CHÚA
NHẬT 5
MÙA CHAY A
NIỀM
HY VỌNG SỐNG LẠI
+++
A. DẪN NHẬP.
Cổ nhân đã đặt câu hỏi :”Nhân sinh tự cổ thùy vô tử” : con người
từ xưa đến nay ai mà không chết ? Đây là một sự thật hiển nhiên, không ai có thể
chối cãi được. Nhưng chết rồi sẽ ra sao
? Có nhiều ý kiến cho câu hỏi này ? Hòai
nam Tử nói :”Sinh ký tử qui” : sống
là gửi, chết mới là về. Câu hỏi tiếp : về đâu và để làm gì ? Đó là câu hỏi đòi
chúng ta phải suy nghĩ và tìm ra câu giải đáp cho bản thân mình.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Thánh
Gioan thuật lại việc Đức Giêsu làm cho Lazarô đã chết được sống lại trước mặt
nhiều người chứng kiến. Cô Martha và những người chứng kiến đã xác nhận : Lazarô
đã chết được 4 ngày và đã nặng mùi rồi. Đức Giêsu đòi cô Marta phải chứng mình
cho mọi người thấy là Lazarô đã chết thật và đòi cô phải tin vào Ngài. Sau khi
truyền mở cửa mộ, Ngài hô lớn tiếng :”Lazarô, hãy ra đây” ! Lazarô đã chỗi dậy
và ra khỏi mồ trước mặt mọi ngườiø. Sau đó Ngài truyền cởi dây băng và khăn liệm
cho anh. Qua phép lạ này, Đức Giêsu hé mở cho chúng ta thấy viễn tượng sống lại
trong ngày chung thẩm.
Chúng ta đã đi qua được một nửa Mùa
chay trong sự hy sinh hãm mình, trong việc sửa đổi con người cũ của mình. Chúa
nhật này mở ra cho chúng ta một chân trời hy vọng của Kytô giáo. Chúa Giêsu đã đem
đến cho chúng ta niềm hy vọng ấy, đồng thời mời gọi chúng ta hãy hoàn toàn phó
thác cuộc sống chúng ta cho Ngài : :”Ai
tin vào Ta sẽ không phải chết đời đời”.
Với niềm tin tưởng đó người Kitô hữu chúng ta phải cố gắng sống một đời
sống xứng đáng ở trần gian này, và mạnh
dạn đón nhận cùng vượt qua mọi gian nan thử thách trong cuộc sống hằng ngày. Như
thế, cuộc sống của chúng ta có một ý nghĩa cao đẹp và lạc quan.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài
đọc 1 : Ez 37, 12-14.
Dân Israel đang bị lưu đầy ở
Babylon. Đối với họ, tương lại hoàn toàn mù mịt. Nhiều người đã tỏ ra thất vọng,
sống cho qua ngày, coi mình như đã chết.
Thiên Chúa cho tiên tri Ezéchiel đến yên ủi và báo cho họ biết rằng Ngài
sẽ đoái thương họ, Ngài sẽ giải cứu họ và đem họ về quê hương. Lời loan báo này của tiên tri Ezéchiel đi sau
thị kiến đặc biệt về “các bộ xương khô”. Đó là hình ảnh tượng trưng cho
Israel. Các bộ xương sẽ được cơ thịt bao
phủ, được thổi hơi làm cho sống lại, trở thành một sinh linh mới. Lời hứa Phục sinh này mang hai ý nghĩa :
a)
Phục sinh tinh thần : họ sẽ được hồi hương.
b) Phục sinh thể xác.
Lịch sử dân Israel cho thấy lời hứa phục
sinh tinh thần đã được thực hiện vào năm 539.
Còn phục sinh thể xác sẽ diễn ra sau này nơi Chúa Kitô và mọi Kitô hữu.
+ Bài đọc 2 : Rm 8,8-11.
