CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN A

BẢN HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI

+++

A. DẪN NHẬP.

 

          Bất cứ một quốc gia nào cũng phải có hiến pháp  do quốc hội qui định mọi sinh họat trong nước. Là công dân của một nước, mọi người phải sống và làm việc theo pháp luật của quốc gia đó. Đức Giêsu đã đi rao giảng Nước Trời và khi rao giảng trên núi, Ngài đã tuyên bố bản “Hiến chương Nước Trời” cho tất cả những ai  muốn làm công dân nước đó. Bản hiến chương này là một bản luật kỳ lạ chẳng giống chi với luật lệ của bất cứ một dân tộc nào trên thế giới. Bản luật này không do nguồn gốc nhân lọai nhưng do bởi trời, không nhằm mục đích vật chất mà nhằm nâng cao con người lên những giá trị vĩnh hằng.

 

          Theo bản Hiến chương đó, những ai muốn được hạnh phúc thì phải tuân theo bản “Tám mối phúc thật”. Đối với những người không có đức tin thì bản hiến chương này thật là nghịch lý! Làm sao khó nghèo, buồn sầu, bị bách hại… lại là hạnh phúc ? Đối với người đời, hạnh phúc nằm trong tiền của, thú vui, danh vọng, quyền bính… Ai mà lại không đuổi theo những thứ đó ?  Nhưng thực ra, những thứ đó mới đưa con người đến những hạnh phúc pha tạp, bất tòan và ngắn hạn, còn một thứ hạnh phúc tuyệt đối vĩnh cửu nữa mà chỉ những ai sống theo bản Hiến chương đó thì mới đạt tới.

 

          “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”(Mt 5,2). Khó nghèo đây không phải là khó nghèo vật chất mà là khó nghèo trong tinh thần, nghĩa là gỡ lòng ra  cho khỏi dính bén  quá nhiều vào của cải đến nỗi ngày đêm chỉ mải mê nghĩ đến nó mà bỏ quên những cái khác, kể cả lương tâm, công bình, bác ái và sự sống đời sau. Chỉ những ai có lòng khiêm nhường mới có thể có được tinh thần nghèo khó ấy và mới đáng được hưởng hạnh phúc Chúa hứa ban ở trên trời.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

          + Bài đọc 1 : Xp 2,3; 3,12-13.

 

          Đế quốc Assyria đặt ách đô hộ trên dân Do thái. Họ bị đè nén, áp bức, mất tất cả không còn gì.. Họ trở nên bé nhỏ và yếu thế, không còn hy vọng có một tương lai sáng sủa nào nữa. Nhưng tiên tri Xôphônia lại cho đó là cơ hội tốt cho người Do thái còn lại để họ biết đặt niềm tin vào Thiên Chúa và trở thành dân của Ngài. Vì thế, tiên tri an ủi và khuyến khích họ hãy sống công chính  và khiêm nhu để chờ đợi Chúa đến giải thóat họ.

 

          + Bài đọc 2 : 1Cr 1,26-31.

 

          Thánh Phaolô cảnh cáo giáo đòan Côrintô về tính tự kiêu tự mãn của họ. Nhiều người tự phụ vì đã thành công do sự khôn ngoan và khéo léo của mình. Họ đã chia ra thành bốn nhóm chống lại nhau như bài đọc 2 tuần trước đã đọc, chỉ vì họ kiêu căng  cho mình là khôn ngoan hơn những người khác. Nhưng thánh Phaolô cho họ biết sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt trên tất cả, sự khôn ngoan của lòai người chẳng đi đến đâu : những gì thế gian cho là điên dại, yếu kém, hèn mạt thì Thiên Chúa đã chọn  để hạ nhục những kẻ khôn ngoan.

 

          + Bài Tin mừng : Mt 3,1-12a.

 

          Đức Giêsu mở đầu sứ mạng truyền giáo bằng câu :”Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,12). Ngài muốn rao giảng về Nước Trời hay Nước Thiên Chúa, nơi mà mọi người có thể tìm được hạnh phúc chân thật. Chính vì thế, Đức Giêsu mới rao giảng về Tám mối phúc thật hay Hiến chương Nước Trời. Tám mối phúc  thật này dành cho những ai biết khôn ngoan tìm kiếm. Khi nói  đến phúc thật thì phải hiểu là hạnh phúc con người được hưởng trên thiên đàng, sau khi đã kết thúc cuộc hành trình trên trần gian. Các mối phúc thật theo Tin mừng  do Đức Kitô công bố xác định thái độ con người phải có để mở rộng lòng ra đối với Chúa và sống trong tình thân mật đối với Ngài.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

                                                Tìm hạnh phúc đích thực.

I. ĐỨC GIÊSU RAO GIẢNG TÁM MỐI PHÚC THẬT.

 

          1. Cơ hội rao giảng.

 

          Phụng vụ hôm nay đọc lại cho chúng ta  bài giảng đầu tiên của Đức Giêsu mà ta quen gọi là Bài giảng trên núi hay Hiến chương Nước Trời, hay Tám mối phúc thật.

 

          Thọat xem, chúng ta coi bài giảng trên núi như một bài giảng duy nhất trong một cơ hội duy nhất. Nhưng thật ra, đây là một bài tóm tắt của Ngài đã từng giảng mà thánh Matthêu đã sắp xếp lại thành một bài giảng duy nhất. Có người gợi ý rằng, sau khi Đức Giêsu lựa chọn 12 Tông đồ, Ngài đưa họ ra một nơi yên tĩnh độ một tuần hay lâu hơn để dạy dỗ họ trong suốt thời gian đó. Bài giảng trên núi  là tóm lược sự dạy dỗ đó.

 

          2. Các thính giả tham dự.

 

          “Khi Đức Giêsu thấy đòan lũ đông đảo”. Đòan lũ đông đảo gồm các tông đồ, các môn đệ và dân chúng kéo đến từ Galilêa bên kia sông Giorđan, từ miền thập tỉnh, miền Giuđêa và Giêrusalem. Trong đám đông này có những người Do thái  thuộc tất cả mọi học thuyết khác nhau, lại có cả dân ngọai đến từ Tyr và Siđon, đủ mọi thành phần. Đòan lũ đông đảo ở đây là hình ảnh dân mới của Đức Giêsu tuyển chọn tức là Giáo hội vậy.

 

          3. Đức Giêsu đưa họ lên núi.

 

          Đức Giêsu đưa họ lên núi, ngồi xuống và phán dạy các tông đồ”. “Ngồi” là tư thế giảng dạy của các bậc thầy thời ấy. Khi một rabbi ban huấn thị thì thường đứng, hoặc đi qua đi lại, nhưng khi thực sự dạy dỗ thì ngồi xuống. Việc Đức Giêsu ngồi xuống dạy dỗ các môn đệ chính là dấu hiệu cho thấy điều dạy này là trọng yếu  và chính thức.

 

          Danh từ “Núi” còn ám chỉ một điều quan trọng. Ngày xưa trong đạo cũ, ông Maisen đã lên núi Sinai để lãnh nhận 10 điều răn và các lề luật của đạo cũ, một Hiến chương Nước Trời. Lề luật mới thay thế lề luật cũ. Giao ước mới kiện tòan Giao ước cũ.

          4. Nội dung bài giảng.

 

          Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu tuyên bố Hiến chương Nước Trời trong đó có hạnh phúc thật và thứ hạnh phúc này chỉ dành cho những ai

          - có tâm hồn nghèo khó.

          - có tinh thần hiếu hòa.

          - lo phiền sầu khổ.

          - khát vọng đời sống công chính.

          - biết xót thương người.

          - có lòng trong sạch.

          - biết xây dựng hòa bình.

          - bị ngược đãi vì sống công chính.

 

          Tám mối phúc thật này xem ra có vẻ nghịch lý và ảo tưởng đối với người đời, nhưng chỉ những ai biết khôn ngoan và có tâm hồn khiêm nhu mới hiểu được và mới có thể đạt tới hạnh phúc Nước Trời.

 

II. MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐI TÌM HẠNH PHÚC.

 

          1. Hạnh phúc, khát vọng của con người.

 

          Khát vọng sâu xa và thầm kín nhất của con người là hạnh phúc. Người ta sinh ra để được hạnh phúc, và cuộc đời của mỗi người trên trần gian này cũng là một cuộc tìm kiếm hạnh phúc không ngừng.  Quan niệm về hạnh phúc của mỗi người một khác, nhưng hạnh phúc vẫn là một mối bận tâm lớn của con người.

 

          Vì thế, có thể nói người ta sinh ra, lớn lên và ngay cả chết nữa cũng là để được hạnh phúc. Nhưng thử hỏi : mấy ai đã được hòan tòan hạnh phúc  trên cõi đời này ? Vậy hạnh phúc phải chăng  là một điều viển vông hay một giấc mơ không bao giờ đạt tới ? Như thế bàn về hạnh phúc có phải là một điều không tưởng và một cách thế ru ngủ lòng mình hay không ?

 

          Nếu hỏi hạnh phúc là gì, và làm thế nào để có được hạnh phúc ? Có lẽ không mấy ai có thể cắt nghĩa cho rõ ràng được ! Vì hạnh phúc không là điều đơn giản có thể thu tóm trong một định nghĩa hay một công thức, hay một bài viết. Hạnh phúc cũng không giống như chiếc áo, chiếc xe, hay cái nhà mà ta có thể vẽ ra thành hình hài có mầu sắc, hay có thể mua sắm làm ra được.

 

          Có thể nói  được là, ngòai những vị sáng lập tôn giáo, những nhà hiền triết chính danh đều giúp con người đi tìm hạnh phúc, vì tìm hạnh phúc là thuộc bản năng của con người, như mọi sinh vật đi tìm thức ăn… Blaise Pascal tiên sinh cũng nhấn mạnh :

Tất cả mọi người đều đit ìm hạnh phúc, không trừ ai… Tất cả đều hướng về mục đích ấy, mặc dù phương pháp họ dùng có khác nhau. Vì phương pháp khác nhau mà người này thì đi chinh chiến, người kia thì không, nhưng ý định vẫn như nhau cả, đôi bên với những lối nhìn khác nhau. Ý chí không bao giờ hành động mà không hướng về chủ đích ấy. Đó là nguyên nhân hành động của con người, của cả người tự đi thắt cổ nữa” (Blaise Pascal, Pensées, t.II, tr 143).

          2. Phân lọai hạnh phúc.

 

          Chúng ta có thể chia hạnh phúc thành hai lọai :

 

          a) Hạnh phúc khả giác : đó là tất cả những gì chúng ta có thể nếm thử, sờ mó, nhìn xem, rung động hay khóai cảm, ví dụ ăn bữa cơm ngon, ta thấy khóai cái lỗ miệng, nghe bản nhạc hay ta thấy thích thú… Phần đông khi nói đến hạnh phúc thì người ta đều hình dung và quan niệm dưới góc cạnh ấy.

          b) Hạnh phúc tinh thần hay luân lý : Hạnh phúc này vượt trên vật chất và không lệ thuộc vào vật chất , những ai làm việc thiện  hay có khả năng thắng vượt những khó khăn và chịu đựng hòan cảnh thì cảm thấy thỏai mái, tâm hồn thảnh thơi. Quả vậy, kinh nghiệm cho hay, mỗi khi làm một việc thiện, thường tự nhiên ta cảm thấy vui vui. Đó là hạnh phúc của hiền nhân quân tử, có thể chấp nhận cái nghèo mà vẫn lấy làm vui.

 

          3. Người ta tìm hạnh phúc ở đâu ?

 

          Người ta đi tìm hạnh phúc nơi tiền của, thú vui, danh vọng, quyền bính … nhưng những cái đó không đương nhiên mang lại cho con người hạnh phúc. Chúng ta có thể đưa ra một trường hợp cụ thể để làm chứng : Ai lại không biết ông Tonner, một nhân vật nổi tiếng của Mỹ hiện nay, nhà tỉ phú sáng lập hệ thống truyền hình CNN. Trong một phỏng vấn mới đây dành cho tạp chí The New York, nhà tỉ phú này cho biết rằng mình thất vọng đến nỗi đã có lúc nghĩ tới việc tự tử.

