CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN A
GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT
+++
A. DẪN NHẬP.
Tình yêu ! Một từ rất quen thuộc, ai cũng
biết nhưng người ta chưa hiểu hết nội
dung phong phú của nó, hoặc hiểu tình yêu một cách lệch lạc hoặc hiểu một cách
phiến diện. Do đó, nhiều khi người ta đã
làm mất ý nghĩa cao qúi của tình yêu, đồng hóa tình yêu với tình dục. Người ta chỉ biết dùng tình yêu để tìm đến những
thú vui hạ đẳng mà không biết nâng cao tâm hồn lên.
Tình yêu mà phụng vụ đề cập đến hôm
nay là một tình yêu hòan hảo, tinh tuyền, cao thượng, phổ quát và phong phú nhất. Tình yêu trong phụng vụ chính là Bác ái công
giáo (Caritas). Bác ái là yêu thương một
cách rộng rãi như thánh Augustinô đã nói :”Giới
hạn của tình yêu là không có giới hạn
nào”. Đó là tình yêu đối với Thiên
Chúa và đối với tha nhân. Hai tình yêu này
khác nhau chăng ? Thưa không. Chẳng những hai tình yêu này không tách rời nhau
mà còn quyện lấy nhau : chỉ là một. Chính tình yêu này giúp chúng ta yêu mến Chúa
và phục vụ tha nhân.
Người đời chê những người chỉ biết yêu trên lỗ miệng mà không bao
giờ đem ra thực hành bằng những việc làm cụ thể và coi đó chỉ là tình yêu giả dối
:
Thương miệng thương môi
Thương
miếng xôi miếng thịt.
Theo Đức Cha Arthur Tonne thì yêu mến Chúa là “ao ước làm vui lòng Chúa” và yêu tha nhân
là “làm điều thiện hảo cho họ”. Tình
yêu đối với Chúa cũng như đối với tha nhân luôn phải kèm theo những đặc tính là
hy sinh, phục vụ và dâng hiến. Bất cứ làm việc gì cũng phải được thực hiện
trong tình yêu thì mới có giá trị :”Ama et
fac quod agis”(Thánh Augustinô) : yêu mến đi rồi làm gì thì làm.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Xh 22,21-27.
So sánh Cựu ước và Tân ước, ta thấy Cựu ước còn thô sơ, Tân ước mới hoàn chỉnh. Chính
vì thế mà Chúa Giêsu đã nói :”Ta đến không
phải để hủy bỏ lề luật và các tiên tri, nhưng để kiện toàn”. Chính vì vậy
mà Cựu ước có nhiều điều luật dạy người Do thái phải yêu thương đồng bào mình.
Nhưng tình yêu này có tính cách cục bộ.
Bài đọc 1 này trích từ sách Xuất hành
nói rõ về đức bác ái và công bình đối với người Do thái với nhau, nhất là đối với những người yếu và kém may mắn
nhất : người góa bụa, mồ côi và nghèo khó.
Điểm đặc biệt trong bài đọc hôm nay nói
đến tình yêu đối với những người ngoại
kiều đang sống trên đất nước mình nữa. Họ
là những người đáng thương thiếu sự nâng đỡ và bảo đảm. Chúa đứng ra bênh vực
cho họ. Nếu họ là nạn nhân của bất công , họ cứ kêu Chúa và Chúa sẽ đến giúp họ,
trừng trị những kẻ nào cư xử xấu đối với họ.
+ Bài đọc 2 : 1Tx 1,5c-10.
Trong thư gửi cho tín hữu
Thessalonica, thánh Phaolô tỏ ra hết sức vui mừng và khen ngợi giáo đoàn vì họ đã
mau mắn đón nhận Tin mừng Ngài rao giảng, và đã cố gắng sống Tin mừng ấy trong những hoàn cảnh thật khó khăn.
Thật vậy, dân Thessalonica đã trở nên
gương mẫu cho thế giới Hy lạp : đức tin của họ sống động và sáng chói, đến nỗi
họ trở thành gương mẫu cho nhiều nơi khác noi theo.
+ Bài Tin mừng : Mt 22,34-30.