Theo thánh Phaolô, con người có hai sự
sống : sự sống theo thể xác và sự sống theo Thần Khí. Sự sống theo Thần Khí
quan trọng hơn. Mặc dầu thân xác Kitô hữu đã bị dâng cho tử thần vì tội lỗi, nhưng
nhờ Phép Rửa, Kitô hữu lại nhận được Thần Khí sự sống và Phục sinh của Đức Kitô
:”Đấng đã làm cho Đức Kitô sống lại từ cõi
chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em mà làm cho thân xác
anh em được sự sống mới”(Rm 8,11).
+
Bài Tin Mừng : Ga
11,1-45.
Bài trình thuật việc ông Lazarô sống lại khá dài, có nhiều chi tiết,
mỗi chi tiết đều có ý nghĩa, nhưng điểm nổi bật nhất là việc Đức Giêsu làm cho kẻ chết sống lại, loan báo sự phục
sinh thể xác sau này. Việc cứu sống Lazarô là sự phục sinh thể xác cho chính Lazarô, nhưng việc cứu sống ấy còn
báo trước cho chúng ta sự phục sinh thể xác của Chúa Giêsu và của mọi người nữa.
Phép lạ phục sinh Lazarô như là một dấu
chỉ : một đàng để làm vinh danh Chúa Cha nơi Người ; đàng khác, để cho các môn đệ
tin rằng Người được Chúa Cha sai đến. Lời
tuyên xưng của cô Martha đã nói lên điều ấy :”Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến
thế gian” (Ga 11, 27) và trong số những người Do thái đến thăm cô Maria và được
chứng kiến việc Chúa Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người (Ga 11,15).
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Chúng
ta sẽ được sống lại
I. ĐỨC GIÊSU CHO
LAZARÔ SỐNG LẠI.
Câu chuyện Đức Giêsu cho Lazarô sống lại
là một trình thuật căn bản của Tin mừng Gioan. Đức Giêsu được mô tả như Ngôi Lời
nhập thể, đến trong thế gian để con người được đưa từ bóng tối ra ánh sáng, từ
sự chết vào cõi sống, từ đất đến trời. Đức Giêsu Nazareth là một con người huyền
diệu và là một Thiên Chúa tòan năng.
1. Đức Giêsu đến Bêtania.
Bêtania ở cách Giêrusalem khỏang 3 cây
số. Ở đó có một gia đình gồm ba chị em mà Đức Giêsu quen biết, đó là Martha chị
cả, Maria và Lazarô là em út. Mỗi người có một tính tình khác nhau : Martha năng
động, lo việc bếp núc và chạy vạy mọi việc trong nhà. Maria thì trầm lặng, ít họat
động, thích chiêm mộ. Còn Lazarô, bạn thân của Chúa, đã được mời dự tiệc tại nhà
ông Simon tật phong.
Một hôm Lazarô bỗng đau nặng, hai chi
em sai người đi báo tin cho Đức Giêsu một cách tế nhị :”Người Thầy yêu đau liệt”. Lúc đó Ngài còn đang đi truyền giáo tại Pêrê
bên kia sông Giorđan chưa về. Ngài còn ở lại đó hai ngày nữa vì Ngài đã bảo người
đưa tin rằng :”Bệnh này không đến nỗi chết,
nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó con người sẽ được hiển vinh”. Nhưng
dù sao lễ Vượt Qua sắp tới, Ngài cũng cần phải đi Giêrusalem để dự lễ.
Các môn đệ có vẻ ngần ngại vì thái độ
thù nghịch của biệt phái mỗi ngày một tăng :”Mới hôm nào bọn Do thái tìm ném đá Thầy mà nay Thầy lại trở về đó sao”?
Tuy các ông vẫn còn lưỡng lự, Đức Giêsu mới cho biết rõ :”Lazarô đã chết”. Rồi Ngài cương quyết :”Vậy chúng ta hãy đi đến nhà ông”.
2. Đàm thọai với Martha và Maria.
Khi tới Bêtania thì được tin
Lazarô chết chôn được 4 ngày rồi. Nếu tính thời gian ấy thì tròn bốn ngày : đi
báo tin Lazarô chết mất một ngày, Đức Giêsu ở lại hai ngày và trở về mất một ngày.