          Con người đã từng được xem là một trong những người quyền thế nhất nước Mỹ, nhất là sau khi ông đã tặng hàng tỉ Mỹ kim cho tổ chức Liên Hiệp Quốc, giờ đây tự nhận mình là nạn nhân của một cuộc chiến tranh đủ mọi mặt, từ công việc kinh doanh, đời sống gia đình và ngay cả niềm tin tôn giáo. Thất bại trong đời sống gia đình là điều thê thảm nhất đối với ông. Ông và nữ tài tử Folda đã ly dị nhau sau tám năm chung sống. Lý do chính khiến cho hai người chia tay nhau là vì Folda đã trở thành một tín hữu Kitô. Tonner đã có lần nói rằng Kitô giáo là tôn giáo  dành cho những người thua cuộc và gọi Đức Gioan Phaolô II là một tên ngu ngốc. Với tất cả những gì mình đang có trong tay, ông có lý khi gọi các tín hữu Kitô là những người thua cuộc. Nhưng cái nghịch lý nhất của Kitô giáo mà con người giầu có và quyền thế này không thể hiểu được chính là thua để thắng, mất để được, chết để sống. Lẽ ra, trong nỗi thất vọng ê chề khiến ông chỉ còn nghĩ tới một lối thóat duy nhất là tự tử, Tonner phải hiểu được lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu :”Chiếm được cả thế gian mà đánh mất chính bản thân, nào được ích gì”?

 

III. ĐÂU LÀ HẠNH PHÚC THẬT ?

 

          1. Tinh thần khó nghèo và hạnh phúc.

 

          Người ta ai cũng đi tìm sự giầu có vì “Có tiền mua tiên cũng được” mà Đức Giêsu lại nói :”Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”, phải chăng là một sự nghịch lý ? Đúng vậy, với những người không có niềm tin thì đó là một điều hết sức nghịch lý. Nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, bị bách hại… không thể mang lại hạnh phúc mà chỉ mang đến sự bất hạnh thiệt thòi, khinh bỉ mà thôi.

          Như vậy phải chăng Đức Giêsu ngăn cản nền văn minh tiến bộ của nhân lọai đang vươn tới hùng cường, thịnh vượng sao ? Phải chăng Ngài ủng hộ cho hành động bóc lột và đàn áp sao ? ?  Không phải thế, Đức Giêsu không bảo cứ nghèo là hạnh phúc, nhưng Ngài muốn nói đến tinh thần khó nghèo (Mt 5,3). Người có tinh thần khó nghèo theo Tin mừng  là người siêu thóat không để lòng dính bén của cải trần gian như tiền tài, thú vui, danh vọng…Nhất là biết ý thức về tình trạng bần cùng của mình trong mọi lãnh vực, thế nên họ tuyệt đối cần đến Chúa. Chỉ có đức khó nghèo này mới là giầu có phong phú, vì nó mở rộng tâm hồn đón nhận các ân huệ Thiên Chúa và các ích lợi do tình yêu Ngài.

 

          Hay nói một cách rõ ràng hơn : Nghèo khó theo Tin mừng là nhìn một cách sáng suốt là tình trạng bất lực nhỏ bé của chúng ta, là thành thật nhận rằng tự sức mình, chúng ta không có gì, chúng ta chẳng là gì, chúng ta chẳng làm được gì. Tất cả những cái chúng ta có được đều là của Chúa ban như lời thánh Phaolô :”Tấùt cả là hồng ân”. Nghèo là nhận rằng mình tùy thuộc, mình không thể tự mình tổ chức được đời mình mà không cần đến Chúa.

 

          Sự nghèo khó này đưa chúng ta đến cùng Chúa và mở lòng Chúa cho chúng ta. Ai biết mình khốn cùng nghèo khó thì chạy đến cùng Chúa; kẻ ấy đặt hết tin tưởng nơi Người. Ngòai ra, sự khó nghèo lại mở được lòng Chúa ra cho chúng ta, vì Người là Tình thương, Người không thể giả điếc làm ngơ trước những lời chúng ta kêu cầu.

 

          Sự nghèo khó còn làm cho chúng ta nhạy cảm với những sự khốn cùng của những người khác, tìm cách làm cho người khác được hạnh phúc.  Chân phước Têrêsa Calcutta, một người sống nghèo khó đã giúp đỡ những người nghèo khó đã viết :”Hạnh phúc có nghĩa là  yêu như Chúa đã yêu, giúp đỡ như Người đã giúp đỡ, hy sinh như Người đã hy sinh, phục vụ như Người đã phục vụ…” Đó là chương trình Tám mối phúc thật.