Trong bài Tin mừng tuần lễ trước, nhóm
biệt phái và Hêrôđê đã thất bại trong việc gài bẫy Chúa Giêsu về vấn đề nộp thuế
cho vua César. Họ chưa chịu thua, lần này
họ cử một tiến sĩ luật để tranh luận với
Chúa Giêsu về vấn đề : điều răn nào trọng
nhất trong sách Luật.
Câu hỏi này không phải là dễ trả lời. Trong sách Luật Do thái có 613 điều luật, thật
là một rừng luật vì còn nhiều điều luật phụ nữa. Mỗi nhóm thích giữ một điều luật
và cho điều luật ấy là quan trọng hơn cả. Nếu Chúa Giêsu chọn một điều luật nào
đó thì sẽ làm phật lòng các nhóm khác.
Nhưng Chúa Giêsu đã đưa ra một câu trả
lời rất xuất sắc làm cho vị tiến sĩ luật không hỏi gì thêm nữa. Câu trả lời này vừa mới mẻ, lại vừa rộng rãi
:
- Một là mến Chúa và yêu người rút ra
từ các điều luật trong các sách Luật.
- Hai là liên kết hai luật ấy : điều
luật đã mến Chúa thì phải yêu người, yêu người là yêu Chúa.
- Ba là có thể tóm gọn hai luật ấy bằng một luật duy nhất là luật yêu thương.
Như vậy, Yêu thương hay Bác ái là cốt
lõi của mọi điều luật và nếu phải cần đến một từ để tóm tắt cả Phúc âm thì đó là
yêu
mến.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Mến Chúa yêu người
I. BỐI CẢNH CÂU TRUYỆN.
Sau khi thất bại trong việc gài bẫy Chúa
Giêsu trong việc nộp thuế cho vua César, nhóm biệt phái muốn tấn công Chúa Giêsu
bằng một đòn khác : họ sai một tiến sĩ luật đến hỏi thử Chúa Giêsu :”Thưa
Thầy, trong lề luật điều răn nào trọng nhất” ?
Chữ “Lề luật” ở đây có ý chỉ toàn thể
lề luật trong Cựu ước. Câu hỏi này không nhằm một trường hợp đặc biệt nào, nhưng
muốn tìm biết điểm cốt yếu trong lề luật.
Luật Do thái gồm 613 điều luật, trong đó có 365 điều luật cấm và 248 điều
luật truyền làm. Các điều đó chia làm trọng luật và khinh luật. Phạm khinh luật thì chịu phạt đền tội, nhưng phạm trọng
luật như giết người, thờ tà thần, gian dâm... thì bị tử hình.
Sở dĩ đặt câu hỏi này là vì một đàng các
phe nhóm không đồng ý với nhau về điều răn nào là quan trọng nhất, đàng khác họ
muốn thử Chúa Giêsu để gài bẫy Ngài, vì
nếu Ngài trả lời điều luật này trọng, điều luật kia không trọng thì thế nào Ngài
cũng bị qui lỗi là về phe nhóm này, chống
nhóm kia, và như vậy Ngài thiên vị và không còn được kính nể nữa.
Chúa Giêsu đã trả lời một cách rất rõ
ràng, rất hợp và xác đáng :”Ngươi hãy yêu
mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết
linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất”. Câu luật này trích trong sách Đệ nhị luật 6,5
có đổi một chút, thay vì “hết sức” thì Chúa nói là “hết trí”. Song cốt yếu không
có gì đổi.
Chúa Giêsu còn thêm :”Nhưng điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy
là ngươi hãy yêu thương kẻ khác như
chính mình ngươi”. Luật này trích ở
sách Lêvi 19,18. Chúa đem điều luật yêu
người này đặt ngang hàng với điều luật mến Thiên Chúa là một điểm đặc sắc của
Chúa, làm cho đạo của Chúa vô cùng cao qúi và vô cùng hấp dẫn.
Tất cả mọi điểm khác trong luật hoặc các điều luật khác chỉ là để chú giải cắt
nghĩa hai điều luật đó thôi.