Và theo phong tục Do thái thì chết là chôn ngay : chết sáng thì chiều chôn
và chết đêm thì ban mai phải chôn, không được để lâu.
Khi Đức Giêsu tới nơi thì có
nhiều người Do thái đang đến chia buồn với gia đình này. Vừa được tin Đức Giêsu
đến, cô Martha đã vội vàng chạy ra đón và thưa ngay :”Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con đã không chết”. Qua lời nói đó, chúng
ta có thể đọc rõ tâm trí của Martha. Cô muốn nói rằng :”Lúc được báo tin, sao
Thầy không chịu đến ngay ? Bây giờ mới đến thì đã muộn mất rồi”. Ngay sau khi
thốt ra những lời ấy, tiếp theo là những lời nói trong đức tin, một đức tin thách
thức mọi sự kiện, mọi kinh nghiệm. Cô nói bằng một niềm hy vọng trong tuyệt vọng
:”Tuy nhiên, con biết rằng Thiên Chúa sẽ
ban cho Thầy bất luận điều gì Thầy cầu xin”.
Để yên ủi cô, Ngài phán :”Em con sẽ sống lại”. Martha nói lên niềm
tin của mọi người Do thái thời đó :”Con
biết ngày tận thế em con sẽ sống lại” Đức Giêsu cho cô Martha biết Ngài sẽ
cho Lazarô sống lại nhưng đòi ở nơi cô lòng tin mạnh mẽ.
3. Lazarô được sống lại.
Đức Giêsu hỏi :”Đã an táng Lazarô ở đâu” ? Các cô dẫn Ngài
đến mộ. Đứng trước cửa mộ, Đức Giêsu truyền mở cửa mộ ra, nhưng người ta trả lời
:”Thưa Thầy, nặng mùi rồi vì đã 4 ngày”.
Chúa đòi Martha xác nhận cho mọi người
biết là em mình đã chết thực sự và đã bắt đầu thối. Trước khi làm phép lạ Chúa đòi
cô phải có lòng tin mạnh mẽ vào Ngài.
Sau khi hòn đá che cửa mộ được
cất ra, Đức Giêsu lớn tiếng gọi :”Lazarô,
hãy ra đây”. Người chết liền đi ra trước mặt mọi người, chân tay còn quấn băng
và mặt còn phủ khăn liệm. Ngài ra lệnh cởi băng cho ông.
Kết quả : một số đông người
chứng kiến đã tin theo Đức Giêsu, nhưng còn một số đi báo tin cho nhóm biệt phái,
những người luôn là đối thủ của Ngài.
Có lẽ đây là một phép lạ lớn
nhất mà Gioan thuật lại trong Tin mừng của ông. Làm cho kẻ chết sống lại là làm
chủ cả sự chết lẫn sự sống. Nếu so sánh việc làm cho con gái ông Giairô và cậu
con trai bà góa thành Naim vừa chết chưa thối thì phép lạ này hòanh tráng hơn
nhiều và củng cố niềm tin cho những người chứng kiến.
Trong câu chuyện này, cả
Martha lẫn Maria đều được mời gọi tiến triển thêm. Martha đã có đức tin ở một mức
độ nào đó, đức tin Do thái :”Con biết rằng
em con sẽ sống lại vào ngày tận thế”. Đức Giêsu mời cô tiến thêm một bước
:”Ta là sự sống lại và là sự sống. Con có
tin điều đó không”? Phải tiến từ đức tin vào sự sống lại ngày tận thế đến đức
tin vào lời Đức Giêsu Đấng ban sự sống ngay hôm nay cho những ai tin vào Ngài. Đó
chính là mục đích của phép lạ này :”Lạy
Cha, Con tạ ơn Cha đã nhận lời Con… Con nói ra đây chính là để cho đám đông
chung quanh Con đây tin rằng Cha đã sai Con” (Fiches dominicales A, tr 102).
