CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN A

ĐỨC GIÊSU, CHIÊN CỦA THIÊN CHÚA

+++

A. DẪN NHẬP.

 

          Ngay từ lâu tiên tri Isaia đã nói về Người Tôi Tớ kỳ diệu của Giavê. Ông mô tả người tôi tớ này là người hiền lành khiêm nhường nhịn nhục như con chiên bị đem đi làm thịt mà không một lời kêu ca phản kháng. Người Tôi Tớ đó là ai ? Sau đó, tiên tri Giêrêmia cũng nói về mình giống như người tôi tớ Giavê khi ông viết :”Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết  họ đang trù tính những điều ác chông lại tôi”. Sau này, chính Gioan Tẩy giả đã giới thiệu cho dân chúng biết  Người Tôi Tớ mà Tiên tri Isaia đã mô tả khi ông chỉ vào Đức Giêsu mà nói:”Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”(Ga 1,29).

 

            Gioan tự thú trước đây ông chưa từng biết Đấng Cứu Thế mặc dầu ông là bà con với Đức Giêsu. Nói như vậy chỉ có nghĩa là  ông không biết hoặc biết không chắc chắn Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai. Ông chỉ biết được điều đó từ trên mạc khải cho khi Đức Giêsu đến xin ông làm phép rửa cho, và chính Thiên Chúa đã báo cho ông biết qua tiếng nói từ trời :”Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người ấy chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Khi đã biết đích xác Đức Giêsu là ai, ông bắt đầu làm chứng và khẳng định rằng “Đức Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.

 

          Sau khi đã biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, chúng ta cũng có trách nhiệm phải giới thiệu Ngài cho những người khác bằng chính cuộc sống cụ thể của chúng ta.  Chúng ta phải trở nên ánh sáng cho thế gian để soi cho người ta biết Chúa như lời Ngài dạy:”Aùnh sáng của các con  phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ trông thấy những công việc tốt đẹp các con làm, mà tôn vinh Cha các con, Đấng ngự trên trời”(Mt 5,16). Ngòai ra, theo lời khuyên nhủ của thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay, chúng ta cũng phải cố gắng nên thánh để xứng đáng là môn đệ của Chúa, xứng đáng là con của Đấng đã phán :”Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng thánh”(Lv 11,44).

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

          + Bài đọc 1 : Is 49,3,5-6.

 

          Tiên tri Isaia được soi sáng để nhìn thấy trước Người Tôi Tớ Giavê và được mô tả trong bốn bài thơ. Trong lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Người Tôi Tớ cũng được đề cập và được rút ra từ bài thơ thứ nhất. Hôm nay Người Tôi Tớ được rút ra từ bài thơ thứ hai.

 

          Theo tiên tri Isaia, người tôi trung có những đặc điểm sau đây :

          - Biểu lộ vinh quang của Chúa.

          - Dẫn đưa nhà Giacóp về qui tụ dân Israel chung quanh Ngài.

          - Trở thành ánh sáng muôn dân để đem ơn cứu độ đến cho mọi người.

 

          Đấy chỉ là người tôi trung nào đó được mô tả, còn người tôi trung này chỉ được thực hiện hòan hảo nơi Đức Giêsu.

 

          + Bài đọc 2 : 1Cr 1,1-3.

 

          Bài đọc 2 là lời chào thăm của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi cho tín hữu Côrintô, giáo đòan  mà ngài đã thành lập trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai vào những năm 50-52.

          Trong phần mở đầu vắn tắt được đọc lại hôm nay, thánh Phaolô dùng hai lần từ ngữ “kêu gọi” : Ngài được Chúa kêu gọi và họ cũng là những người được Chúa kêu gọi. Ngài được Chúa kêu gọi để làm tông đồ đi rao giảng Tin mừng của Đức Kitô, còn họ là những người được kêu gọi nên thánh và được thánh hóa trong Đức Giêsu Kitô.

 

          + Bài Tin mừng : Ga 1,29-34.

 

          Đức Giêsu lần đầu tiên xuất hiện nơi công chúng. Khi thấy Ngài tiến về phía mình, thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng : Người là Chiên Thuiên Chúa và là Con Thiên Chúa.