Kẻ khác hay cũng gọi là tha
nhân, theo quan niệm của người Do thái đương thời, thì tha nhân chỉ là
những người đồng chủng, đồng hương, đồng xứ (Lv 19,18). Nhưng ở đây chữ “kẻ khác” Chúa có ý dạy phải
thương yêu mọi người chứ không giới hạn
trong những người đồng hương với nhau (Mt 25,40 ; Lc 5,43), không những
thế mà lại còn phải yêu thương cả địch thù nữa (Mt 5,43). “Như chính mình” : Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh
người được yêu đồng hóa với người yêu, vì vậy, phải yêu thương tha nhân cũng bằng
chính tình yêu đối với bản thân mình.
II. NÓI VỄ CHỮ YÊU.
1. Chưa có một định nghĩa thoả đáng.
Người ta đã định nghĩa rất nhiều về
tình yêu, nhưng chưa có một câu định nghĩa nào thoả đáng khiến cho mọi người chấp
nhận. Ví dụ Thần học định nghĩa yêu là
“diffusivum sui boni” : yêu là thông ban ra sự tốt lành của mình. Còn rất trừu
tượng.
Thi sĩ Xuân Diệu cũng chịu, không định nghĩa nổi :
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,
Nó
đến với ta một buổi chiều.
Nó
chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng
mây nhè nhẹ gió hiu hiu.
Theo thánh Phaolô thì “Yêu là cho tất cả,
nhận tất cả và chịu đựng tất cả” (x. 1Cr 13,7).
Thánh Gioan tông đồ thì nói :”Căn cứ
vào điều này, chúng ta biết tình yêu là gì : đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng
ta”(1Ga 3,16).
Giới trẻ thì đưa ra nhiều định nghĩa tùy theo cái nhìn của mình . Đại khái : * * Yêu là chết trong lòng một ít (cf Xuân Diệu).
* Yêu là đau khổ.
* Yêu là hy sinh (x. Mt 16,24
; Mc 10,52).
* Yêu là phục vụ (x. Ga
13,4-11).
* Yêu là dâng hiến (x. 1Cr
13,7).
Từ ngữ YÊU ở đây không hẳn là AMOR, một
thứ tình yêu còn mang tinh chất xác thịt mà người Hy lạp gọi là EROS (ái tình),
mà đúng ra là CARITAS (Bác ái hay Đức Mến). Khi nói đến Tình yêu thì Giáo hội
Kitô giáo dùng chữ CARITAS. Từ ngữ Caritas mang một âm thanh vô cùng khả ái đối
với hết mọi người – bất kể sắc tộc, tôn giáo hay chính kiến – mỗi khi nghe đến,
vì nó là biểu tượng cho tình yêu tha nhân phổ quát của Kitô giáo, một tình yêu
bắt nguồn và luôn dựa trên nền tảng tình yêu Thiên Chúa (x. 1Ga 4,6).
Thánh Phaolô, khi nói đến tình yêu thì
ngài dùng chữ Caritas (Đức mến). Trong thư gửi cho tín hữu Côrintô, ngài nói :”Đức
mến (caritas) thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không
tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi
hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức
mến không bao giờ mất được… Hiện nay đức tin, cậy, mến, cả ba đều tồn tại, nhưng
cao trọng hơn cả là đức mến”(1Cr 13,1-13).
2. Yêu trong thực hành.
Chúng ta không muốn đưa ra những câu định
nghĩa trừu tượng mà đi vào thực hành trong cuộc sống.
Chúng ta có thể nhận câu định
nghĩa của Đức cha Arthur Tonne :”Yêu
mến Chúa là gì ? Yêu mến Chúa là ao ước làm vui lòng Chúa.
Lệnh truyền của Chúa Kitô có thể đọc là:”Con hãy ao ước làm vui lòng Chúa”. Yêu mến tha nhân có nghĩa là ao
ước làm điều thiện hảo cho họ. Chúng ta không thể
“làm điều thiện hảo” cho Chúa, nhưng chúng ta có thể ao ước làm vui lòng Ngài. Chúng ta có thể và phải làm điều thiện hảo
cho tha nhân. Một trong những cách tốt
nhất để làm vui lòng Chúa là làm điều thiện hảo cho tha nhân. Đã có những lần Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng
ai yêu mến Chúa thì tuân giữ giới răn của Ngài.
