CHÚA  NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN A

TƯ CÁCH CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO

+++

A. DẪN NHẬP.

 

          Người ta thường nói :”Tốt danh hơn lành áo”(Tục ngữ) hay “Hổ tử lưu bì”(Hổ chết để da), tất cả đều nói lên chân lý này : trên đời ai cũng muốn có danh thơm tiếng tốt, ngay cả sau khi chết.  Danh thơm tiếng tốt phải phát xuất tự con người, cả trong lẫn ngoài, chứ không phải chỉ có cái mẽ bề ngoài, nhất là cái bề ngoài giả dối.

 

          Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy sống trung thực với lòng mình : có thì nói có, không thì nói không. Đừng đưa cái giả dối bề ngoài mà loè mắt thiên hạ.  Chúa dạy các môn đệ hãy nghe và thực hiện những lời dạy dỗ của luật sĩ và biệt phái dạy vì họ được trao ban quyền giáo huấn ; nhưng Chúa cảnh giác mọi người : đừng bắt chước việc họ làm vì những việc làm của họ chỉ có tính cách khoe khoang, muốn cho người ta biết tới để ca ngợi họ.

 

 Còn chúng ta hãy sống trung thực với lòng mình để lúc nào ngôn hành cũng đồng nhất, không cần sống kiểu cách như nhiều người chủ trương : “Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa che lại”(Tục ngữ).  Tốt nhất trong mọi trường hợp hãy cố ở khiêm nhường trước mặt Chúa và trước mặt người ta, vì Chúa đã phán :”Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”(Mt 23,12).

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

+ Bài đọc 1 : Ml 1,14 – 2,2.8-10.

 

Sau khi dân  Do thái được vua Cyrô cho hồi hương, đền thờ được xây dựng lại, việc thờ phượng Chúa phát triển rầm rộ. Nhưng với thời gian, đà tiến của những ngày đầu tiên dừng lại . Từ đó, việc thờ phượng dần dần xuống cấp, các tệ nạn phát sinh  như dung túng cho việc ly dị, hôn nhân với người ngoại, trốn thuế thập phân ; các nhà lãnh đạo đối xử với dân chúng một cách quan liêu, chỉ nhằm tư lợi.

 

Tiên tri Malakia xuất hiện vào thế kỷ V trước công nguyên tuyên sấm lời Chúa.  Tiên tri qui trách nhiệm về các nhà lãnh đạo tôn giáo về sự xuống cấp trầm trọng ấy, đặc biệt là các tư tế : họ làm nhiệm vụ một cách chểnh mảng, chỉ lo tìm lợi riêng.  Thiên Chúa dùng tiên tri Malakia nhắc nhở về cung cách lãnh đạo : làm cho dân biết tôn vinh Thiên Chúa, trung thành với Giao ước, và đối xử với mọi người trong tình anh em cùng một Cha.

 

+ Bài đọc 2 : 1Tx 2,7-9 . 13.

 

Thánh Phaolô nhắc nhở tín hữu Thessalonica vềø cách hành xử của Ngài đối với họ :Yêu thương săn sóc họ như người vú nuôi sẵn sàng hy sinh tất cả cho tín hữu cả mạng sống của Ngài. Khỏi làm phiền lòng họ trong việc nuôi ăn, Ngài đã muốn tự túc  bằng một nghề lao động chân tay. Ngài vui mừng khi thấy họ đón nhận Tin mừng do Ngài giảng dạy như chính Lời Chúa.

+ Bài Tin mừng : Mt 23,1-12.

 

Các nhà lãnh đạo của dân Do thái, đặc biệt là luật sĩ và biệt phái là những “rabbi”, bậc thầy của dân, có nhiệm vụ dạy dỗ.  Nhưng lời nói và việc làm của họ không am hợp nhau, chức vụ và cách sống của họ không tương xứng. Vì thế, Chúa Giêsu nhắc nhở các tông đồ cũng là cho chúng ta. :

a) Phải tôn trọng chức vụ của họ vì họ ngồi “trên toà Maisen” mà giảng dạy. Hãy làm theo những gì họ dạy.

b) Nhưng đừng bắt chước việc họ làm vì họ là người kiêu căng, cứng cỏi, hám danh, thích chỉ tay năm ngón.

c) Ngược lại, Chúa đòi ở các môn đệ phải có thái độ khác : phải thành thực, thẳng thắn, khiêm nhường và phục vụ.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

   Ai tự nâng mình lên.