 

          . Chiên của Thiên Chúa : Khi nói Đức Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa, có thể Gioan đang nghĩ đến Con Chiên của lễ Vượt Qua vì bấy giờ là lễ Vượt Qua cũng sắp đến (Xh 2,13). Gioan  là con trai của thầy tư tế, chắc ông biết rõ mọi chi tiết liên hệ đến việc dâng của lễ : hằng ngày buổi sáng và buổi chiều, luôn luôn có một con chiên  được dâng làm của lễ trong đền thờ để chuộc tội cho dân chúng (Xh 29,38-42). Trong lễ nghi đền tội của Do thái giáo, tội nhân đem một con chiên lên đền thờ, úp tay mình xuống trên con chiên tỏ ý trút hết mọi tội mình trên nó; tiếp theo, tư tế sẽ giết con chiên hoặc thả nó vào rừng. Nó chịu chết để đền tội thay cho tội nhân. Bao nhiêu tội lỗi của tội nhân đều được tẩy xóa.

 

          . Con Thiên Chúa : Chúng ta thắc mắc đặt dấu hỏi : Tại sao trong bài Tin mừng hôm nay Gioan Tẩy giả lại nói  ông chưa từng biết Đức Giêsu vì ông đã biết Ngài lúc chịu phép rửa và là bà con của người nữa ? Đúng thế, Gioan đã biết Ngài là Con Thiên Chúa (trong lúc rửa tội) và có họ hàng với nhau, chắc chắn đã quen biết nhau. Không phải Gioan nói ông không biết Đức Giêsu là ai, nhưng ông muốn nói là mình chưa từng nhận biết Ngài là Đấng Messia (Chúa Cứu Thế), ông mới được mạc khải rằng Giêsu này chính là Con Thiên Chúa, là Con ruột của Thiên Chúa, chứ khong phải là con nuôi, là nghĩa tử.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

                                                Con chiên gánh tội trần gian

I. GIOAN GIỚI THIỆU ĐỨC GIÊSU.

 

          Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai của Ngài bằng nghi thức sám hối thay cho cả nhân lọai qua phép rửa của Gioan, và kết thúc cuộc đời công khai của Ngài bằng nghi thức đền tội  thay cho cả nhân lọai qua cái chết thê thảm trên thập giá. Và hôm nay, ít ngày sau khi Gioan rửa tội cho Đức Giêsu, ông liền giới thiệu cho dân chúng biết Ngài là ai, và một phần nào báo trước cái chết của Ngài :”Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”!  Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của những lời giới thiệu ấy.

 

 

          1. Đây Chiên Thiên Chúa.

 

          Muốn giới thiệu khuôn mặt của một người thì người ta phải giới thiệu một khuôn mặt hấp dẫn, đàng này thánh Gioan lại không theo khuôn thức đó. Người ta kể rằng : một tu sĩ kia muốn họa lại  chân dung của Đức Giêsu. Được phép của bề trên, ông đi rảo khắp nơi để tìm cho kỳ được người mẫu thích hợp. Thế nhưng, càng tìm kiếm, ông càng khám phá ra rằng, không thể có người nào trên trần gian này hòan tòan giống Đức Giêsu. Từ đó, ông đi đến kết luận : Gương mặt Đức Giêsu phải là tổng hợp của tất cả vẻ đẹp của con người trên trần gian này. Do đó, thay vì chỉ chọn một người mẫu, ông đi thu nhặt tất cả những nét đẹp trên mọi gương mặt mà ông đã gặp.

 

          Thầy dòng kia đã quá băn khoăn về khuôn mặt Chúa Cứu thế, còn thánh Gioan tẩy giả, qua bài Tin mừng hôm nay, thì lại quá đơn giản. Ngài giới thiệu Chúa, bằng một hình ảnh và một tên rất thường :”Đây Chiên của Thiên Chúa”.

 

          Biểu tượng “Con Chiên” mang một dòng lịch sử súc tích. Nó có liên hệ chặt chẽ với những biến cố của ơn cứu độ. Theo truyền thống Do thái trong sách Xuất hành, Thiên Chúa đã phán với Maisen :”Suốt thời gian sắp tới, mỗi ngày các ngươi hãy hiến tế trên bàn thờ hai con

chiên tuổi được một năm, một con hiến tế vào buổi sáng , con kia vào buổi chiều”(Xh 29,38-39)

 

Theo đó, qua suốt thời gian dài cho đến năm 70, khi đền thờ bị phá hủy, mỗi ngày vào buổi sáng sớm và buổi chiều, các tư  tế trong đền thờ phải sát tế mỗi buổi một con chiên nhỏ cỡ một tuổi làm của lễ tòan thiêu để đền tội thay cho dân chúng. Như vậy, tội lỗi của cả dân chúng mỗi buổi đều đổ hết lên đầu con chiên, và con chiên gánh tội ấy  phải chết để đền tội thay cho dân chúng, hầu dân chúng được khỏi tội trước Thiên Chúa. Tội lỗi của dân chúng đối với Thiên Chúa  đáng lẽ phải trả giá bằng sinh mạng của chính con người, nhưng Thiên Chúa đã chấp nhận để con chiên chết thay con người. Đức Giêsu đã trở thành chiên hy sinh như thế :”Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta”(1Cr 5,7).

 

Trước Gioan Tẩy giả rất lâu, các tiên tri đã nói về người tôi tớ kỳ diệu của Chúa một ngày kia sẽ chịu đau khổ và chết như một con chiên, như Isaia đã mô tả :”Người đã bị đối xử tàn tệ, nhưng đã khiêm tốn chịu đựng, như một con chiên sắp bị đưa tới lò sát sinh. Người không hề thốt ra một lời. Người bị bắt, bị tuyên án, và vị dẫn tới chỗ chết… Người đã phải chết vì tội lỗi chúng ta”(Is 53,7-8).

 

          Những lời của tiên tri Giêrêmia cũng rất phù hợp với con người Đức Giêsu khi ông viết :”Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi”(Gr 11,19).

 

          Thành ngữ “Chiên của Thiên Chúa”là một thành ngữ hết sức kỳ diệu. Tác giả sách Khải huyền đã dùng thành ngữ ấy 29 lần trong sách của mình, và trở thành một trong những danh hiệu quí báu nhất của Chúa Cứu Thế. Chỉ trong một chữ, thành ngữ tóm tắt được tình yêu thương, đức hy sinh chịu khổ và chiến thắng khải hòan của Đức Giêsu.

 

          Gioan Tẩy giả cho rằng mình chưa từng biết Đấng Cứu thế, nhưng ông lại là bà con với Đức Giêsu, chắc chắn Gioan và Đức Giêsu đã quen biết nhau, nhưng Gioan không biết hoặc biết không chắc chắn Giêsu là Đấng Thiên Sai. Chỉ khi Đức Giêsu đến với ông xin chịu phép rửa và sau đó có những dấu chứng từ trời cao, ông mới biết điều đó cách chính xác. Vì chính Thiên Chúa đã báo trước cho ông điều ấy :”Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Khi đã biết đích xác Đức Giêsu là ai, Gioan bắt đầu làn chứng về Ngài.

 

2. Đấng xóa tội trần gian.

 

          Khi Đức Giêsu đang đến, Gioan Tẩy giả đã chỉ vào Đức Giêsu và nói :”Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29).  Giới thiệu như thế, Gioan đã cùng một lúc chỉ ra hai thực tại lớn lao về Đức Giêsu : Ngài là Chiên của Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng là Đấng xóa tội trần gian.

 

          Khi gọi Đức Giêsu là “Chiên của Thiên Chúa”, Gioan xác nhận Đức Giêsu là Đấng vô tội và thánh thiện. Khi nói Đức Giêsu là “Đấng xóa tội trần gian”, Gioan chỉ cho mọi người thấy Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, Đấng Messia, là “tôi tớ đau khổ của Giavê” như tiên tri Isaia đã từng nói đến trong Cựu ước.