Cách đây vài Chúa nhật, chúng ta đã thấy rằng giới răn của Chúa là bằng
chứng tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Tuân giữ điều răn Chúa là bằng chứng
tình yêu của chúng ta đối với Ngài.
(GM Arthur Tonne, Bài
giảng Tin mừng, năm A, tr 130).
III. ĐẶC TÍNH CỦA TÌNH
YÊU.
1. Tình yêu và hy sinh.
Nhà đạo chúng ta sử dụng quen thuộc
hai từ “hy tế” và “hy lễ”. Theo từ nguyên Hán thì HY là con
trâu thui và SINH là con lợn luộc. Thời nhà Thang bên Trung quốc, người ta dùng
hai lễ vật này để tế Trời ban cho mưa thuận gió hòa. Nếu dùng chữ “hy lễ” và “hy tế” thì chỉ là tế
con trâu thui. Nếu dùng từ HY SINH thì có nghĩa là “tế lễ hy sinh”.
Vậy tình yêu và hy sinh phải đi đôi với
nhau. Đã yêu thì phải hy sinh : yêu Chúa thì phải dâng lễ hy sinh cho Chúa. Cho
nên, khi dùng từ “hy sinh” thì nó gồm cả : chết rong lòng một ít, đau khổ, phục
vụ, dâng hiến...
Trên đường đời không có con đường nào
bằng phẳng cả, nhất là con đường tình yêu.
Tình yêu cũng có thử thách, gian nan, đau khổ. Nói chung nó đòi phải hy
sinh. Mối tương quan sâu xa giữa tình yêu
và hy sinh đau khổ đã là đề tài muôn thuở của thi ca và tiểu thuyết, cũng như
nghệ thuật thứ bảy. Và người ta thường
ví tình yêu và đau khổ cũng như hoa hồng với gai : không thể có hoa hồng mà không
có gai. Mối tương quan có thể nói là “biện
chứng” này được diễn tả gọn chỉ trong hai từ ghép lại thành một, đó là “yêu thương”
hay là thương yêu : yêu thương cùng với đau thương một vần là thế.
(cf Thiện Cẩm, Suối
nguồn tình yêu, tr 62).
2. Thánh giá là biểu tượng tình yêu.
Theo Phúc âm chữ “Yêu” liền với chữ “Thập” nhưng vẫn là yêu. Đó
là tình yêu Thập giá. Việc chịu đóng đinh
thập giá là DẤU CHỈ gây ấn tượng sâu sắc về tình yêu vĩ đại Chúa Giêsu dành cho
chúng ta. Chúa Giêsu đã nói :”Không có
tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người
hiến mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Tôi rất vui mừng vì Chúa Giêsu đã
ban cho chúng ta dấu chỉ vĩ đại ấy, chúng
ta cần biết rằng mình đáng yêu vì nếu chúng ta không thấy mình đáng yêu, chúng
ta không thể yêu mến kẻ khác được. Tại sao chúng ta không thể yêu nếu không thấy
mình đáng yêu ? Lý do đơn giản Tình yêu
là một món quà tự hiến. Và nếu chúng ta
không thấy mình là đáng yêu – và vì thế đáng giá – thì chúng ta sẽ không trao tặng
chính mình cho kẻ khác được. Nói tóm lại, chẳng ai đem cho đồ rác rưởi cho kẻ
mình khâm phục sâu xa. Vì thế điều đầu tiên mà sự đóng đinh thập giá đem lại
chính là dấu chỉ tình yêu mà Chúa Giêsu
dành cho chúng ta. Chúng ta đáng giá và đáng yêu mến đến mức Đức Giêsu tự hiến
mạng vì chúng ta.
(M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr 307)
3. Tình yêu trong phục vụ.
Cây Thánh giá là biểu tượng của hai mối
tình chí thiết : thanh dọc là bàn tay dâng lên Thiên Chúa, thanh ngang là vòng
tay ôm lấy anh em. Thiên Chúa và anh em
chỉ là một mối tình duy nhất đi về hai hướng. Đây chính là cốt lõi của mạc khải
vậy. Người hành khất ngồi bên vệ đường run lập cập vì lạnh giá, được thánh
Martinô thành Tour chia cho một nửa chiếc áo choàng phủ thân, chính là Ngài :”Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu
các ngươi đã đến thăm, Ta bị tù đầy các ngươi đã đến với Ta... Những gì các ngươi
làm cho một trong các anh em bé mọn của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.