I. NHỮNG NGƯỜI LUẬT SĨ VÀ BIỆT PHÁI.

 

Bất kỳ ai cũng tỏ ra khó chịu và dứt khoát không chấp nhận lối sống giả hình, giả dối của một người nào đó. Chúa Giêsu cũng cảm thấy như vậy, đặc biệt đối với những luật sĩ và biệt phái.  Chúng ta thử xem họ sống như thế nào mà trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đã cảnh cáo chúng ta đừng theo gương họ.

 

1. Địa vị của họ trong xã hội.

 

Họ là những người được “ngồi tòa Maisen”, nghĩa là những người kế vị Maisen, có quyền chính thức giải thích luật Maisen.  Chúa Giêsu công nhận các luật sĩ và biệt phái  có quyền chính thức.  Vì thế, dân chúng và các môn đệ phải lắng nghe và tuân giữ những lời họ nói vì đây là tiếng nói của Thiên Chúa. Mọi người phải tôn trọng họ vì họ là những bậc thầy, những người được chính thức giảng dạy.

 

2. Những nết xấu của họ.

 

Nết xấu triền miên của luật sĩ và biệt phái là giả hình giả bộ, giả nhân giả nghĩa. Trong lòng và bộ điệu bên ngoài khác hẳn nhau. Họ chỉ là những người diễn kịch, cách sống của họ chỉ có bề  ngoài, chứ không có bề trong. Họ thuộc vào hạng người :

Bề ngoài thơn thớt nói cười,

Mà trong nham hiểm giết người không dao.

                (Truyện Kiều)

Dựa vào Tin mừng hôm nay, chúng ta có thể vạch ra  một số nết xấu nổi bật của họ :

 

a) Hám danh cầu lợi.

 

Mọi công việc họ làm đều có tính cách cầu lợi, muốn cho mọi người chú ý đến mình, ca ngợi mình , cho nên họ mới :

          * Nới rộng thẻ kinh :

 

 Thẻ kinh đây là tấm da mỏng, trên có viết 4  đoạn Kinh thánh quan trọng (Xh 13,1-10 ; 13,11-16 ; Đnl 6,4-9 ; 11,13-21) Thể kinh có mục đích rất tốt là nhắc nhở người ta  luôn nhớ đến luật Chúa.  Người Do thái thường đeo thẻ này mỗi khi đọc kinh cầu nguyện ; các luật sĩ và biệt phái đeo những thẻ này dài hơn, rộng hơn và nết chữ đậm  mầu hơn để người ta chú ý và cho mình là đạo đức.

 

* May dài tua áo :

 

 Áo khoác ngoài của người Do thái giống như tấm khăn mỏng, 4 đầu dính tua bằng len làm giải buộc, có mầu tím tượng trưng trời, mục đich nhắc nhở người ta  nhớ đến các giới răn (Ds 15,38-40 ; Đnl 22,12). Chính Chúa Giêsu cũng mang tua áo (Mt 14,36, Mc 6,56 ; Lc 8,44).

          Các người Do thái đều mang tua áo, nhưng các luật sĩ và biệt phái thì tăng kích thước quá đáng để có ý khoe mình sốt sắng đạo đức hơn người.

 

b) Ưa được tôn trọng và ưu đãi.

 

          Luật sĩ và biệt phái muốn được người ta tôn trọng và biệt đãi nơi công cộng, nhất là trong đám tiệc và nơi hội đường.