 

          Hai thực tại này gắn liền với nhau nơi con người và sứ mạng của Đức Giêsu. Chính vì là con chiên vô tội của Thiên Chúa Đức Giêsu mới có thể xóa tội của thế gian. Như con chiên được dùng làm của lễ đền tội trong Cựu ước phải chịu sát tế, Đức Giêsu cũng phải chịu đau khổ và chịu chết để trở nên của lễ hy sinh đền tội cho nhân lọai. Con chiên hiến tế của Cựu ước chỉ là hình bóng và dấu hiệu của Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, Đấng duy nhất thực sự xóa tội cho con người, Đấng duy nhất đem lại ơn cứu độ, nghĩa là sự tha thứ tội lỗi.

 

          Đức Giêsu xóa tội của thế gian bằng cách gánh vào mình Ngài tội lỗi của tất cả nhân lọai, từ tội của nguyên tổ Adong cho đến tội của người sau hết của nhân lọai. Với cuộc khổ nạn và cái chết đau thương tủi nhục trên thập giá, Ngài đã đền thay tội lỗi của tất cả nhân lọai. Từ nay nhân lọai đã được giao hòa với Thiên Chúa, được sống trong ân tình của Ngài và cửa thiên đàng đã được mở lại cho tất cả mọi người.

 

II. CHÚNG TA CŨNG PHẢI GIỚI THIỆU ĐỨC KITÔ.

 

Mỗi người Kitô hữu là một người mang sứ mạng của Gioan, nghĩa là giới thiệu Đức Kitô cho người khác biết. Cách thức giới thiệu đó có thể khác nhau : người thì dùng lời nói, kẻ khác bằng hành dộng bác ái, xã hội, hoặc đời sống chân chính theo đúng nghĩa Kitô giáo. Chúng ta có thể giới thiệu Chúa Kitô cho người khác bằng một số việc sau đây :

 

          1. Sống xứng đáng người Kitô hữu.

 

          Chúng ta đã biết rõ lý lịch của Đức Giêsu, Đấng mà chúng ta xưng tụng bằng danh hiệu : Con Thiên Chúa, Chiên Thiên Chúa, Người Tôi Tớ Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Tất cả những danh hiệu này đã được Chúa Cha ban tặng cho Ngài qua miệng các tiên tri loan báo trong Thánh Kinh, nhất là chính Ngài đóng trọn những vai trò, đã sống gương mẫu thực tế một cách tuyệt hảo những danh hiệu của mình.

 

          Chúng ta cũng được Chúa ban cho nhiều danh hiệu như dân tư tế, dân thánh, dân được tuyển chọn, dòng tư tế vương giả, môn đệ Chúa, bạn hữu với hàng thần thánh, Kitô hữu… Vậy thử hỏi chúng ta đã sống đúng chức năng của những danh hiệu ấy chưa ? Đối với danh hiệu “Kitô hữu” chúng ta đã sống thế nào ?

 

          Kitô hữu là một danh hiệu mà thánh Phaolô tông đồ lần đầu tiên đã tặng cho các tin hữu ở Antiochia. Thời kỳ đầu các tín hữu đã có một cuộc sống rất gương mẫu làm cho dân ngọai phải ngạc nhiên. Sách Công vụ Tông đồ còn ghi lại :”Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu.  Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được tòan dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”(Cv 2,44-47).

 

          Người Kitô hữu là muối, là linh hồn của thế gian. Họ là thành phần của đám đông nhưng lại hành động như men. Họ không thể phân biệt khỏi quần chúng, nhưng họ khác biệt hòan tòan. Một tác giả vô danh hồi thế kỷ thứ 3 đã viết trong tác phẩm gửi cho Diognetus như sau:

 

