của chúng ta không bao giờ xung đột
nhau. Tuy nhiên, lỡ có xẩy ra xung đột, thì người Kitô hữu phải biết cách giải
quyết. Các Kitô hữu đã từng phải giải quyết như thế ngay từ thời Chúa Giêsu. Họ đã phải giải quyết như thế suốt thời kỳ đế
quốc Rôma bách hại Giáo hội. Họ đã phải
giải quyết như thế suốt thời trung cổ. Họ đã phải giải quyết như thế trong thế
kỷ 16 và 17 khi hàng chục ngàn Kitô hữu phải chạy trốn sang Mỹ châu để giữ đạo
mà không bị nhà nước can thiệp.
Có lẽ chúng ta có thể minh hoạ tất cả
những điều trên bằng trường hợp của thánh Thomas More, vị thánh tử đạo người
Anh. Robert Bolt đã làm nổi bật cuộc
xung đột của More – liên quan đế những gì thuộc César và những gì thuộc về Thiên
Chúa – trong cuốn sách nhan đề “A man for all seasons”(Người của mọi mùa).
Truyện : thánh Thomas More
Vua Henry VIII nước Anh đã kết hôn hợp
thức với bà Catherine d’Aragon, nhưng ông nại đến tòa thánh Rôma xin hủy bỏ cuộc hôn nhân đó.
Toà thánh đã từ chối. Henry liền tự mình giải quyết vấn đề và tái kết hôn. Thế
là ông ta ra lệnh cho bạn bè và các chức sắc ký vào một văn bản tuyên bố đồng ý
nhìn nhận hành động của ông là đứng đắn. Nhiều bạn bè của More đã ký vào, nhưng
More thì từ chối. Henry yêu cầu More ký vào, nếu không sẽ bị bắt giam và xử tội
tạo phản theo luật nhà nước. More vẫn khăng khăng từ chối. Ngài bị giằng co giữa
hai bổn phận : một đối với Chúa, một đối
với Tổ quốc. Khi chúng xung đột nhau,
thì More không còn chọn lựa nào ngoài sự trung tín với luật Chúa.
(M. Link, Giảng lễ
Chúa nhật, năm A, tr 305)
Như thế, bài Tin mừng hôm nay nhắc chúng
ta nhớ đến hai bổn phận đi đôi với nhau của chúng ta. Chúng ta là công dân trần
thế, đồng thời cũng là công dân Nước Trời.
Chúng ta có bổn phận phải trung tín với cả hai Tổ quốc. Chúng ta hy vọng
các bổn phận này không bao giờ xung đột nhau.
Nhưng nếu lỡ có xung đột thì chúng ta phải giải quyết chúng giống như thánh
Thomas More đã làm, nghĩa là không gây thương tổn cho Thiên Chúa hoặc cho lương
tâm ta.
Cuộc sống của Kitô hữu tại thế là như
vậy, chúng ta không thể làm khác được. Nhiều
lúc chúng ta hay than vãn là chúng ta phải mang hai gánh trên vai : vừa phải
chu toàn bổn phận ở đời lại vừa lo tròn nghĩa vụ trong đạo. Đối với những ai có tâm hồn đạo đức thánh thiện
thì sự khó khăn đó không đến nỗi quá băn khoăn lo lắng ; trái lại, đối với những
ai mang nặng ích kỷ trần tục nếu chẳng may đạo hay đời đòi hỏi phải chịu khó hy
sinh làm một điều gì đó, tức khắc họ lên tiếng phàn nàn kêu trách và nại đủ lý do
để từ chối. Đây chính là vấn đề mà người
biệt phái đã thắc mắc với Chúa và Chúa đã giãi bầy cho họ cũng như cho chúng ta
hiểu để biết mà sống cho tốt đạo đẹp đời. Trong mọi trường hợp chúng ta phải đặt quyền
lợi của Chúa trên hết, đôi lúc vì thế mà phải bị thiệt thòi. Lời Chúa vẫn còn yên
ủi chúng ta khi chúng ta gặp phải những trường hợp éo le như thế :”Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn
thì ích lợi gì”.
Truyện : Mọi sự thuộc về Chúa.
Hoàng đế Frédéric đi tham quan một trường
học nhỏ miền quê. Đúng lúc học trò đang học môn địa lý. Vua hỏi một em nhỏ tuổi
:
- Làng con ở đâu ?
- Tâu hoàng thượng, làng con ở trong
nuớc Phổ.
- Nước Phổ ở đâu ?
- Tâu hoàng thượng, nước Phổ ở trong đế quốc Đức.
- Đế quốc Đức ở đâu ?
- Tâu hoàng thượng, đế quốc Đức ở trong châu Âu.
- Châu Âu ở đâu ?
- Tâu hoàng thượng, châu Âu ở trong thế
giới.
- Thế giới ở đâu ?
Suy nghĩ một lát em bé dõng dạc trả lời
:
- Tâu hoàng thượng, thế giới ở trong tay Chúa.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho dân tộc
mình theo lời của Thomas Jefferson :
Lạy
Thiên Chúa tối cao,
Ngài ban cho
chúng con mảnh đất tốt tươi này làm gia nghiệp. Xin hãy chúc lành cho mảnh đất
chúng con, xin hãy cứu chúng con khỏi bạo lực, và mọi đường lối xấu xa, xin hãy
bảo vệ sự tự do của chúng con...
Xin ban thần
trí khôn ngoan xuống trên những kẻ mà nhân danh Ngài, chúng con đã ủy thác quyền
cai trị... Trong thời thịnh vượng, xin đổ tràn xuống lòng chúng con niềm tri ân,
và trong ngày gian truân, xin đừng để niềm tin của chúng con vào Ngài bị suy giảm.
Nhân danh Cha
và Con và Thánh Thần.
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt