CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN A

SỐNG THEO TINH THẦN MỚI

+++

 

 

A. DẪN NHẬP  

 

          Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu tuyên bố với đám đông dân chúng :”Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Maisen hoặc giáo huấn của các tiên tri. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn… Dù một chấm một phết trong sách Luật cũng không bỏ đi được(Mt 5,17-18).  Chỗ khác Ngài lại nói như người có quyền hơn cả Maisen :”Anh em đã nghe dạy người xưa rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”(Mt 5,21-22). Phải chăng hai lời tuyên bố này có một sự mâu thuẫn ? Và làm thế nào để giải quyết điều xem ra mâu thuẫn đó ?

 

          Thực ra, Đức Giêsu không nhằm phá bỏ luật Maisen và giáo huấn của các tiên tri, Ngài chỉ kiện toàn và làm cho nó mới mẻ hơn thôi ! “Kiện toàn” vì nó đòi hỏi cao hơn, hoàn hảo hơn, nhân bản hơn, đạo đức hơn, nghĩa là nó thấm nhuần tinh thần bác ái, yêu thương. “Mới” vì từ nay tuân giữ luật lệ, không chỉ làm theo hình thức bề ngoài, mà phải tỏ thiện chí bên trong với một ý hướng ngay lành tuyệt đối, một tình mến chân thành.

 

          Theo lời Chúa dạy, từ nay chúng ta phải sống công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, nghĩa là giữ đạo, tuân giữ luật không vì luật mà vì lòng mến Chúa. Chúng ta không giữ luật như người tôi tớ phải làm theo ý chủ, nhưng sống như những người con thảo muốn làm theo ý Cha mình. Đó là bản chất của luật tình thương.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

 

          + Bài đọc 1 : Hc 15, 15-20

 

          Bài đọc 1 trích trong sách Đức Huấn Ca cùa Ben Sira. Đức Huấn Ca là một sưu tập  những ý tưởng khôn ngoan của các bậc tiền bối trong thiên hạ cách chung  và trong dân Do thái cách riêng.

 

          Theo tác giả, con người được tự do chấp nhận hay khước từ các điều răn của Thiên Chúa, nhưng ai nấy phải chịu trách nhiệm về quyền tự do của mình.

 

          Đứng trước hai con đường, con người có quyền tự do lựa chọn : điều tốt hay điều xấu, sự sống hay sự chết.  Chúa để cho con người được tự do là có ý cho nó  biết dùng tự do cách ý thức và trưởng thành, nhờ đó mà được ân thưởng hay bị trừng phạt.

 

          + Bài đọc 2 : 1Cr 2,6-10

 

          Trong Hội thánh tại Corintô, có một số người tự phụ kể mình là người khôn ngoan, nhưng thánh Phaolô cho biết  sự khôn ngoan đó chỉ là ảo mộng của con người. Chỉ có một sự khôn ngoan đích thực , đó là sự khôn ngoan của Tin Mừng.

 

          Và ngài giải thích về hai sự khôn ngoan đó : khôn ngoan của thế gian chỉ dẫn tới hư vong; còn khôn ngoan của Thiên Chúa , tuy có bị thế gian cho là ngu dại (khôn ngoan Thập giá) nhưng đưa đến vinh quang.

 

          + Bài Tin Mừng : Mt 5,17-37

 

          Đức Kitô loan báo rằng Ngài đến không phải để bãi bỏ lề luật cũ mà thay vào bằng lề luật mới,  nhưng đến để kiện toàn luật cũ bằng cách giảm bớt các trói buộc quá nặng nề và nhất là nhấn mạnh trên các lý do giữ luật dựa trên tình yêu tinh ròng.

 

          Thực ra, luật mới ở đây là luật cũ  đã được làm cho nên hoàn hảo. Sự hoàn hảo mà Đức Kitô đòi hỏi nơi các môn đệ làm thay đổi hẳn  ý nghĩa của lề luật, dù việc thi hành bên ngoài vẫn như cũ.

