CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN A

MUỐI VÀ ÁNH SÁNG

+++

 

A. DẪN NHẬP

 

          Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn nói đến sứ mạng của người môn đệ và người Kitô hữu. Ngài dùng một biểu tượng rất quen thuộc để nói lên vai trò của họ trong thế giới hôm nay : “muối đất và ánh sáng trần gian”.  Một bữa ăn mà không có muối thì lạt lẽo làm sao ! Một ngôi nhà dù sang trọng mà thiếu ánh sáng thì cũng không có giá trị.

 

          Trong một xã hội hoàn toàn tập trung vào tiến bộ kỹ thuật và tiện nghi, một xã hội chỉ biết hưởng thụ tối đa đời sống vật chất mà quên đi đời sống tâm linh, chúng ta có thể trở nên muối để tinh luyện và đem mùi vị đạo đức vào trong cuộc sống hiện tại không ?  Chúng ta có thể trở nên ánh sáng để xua tan bóng tối  của tội lỗi và đem niềm vui, an bình đến cho xã hội không ?

 

          Vai trò của người môn đệ là phải thấm nhuần tinh thần Đức Kitô để nên nhân chứng của Ngài trong cuộc sống, để có thể nói như thánh Phaolô :”Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Với gươngsáng và đời sống đạo đức, chúng ta  có thể phô diễn Chúa Kitô cho người khác và có thể lôi kéo họ trở về với Ngài.  Muối cho đời, ánh sáng cho trần gian”. Ôi, ơn gọi tuyệt vời của các môn đệ Đức Kitô Giêsu !

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

 

          + Bài đọc 1 : Is 58,7-10 

 

          Khi bị lưu đầy bên Babylon, dân Do thái không còn Đền thờ, không còn các lễ nghi thì các tư tế và luật sĩ khuyến khích dân chúng giữ tinh thần đạo đức bằng viêc ăn chay, cầu nguyện và bố thí.  Nhưng rất tiếc, họ quá nhấn mạnh đến hình thức mà sao nhãng phương diện tinh thần..

 

          Khi được giải phóng trở về quê hương, dân Do thái vẫn thực hiện cách sống đạo đức theo hình thức cũ, nghĩa là họ chấp nhận một giá trị tuyệt đối cho việc chay tịnh.

 

          Tiên tri Isaia nói với họ rằng chay tịnh hợp ý Thiên Chúa và đồng thời giúp làm tròn nhiệm vụ nhân chứng cho ánh sáng là căn cứ vào việc chia sẻ với tha nhân, tạo lập sự công chính và bình an trong xã hội.

 

          + Bài đọc 2 : 1Cr 2,1-5

 

          Khi rao giảng Tin mừng cho giáo đoàn Corintô, thánh Phaolô cho biết mình chẳng có tài cán gì, không có tài hùng biện, không có những lời quyến rũ mà chỉ dùng lời nói đơn sơ rao giảng về thập giá Chúa Kitô.

 

          Theo ngài, thập giá đối với dân ngoại là một sự điên rồ và đối với người Do thái là một sự sỉ nhục, nhưng đối với ngài, thập giá là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là vinh dự và là sức mạnh vượt trên sức mạnh của loài người.

          + Bài Tin mừng : Mt 5,13-16

 

          Để nói về vai trò làm chứng cho Chúa, Đức Giêsu đưa ra hai hình ảnh rất quen thuộc trong đời sống : muối và ánh sáng.  Ngài nhắc lại cho các môn đệ là  họ phải trở nên “muối cho đời và ánh sáng cho trần gian”. Họ sẽ được như vậy trong mức độ họ sống các mối phúc của Tin mừng.

 

-Là muối, các môn đệ Đức Kitô sẽ ngăn ngừa xã hội loài người  khỏi cảnh luân lý suy đồi,  và các ông sẽ đem lại hương vị cho các thực tại trần thế mà thường thường tự bản chất chúng rất lạt lẽo và giả dối.