“Người Kitô hữu không khác với những người khác về cư trú, về ngôn ngữ hay về lối sống. Bởi vì họ không cư ngụ thành nào riêng biệt, cũng không dùng ngôn ngữ nào khác thường và nếp sống của họ chẳng có chi khác biệt. Không phải do suy tư hay bận tâm tra cứu mà họ khám phá được các giáo thuyết. Họ không chủ trương một giáo điều nào của lòai người như một số người nọ. Họ sống rải rác trong các thánh phốâ Hy lạp lẫn trong các thành thị của người Mandi, tùy theo số phận dun dủi. Họ sống theo tập tục của dân bản xứ trong cách phục sức, ăn uống, và cách sống  nhưng bộc lộ một thái độ sống   khiếân nhiều người cho là lạ lùng, khó tin nữa. Họ sống trong quê hương của họ mà như những kẻ ở đâu. Họ tuân thủ mọi cái chung như các công dân khác và chịu mọi gánh nặng dường như ngọai kiều. Miền xa lạ cũng là quê hương của họ nhưng mọi quê hương chỉ là đất khách cho họ mà thôi. Họ cũng dựng vợ gả chồng như ai và sinh đẻ con cái, nhưng chẳng hề bỏ con. Họ đồng bàn nhưng chẳng đồng sàng…”(Trích Các bài đọc II, Mùa Phục sinh, tr 84).

 

Muốn chiếu giãi ánh sáng  Chúa Kitô cho người khác, chúng ta phải chiêm ngắm Chúa Kitô bằng cách học hỏi Lời Chúa, áp dụng vào đời sống hằng ngày để chúng ta có thể nói được như thánh Phaolô :”Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,19). Nếu Đức Kitô sống ta, Ngài sẽ hóan đổi dần con người của ta để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ chiếu giãi Chúa Kitô cho người khác được.

 

                                      Truyện : Nét mặt Chúa Giêsu.

          Du khách đến Roma thường đi thăm ngôi thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis, vì phía trên bàn thờ có một tượng thánh giá rất đặc biệt : bất cứ ai đến quì trước thánh giá cầu nguyện với tất cả lòng thành đều được sức mạnh và niềm an ủi thẳm sâu.

 

          Người ta kể rằng : Tác giả tượng thánh giá bằng cẩm thạch này đã mất rất nhiều năm mới hòan thành được tác phẩm. Hơn hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên để ngắm nhìn, ông lại cho kéo xuống và đập bỏ, vì ông cho rằng  tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được điều ông muốn. Khi ông bắt tay vào công trình lần thứ ba thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách nhất. Nhiều người ganh tị nên tìm cách hạ uy tín ông. Vợ con ông qua đời trong những hòan cảnh thật đáng thương.

 

          Ai cũng tưởng rằng  cơn thử thách đã khiến ông bỏ cuộc. Trái lại ông càng miệt mài chú tâm vào công trình.  Người nghệ sĩ dồn tất cả niềm đau của mình lên khuôn mặt của Đức Kitô. Bức tượng của Chúa Giêsu trên thánh giá không còn là phiến đá lạnh lùng, xa lạ, mà trở thành niềm đau đậm nét của một tâm hồn. Bức tượng đã trở nên sống động và có sức thu hút do chính tâm tình mà người nghệ sĩ muốn tháp nhập vào đó (Thiên Phúc, Tất cả là Hồng ân tr 52-53).

 

          2. Phải nên thánh.

 

          Trong bài đọc 2 hôm nay, trong phần đầu thư gửi cho tín hữu Côrintô, thánh Phaolô hai lần nhấn mạnh từ “kêu gọi”. Ngài được Chúa kêu gọi vào sứ mạng tông đồ, còn họ được “kêu gọi” nên thánh. Nên thánh không có nghĩa là phải làm những việc lạ lùng phi thường, nhưng tùy theo khả năng và môi trường, phải hành động để nối tiếp công việc của Chúa Giêsu, Đấng xóa tội trần gian, cứu thóat thế gian khỏi vòng tội lỗi.

 

          Người Á đông thường lấy câu nói của Vương Dương Minh làm châm ngôn trong cuộc sống :”Nội thánh, ngọai vương” : bên trong là một vị thánh, bên ngòai là một ông vua. Có lẽ đây là lời người ta khen vua Thương và vua Thang là những ông vua tốt lành gương mẫu xứng đáng cho người ta gọi là “thánh vuơng”. Khác với hai vị vua này là vua Trụ và vua Kiệt là hai vị vua độc ác đến nỗi người đời phải tặng cho hai chữ “bạo vương”.

 

          Vua Đavít đã thực hiện được câu châm ngôn “Nội thánh ngọai vuơng”, xứng đáng cho người ta gọi là thánh vương Đavít. Còn chúng ta không phải là bậc vua chúa mà chỉ là một Kitô hữu bình thương, chúng ta có thể thực hiện được câu châm ngôn ấy không ? Chắc chắn là được !