 

          Nói khác đi, người ta giữ luật không phải dựa vào hình thức bên ngoài mà giữ luật, mà giữ luật vì lòng yêu mến Chúa.  Người ta không vâng lệnh Chúa như kẻ làm công tuân theo ý chủ, nhưng như người con thảo hiền vì yêu quí  mà hết lòng làm theo lệnh của cha mình.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

 

                                                Sống theo tinh thần mới

 

          Trước đám đông dân chúng, Đức Giêsu tuyên bố :”Anh em đừng tưởng rằng Thầy đến để bãi bỏ luật Maisen hoặc giáo huấn của các tiên tri. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn… Một chấm một phết trong sách luật cũng không thể bỏ đi được” (Mt  5,17-18).

 

          Câu tuyên bố này làm cho người ta thắc mắc bởi vì câu nói và việc làm của Ngài xem ra trái nghịch nhau.  Phải chăng Đức Giêsu là một người cấp tiến, đến để hủy bỏ hết các sách Luật và các tiên tri để thay thế vào một luật mới; hay Ngài là một người bảo thủ, giữ nguyên vẹn luật cũ, không thay đổi một chút nào, dù rất nhỏ mọn ?

 

I. LỀ LUẬT TRONG ĐẠO CŨ

 

1.    Các sách Lê Luật cũ.

 

Dân Do thái giữ luật ông Maisen, luật mà Thiên Chúa đã truyền cho dân chúng qua ông Maisen.  Các luật ấy được gọi chung là Lề Luật hay Pháp Luật.

 

Người ta có thể hiểu chữ Lề Luật ấy theo 4 ý nghĩa khác nhau :  

a) Họ dùng để chỉ Mười Điều Răn.     

b) Chỉ 5 sách đầu của Kinh Thánh : Ngũ Kinh Maisen : 5 cuốn sách đầu của Kinh thánh  được người Do thái gọi là Luật Pháp ưu tú, tuyệt hảo và là tầm quan trọng nhất của Thánh kinh.

c) Họ cũng dùng Luật Pháp và lời tiên tri để chỉ cả Kinh Thánh, là phần Cựu Ước của chúng ta đang có.

d) Họ dùng từ ngữ đó để chỉ Luật Pháp truyền khẩu hoặc Luật Pháp của các luật sĩ.

 

Trong thời Đức Giêsu, nghĩa thứ bốn thông dụng nhất.  Cả Đức Giêsu và Phaolô đều lên án Luật Pháp của các thầy luật sĩ.

 

2.    Luật Pháp của các luật sĩ.

 

Trong Cựu Ước chúng ta thấy rất ít luật lệ, chỉ có các nguyên tắc bao quát, mỗi người phải biết  và giải thích dưới sự soi dẫn của Thánh Thần để áp dụng cho những hoàn cảnh cá nhân. Chúng ta không thấy luật lệ trong Mười Điều Răn. Vì mỗi điều răn hàm chứa một nguyên tắc lớn, từ đó mỗi người phải tìm ra luật lệ riêng cho đời sống.

 

          Đối với những người Do thái về sau những nguyên tắc lớn này dường như không đủ. Họ xem luật pháp là thiêng liêng  trong đó Đức Giêsu phán những lời chung quyết,  bởi vậy mọi sự phải gồm tóm trong đó.

 

          Nếu một sự việc không được nói tỏ tường trong Luập Pháp thì cũng phải hàm ngụ ở trong đó. Bởi vậy, họ tranh luận rằng Luật Pháp có thể suy diễn ra luật lệ cho mỗi người trong mỗi hoàn cảnh của cuộc đời. Do đó, nảy sinh ra hạng người gọi là “rabbi” : luật sĩ, suốt đời chuyên suy luận những nguyên tắc lớn lao của Pháp Luật để lập ra hang ngàn, hang vạn luật lệ khác.

 

          Chúng ta hãy đưa ra một ví dụ.:

 

          Luật pháp dạy rằng hãy giữ ngày sabbat để làm nên ngày thánh và trong ngày đó không được làm công việc gì.  Đó là nguyên tắc lớn. Những người duy luật Do thái rất say mê định nghĩa, nên họ hỏi rằng : công việc là gì ? Tất cả mọi thứ sự việc  đều có thể định nghĩa là công việc. Thí dụ : mang một gánh nặng trong ngày sabbat là làm việc, nhưng kế đó phải định nghĩa gánh nặng.  Vậy luật pháp của các thầy luật sĩ qui định rằng : gánh nặng là lượng thức ăn bằng sức nặng của một trái vả khô, rượu đủ để pha một ly, sữa đủ cho một ngụm, dầu đủ để xức cho một chi thể nhỏ, giấy đủ để viết một báo cáo của thương chánh, mực đủ để viết hai chữ trong bảng mẫu tự, sậy đủ để làm cây viết… và cứ như thế không bao giờ hết.