 

- Là ánh sáng, các ông phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô ra cho những người chung quanh để họ nhận biết Chúa, theo Chúa và sẽ tìm được ơn cứu độ.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

 

Muối đất và ánh sáng cho trần gian

 

I. GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC GIÊSU.

 

          Trước mặt đám đông dân chúng đang nghe giảng, Đức Giêsu đã đưa ra Hiến chương Nước Trời mà ta thường gọi là bài giảng trên núi hay tám mối phúc thật.  Đoạn Tin mừng này tiếp nối với đoạn nói về những mối phúc thật, nên ở đây Đức Giêsu có ý nói với một cử tọa đông đảo chứ không có ý nói riêng với nhóm môn đệ. Vì thế,  kiểu nói “các môn đệ” ở đây đước hiểu là chung cho tất cả những ai biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

 

          Trong đoạn Tin mừng này Đức Giêsu nói về muối và ánh sáng. Đó là hai hình ảnh xác định rõ ràng và đúng bản chất cũng như sứ mạng của người môn đệ Đức Giêsu là chúng ta. Chúng ta phải là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian.

 

          1. Các con là muối đất (Mt 5,13) 

 

a)   Muối và cuộc sống.  

 

Từ cổ chí kim, muối là một loại vật chất cần thiết cho mọi người trong nhiều lãnh vực. Muối bảo quản thức ăn, cũng là một gia vị cho thức ăn – thức uống. Muối còn được dùng để trị bệnh : đắp vào chỗ trặc gân, bong gân; muối sát trùng, để giúp tiêu hóa, để lưu giữ và chuyển tải i-ốt, ngăn ngừa bệnh tật… Muối cũng có nhiều công dụng khác nữa, kể cả các loài động vật và thực vật.

 

          Nhờ vào tính chất nào mà nó hữu ích cho đời sống chúng ta như vậy ?  Chắc chắn câu trả lời _ ai cũng biết  - là vị mặn của muối.  Nhưng giả như muối mà không mặn, thì chắc là không còn hữu dụng nữa.  Những hạt muối không mặn, người ta không ướp cá mắm gì được, không sát trùng được… và có thể nói : người ta cũng không muốn trải trên đường đi – vì giẵm lên làm đau chân.

 

          Dựa vào bản chất của muối là mặn, Đức Giêsu muốn nói về bản chất của người môn đệ Chúa Kitô là phải có đời sống mặn mà trong cuộc sống là làm chứng cho Chúa.

 

b)   Muối và Kitô hữu.   

 

Câu mở đầu bài Tin mừng hôm nay bắt đầu bằng năm chữ :”Các con là muối đất” (Mt 5,13). Tiếp liền vào đấy, Đức Giêsu nói ngay đến đặc tính của muối tức là chất mặn : nếu muối không mặn thì không thể ướp được gì hết, mà chỉ còn vất ra ngoài cho người ta chà đạp dưới chân.

 

          Chúa bảo các Tông đồ nói riêng và thính giả nói chung là muối đất, ngụ ý bảo các ông cũng như giáo dân lúc ấy phải mặn, cốt để ướp chính mình và để ướp thêm người khác.

 

* ĐỂ ƯỚP CHÍNH MÌNH.

 

Muối không thối bởi vì muối có chất mặn nên để ướp được chính mình. Ngày nào muối thối tức là ngày ấy muối đã hết mặn.  Muối hết mặn thì chỉ còn vất đi, dù ướp chính mình cũng không được nữa. Điều đó rất dễ hiểu.

 

          Chúng ta cũng vậy, dù là Linh mục, tu sĩ hay giáo dân, nếu không thánh thiện tự đáy lòng thì làm sao có thể thánh hóa bản thân, cũng như muối đã không mặn thì làm sao ướp được chính mình.  Vậy sự thánh thiện là một điều tối cần để thánh hóa bản thân, cũng như muối phải mặn để khỏi thối.

 

          Nếu ta là một Kitô hữu, ta cũng phải có “vị mặn Kitô”. Nếu ta không có “vị mặn Kitô” thì ta không giúp gì cho bản thân và cho người khác :

 

                                      Cá không ăn muối cá ươn,

                                Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.

 

          Đức Giêsu cũng khuyến khích chúng ta :”Các con hãy giữ muối trong lòng các con” (Mc 9,50). Ngài khuyên chúng ta  phải có “vị mặm Kitô” trong lời ăn tiếng nói, việc làm, cuộc sống ta phải mặn mà hấp dẫn để ướp trần gian, làm cho trần gian khỏi hư thối  :

 

                                      Một thương mái tóc đuôi gà

                                Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

 

* ĐỂ ƯỚP NGƯỜI KHÁC

 

Muối để ướp chính mình là truyện dĩ nhiên, nhưng còn phải ướp thêm vật khác nữa mới là công tác của nó.

 

          Người tu sĩ và giáo dân  thánh hóa bản thân để rồi không tham dự vào việc thánh hóa người khác, thì đó chỉ là việc THÁNH mà không HÓA : “Sự sáng của các con phải chiếu dọi để thiên hạ nhìn thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5,16). Đó là một câu dạy chúng ta  phải thánh hóa chính mình để rồi thánh hóa người khác.

 

Truyện : Rao giảng bằng gương sáng

 

          Một hôm thánh Phanxicô Assisi gọi một thầy dòng lên dặn :

- Con lo sửa soạn chiều nay chúng ta phải đi giảng.

Đến giờ phải đi, hai cha con ra khỏi nhà đi một vòng quanh thành phố rồi trở về nhà.  Thầy dòng lấy làm lạ hỏi :

- Cha bảo cha đi giảng, sao chưa giảng mà cha đã về ?

Thánh Phanxicô nghiêm trang đáp :

- Như vậy là đã giảng rồi đó.

Thánh Phanxicô có ý nói : đi một vòng nghiêm trang nết na cho người ta thấy, đó cũng là một bài giảng bằng cách làm gương sáng. Gương sáng là một cách thuyết phục và thánh hóa người khác mau lẹ nhất :

                             Lời nói như gió lung lay

                             Gương bày như tay lôi kéo.

 

* NẾU MUỐI MẤT VỊ MẶN

 

          Đức Giêsu cánh cáo :”Nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì mà muối cho nó mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc đổ ra ngoài cho thiên hạ chà đạp lên thôi” )Mt 5,13).

 

          Nhưng  làm sao muối có thể trở nên nhạt được ?  Trong tác phẩm “Chúa Giêsu của Palestine”, Bishop kể lại một lời giải thích của cô Newton : tại Palestine bếp lò thường ở ngoài trời và làm bằng đá trên nền (đế) bằng ngói. Trong các lò lộ thiên như vậy, muốn giữ sức nóng, người ta đổ một lớp muối dầy ở dưới nền ngói. Sau một thời gian, muối mất mặn, người ta lật những miếng ngói lên, lấy muối ra, đổ trên đường vào cửa lò. Nó đã mất năng lực làm cho tấm ngói nóng lên bị quăng ra ngoài. Đó chắc hẳn là hình ảnh nói ở đây.

 

          Còn một điều đáng lưu ý là  đôi khi Hội thánh đầu tiên áp dụng câu này cách rất lạ :”Bị vứt ra ngoài cho người ta chà đạp dưới chân”.

 

          Trong hội đường, người Do thái có tục lạ : nếu một người Do thái bỏ đạo, rồi lại trở về với đức tin, trước khi được thâu nhận lại, người ấy phải ăn năn bằng cách nằm ngang cửa nhà hội và mời mọi người bước lên mình mà bước vào.

 

          Ở một số nơi, Hội thánh cũng theo tục lệ đó. Một Kitô hữu bị đuổi ra khỏi Hội thánh vì bị kỷ luật, trước khi được thâu nhận lại, buộc phải nằm trước cửa nhà thờ và mời mọi người bước vào :”Hãy dẵm lên tôi là muối mất vị mặn”.

 

          Muối bị nhạt đi là hình ảnh những Kitô hữu biến chất. Hình ảnh muối đất mà Đức Giêsu đưa ra làm ví dụ cho biết chúng ta bị biến chất khi chúng ta không còn mặn, nghĩa là trở thành vô dụng. Nói khác đi, người công giáo bị biến chất khi bên trong lẫn bên ngoài của người đó hoặc phai nhạt hoặc mất hẳn những tính chất biểu hiện con cái, môn đệ của Chúa.  Sụ biến chất này bắt nguồn từ nơi thâm sâu của cõi lòng khi chạm trán với những đòi hỏi gắt gao của Tin mừng, của giới răn bằng việc  hoặc dễ dàng chấp nhận sự đầu hàng buông xuôi, hoặc thỏa hiệp theo chủ trương mong ước trần tục của mình. Từ đó, chúng ta dần dần bằng lòng với cuộc sống tầm thường và chiếu theo những thói quen kiểu đạo đức dễ chịu. Tất nhiên hậu quả là  chúng ta không còn là muối nữa.

 

Truyện : Bình đựng muối trống rỗng.

 

          Sưu tầm mọi thứ đủ loại là môn chơi phổ biến ngày nay. Người ta sưu tầm tem thư, cúc áo, vỏ chai, sách hiếm, tiền cũ… Nghĩa là tất cả những thứ bạn có. Một nhóm những người sưu tầm đã tổ chức triển lãm ở một nhà hội Công giáo. Một người khách viếng thăm phòng triển lãm cầm ly cà phê và thịt quay, ông vừa đi vòng quanh vừa ăn.  Khi người khách đi qua chỗ trưng bầy sưu tập cả hàng trăm cặp bình đựng muối và hạt tiêu, ông ta thấy thịt quay của ông cần muối, ông liền đặt ly cà phê xuống và với lấy một bình đựng muối, nhưng không có muối.  Ông mở cả một tá bình đựng muối, nhưng cũng không có một hạt muối nào. Cuối cùng, ông trở lại gian hàng đồ ăn để kiếm muối.

 

          Hàng trăm cặp bình đựng muối mà không có muối. Đó là bức họa đời sống ! Rất nhiều người được coi là “có muối” mà thực ra lại không có muối. Sự kiện này giúp chúng ta hiểu điều Chúa Giêsu nói hôm nay :”Các con là muối đất” (Arthur Tonne, Bài giảng Tin mừng A, tr 37).

 

          2. Các con là ánh sáng thế gian (Mt 5,14). 

 

          Đức Giêsu còn khuyên chúng ta phải trở nên ánh sáng thế gian để soi sáng cho những người đang lần mò trong đêm tối của tội lỗi để đem ánh sáng đức tin đến cho họ.

 

a)   Ánh sáng và cuộc sống

 

Ánh sáng là loại vật chất mà nhờ đó, người ta nhận thấy các vật chung quanh mình.  Ở những nơi tối, người ta càng cần tới ánh sáng và càng nhận thức rằng ánh sáng rất cần cho sự sống. Có thể nói : không có ánh sáng không thể có sự sống.  Ánh sáng kích thích cây cối hoa mầu sống phát triển mạnh mẽ. Thiếu ánh sáng chúng bị úa, bị chết yểu.  Thế kỷ 20 mệnh danh là “thế kỷ ánh sáng”. Biết bao nhiêu phát minh tân kỳ từ đèn điện, bếp điện đến những phát thanh truyền hình, rada, quang tuyến, siêu âm, vi tính, cáp quang…

 

          Khi có ánh sáng, người ta không thể che giấu được vật gì, tốt cũng như xấu. Để diễn tả điều này, Đức Giêsu đã nói :”Một thành phố xây dựng trên núi, không tài nào che giấu được”(Mt 5,14).

 

          Các thành phố Do thái xưa thường được xây trên núi như Nazareth, Giêrusalem… nên từ xa  đã nhìn rõ toàn thể thành phố.

 

          Từ bờ hồ Tibériade, người ta thấy thành Saphed, ở trên cao với cao độ hơn 1000 mét, thành được xây trên những núi  nằm ngang của dẫy núi Galilê, chiếu ánh sáng của nó ra chung quanh. Đức Giêsu đã thường thấy những căn nhà mầu trắng của thành  được mặt trời chiếu sáng.

 

          b) Kitô hữu và ánh sáng.    

 

          Ngôi Lời là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta như Người đã xác nhận :”Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không mất đi trong đêm tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống”(Ga 8,12) và ban cho chúng ta ánh sáng.  Ngài nói :”Chính các con là ánh sáng cho trần gian”(Mt 5,14). Dĩ nhiên, chúng ta không phải là nguồn ánh sáng mà chỉ là ánh sáng phản chiếu của Chúa Kitô.

 

          Vậy bản chất của ánh sáng  là chiếu ra ngoài hay chiếu vào trong nó ?  Đương nhiên là chiếu ra. Cây đèn có sức chiếu sáng, nhưng không phải chiếu cho nó mà cho chung quanh nó. Chính Đức Giêsu đã nói :”Người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên giá hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời”

 

          Ánh sáng phải chiếu tỏa ra, nhưng tỏa ra như thế nào đây ?  Chắc chắn không phải chỉ bằng những lời kêu gọi trống rỗng, vô hồn vì chẳng mấy ăn nhập với đời sống của người lên tiếng.  Nhưng tốt hơn là để cho lời kêu gọi hoán cải, thánh hóa dính kèm với những biểu tỏ cụ thể, sống động, hoặc để cho lời mời gọi ấy tiềm tàng trong những gương mẫu tích cực của đời sống.  Điều này chính Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Phaolô VI cũng đã phát biểu cách mạnh mẽ răng :”Con ngưởi thời nay tin vào các nhân chứng hơn là thầy dạy”.