 

          Như vậy, người có tinh thần nghèo khó là người chỉ biết chọn lựa Thiên Chúa, đặt trọn niềm tin tưởng nơi Ngài, đó chính là người có phúc nhất. Thánh vịnh đã xác định điều đó khi nói :”Phúc thay người đặt niềm tin tưởng vào Chúa”. Vì sao ? Vì khi đặt tin tưởng như thế thì

 

Họ như cây trồng bên suối nước,

Trổ sinh hoa trái đúng mùa

Lá cây không bao giờ tàn úa

Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt”.

 

          Ngược lại, người chỉ biết tin tưởng vào nơi tạo vật mà bỏ quên Thiên Chúa, nhất là còn chống đối Thiên Chúa thì họ sẽ không được hạnh phúc. Hạnh phúc thế nào được khi tâm hồn còn bồn chồn lo lắng, khắc khỏai lo âu ? Thánh Augustinô đã có kinh nghiệm về vấn đề này khi ngài viết trong cuốn Tự thuật :”Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, linh hồn còn vẫn còn khắc khỏai lo âu cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”.

 

                                      Truyện : Nữ minh tinh Demi Moore.

          Mới đây, làng điện ảnh Hollywood thường đề cập đến nữ minh tinh Demi Moore, người rất được khán giả Hoa kỳ ái mộ, và cũng là vợ của Bruce Willis, một tài tử danh tiếng khác.

          Nổi tiếng và giầu có, nhưng Demi lại đang sống trong tình trạng mặc cảm, lo sợ, hối hận dầy vò. Số là trước khi bước chân vào nghề điện ảnh, Demi đã làm một nghề tồi bại : cho chụp hình playboy thân xác của mình.

          Mặc dầu đã tốn khá nhiều tiền mua lại các phim gốc, hầu xóa bỏ dấu tích của một thời thiếu đoan trang, Demi vẫn mang trong mình nỗi bất an lo sợ. Vì hiện nay đang có dấu hiệu xuất hiện các hình ảnh xấu xa của cô trên Internet.

          Demi lo cho danh dự của mình một phần, nhưng nguy hiểm hơn, cô đang sợ một ngày kia, ba đứa con gái bé bỏng của cô là Rumer, Scout và Talluah sẽ nhìn thấy các hình ảnh “không nết na” của mẹ chúng trên Internet, hoặc bị bạn bè bắt gặp và đem ra trêu chọc. Demi không muốn chứng kiếân cảnh các con ngây thơ vô tội phải xấu hổ đau khổ vì mình. Cô tâm sự :”Giấc mơ lớn lao nhất của tôi là  tìm mọi cách thu hồi những tấm ảnh playboy đó và ném nó vào đống lửa cho cháy tiêu tan”. Demi cũng cho hay cô không kiêu hãnh chút nào khi có người khen cô đẹp vẹn tòan, bởi vì cô đã phạm một lỗi lầm rất lớn là để cho người ta chụp hình khỏa thân hầu sớm nổi danh và giầu có (Bùi quang Tuấn).

 

          2. Hạnh phúc đích thực chỉ ở trong Chúa.

 

          Khi con người đầu tiên đánh mất tình yêu tòan vẹn của Thiên Chúa, và tội lỗi đã nảy mầm trong nhân lọai, thì hạnh phúc thật và viên mãn đã rời xa con người. Thiên Chúa đã nói :”Các ngươi sẽ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có của ăn”(St 3,19) và đương nhiên đã xa rời nguồn yêu thương là Thiên Chúa, thì chúng ta phải chấp nhận thiếu thốn, nhất là thiếu thốn hạnh phúc, và chúng ta chỉ còn một con đường  tìm cách trở về sống hòa mình với nguồn tình yêu và hạnh phúc đích thực nơi Người, chúng ta mới thực sự được thỏa mãn (x Tv 16,2).

 

                             Truyện : Thần đồng Pic de la Mirandole.

          Hồi thế kỷ 14 (thế kỷ của Michel Ange và Raphael) ở nước Italia, có một thần đồng tên là Pic de la Mirandole. Không giỏi thuật điêu khắc như Michel Ange, không biết họa pháp như Raphael, nhưng dám can đảm giải đáp tất cả mọi thắc mắc trong thiên hạ, biện luận với mọi triết gia, bác học trên thế giới.