II. NIỀM TIN VÀO SỰ SỐNG LẠI.
1. Tin vào Lời Chúa.
Một quá trình dài tường thuật,
chuẩn bị phép lạ cho Lazarô được sống lại, cho chúng ta thấy rằng mục tiêu
chính yếu của đoạn trích Phúc âm Gioan 11,1-45 không phải là sự sống lại thể xác
của Lazarô, nhưng chính là một “tiến
trình niềm tin”cho những người vây quanh ĐứcGiêsu và cho chúng ta hôm nay.
Đức Giêsu ngước mắt lên trời
cảm tạ Chúa Cha không có mục đích cầu xin để làm cho Lazarô được sống lại nhưng
có mục đích củng cố niềm tin cho các môn đệ, cho chị em Martha và Maria cũng như
cho những người đến chia buồn với chị em.
Tất cả bài học, lời dạy của Đức
Giêsu hôm nay đều tập trung trong hai câu 25 và 26. Đức Giêsu đã mang lại cho
chúng ta một mạc khải nền tảng :”Ta là sự
sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta,
thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga
11,25-26). Chính niềm tin vào Đức Kitô là một bảo đảm tuyệt đối để được sự
sống muôn đời.
Phép lạ cho Lazarô sống lại
chỉ là chuẩn bị cho một phép lạ vô cùng lẫy lừng, một phép lạ trọng đại nhất trong đạo, chính là Đức Giêsu
Kitô đã chết và đã sống lại vinh quang mà chúng ta sẽ cử hành trong Tuần thánh
sắp đến. Đức Kitô chết và sống lại là để dẫn đưa con người từ cõi chết trở về cõi
sống, tự nơi tạm bợ đến chốn vĩnh hằng. Đó là niềm tin của người tín hữu, cũng
là đức tin của Kitô giáo. Niềm tin đó bảo đảm cho sự trường tồn của Giáo hội. Thánh
Phaolô nói :”Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy,
thì lòng tin của anh em thật hão huyền và
anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của
mình” (1Cr 15,17).
Trong kinh Tin kính, chúng
ta tuyên xưng :”Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại...” Chính là trên cơ sở
phải tin Đức Kitô đã phục sinh.. Sứ điệp
Phục sinh không đem đến cho chúng ta những thực tế dễ dàng, hấp dẫn, dựa trên cở
sở những kinh nghiệm khả giác và kỳ lạ, nhưng cho chúng ta một nhận thức về một
mạc khải, một lời hứa : mạc khải Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết và lời hứa mà
Ngài có quyền hội nhập chúng ta vào sự chiến thắng đó.
2. Người đời nghĩ thế nào
?
a) Mọi người đều phải chết.
Người ta công nhận rằng mọi
người trên thế gian này đều phải chết, đây là một công lệ khắt khe buộc con người
phải theo, dù muốn dù không. Vì thế cổ nhân đã nói :
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
(Văn thiên Trường)
Ngày
xưa, người thế ai không chết,
Chết, để lòng son rạng sử xanh.
Mọi người cũng đều công nhận
là đời sống rất mong manh : Sinh hữu hạn,
tử bất kỳ. Nhưng triết lý về cuộc sống của mỗi người lại khác nhau, mỗi người
có một cái nhìn, một nhân sinh quan về đời sống. Có người có cái nhìn lạc quan,
có người lại có cái nhìn bi quan. Có người
tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống, có người coi cuộc sống là phi lý, là vô nghĩa
như trường hợp của những người theo triết thuyết hiện sinh vô thần. Có lẽ họ thích sống theo triết lý người La mã
xưa :”Hãy ăn nhậu cho say, vì ngày mai bạn
có thể chết”.
Tâm lý con người : tham sinh
húy tử.