 

          * Nơi đám tiệc và hội đường :

 

Theo phong tục , người Do thái xếp chỗ theo tuổi tác và chức vụ hay tài trí, cũng giống như ở Việt nam chúng ta. Tuổi tác và chức vụ là cái dễ nhận ra, nhưng còn tài trí và khôn ngoan thì khó nhận ra. Các luật sĩ và biệt phái muốn tỏ ra là mình tài trí khôn ngoan, nên thường chọn những chỗ cao nhất.

 

          * Nơi phố xá :

 

 Người Do thái có thói quen chào người trên mình trước theo tuổi tác hay chức vụ của họ. Các luật sĩ và biệt phái ưa được bái chào nơi phố xá và còn thích được xưng hô là “Thầy”          (x. Trần hữu Thành, Suy niệm Tin mừng CN, A, tr 319-320).

 

          c) Họ nói mà không làm.

 

          Các luật sĩ và biệt phái phải dạy dỗ và đòi hỏi người ta giữ luật cách tỉ mỉ và nghiêm khắc. Họ chất những gánh nặng của lề luật trên vai người dân mà họ không động tay đến. Họ nói mà không làm. Họ là những người ngôn hành bất nhất, họ thuộc hạng người :”Mồm miệng đỡ chân tay”.

 

          3. Chúa Giêsu nhắc nhở.

 

          Chúng ta thấy Chúa Giêsu phân biệt quyền giáo huấn và những người thi hành quyền đó. Ngài nhìn nhận những người luật sĩ và biệt phái có quyền giáo huấn, vì họ là những người được chính thức trao phó  nhiệm vụ dạy bảo dân chúng. Do đó, khi họ thi hành nhiệm vụ nhân danh Chúa thì phải nghe và thi hành những gì họ dạy bảo.  Nhưng tại sao Chúa lại bảo đừng bắt chước hay noi theo những việc họ làm ? Phải chăng họ đã làm những điều bất chính ? Không, Chúa nhìn nhận họ có làm nhiều việc thật, bình thường thì đó là những việc tốt đáng ca tụng, nhưng đối với Chúa thì chẳng ra gì, vì thái độ giả hình, giả dối của họ. Lòng đạo đức của họ chỉ có tính cách giả dối, một thứ đạo đức chỉ có cái vỏ bề ngoài.

 

II. TÂM LÝ CỦA NGƯỜI TỰ NÂNG MÌNH LÊN.

 

          Những người tự nâng mình lên là những người kiêu ngạo. Họ ham danh vọng, ham tiếng khen, thích được tỏ vinh quang ra cho người ta thấy, nhưng đấy chỉ là vinh quang ảo, không có thật. Tất cả là do trí tưởng tượng của họ bầy ra và tự gán cho mình vinh dự ấy.  Cái uy tín không phải mình tự tạo ra và gán cho mình nhưng phải do người khác tặng cho mình qua nhận xét của người ta.

 

          Những luật sĩ và biệt phái muốn cho người ta chào mình với danh hiệu “Thầy”. Tước hiệu Thầy để gọi các luật sĩ và biệt phái kể ra thì mới lắm, bắt đầu từ ông Simon con ông Hittel, ông giáo huấn đời Hêrôđê cựu nhân.

 

          Từ câu 8 -12 nói riêng với các tông đồ, Chúa Giêsu khuyên giữ đức khiêm nhường. Chúa không bài trừ khỏi Giáo hội tất cả những tước hiệu đáng kính. Trong một xã hột trật tự tất nhiên phải có. Song đòi hỏi cho được và giận hờn khi không được lại là một chuyện khác. Chính những luật sĩ và biệt phái đã muốn, đã ước ao được cái danh dự hão mình không đáng được ấy.

 

Truyện : Bé cái lầm.