 

          Năm 1937, Gandhi, một lãnh tụ vĩ đại của Ấn độ, đã nói với các nhà truyền giáo :”Hãy để cho đời sống của các ngài nói với chúng tôi như đóa hoa hồng không cần ngôn ngữ, mà chỉ cần đơn sơ để cho hương thơm lan tỏa. Cả người mù không xem thấy hoa hồng, vẫn nhận ra được mùi thơm của nó. Hãy để chúng tôi nghĩ tới sự cao cả của người Kitô hữu khi họ tỏa hương thơm đời sống. Đối với tôi đó là tiêu chuẩn duy nhất. Tất cả những gì tôi muốn họ làm là sống đời Kitô hữu, chứ không phải là chú giải nó”.

 

          Quả thật, chính khi nỗ lực đáp lại lời mời nên muối và ánh sáng cho trần gian, là chúng ta tự làm cho mình nên cao cả và hạnh phúc.  Chúng ta phải xác tín rằng lời kêu gọi của Chúa Kitô qua sứ điệp Tin mừng hôm nay không phải đến từ bên ngoài, nhưng nó đã được khắc sâu từ trong tâm khảm của mọi người chúng ta, và nó vẫn hằng thống thiết kêu gọi chúng ta phải tích cực đáp lại để kiến tạo niềm vinh phúc cho mình và những người chung quanh. Chớ gì chúng ta sẽ không bao giờ còn ngập ngừng hoặc bịt tai lại nữa.

 

II. SỨ MẠNG CỦA KITÔ HỮU

 

1.    Phải có tinh thần truyền giáo. 

 

          Với hai hình ảnh của muối và ánh sáng đã được Đức Giêsu phát biểu theo chiều hướng truyền giáo rõ rệt, khó có thể hiểu khác đi. Chúng ta chứng minh mình là môn đệ Đức Giêsu qua cuộc sống đức tin, lối yêu thương, tinh  thần Tin mừng.

 

          Giáo hội lúc nào cũng nỗ lực truyền giáo, bỏ ra biết bao nhiêu nhân lực và tài lực vào công việc này.  Nhưng… hiện nay, dân số Kitô giáo trên thế giới  tuy có tăng theo đà tăng của dân số thế giới, nhưng tỷ lệ người Kitô hữu đang càng ngày càng giảm khoảng từ 50 năm nay, nhất là tại Âu châu. Tại châu Âu, nơi trước đây số Kitô hữu đã lên tới 70%, thì nay tỷ lệ người Kitô hữu thực hành đạo thực sự (pratiquants) chỉ cò chưa tới 5% (có người cho biết chỉ còn 2,5 hoặc 3%). Tại châu Á, tỷ lệ người Kitô hữu hiện nay – theo thống kê của Tòa thánh     tính đến cuối năm 1998 – chỉ được 2,7%.  Số Kitô hữu gia tăng chủ yếu là do trẻ con vừa lọt lòng mẹ thì đã thành Kitô hữu do được rửa tội sớm, và số người lớn trở lại Kitô giáo chủ yếu là do việc kết hôn với người Kitô hữu đòi buộc. Số người giác ngộ Kitô giáo tự nguyện theo thì rất ít. Thực trạng đó quả không đáng tự hào chút nào.

 

2.    Truyền giáo bằng chứng tá. 

 

Qua bài  Tin mừng hôm nay, Giáo hội nhắc nhở chúng ta về bổn phận tông đồ truyền giáo của người Kitô hữu trong môi trường sống. Bổn phận này đòi hỏi theo bản chất, nghĩa là người Kitô hữu không thể sống mà không làm việc truyền giáo trong môi trường mình sống.

 

Là ánh sáng, chúng ta phải chiếu soi cho thế gian bằng đời sống gương sáng và đem tinh thần Chúa Kitô thấm nhiễm vào môi trường sống của mình. Chúa bảo chúng ta :”Các con hãy là chứng nhân của Thầy”, nhưng nhiều khi chúng ta vô tình hay hữu ý đã trở thành phản chứng, làm méo mó khuôn mặt của Đức Kitô, khiến người ta không muốn theo Chúa.