 

          Cần nhất phải có cái nội là thánh vì nó là điều căn bản, còn cái ngọai vuơng là gì cũng được, là vua hay dân cũng được và có thể là bất cứ ai, ở vào bất cứ hòan cảnh nào.

          . Nếu ta là vua thì cái “ngọai vuơng” đó làm cho người ta biết rằng Thiên Chúa là vua trời đất, vua tối cao, vua trên hết các vua, chúa trên hết các chúa, mọi người phải phụng thờ Ngài.

          . Nếu ta là người giầu có thì cái ngọai vương của ta làm cho người ta biết Thiên Chúa là Đấng giầu sang khôn ví, Ngài đã tạo dựng nên vạn vật và đã ban mọi sự cho con người, hãy biết ơn và cảm tạ Ngài.

          . Nếu ta là người nghèo khó, hèn hạ thì cái ngọai vương của ta phải làm cho họ biết rằng Thiên Chúa giầu sang phú quí, vì yêu thương nhân lọai đau khổ đã bỏ mọi vinh quang trên trời, xuống thế làm người ở với con người, đã trở nên nghèo hèn  cho giống con người và sau cùng chịu chết trên thập giá để cứu chuộc con người.

 

          Khi chúng ta đã có một đời sống lành thánh bên trong thì tự nhiên bản thân ta sẽ phát ra một cái gì tốt lành khả dĩ khiến người khác phải mến phục. Từ chỗ họ mến phục cuộc sống chúng ta, họ sẽ mến đạo, tin theo đạo và tất nhiên họ sẽ tìm đến Chúa.

 

          Tuy người ta chưa biết Chúa ngay, nhưng qua trung gian chúng ta họ sẽ biết Chúa từ cái cụ thể đến cái trừu tượng, từ cái xa đến cái gần, từ cái ngòai đến cái trong, từ con người của ta đến với Chúa. Nên người đời thường nói :

 

                             Lụa tốt xem biên, người hiền xem tướng.

                   hoặc  

                                  Xem mặt mà bắt hình dong,

                             Con lợn có béo thì lòng mới ngon.

          Muốn được thế, chúng ta phải thực hành Lời Chúa :”Aùnh sáng của các con phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp các con làm, mà tôn vinh Cha của các con, Đấng ngự trên trời”(Mt 5,16).

 

          3.  Sống khiêm nhường nhịn nhục.

 

          Trong cách giới thiệu của Gioan về Đức Giêsu, ta thấy ông luôn luôn làm cho Đức Giêsu nổi bật lên, đồng thời tự làm cho mình lu mờ đi :”Ngài phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”(Ga 3,30).  Gioan đã phải từ bỏ “cái tôi” của mình để thể hiện được sự quên mình theo tinh thần tự hủy của Đức Giêsu (Pl 2,6-8).

 

          Lão Tử đã đưa ra chủ trương “Nhu nhược thắng cương cường”, cái mềm yếu lại thắng cái mạnh mẽ. Do đó quan niệm “Nhu thắng cương, nhược thắng cường” (mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh) có thể làm cho chúng ta dễ chấp nhận. Đúng vậy, thánh Phaolô đã nói thẳng :”Tôi vui thỏa trong các nỗi yêu đuối… vì khi tôi yếu thì chính bấy giờ là Tôi mạnh”(2Cr 12,10). Nhà thơ La Fontaine có một câu truyện ngụ ngôn rất thích hợp với đề tài của chúng ta.

 

                                      Truyện : Cây dẻ và cây sậy.