 

          Chúng ta nên lưu ý rằng trải qua nhiều thế hệ, luật lệ của các luật sĩ không được chép ra, nó chỉ là luật truyền khẩu được truyền lại trong ký ức của nhiều thế hệ giới luật sĩ.  Đối với người Do thái chính thống trong thời Đức Giêsu  thì phục vụ Thiên Chúa chính là giữ tất cả hàng ngàn các luật lệ này, họ coi đó là những vấn đề sống chết với số phận đời đời.

 

II. ĐỨC GIÊSU KIỆN TOÀN LUẬT CŨ

 

1.    Đức Giêsu không phá bỏ luật cũ

 

Đốí với luật truyền khẩu tức là luật của các luật sĩ đặt ra, rõ ràng là Đức Giêsu không có ý nói  không một điểm nào trong thứ luật này phải qua đi, vì Ngài đã nhiều lần phá bỏ, nhiều lần lên án chúng, và chắc chắn đó không phải là  luật pháp chỉ bằng từ ngữ “Luật Pháp” vì chính Ngài và Phaolô đều lên án.

 

          Đức Giêsu đã phán :”Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn” (Mt 5,17). Ngài kiện toàn bằng cách  thực hiện các lời tiên tri đã báo trước (Mt 3,2) và làm cho tinh thần luật của Cựu Ước được hoàn hảo hơn, vì chữ viết thì giết chết, tinh thần mới giải thoát.

 

          Ngài còn nói thêm :”Một chấm một phết trong Sách Luật cũng không thể bỏ đi được”(Mt 5,15).  Trong văn tự luật nói chung và nói riêng tiếng Do thái, thêm bớt một dấu chấm, dấu phết sẽ làm cho ý nghĩa của luật thành khác hẳn. ví dụ :

 

                                      “Nàng có ba người anh đi bộ

                                      Đội những em nàng…”

 

          Cũng thế, nguyên văn là một chữ, một vạch nhỏ, tức là chữ và dấu nhỏ nhất trong bộ mẫu tự Hy lạp.  Do đó cho dù một chi tiết nhỏ nhất trong luật cũng được tôn trọng. Không phải là tôn trọng luật tỉ mỉ do các luật sĩ và biệt phái thêm vào, nhưng là tôn trong luật Maisen sau khi luật này  đã được kiện toàn và đã đước Đức Giêsu phá bỏ những gì lỗi thời và được kiện toàn  nhờ có động lực tinh thần bác ái (Mt 9,17).

 

2.    Đức Giêsu kiện toàn luật cũ

 

Trước hết, Đức Giêsu đưa ra nguyên tắc tổng quát là Ngài không đến  để phá hủy lời dạy của Maisen và các tiên tri mà là để hoàn tất nó.  Nói cách khác, giáo huấn của Đức Giêsu không phá hủy giáo huấn Maisen và các tiên tri giống như tuổi trưởng thành không tiêu diệt thời thơ ấu. Đúng hơn cái này bổ túc cho cái kia.

 

          Sau  khi xác định rõ nguyên tắc tổng quát này, Đức Giêsu tiếp tục đưa ra những lời dạy rõ ràng. Chúng ta thử xem một vài ví dụ :

 

          Maisen dạy rằng phạm tội ngoại tình là một điều sai quấy, giờ đây Đức Giêsu nói thêm là chỉ cần nghĩ đến và đồng ý đến tư tưởng ngoại tình là đã sai quấy rồi. Giáo huấn của Đức Giêsu nhìn nhận một sự kiện đơn giản thuộc lãnh vực con người : Tư tưởng ngoại tình là “mầm giống” để “cây non” ngoại tình mọc lên. Chận đứng cái này tức là chận đứng cái kia.