 

          Có một thi sĩ kia sáng tác được một số bài thơ, bắt đầu nổi tiếng.  Một buổi chiều ra công viên thành phố đi dạo, rồi ngồi nghỉ trên ghế đá kê sát vào tường.  Ông hết sức ngạc nhiên và rồi lại tỏ ra hãnh diện sung sướng khi thấy nhiều người đi qua trước mặt ông đã ngả mũ cúi chào.  Trong khi còn nghĩ ngợi, thắc mắc thì có một bà già cũng đến trước mặt ông. Sau khi cúi chào, bà đã nhìn lên và miệng lâm râm nhiều lời mà ông không nghe rõ. Thế rồi bà cũng đi. Lúc ấy ông mới quay lại và nhìn lên theo hướng bà già kia đã nhìn. Ông nhận ra rằng ngay sau lưng và phía trên đầu ông có một cây thánh giá đã được dựng lên ở đó. Và ông xấu hổ bỏ đi nơi khác.

 

          Chúng ta cũng thường lầm lẫn như thế. Lời Chúa muốn giải thoát chúng ta khỏi những danh lợi hão huyền và rất đáng hổ thẹn của thế gian, Bởi vì, thật là dại dột và lố bịch  khi con người không biết rõ giá trị của mình, lại thích được chiếm địa vị cao, ham được những ưu đãi. Những ham ước ấy chỉ khiến họ bị lợi dụng và trở nên trò cười cho thiên hạ. Có khi còn gây nhiều tai họa cho người khác nữa.

                                (Báo Cg  và Dt, Giáng sinh 1995, tr 281)

 

III. BÀI HỌC CHO CHÚNG TA.

 

          1. Nội thánh ngoại vương.

 

          Suy nghĩ về bài Tin mừng hôm nay, chúng ta phải tự hỏi mình : đời sống chúng ta có gì là giả hình hoặc đóng kịch không ? Ngôn hành của chúng ta  đồng nhất hay bất nhất ? Chúng ta hãy nhớ : chúng ta có thể sống đóng kịch, che đậy, giấu giếm người này người nọ, nhưng chúng ta có thể sống mãi như thế không ? Không. Có ngày mọi sự kín đáo sẽ bị phơi ra ánh sáng, lúc đó mới  cháy nhà ra mặt chuột”. Phải cố sống sao cho trung thực trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt mọi người.

 

                                      Truyện : Hai người bộ hành.

          Có hai người bộ hành đi đường xa.  Đêm đến họ phải vào một cái miếu để ngủ nhờ.  Đây là một ngôi miếu nổi tiếng là nhiều ma quái. Bầu không khí lạnh lẽo đến rợn người làm cho hai người khách bộ hành cảm thấy sợ khi đã vào trong miếu.

          Trong hoàn cảnh này, người không Kitô nói với bạn Kitô rằng :”Anh làm ơn cho tôi mượn cây thánh giá  anh đang đeo ở cổ đi. Tôi sợ quá. Hy vọng rằng cây thành giá của anh sẽ làm cho tôi bớt sợ”.

          Thế là người Kitô kia đã gỡ cây Thánh giá anh đang đeo ở cổ trao cho người bạn không Kitô. Hai người nằm nghỉ đêm.

          Trời về khuya, con yêu tinh xuất hiện, nó rờ vào cổ của người Kitô, tính sát hại người này, bỗng nó thốt lên :

          - Người này có trong mà không có ngoài.

          Con yêu tinh có ý nói rằng người này là người Kitô đích thực, tuy không mang trong mình một dấu hiệu Kitô nào.

          Qua người không Kitô, con yêu tinh chạm đến cây Thánh giá người này đeo ở cổ, nó thốt lên :

          - Người này có ngoài mà không có trong.

          Con yêu tinh có ý nói rằng, người này tuy mang Thánh giá ở cổ, nhưng không phải là người Kitô đích thực.

 

          Câu truyện trên đây cho chúng ta hiểu rằng bản chất của người Kitô không hệ tại những tô điểm bên ngoài. Chiếc áo dòng không làm nên ông thầy tu.  Cây Thánh giá mang vào cổ cũng chẳng thể biến ngay một người trở thành Kitô hữu  được.

 

          Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay đòi hỏi chúng ta  phải lo sao cho đời Kitô hữu của mình có được sự thống nhất trong ngoài… Nhất là giữa niềm tin và cuộc sống có sự ăn khớp với nhau.  Bởi vì nếu không như thế chúng ta sẽ chẳng khác nào mồ quét vôi và thành trò hề cho thiên hạ mà thôi.