          Cũng vào thời kỳ ấy, tại thành Florence, có một văn thi sĩ tiếng tăm như sấm động và sống xa hoa vương giả, trong một lâu đài tráng lệ nguy nga.

          Một hôm – Poliziano – tên nhà thi sĩ – phái người đến chúc mừng và phỏng vấn Pic de la Mirandole. Ông liền được họ Pic phúc đáp trong một miếng giấy không to hơn lòng bàn tay :

          Tìm hạnh phúc nơi tạo vật là một điên khùng. Hạnh phúc thật chỉ có thể gặp thấy trong Thiên Chúa” (Vũ minh Ngiễm, Dừng, tr 125).

 

          3. Thực hành “Tám mối phúc thật”.

 

          Hạnh phúc là một khát vọng tự nhiên và chính đáng của con người. Tuy nhiên, mỗi người quan niệm và đi tìm nó một khác. Giữa hạnh phúc khả giác và tinh thần, đối tượng và mức độ đã khác nhau. Đi xa hơn, hạnh phúc và tinh thần của Tám mối phúc thật lại còn khác nhau hơn nữa, trong cả nội dung lẫn hình thức.

 

          Hạnh phúc phần đông của lòai người theo đuổi là hạnh phúc khả giác. Hạnh phúc này không phải là hòan tòan xấu và bị cấm đóan, vì đó là những niềm vui tự nhiên thông thường của con người. Chính Chúa Cứu thế cũng đã chia sẻ hạnh phúc này  với người trần  khi đi dự tiệc cưới Cana, và trả lại sự sống cho người góa phụ thành Naim.

 

          Nhưng cũng lại chính Ngài đã mở cho ta  con đường đi vào hạnh phúc trường cửu, phổ quát. Đó là con đường “Tám mối phúc thật”, dành cho mọi người thành tâm thiện chí không hạn định, với điều kiện duy nhất là chấp nhận lời mời sống theo “Hiến chương Nước Trời” đã được ban hành sau bài giảng trên núi.

 

          Chúng ta cũng nên nhớ rằng hạnh phúc trần gian chỉ là hình ảnh của hạnh phúc thiên đàng. Bức ảnh chỉ cho thấy một phần nào sự thật, nó không thể LÀ sự thật. Tất cả mọi hạnh phúc lý tưởng mà con người quan niệm hoặc kinh nghiệm được ở trần gian chỉ là những hình ảnh, những dấu chỉ của hạnh phúc thật, nó chỉ được vén mở khi ta được may mắn nghe lời mời gọi của Chúa :”Các con hãy vào trong hoan lạc của Chúa con”(x.Mt 25,21-23)

 

                                      Truyện : Erman Coen.

          Erman Coen được mệnh danh là Augustinô của thời đại chúng ta. Ngài là một người Do thái rất giầu có. Thời trai trẻ, ngài chỉ biết ăn chơi và chạy theo thế gian. Sự nhàm chán cứ đè nặng trên vai ngài. Ngày kia, ngài đã từ bỏ tất cả và xin vào tu viện…

 

          Trong buổi giảng Mùa Vọng tại nhà thờ Đức Bà Cả ở Paris, ngài nói :”

Tôi đã đi khắp mặt đất, tôi đã yêu thế gian, tôi đã biết  thế giới, và tôi đã học được một điều : không có hạnh phúc ở trên thế gian này. Nhưng tôi cũng như nhiều người khác đã vào tìm nó nơi không có. Tôi đã tìm nó ở những nơi tôi tưởng nó có, ở những nụ cười, ở nơi vàng bạc, ở nơi sắc đẹp…

Ôâi, lạy Chúa, điều con mơ ước mọi giờ, mọi ngày con đã tìm ở đâu ? Và con đã chỉ tìm được nó trong Chúa và tình yêu Chúa”.

 

          Tóm lại, theo quan niệm Thiên Chúa giáo, hạnh phúc của con người chính là Thiên Chúa, nguyên lý và cứu cánh của vạn sự. Hạnh phúc viên mãn của con người hệ tại ở sự sống kết hiệp, trong sự tham dự, chia sẻ viên mãn, sự sống và tình yêu Thiên Chúa.

 

                                                                   Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                   Giáo xứ Kim phát

                                                                   Đà lạt

         

 


Về trang Mục Lục