 

          Luật cũ dạy :”Chớ giết người”, còn Đức Giêsu dạy :”Ai giận anh em mình” thì như đã phạm tội giết người. Vì thù oán anh em  là đã tiêu diệt họ ngay trong lòng mình.  Tuy chưa giết họ thực sự, nhưng đã giết chết họ trong trái tim mình rồi. Thánh Gioan viết :”Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân”(1Ga 3,15).

 

          Luật cũ cho phép thề, nhưng “chớ bội thề”, còn Đức Giêsu bảo :”Đừng thề chi cả”. Lời nói tự nó phải có giá trị. Vì thế, “hễ có thì phải nói có, hễ không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37).

 

          Như vậy, Đức Giêsu đã kiện toàn luật và làm cho nó trở nên mới mẻ hơn :

 

- “Kiện toàn  vì nó đòi hỏi cao hơn, hoàn hảo hơn, nhân bản hơn và đạo đức hơn.  Nói khác đi, vì nó thấm nhuần tinh thần bác ái, yêu thương.

 

          - “Mới” vì từ nay tuân giữ luật lệ, không chỉ làm theo hình thức bên ngoài, mà phải tỏ thiện chí từ bên trong với một ý hướng ngay lành tuyệt đối, một tình mến chân thành.

 

          Muốn kiện toàn lề luật, muốn con người sống hoàn hảo, phải thanh tẩy nội tâm con người. Cái “tâm chân chính” sẽ hướng dẫn con người sống chân chính. Nguyễn Du, một thi sĩ vào bậc nhất Việt nam, đã thấy rõ điều đó :

 

                                      Thiện căn ở tại lòng ta,

                                Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

 

          Khổng Tử đã huấn luyện các đồ đệ trở thành người quân tử đã lấy “chính tâm thành ý” làm nền tảng, vì “Tâm quảng, thể bàn”, tâm quảng đại cho thân xác vững mạnh như bàn thạch (Đại học, chương 4).

 

          Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết mà Thiên Chúa muốn là lề luật, không phải để ngăn cấm, răn đe những tiêu cực, những điều xấu  như luật loài người; luật Thiên Chúa chính là  thực thi những điều tích cực, nhưng điều tốt, tạo niềm tin vào Thiên Chúa tốt lành vô cùng để dẫn đưa con người trở về với Thiên Chúa. Đó là mục đích kiện toàn giới luật : Đấng ban bố giới luật thiện hảo.

 

III. THÁI ĐỘ CỦA CHÚNG TA

 

1.    Phải sống công chính đích thực.

 

Đức Giêsu phán : “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).   Chúa đòi chúng ta phải ăn ở công chính hơn nữa. Sự công chính mà Đức Giêsu nói đây không phải do tuân giữ một số luật theo hình thức (mà Ngài từng đả kích) như người biệt phái – Nhưng là sống hiệp thông với Thiên Chúa tức là thực thi ý Chúa.

 

          Sự “công chính” là một từ ngữ Kinh Thánh rất phong phú mà Matthêu ưa thích một cách rất đặc biệt.  Từ ngữ “công chính” này không chỉ có nghĩa hạn hẹp mà ngôn ngữ hiện đại gán cho nó : sự công bằng xã hội điều hành những tương quan giữa con người với nhau. Sự “công chính” theo nghĩa Kinh Thánh chủ yếu là “theo đúng điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành”.

 

          Một người công chính là một người hoàn toàn  đồng ý cộng sinh, liên minh, hòa hợp với Thiên Chúa, Đấng suy nghĩ và thiết lập vũ trụ và điều hành nó với sự thông minh kỳ diệu.  Người công chính, bởi “sự tương ứng” của đời sống người ấy với ý muốn của Thiên Chúa, sẽ tham dự vào Thiên Chúa và đi đến hạnh phúc, nghĩa là đến “mục đích vì đó mà người ấy được sinh ra”.

 

          Vả lại, Đức Giêsu đề nghị một sự “công chính mới”, một sự hoàn thiện con người mới. Đức Giêsu nói phải vượt qua sự công chính… vậy sự công chính của ai ? Thưa :

         

          - Các “luật sĩ”, những nhà thần học của thời đại ấy, những nhà chú giải Kinh Thánh, những vị thấy có chức vị, những giáo trưởng dạy đạo một cách chính thức.