Đúng như vậy, con người ai cũng
thích sống và ai cũng sợ chết. Đó là mối bận tâm muôn thuở của nhân loại. Đã là qui luật là qui luật : mọi người đều phải
chết. Nhưng khi con người biết sống thì không sợ cái chết nữa, hay ít là coi nhẹ
cái chết :
Nhân cố hữu nhất tử,
Tử hoặc
trọng ư Thái sơn,
Hoặc khinh như hồng mao.
(Người đời ai cũng vẫn phải chết
Nhưng
có cái chết nặng như núi Thái sơn
Có cái chết nhẹ như lông
hồng).
b)
Chết rồi sẽ ra sao ?
Đối với những người không có đức tin
thì câu hỏi chết rồi sẽ ra sao thì không thành vấn đề. Theo họ, chết là hết. Chết
là kết thúc cuộc sống ở trần thế này và sẽ trở về hư không.
Nhà văn Nhất Linh, một ngày bâng khuâng, ông tự hỏi mình :
- Chết rồi sẽ ra sao nhỉ ?
Nghĩ ngợi một chốc, rồi ông lại tự trả
lời lấy :
- Hồi Hai Bà Trưng, tôi chưa ra chào đời.
Thế khi ấy tôi ở đâu ? Chết, tức là trở
về tôi hồi ấy vậy.
Nói cách khác, định mệnh bắt tôi phải đầu
hàng thần Chết vô điều kiện. Tôi đã bởi hư vô mà có, thì chết rồi, tôi lại rơi
vào cõi hư vô.
Thảo nào mà một nhà thi sĩ lương dân đã
phải khóc lên não nuột khi tưởng nhớ đến giây phút tủi nhục này :
Nhưng mà tôi sẽ chết
than ôi !
Tôi run như lá, tái như đông,
Trán
chảy mồ hôi, mắt lệ phồng,
Năm
đẩy tháng dồn tôi đã đến
Trước
bờ lạnh lẽo cõi hư không.
(Xuân Diệu)
Đối với một số người, không những chết
là hết nhưng chết còn là một nỗi tuyệt vọng khủng khiếp. Karl
Marx, ông tổ thuyết mac-xít vô thần, trong một bức thư viết cho người bạn của
ông là Lassanler đã nói về cái chết của đứa con mình như sau :
“Cái chết của đứa con trai tôi đã
làm cho tôi đảo điên. Lúc nào tôi cũng cảm thấy như cái chết ấy mới xẩy ra ngày
hôm qua thôi. Còn vợ tôi thì hoàn toàn ngã gục vì biến cố này”.
Ai trong chúng ta cũng cảm thông được
với nỗi đau đớn tột cùng này của ông tổ thuyết Mac-xít vô thần. Cái chết là một
mất mát mà không gì có thể lấp đầy được. Sự mất mát ấy lại càng khủng khiếp hơn
khi con người không còn một niềm hy vọng nào vào cuộc sống mai hậu. Chối bỏ cuộc
sống mai hậu cũng có nghĩa là tự đọa đầy mình vào một nỗi tuyệt vọng khủng khiếp
nhất (D. Wahrheit, Phép lạ trong cuộc đời, tr 257).
Nếu không còn niềm tin nào vào cuộc sống
mai hậu thì người ta dễ đi đến những kết luận bi quan, muốn tận hưởng trước khi
chết để đi vào hư vô :
Người ơi, tận hưởng đi
mùi thế tục,
Trước ngày tan nát cõi tha ma.
(Omar)
3. Chúng ta nghĩ thế nào ?
Chúng ta hãy tin nhận Lời Chúa.
Thiên Chúa là Đấng chân thật vàøtrung thành với lời hứa. Tin vào Chúa sẽ không
bị đi lầm đường :”Chính Thầy là sự sống lại
và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và
tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. (Ga 11,25-26). Tuy đã tin vào Chúa, nhưng đức tin không miễn trừ cho chúng
ta những thử thách khổ đau trong tang chế,
trong sự từ bỏ mình hằng ngày và sự sợ hãi đối với sự chết, nhưng niềm tin của
chúng ta chấp nhận để hiểu biết và sống trong những hoàn cảnh hiện tại theo ánh
sáng của sự sống cao thượng hơn mà Đức Giêsu đã dạy và chính Ngài là nguyên nhân
của sự sống cao thượng đó.
a) Mọi người đều phải chết.