 

          Ngày xưa, vua  Thành Thang và vua Thương được người đời gọi là “thánh vương” vì các vị đó có một đời sống tốt lành gương mẫu, trong ngoài ăn khớp với nhau. Chính vì thế, người Á đông lấy câu nói của Vương dương Minh làm châm ngôn cho cuộc sống của mình hằng ngày :”Nội thánh ngoại vương” : bên trong là một vị thánh, bên ngoài là một ông vua.

 

          2. Hãy hạ mình xuống.

 

          Người đời ai cũng có tham sân si, ai cũng muốn cho mình vượt trên các người khác, nhất là những người lãnh đạo. Có những người kiêu căng đã tự tôn mình lên làm chúa tể như bao nhiêu bạo chúa : Kiệt, Trụ, Tần thủy Hoàng bên phương Đông. Nabuchodonosor, César, Néron bên phương Tây. luật sĩ , biệt phái và tư tế Do thái cũng thuộc hạng tự cao tự đại như vậy, nên Chúa Giêsu đã nhiều lần cảnh cáo họ ; họ như mồ mả quét vôi bên ngoài mà trong đầy xác chết thối tha. Thối tha vì họ dám ngạo mạn “ngồi trên tòa Maisen...” Họ làm như thế cốt làm cho người ta thấy.

 

          Chúa khuyên mọi người hãy biết tự hạ, nhất là các cấp lãnh đạo.  Trong bài đọc I hôm  nay Thiên Chúa đã dùng tiên tri Malakia mà khiển trách họ.  Ngoài ra, Chúa Giêsu còn đưa ra một mô hình người lãnh đạo gương mẫu theo Tin mừng : như Mt 20,24-28 ; Ga 13,1-20vv...

 

          * Tấm lòng của người lãnh đạo : yêu thương những kẻ được mình hướng dẫn.

 

          * Phương châm của người lãnh đạo : tự coi mình là đầy tớ, có bổn phận phục vụ những kẻ được mình hướng dẫn.

 

          * Cung cách của người lãnh đạo : hạ mình, hy sinh, gương mẫu.

 

                                      Truyện : Đức Giáo hòang Gioan 23

          Đức Gioan 23 đã kể lại kinh nghiệm của Ngài như sau :

          “Khi tôi mới được bầu làm Giáo hoàng để lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng, sợ hãi trước một trách vụ quá nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ, tôi nghe một tiếng bảo tôi :”Gioan đừng tự xem mình quá quan trọng”. Tôi đã áp dụng câu nói này, và từ dạo ấy, tôi ăn ngon, ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo hoàng”.

 

          Khiêm nhường là một đức tính được Thiên Chúa ưa thích, khác với tính tự cao tự đại, có thể so sánh với những ngọn đồi. Trái lại, đức khiêm nhường giúp chúng ta đào sâu những trũng thấp để đón nhận những hồng ân của Thiên Chúa, không thể dừng lại ở những ngọn đồi, nhưng chảy xuống và đọng lại ở những trũng thấp dưới chân đồi.

                             (Thiên Phúc, Tất cả là hồng ân, tr 12)

 

Lạy Chúa, Chúa thương người khiêm nhường, vì người khiêm nhường nhận biết sự thật. Mà Chúa là sự thật, nên Chúa không chấp nhận sự lừa dối. Xin cho con luôn biết sự thật về con chính là lúc thụ tạo yếu hèn và bất toàn. Xin cho con luôn ý thức rằng tất cả những gì con có, từ tiền bạc của cải vật chất, cho đến những tài năng của trí tuệ, tất cả đều thuộc về Chúa. Và xin cho con luôn biết quảng đại để trao lại cho những ai cần đến con. Vì con biết rằng Chúa sẽ thương yêu con nhiều hơn”. Amen.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt.

                                                         


Về trang Mục Lục