 

- Các người “biệt phái”, những giáo dân dấn thân của thời đại ấy, liên kết với nhau trong một “phong trào” của những người nhiệt thành, cố gắng sống mọi yêu sách của đức tin thuần túy nhất không để thanh danh bị tổn hại (Noel Quesson, Lời Chúa cho mỗi Chúa nhật, năm A, tr 251-252).

 

          Vì thế, từ nay sự “công chính mới” hệ tại không phải ở chỗ khép mình một cách bề ngoài vào các tập tục, nhưng la “khuôn mình” theo thánh ý Cha như Đức Giêsu. Sống trong cộng đoàn với tình yêu và tình yêu của con cái, có thế, mới “công chính”hơn các luật sĩ và biệt phái được.

 

2.    Giữ luật với tình con thảo 

 

Suốt 30 năm sống tại Nazareth, Đức Giêsu đã thi hành Luật pháp như mọi người Do thái. Khi đi rao giang Tin mừng, Ngài không chỉ trích Pháp Luật mà Ngài đang tuân giữ. Nhưng cách giả thích và áp dụng luật của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời ấy khiến Ngài phải đặt vấn đề.

 

          Đối với họ, vấn đề quan trọng là giữ luật theo mặt chữ. Một khi làm trọn luật theo mặt chữ, bạn được đánh giá là người tốt.  Nhưng đối với Đức Kitô tinh thần của luật mới là quan trọng. Điếu quan trọng không phải là  tuân giữ bao nhiêu điều răn nhưng là chúng ta tuân giữ chúng trong tinh thần nào.

          Ngài cũng thấy rằng  sự vâng lời thường có nguồn gốc là sự sợ hãi. Ngài muốn vâng lời cắm rễ trong tình yêu. Toàn bộ mối quan hệ của Ngài với Cha trên trời, có nền tảng là tình yêu. Khi bạn yêu một người nào, bạn tránh làmm điều gì tổn hại đến người ấy. Nơi nào có tình yêu nơi ấy không cần luật.

 

          Nhưng điều có ý nghĩa nhất mà Đức Giêsu đã làm là điều này : Ngài đem đến một luật mới chính xác hơn, đó là luật tình yêu. Không mâu thuẫn và phá hủy luật cũ, luật mới vượt xa hơn luật cũ và đưa luật cũ đến chỗ hoàn thiện.  Đức Giêsu nói mọi luật của Thiên Chúa có thể giản lược vào hai điều : mến Chúa và yêu người. Quả thật, chỉ có một luật mà thôi, đó là luật của tình yêu (McCarthy).

 

Truyện : Chiếc nhẫn kỳ diệu

 

          Truyện cổ Đông phương kể rằng : ngày xưa, có vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn kỳ diệu và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quí hiếm và gắn nhiều kim cương long lánh. Nó kỳ diệu ở chỗ : nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa văn và chiếu sáng. Nhưng nều người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, ngón tay rất đau đớn.

 

          Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn là lề luật của Chúa. Chớ gì khi chúng ta làm điều gì sai quấy, chiếc nhẫn lương tâm chúng ta phải khiển trách, và chúng ta kịp thời biết quay về với Chúa để sống trong tình con thảo.

 

          Qua các bài đọc Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy rút ra được bài học để áp dụng vào đời sống cụ thể.  Người luật sĩ và biệt phái thường bị Đức Giêsu quở trách, gọi họ là giả hình, vì họ giữ luật câu nệ vào hình thứv bên ngoài, mà long họ xa Chúa. Vậy nếu luật sĩ và biệt phái trong Cượu ước đã làm sai lạc ý nghĩa của đạo giáo, bằng cách giữ luật theo hình thức bề ngoài, thì người tin hữu ngày nay cũng có thể tự lừa dối mình bằng cách giữ những điều kiện tối thiểu của đạo giáo.

 

          Sau Công đồng Vatican II, những luật lệ của Giáo hội được đơn giản hóa. Điều đó khiến nhiều người lầm tưởng rằng việc giữ đạo đã trở nên lỏng lẻo. Thực sự những thay đổi sau công đồng Vatican II là nhằm khuyến khích người công igóa tự nguyện sống  đạo một cáqch chân tình, vì long yêu Chúa chứ không phải vì những luật lệ rang buộc.

 

                                                                  

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

 

 


Về trang Mục Lục