 

          Ta hãy nghe Mahatma Gandhi – được Ấn độ xem như là một vị thánh – nói về cách sống đạo của những Kitô hữu trong xã hội của ông.  Ông đã lên tiếng, có vẻ như thách thức người Kitô hữu, cụ thể là những người Anh đô hộ họ : Nếu những người Kitô hữu ở Ấn độ thật sự sống đúng tinh thần của Đức Kitô, thì họ chẳng cần mất công rao giảng, toàn Ấn  độ sẽ trở thành Kitô hữu hết.

 

Trước mắt ông, người Kitô hữu, cụ thể là người Anh đang đô hộ dân tộc ông – cũng tham lam, bất công và tàn bạo không kém gì những kẻ xâm lăng khác.  Ông rất say mê Đức Kitô, nhưng ông không thể trở nên Kitô hữu, vì những người đem Kitô giáo đến với dân tộc ông – người Anh – lại chính là những người  đang nô lệ hóa dân tộc ông, đàn áp dân tộc ông một cách dã man.  Ông không thể tin rằng dân Ấn độ hiền lành của ông cứ phải gia nhập cái đạo của những người đang quàng ách nô lệ lên dân tộc ông thì mới được cứu rỗi.  Nếu những kẻ nô lệ hóa dân tộc ông một cách bỉ ổi mà được Thượng Đế thưởng công chỉ vì họ là người Kitô hữu, đang khi dân tộc hiền hòa của ông lại bị phạt chỉ vì không phải là Kitô hữu, thì một vị Thượng Đế như thế không thể chấp nhận được.

 

Đức Giêsu dùng hai hình ảnh “muối và ánh sáng” là có ý nhắm tới bản chất của các môn đệ, của người Kitô hữu hơn là nói tới việc làm của họ. Muối tốt không thể không ướp mặn. Ánh sáng không thể không chiếu sáng. Người môn đệ, Kitô hữu sống các mối phúc thật không thể không gây tác động và ảnh hưởng ra chung quanh. Đúng là “hữu xạ tự nhiên hương”.

 

Truyện : Ánh hào quang

 

          Lobsang Rampa là một thiền sư Tây tạng nổi tiếng trên thế giới với tác phẩm “Con mắt thứ ba” (Le troisème oeil).  Viện văn hóa nghệ thuật Việt nam đã dịch nó thành “Các Lạt Ma hóa thân”. Ở trang 11-12 (Bản Việt ngữ) viết rằng : “Theo khoa học huyền môn, thể xác con người chỉ là một lớp vỏ, một áo khoác bên ngoài của một linh hồn hay “Chân ngã”… Quanh con người có một vầng hào quang thô thiển phản ánh nguồn sinh lực bên trong.  Một người thánh thện hay khỏe mạnh thì hào quang sáng rõ, vươn ra cách thể xác vài phân. Một người tội lỗi hay yếu đuối thì hào quang mờ tối, thu sát vào thể xác.  Khai mở Thần nhãn để quan sát vầng hào quang này, ta có thể biết được chân tướng mọi người mọi vật hay tình trạng sức khỏe của một người để chữa bệnh.

 

          Đúng thời kỳ sinh nhật thứ 9 của tôi, tôi được đưa vào một căn phòng đặc biệt. Bốn vị Lạt ma Trưởng Lão trong đó có sư phụ tôi cũng đến đó truyền dạy cho tôi những phép bí truyền để khai mở Thần Nhãn… Sau 9 tháng công phu luyện tập, tôi đã thành công… Lần đầu tiên tôi mở mắt ra sát chung quanh, một kinh nghiệm lạ lùng xẩy ra khiến tôi xúc động.  Tôi thấy có 4 vị Lạt Ma Trưởng Lão đều được bao phủ quanh mình bởi một hào quang chói lọi như ánh lửa. Về sau tôi hiểu rằng các vị Trưởng Lão có một đời sống rất tinh khiết mới có được hào quang như vậy.

 

          Khi tôi khai mở Thần Nhãn, tôi phát hiện những rung động khác nữa, xuất phát từ cái trung tâm hào quang đó.  Nhờ đó tôi có thể đoán biết tình trạng sức khỏe của một người ra sao. Cũng như thế, bằng cách xem sự thay đổi mầu sắc của hào quang, tôi có thể đoán biết kẻ đó nói dối hay nói thật.

 

          Albert Camus nói :”Ngày nay, thế giới cần những Kitô hữu vẫn luôn là Kitô hữu”.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 


Về trang Mục Lục