Kinh nghiệm cho chúng ta thấy
trên trần gian này không có ai sống trường sinh bất tử. Tuy khoa học va øcách
riêng ngành y học đã đạt được đỉnh cao nhưng người ta chưa tìm ra được một phương
cách nào để con người được sống mãi.
Truyện : thuốc trường sinh.
Thời chiến quốc, có người dâng
vua nước Sở một vị thuốc bất tử. Người ấy bưng vị thuốc vào, viên quan canh cửa
hỏi rằng :
- Vị thuốc này có uống được
không ?
Người ấy đáp :
- Uống được.
Tức thì viên quan giật lấy mà
uống. Chuyện đến tai vua. Ông liền bắt viên quan đem giết. Viên quan kêu rằng :
- Thần đã hỏi người đem dâng
thuốc. Người ấy nói rằng :”Uống được”, nên
thần mới dám uống. Thế là thần vô tội mà
lỗi ở người dâng thuốc. Vả chăng, người đem dâng thuốc nói là thuốc bất tử. Thế
mà thần mới uống vào đã sắp phải chết, vậy là thuốc tử chứ sao gọi là thuốc bất
tử được ? Nhà vua giết thần, thực là bắt
tội một người vô tội. Hơn nữa, còn chứng tỏ rằng thiên hạ dối được nhà vua mà
nhà vua vẫn tin.
Vua nghe nói có lý, bèn tha
cho viên quan ấy, không giết ông nữa.
b) Chết chưa phải là hết.
Nhà triết học Heiddeger đã nói :”Nếu chết là hết, thì người đời luôn luôn sống trong lo sợ. Bởi vì biết
rằng mình sẽ chết, vậy sẽ trở về cõi hư vô, thì tức là đã mang hư vô trong mình
rồi. Sống làm gì nữa để ngày mai rơi vào cõi hư vô”.
Thánh Phaolô đã xác quyết với
chúng ta :”Quê hương chúng ta ở trên trời,
và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền
năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn
của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).
c) Chết đi để sống lại.
Một điều chắc chắn là sự chết
dẫn ta đến sự sống lại. Lẽ dĩ nhiên chết không phải là điều tốt, nhưng nó là đoạn
đường ta phải vượt qua để đi từ cuộc sống đời tạm này qua cuộc sống vĩnh cửu. Sự chết không phải là sự chết đơn thuần, không
phải là con đường cụt, không lối thoát. Thiên Chúa không yêu thương chúng ta vô
ích, không dựng nên ta để rồi biến ta ra hư vô. Chúa yêu thương ta vô hạn, đã
ban chính Con Một của Ngài cho ta không phải
để cho ta thấy ta biến vào hư vô sau cái chết, nhưng để ta được sống lại
và được kết hợp với Ngài.
(Lm Đỗ
thanh Hà, báo Lên đường)
Chúng ta tin là có sự sống lại
trong ngày sau hết như Chúa đã báo trước. Chúng ta cũng tuyên xưng đức tin
trong kinh Tin kính :”Tôi tin xác loài người
ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy”. Tuy thế vẫn có những người không tin.
Truyện : Không có sống lại.
Ở một nghĩa địa bên Đức, có
một ngôi mộ lớn và đẹp, xây bằng đá hoa cương và bê tông cốt sắt. Đó là mộ của
một bà giầu có và vô thần, trong chúc thư bà muốn xây như vậy để chối bỏ sự sống
lại. Bà còn muốn trên ngôi mộ phải đề dòng chữ này : ngôi mộ này sẽ không bao
giờ mở ra được.
Thời gian trôi qua, tình cờ
một hạt giống rơi xuống, mọc cây, rễ của nó ăn vào mộ và xuyên thủng quan tài của
bà. (Theo Veritas ngày 27.07.1993).
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt
3-3-2008