          Cây dẻ tự hào  mình là thứ cây cổ thụ cao lớn đồ sộ, hiên ngang đứng giữa trời đất giang tay đón gió. Dẻ đưa mắt nhìn xuống đám cây lau sống lụp xụp trong bùn dưới chân mình. Dẻ tỏ vẻ khinh khi bảo :”Kìa lòai chi chúng bay  mà ta vừa rung lá, bay đã cúi đầu lo sợ”. Khóm lau trả lời :”Chúng tôi cúi đầu mà không gẫy thân. Còn ông hãy coi chừng”. Và cứ thế, lời qua tiếng lại mỗi ngày. Bỗng một ngày kia, trận bão từ biển Đông thổi vào. Cây dẻ cứ đứng vững như trồng, còn lau đua nhau cúi sát mặt. Nhưng trên gió cứ thổi lên, thổi lên từng hồi. Dẻ ta vẫn đứng sừng sững, còn lau nằm sát nước. Bỗng một tiếng đổ sụp vang trời dội đất. Cây dẻ đã trốc rễ và vật mình nằm sõng sượt không thốt lên lời. Qua cơn bão táp, lau đứng dậy vững vàng .

 

          Vâng, lau cúi mình nhưng lau không bị gẫy. Lời thánh Phaolô “trong lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh” là thế đó !

 

          4. Tinh thần biết ơn Chúa.

 

          Chúng ta biết Cựu ước chỉ là hình bóng của Tân ước và hình bóng của luật cũ đã nên trọn vẹn trong Luật mới. Không chỉ trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu được gọi là Con Chiên. Thánh Phêrô cũng nói về Đức Kitô là Con Chiên. Trong sách Khải huyền, thánh Gioan gọi Con Chúa là Con Chiên ít nhất 28 lần. Ông đã chỉ rõ Đức Kitô là Con Chiên bị chết vì tội lỗi lòai người, của các dân tộc. Ông cũng nhấn mạnh sự thật rằng : Con Chiên đây là Con thật của Thiên Chúa, rằng Ngài tăng cường sức mạnh cho những kẻ tin theo Ngài, Ngài chiến thắng Satan. Do đó, chúng phải tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với Chúa Giêsu, Con Chiên Thiên Chúa đã cứu chúng ta khỏi định mệnh mất ơn nghĩa đời đời. Chúa Giêsu đã tự ý và yêu thương mà hy sinh mạng sống Ngài cho chúng ta được sống.

 

                                      Truyện : Được sống nhờ con chiên.

          Trên mái một nhà thờ ở Werden, nước Đức, người ta có thể nhìn thấy một tảng đá chạm trổ một con chiên. Đây là câu chuyện về tảng đá đó. Một công nhân đang làm trên mái nhà thờ này thì dây thừng an tòan bị đứt, anh công nhân bị rớt xuống sân nhà thờ, mà sân thì xếp đầy những đống đá lớn. Thế nhưng anh công nhân không bị thương nặng. Có một con chiên đang gặm cỏ giũa hai khối đá lớn. Anh công nhân rớt xuống trên con chiên và đè nó chết, làm tiêu tan điều được coi là  cú rơi định mệnh.

 

          Để nhớ ơn, anh công nhân đã chạm trổ một con chiên bằng đá và đặt trên mái nhà thờ. Đó là một cách tốt đẹp bày tỏ lòng biết ơn của anh ta đối với một con vật đần độn, đã cứu mạng anh mà nó không biết (Arthur Tonne).

 

          Thánh lễ nào cũng là thánh lễ tạ ơn. Chúng ta sốt sắng dâng Thánh lễ này để cảm tạ Chúa vì công ơn cứu chuộc Đức Kitô đã dành cho chúng ta, và trước khi rước lễ, chúng ta cầu xin với Chúa Giêsu bằng lời nguyện “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”. Liền sau lời nguyện đó, Linh mục chủ tế cũng giới thiệu Chúa Giêsu Thánh Thể cho chúng ta bằng những lời Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu với dân chúng năm xưa :”Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…” Lúc ấy, chúng ta hãy sốt sắng hiệp cùng Mẹ Maria nài xin Chúa Giêsu Thánh Thể mà ta sẽ rước vào lòng cho ta biết kết hợp mật thiết với Người, để nhờ Người và trong Người  ta sẽ sống như những con chiên đích thực của Chúa, những con người biết sống yêu thương tha thứ và hiệp nhất trong tình yêu thương.

 

                                                                   Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                   Giáo xứ Kim phát

                                                                   Đà lạt

                            

 

 

         

 

 


Về trang Mục Lục