(Mt 25,36).
Tình yêu phải được thực hiện trong
tinh thần phục vụ. Chính Chúa Giêsu đã làm
gương trong tinh thần ấy khi Ngài nói :”Ta
đến không phải được phục vụ, nhưng để phục vụ và đem giá máu của mình để cứu chuộc muôn người”. Có
rất nhiều gương sáng chói trong công cuộc phục vụ những người nghèo và nhất là
những người bệnh nạn, đau khổ.
Truyện : Chị nữ tu phục vụ.
Mẹ Têrêsa Calcutta kể :”Hôm ấy, một người
lạ mặt đến nhà dòng, ông thấy một Sơ vừa đem về một người hấp hối, nằm bên ống
cống, mình mẩy giòi bọ rất hôi thối. Thế mà, Sơ rất nương nhẹ nhặt từng con bọ với vẻ mặt vui tươi, thanh
thản đầy thương mến... Rồi người lạ đến gặp tôi nói :”Thưa mẹ, khi con đến đây
với lòng đầy căm hờn của một người vô tín ngưỡng. Nhưng bây giờ con ra về với một tâm hồn hoàn
toàn đổi mới. Con bắt đầu tin Chúa, bởi
vì con đã chứng kiến tình yêu của Chúa được
diễn tả một cách cụ thể qua hành động và qua cách Sơ ấy đối xử với người hấp hối
bẩn thỉu kia. Bây giờ con tin thật Chúa
là tình yêu. Không có tình yêu Chúa trong tâm hồn, không khi nào có đủ nghị lực
để yêu tha nhân được”.
Thật vậy, không mến Chúa, không thể yêu
người vô vị lợi được. Vì thế Chúa Giêsu đã nhấn mạnh cho mọi người nhận biết
hai điều răn quan trọng nhất là “Mến Chúa yêu người”. Chính tình yêu Chúa đã làm
cho người ta bỏ tính vị kỷ mà biết xả kỷ, thay vì chỉ biết lo cho bản thân mình
lại biết mở lòng ra để lo cho người khác.
Chúa Giêsu là kiểu mẫu tuyệt hảo về lòng
mến Chúa yêu người. Ngài để lại chúc thư
:”Hãy yêu mến nhau như Thầy yêu mến
các con” (Ga 15,34). Và Ngài đã yêu
mến chúng ta đến mức chịu chết vì chúng
ta. Có thực hy sinh cho nhau mới chứng
thực là đã yêu nhau thật. Hãy tập một vài điều trong “Bài ca đức ái” của thánh
Phaolô (1Cr 13,4-7) : khoan dung, nhân hậu, không ghen tuông, không ba hoa, không
tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ, không cáu kỉnh, không chấp nhất sự dữ,
không mừng trước sự bất công.
Thánh Phaolô tông đồ nhắc nhở cho tín
hữu Rôma về trách nhiệm phải thực hành đức ái đối với nhau, không yêu nhau là mắc
nợ với nhau vì đây là lệnh truyền của Chúa, Ngài nói :”Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái, vì ai yêu
người thì đã chu toàn lề luật. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại
; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy”(Rm 13,8-10).
Thánh Augustinô khuyên :”Ama et fac
quod agis” : yêu mến đi rồi làm gì thì làm.
Để kết thúc, chúng ta hãy cầu nguyện :
“Lạy Chúa, xin dạy chúng con yêu
mến Ngài cho xứng đáng,
Xin dạy chúng con yêu tha nhân như Ngài yêu chúng
con.
Xin dạy chúng con yêu cho dù yêu
là đau khổ,
Bởi vì qua tình yêu chúng con tôn
vinh Chúa,
Qua tình yêu chúng con mang hạnh
phúc đến cho tha nhân,
Và qua tình yêu chúng con tìm được
ý nghĩa của cuộc sống mình.
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Amen.
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt