CHÚA
NHẬT V PHỤC SINH A
THEO
ĐỨC KITÔ LÀ ĐƯỜNG
+++
A. DẪN NHẬP.
Mọi người đều muốn vươn tới hạnh phúc,
hạnh phúc tuyệt đối và trường cửu. Hạnh phúc này chỉ có trên nước Thiên Chúa.
Vậy đâu là con đường đưa tới hạnh phúc đó ? Chúng ta biết Đức Kitô vừa là Chúa
vừa là người. Ngài là trung gian hòan hảo duy nhất giữa Chúa Cha với chúng ta.
Biết bao con đường mở ra trước mắt chúng ta, nhưng chỉ có Ngài mới là con
đường đưa chúng ta đến cùng Chúa Cha, vì
Ngài biết Chúa Cha và bởi Chúa Cha mà ra. Chúng ta hãy tin tưởng bước theo Ngài
vì chính Ngài đã khẳng định với chúng ta :”Thầy
là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua
Thầy”(Ga 14,6).
Mục đích của chúng ta phải vươn tới là
nhận biết Chúa Cha, mà người ta chỉ có thể nhận biết Chúa Cha nhờ Đức Giêsu.
Đức Giêsu được sai đến với lòai người để trả lời những câu hỏi đang làm họ bận
tâm như Thiên Chúa là ai, bởi đâu mà có ? Không ai trả lời cho chính xác ngọai
trừ Ngài, bởi chính Ngài biết rõ mối dây thân tình Cha Con. Đức Giêsu còn là
chân lý, là sự sống. Vì Ngài là hình ảnh Ngôi Cha. Ngài là tiếng nói của Chúa
Cha. Thiên Chúa đã phán :”Này là Con Ta
yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Thiên Chúa là chân
lý thì tiếng nói của Ngài cũng là chân lý vậy.
Chúa nhật trước, chúng ta đã nhận Chúa
Giêsu là Chúa chiên nhân lành. Mọi người tín hữu vui mừng và yên tâm vì đã có Chúa
Giêsu là mục tử chăn dắt. Người yêu thương và bảo vệ đàn chiên.. Con chiên phải nghe tiếng chủ chăn và đi theo
sự hướng dẫn của chủ để được sống và được sống dồi dào. Hôm nay, chúng ta hãy xác định lại lập trường
của chúng ta là phải tin theo Chúa Giêsu vì Người là đường, là sự thật và là sự
sống. Muốn đến cùng Chúa Cha, cần thiết
phải qua Ngài. Chỉ có duy nhất Ngài là
đường dẫn tới sự sống. Hãy dấn bước theo
Ngài và theo Ngài là phải từ bỏ nếp sống cũ, từ bỏ tất cả những gì không hợp
với đường lối của Ngài, phải đi qua cửa hẹp, tức là theo con đường khổ giá mà
Ngài đã đi, chính con đường này sẽ dẫn chúng ta tới hạnh phúc chân thật.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài
đọc 1 : Cv 6,11-7.
Cộng đoàn tín hữu tiên khởi ở
Giêrusalem mỗi ngày một thêm đông, đời sống tốt đẹp nhưng cũng không thiếu
những khó khăn. Các Tông đồ phải giải quyết cách nào cho êm đẹp.
Khó khăn phát xuất từ việc phân phối
những nhu cầu đời sống không đồng đều : các bà góa bị lãng quên, do đó mới có
những lời kêu trách. Các Tông đồ giải quyết khó khăn đó bằng việc thiết lập tác vụ phó tế để chuyên lo các công việc
cứu trợ, bác ái và lương thực của cộng đoàn, để các ngài có thời giờ đi loan báo Tin Mừng.
Nhờ cách giải quyết khéo léo này mà
cộng đoàn lại đoàn kết thương yêu nhau và tăng số. Đây là mô hình đẹp trong
việc phân chia các chức vụ và công tác cho Giáo hội ngày nay : có người chuyên
lo đời sống vật chất, có người chuyên lo việc cầu nguyện và loan báo Tin Mừng.
+ Bài
đọc 2 : 1Pr 2,4-9.
Thánh Phêrô nhắc cho các tín hữu nhớ
lại phẩm giá cao qúi của mình, cũng như những trách nhiệm mà mình phải chu toàn
để đáp lại tình yêu của Chúa Kitô.
Phẩm giá của Kitô hữu : là dòng
giống được Thiên Chúa tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo việc tế tự, là dân
thánh, dân riêng của Thiên Chúa.
Trách nhiệm phải chu toàn : Đức Kitô
là viên đá tảng, các Kitô là những viên đá sống động được xây lên trên để xây
nên một đền thờ thiêng liêng. Cho nên họ phải công bố những việc kỳ diệu của
Thiên Chúa, loan báo Tin Mừng, dâng lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Chúa, xây dựng
hoà bình, công lý và tình yêu.
+. Bài
Tin Mừng : Ga 14,11-12.
Trong tâm tình Thầy trò trong bữa tiệc
ly, Đức Giêsu tiết lộ cho các môn đệ biết Ngài sẽ trở về cùng Cha. Ngài ra đi
là để dọn chỗ cho các ông vì nhà Cha còn nhiều chỗ. Người khuyên các ông đừng
xao xuyến vì Ngài đi dọn chỗ và sau đó sẽ quay trở lại đón các ông, để Ngài ở
đâu, các ông cũng ở đó với Ngài. Có nhiều cách giải thích khác nhau về lời loan
báo sự ra đi này của Đức Giêsu. Nhưng đúng hơn hết, sự ra đi này Đức Giêsu trở về với Chúa Cha ám chỉ biến cố
Phục sinh.
Còn đối với các tông đồ muốn biết Chúa
Cha thì Đức Giêsu chỉ trả lời là ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha vì Cha ở trong
Ngài và Ngài ở trong Cha. Ngài nhắc cho các ông :”Muốn đến với Chúa Cha thì hãy tin vào Ngài, hãy theo Ngài vì Ngài là
đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua
Ngàii”(Ga 14,8).
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Bước theo Chúa Giêsu Kitô.
I. HÃY TIN VÀO ĐỨC
GIÊSU.
1. Những lời trấn an.
Đức Giêsu nhiều lần nói với các môn đệ
là Ngài sắp ra đi, dù vậy họ chẳng bao giờ hiểu nổi. Những lời Đức Giêsu báo trước cho các ông :
Giuđa sẽ nộp Thầy (Ga 13,21-26), Phêrô chối Thầy (Ga13,3-6), Ngài ra đi chịu tử
nạn (Ga 12,32), và viễn cảnh phải xa vắng bóng Thầy giữa một thế giới thù
nghịch, đã làm cho tâm trí các môn đệ tràn ngập lo âu xao xuyến (Ga 14,23;
16,6-20). Đức Giêsu trấn an các ông bằng cách tỏ cho các ông thấy Ngài ra đi sẽ
làm cho các ông hiệp thông thâm trầm
hơn nữa với Ngài và với Chúa Cha, và
chính Thánh Linh sẽ bảo đảm cho việc phù trì che chở các ông trong cơn giông tố
thiêng liêng của cuộc sống. Trọng tâm lời khuyên nhủ trấn an nằm trong câu :”Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.
Câu này có nghĩa rằng : Các con đã tin vào Thiên Chúa thế nào thì cũng hãy tin
vào Thầy như vậy. Theo đó, Đức Giêsu muốn kêu gọi các môn đệ tin vào thiên tính
của Ngài.
2. Trả lời thắc mắc của Tôma.
Đức Giêsu nói :”Thầy còn ở với các con ít lâu nữa, rồi Thầy đi về cùng Đấng sai
Thầy”(Ga 7,33). Đức Giêsu nói Ngài sẽ về với Cha, là Đấng đã sai Ngài đến,
Ngài với Cha là một, nhưng họ vẫn không hiểu. Đức Giêsu còn nói thêm :”Thầy đi đâu các con đã biết đường rồi” (Ga 14,4). Họ không hiểu con đường Ngài
sắp đi là con đường nào vì đó là đường thập tự, nên ông Tôma mới nói :”Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu,
làm sao chúng con biết đường đi” (Ga 14,5).
Thật vậy Tôma là người thật thà và cũng là con người thực nghiệm, thích
sờ mó, nhìn xem và chứng kiến, không chịu thỏa mãn với những câu nói mơ hồ. Ông
muốn biết chắc chắn, nên đã bộc lộ những nghi ngờ về những gì ông không hiểu :
chẳng hiểu được ý nghĩa việc Chúa ra đi.
Vì thế, Đức Giêsu nói với ông Tôma :”Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.
Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Nói như vậy là
Ngài có ý muốn nói gì ? Ngài có ý nói rằng Ngài là người dẫn đường, Ngài sẽ dẫn
dắt chúng ta, chúng ta sẽ không sợ lạc đường. Đó là việc Đức Giêsu đang làm cho
chúng ta. Ngài không chỉ đưa ra những lời khuyên dạy, chỉ hướng đi mà thôi,
nhưng Ngài nắm lấy bàn tay và dẫn chúng ta đi. Ngài cùng đi với chúng ta, đích
thân Ngài thêm sức cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta mỗi ngày. Không phải Ngài
chỉ cho chúng ta con đường mà chính Ngài là Đường đi của chúng ta.
Chữ “Đường” trong Tin mừng hôm
nay không những chỉ có nghĩa là Đức Giêsu chỉ dùng giáo huấn mà dẫn ta đến sự
sống, mà chính Ngài là con đường dẫn đến Chúa Cha nữa. Vì chính Ngài là mạc
khải Chúa Cha (Ga 12,45), tuy Ngài bởi Chúa Cha mà đến và về với Chúa Cha (Ga
7,29-33), nhưng Ngài lại là một với Chúa Cha (Ga 13,30) vì chính Ngài là sự
thật và là sự sống (Ga 3,15).
Chúng ta có thể tóm tắt điều Đức Giêsu
muốn nói : Nếu không nhờ Thầy, không ai đến được với Cha. Chỉ một mình Đức
Giêsu là con đường đến với Thiên Chúa. Chỉ trong Ngài chúng ta mới thấy được
Thiên Chúa như thế nào, và chỉ một mình Ngài đưa chúng ta đến với Thiên Chúa mà
chúng ta không phải sợ hãi và xấu hổ.
II. TIN TƯỞNG BƯỚC THEO ĐỨC KITÔ.
1. Đức Giêsu là ai ?
Các môn đệ ở bên Chúa Giêsu ba năm mà
vẫn chưa biết Đức Giêsu là ai. Sự hiểu biết của họ còn rất lơ mơ. Khi Đức Giêsu
nói về Chúa Cha, Cha của Ngài, thì họ càng bỡ ngỡ, không hiểu chút nào. Vì thế,
trong các môn đệ quây quần chung quanh Đức Giêsu chiều nay trong bữa
tiệc ly tạ từ, có một môn đệ có một đầu óc rất thực tế. Đó là Philipphêâ. Đối
với ông, nghe Chúa, biết Cha là một cái gì quá trừu tượng. Ông muốn được như
Maisen nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa (Xh 33,18), nên, đại diện cho các
bạn ông nói :”Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng
con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”.
Với vẻ mặt buồn buồn, Đức Giêsu đã
phản ứng lại mạnh mẽ :”Philipphê ! Thầy ở
với các con bấy lâu rồi, thế mà con
chưa biết Thầy”. Sự hiểu biết Thiên Chúa không phải là sự hiểu biết trừu
tượng mà là sự hiểu biết và gặp gỡ một con người. Con người ấy chính là Đức Giêsu, hình ảnh của
Đức Chúa Cha. Vì thế, Chúa phán :”Con
không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư “? Hai nhưng là một ,
đồng nhất trong một bản thể với Chúa Thánh Thần :”Ai xem thấy Thầy là xem thấy
Cha. Cha Ta với Ta là một”. Trọn
cuộc sống, mọi lời nói và việc làm của Đức Giêsu là một biểu hiện hoàn hảo hình
ảnh của Chúa Cha vì Người kết hợp mật thiết với Chúa Cha. Cuộc sống của Ngài,
đó là Chúa Cha, công việc của Ngài là chính Chúa Cha thưcï hiện qua Ngài, lời
Ngài nói đó là tư tưởng của Chúa Cha (Cf Hồâng Phúc, Suy niệm lời Chúa, năm A,
tr 75).
Khi nói rằng chúng ta biết Chúa, nhưng
thực sự chúng ta mới có một khái niệm về Chúa chứ chưa thể diễn tả ra thế nào
cho đúng. Thỉnh thoảng chúng ta nghe thấy có người nói như sau :”Kitô hữu nói
về Chúa thế này. Người Do thái bảo Chúa thế kia. Người Hồi giáo cho Ngài thế
khác. Phật tử còn quan niệm Ngài khác hơn nữa. Tôi cảm thấy rối trí quá nên chẳng
biết nghĩ gì và cũng chẳng biết tin ai”.
Mỗi khi nghe được một người tuyên bố
như thế, tôi liền nhớ lại bài thơ của John
Saxe liên quan đến năm gã mù Ấn độ đứng vòng quanh một con voi và thắc mắc
con voi giống cái gì. Một gã sờ vào hông
voi và bảo nó giống như bức tường. Gã thứ hai sờ vào chiếc ngà và bảo nó giống
như một thanh gươm. Gã thứ ba đụng vào
chiếc vòi và bảo nó như rắn khổng lồ. Gã thứ tư sờ vào lỗ tai và bảo nó giống
như chiếc quạt. Gã mù sau cùng sờ vào đuôi và bảo nó giống như sợi dây
thừng. Thế thì ai trong năm gã này là
đúng ? Có lẽ câu trả lời hay nhất là cả
năm gã đều đúng, mỗi gã đúng theo quan điểm của mình. Chỉ nhờ đối thoại chung
với nhau họ mới có thể có được một cái nhìn đầy đủ và sáng suốt hơn để trả lời
chú voi thực sự như thế nào.
Vài người bảo : đối với trường hợp
Thiên Chúa cũng thế. Họ bảo : Người Do
thái có lối hiểu Thiên Chúa, người Hồi giáo có một lối thứ hai để thấu hiểu
Chúa, người Phật giáo lối thứ ba và các Kitô hữu lối thứ tư. Chỉ nhờ đối thoại với nhau họ mới có thể đạt
được một cái nhìn đầy đủ rõ ràng hơn về Thiên Chúa. Thế là lại khơi lên một vấn nạn : Làm sao tôn
giáo này có thể tự hào rằng mình gần với chân lý hơn các tôn giáo khác ? Chẳng hạn, làm sao các Kitô hữu dám cho rằng
mình có cái nhìn chính xác về Chúa hơn bất kỳ tôn giáo nào khác ?
Câu trả lời cho vấn nạn trên dĩ nhiên
được đặt vào nền tảng đức tin nơi Đức Giêsu của người Kitô hữu. Đức Giêsu đã tuyên bố Ngài là Thiên Chúa bằng
một cách thức mà không một vị lãnh đạo tôn giáo nào dám tuyên bố. Và hơn thế nữa, Đức Giêsu còn đồng hoá mình
với Thiên Chúa: “Ta và Chúa Cha là một”
(Ga 10,30). Từ “một”, không có tiếng trước hay sau đi kèm, có nghĩa là “đồng một bản tính”. Như vậy, Đức Giêsu
tuyên bố rõ sự thực này : Ngài và Chúa Cha cùng có một quyền năng chung, tức là
“đồng một bản tính”. Điều này không một
vị lãnh đạo nào trên thế giới này dám làm
(Mark Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr 108-109).
Từ xưa đến nay các nhà sáng lập tôn
giáo, không ai dám nói :”Cha Ta và Ta là
một” (Ga 10,30), chỉ có một mình Đức Giêsu mới dám nói :”Hãy tin vào Ta khi Ta nói rằng Ta ở trong Cha và Ta ở trong Cha” (Ga 14,11). Và chỉ một mình Đức Giêsu dám nói :”Ta là bánh từ Trời xuống... Ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sự sống đời
và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết”(Ga 6,51,54). Và chỉ một mình Đức
Giêsu dám nói :”Ta là ánh sáng thế gian,
ai theo Ta, sẽ có ánh sáng ban sự sống và sẽ không bao giờ bước đi trong tăm
tối” (Ga 8,12). Như vậy, chúng ta
phải nói rằng Đức Giêsu là hiện thân của Chúa Cha và ai thấy Đức Giêsu là thấy
Cha. Chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên phải tin theo Người.
2. Bước theo Chúa Giêsu Kitô.
Đức Giêsu báo cho các tông đồ việc ra
đi của Ngài là để dọn chỗ cho các ông :”Nếu
Thầy đi dọn chỗ cho các con, thì Thầy lại đến và đem các con về với Thầy, để
Thầy ở đâu, các con cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì các con biết đường rồi” (Ga
14, 3-4).
Ông Tôma thắc mắc và rất hồn nhiên
chất phác hỏi :”Lạy Thầy, chúng con không
biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đuờng đi”. Nhân dịp này, Đức Giêsu
cho biết Ngài là con đường đưa họ đến
với Chúa Cha, qua Ngài họ mới có thể vào được Nước Trời nên mới nói :”Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Ngài là con đường duy nhất dẫn
tới sự sống.
Chúng ta hãy bước theo chân Chúa
Giêsu. “Theo” ở đây không phải là
một ý tưởng trừu tượng, như chấp nhận một học thuyết, một tư tưởng hay chỉ đi
theo sau một người, mà có một ý nghĩa sinh động hơn, nghĩa là phải chấp nhận
người mình theo, nhận lậy số phận người mình theo, gắn bó khăng khít với họ như
“thuyền theo lái, gái theo chồng”.
Ngoài ra còn phải chia sẻ đời sống với người ấy, bất chấp những rủi ro xẩy ra,
chấp nhận tất cả như cô gái nói với chàng trai :
Lên non thiếp cũng lên theo,
Tay vịn chân trèo hái trái nuôi nhau.
(Ca
dao)
Đức
Giêsu đã kêu gọi mọi người hãy đi theo Chúa vì chỉ mình Ngài mới có thể
ban ơn cứu độ, mới có thể dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Tuy nhiên, muốn
theo Chúa cũng cần phải có một số điều kiện, đòi họ phải kiên trung đến cùng,
đừng để xẩy ra cảnh “giữa đường đứt gánh. Trước khi theo Chúa hãy suy nghĩ
cho kỹ, giống như người định xây nhà, phải tiên liệu để hoàn thành, đừng để dở
dang.
a)
Từ bỏ mọi sự.
Đức Giêsu kêu gọi mọi người hãy theo
Ngài, lời kêu gọi ấy có tính cách hoàn toàn tự do, muốn theo hay không theo
cũng được vì Ngài chỉ dùng chữ “nếu”,
không có tính cách bắt buộc. Ngài nói :”Nếu
ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24).
Đã có trường hợp người ta không dám chấp nhận điều kiện Chúa đưa ra như trường
hợp người thanh niên giầu có đến xin làm môn đệ Chúa, nhưng anh ta không thể
chấp nhận được điều kiện này nên đã bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
Đức Giêsu là Thiên Chúa giầu sang vô
cùng đã muốn trở nên con người nghèo khó đến tuyệt cùng để chia sẻ số phận
nghèo khó của con người. Chúa đã nói :”Con
cáo có hang, chim trời có tổ, Con
Người không có nơi gối đầu”(Mt 8,20 ; Lc 9,58) . Nếu yêu Chúa, muốn theo
Ngài thì đòi buộc từ bỏ tất cả, từ bỏ chính con người của mình vàchấp nhận mọi
rủi ro trong khi theo Chúa. Chúng ta có dám can đảm chấp nhận điều kiện ấy
không ?
Trong văn chương bình dân, người ta có đưa ra một hình ảnh tương tự
như thế. Đó là trường hợp một người thanh niên nghèo được một thiếu nữ yêu
thương muốn theo, anh ta cho biết là mình nghèo lắm, chỉ sống nhờ sự bố thí của
người ta thôi, không có gì cả ; hay nói đúng hơn anh ta chỉ có cái nghề đi ăn
mày thôi, có dám theo không, nên anh ta nói :
Lấy anh, anh sắm sửa cho :
Cái bị, cái bát, cái quạt mo đuổi ruồi.
(Ca
dao)
b) Phải qua cửa hẹp.
Theo Chúa thì đòi buộc phải hy sinh,
hy sinh cả những cái được phép, có khi
phải hy sinh cả thân mình và phải nhận đến cái chết. Theo Chúa là phải khép
mình vào như Chúa nói :”Hãy vào qua cửa
hẹp” (Mt 7,13-14 ; Lc 13,24) vì”Nước
Trời chỉ có thể chiếm được bằng sức mạnh”, sức mạnh đây không phải là sức
mạnh thể xác nhưng là sức mạnh tinh thần, phải chiến đấu kiên cường, không chịu
lùi bước theo phương châm :”Per crucem ad lucem”.
Từ bỏ mình... Vác thập giá... là khoái
khổ sao ? Không. Cần phải từ bỏ mình, thẳng thắn mà tuyên bố tiêu diệt cái “tôi” của chúng ta. . Thế nhưng không
phải tiêu diệt “cái tôi” tốt lành, “cái tôi” chân thật. Đức Giêsu yêu cầu chúng
ta hãy hiến cái tôi giả tạo mà chúng
ta tạo nên bằng những nhu cầu vô ích và những phù phiếm trẻ con :”Đó là cái tôi, thánh Gioan Thánh giá nói,
của những thèm muốn thúc giục chúng ta trở nên bất hạnh đối với chúng ta, khô
khan đối với tha nhân, nặng nhọc và biếng nhác đối với các công việc của Chúa”
(A. Sève, Sương mai, tr 209).
c)
Vâng ý Cha trên trời.
Theo Chúa thì không còn gì là của mình
nữa vì đã phó thác trọn vẹn cho Chúa để hoàn toàn thuộc về Người. Trong mọi
việc chúng ta chỉ còn biết làm theo thánh ý Chúa, ý Chúa trên hết theo như kinh
Lạy Cha :”Vâng ý Cha dưới đất cũng như
trên trời”. Vì thế, Đức Giêsu đã
khuyên nhủ những người đã theo Ngài muốn vào được Nước Trời thì phải thi hành
thánh ý Chúa :”Không phải cứ kêu lạy
Chúa, lạy Chúa, mà được vào Nước Trời, mà chỉ có những ai thi hành ý Cha Ta ở
trên trời”(Mt 7,21-23 ; Lc 6,46 ; 13,26-27).
Truyện : cậu bé đánh trống.
Trận chiến giữa Pháp và hai nước liên
kết Ý và Áo đầu năm 1796, kết liễu ngày 17.11.1796 như sau :
Đại tướng Bonaparte đưa quân đến một
địa điểm, có cái cầu bắc qua trận tuyến địch. Trong lúc trận thế đang nguy, đại
tướng Bonaparte hô tiến qua cầu. Không một ai qua ! Đại tướng xuống ngựa, giựt
lá cờ quân đoàn chân bước qua cầu, miệng hô :”Ai yêu tổ quốc thì theo ta”. Ngó lại, trên cầu chỉ có một
mình mà lá cờ rách nhiều mảnh vì đạn của quân địch. Khi ấy có cậu bé mới 13
tuổi đánh trống thúc quân. Hai tay đập mạnh vào trống chân bước qua cầu theo
đại tướng. Quân sĩ tràn theo qua cầu, đại tướng Bonaparte toàn thắng và cũng
chấn dứt cuộc chiến tranh ấy.
Tám năm sau, Bonaparte đã là hoàng đế
Napoléon trở lại chỗ cũ, có nghi lễ đón tiếp rất linh đình. Hoàng đế Napoléon
muốn bắt tay cậu bé Vidal đã 20 tuổi hiện trong quân đoàn tại đó.
Hỏi đến Vidal thì cậu đã nghỉ phép để
đưa đám tang mẹ. Hoàng đế Napoléon đã bãi bỏ mọi lễ nghi quân cách, đi thẳng
đến làng Vidal, theo sau đám tang đến huyệt, đọc bài điếu văn. Rồi đi bộ với Vidal trở về. Vidal từ chối và mời hoàng đế lên xe. Hoàng đế Napoléon đáp :”Tám năm trước con đã
liều chết theo ta trên con đường chết, nay trên đường đau kho,å con cho ta theo con cho có bạn”(Ms Lê văn Thái, Những
tia sáng, tập 1, tr 5).
Đạo là đường đưa dẫn đến sự sống chính
là Chúa, và không có gian lao khổ cực
nào làm cho ta chối bỏ được. Những tháng năm đầu thế kỷ 20 này, nhiều người đã
gặp những anh hùng vô danh còn sống sót trên đất nước Việt nam chúng ta. Đó là các cụ ông, cụ bà trước đây đã bị bắt
giam cầm, bị người ta rạch mặt lấy mực tầu
xâm lên trên má hai chữ “Tả dạo”,
đi đâu ai cũng nhận ra là người theo tả đạo ; nhưng đối với giáo dân, đây là
biểu tượng của Đức tin kiên cường sáng chói. “Chúng ta hãy ca tụng những bậc vĩ nhân, những bậc tiền bối của chúng
ta”(Gv 44.1), đã tin Đạo, đã sống Đạo, đã hy sinh vì Đạo, gương sáng chói cho
chúng ta trên đường về Trời. (Hồng Phúc).
Lm
Giuse Đinh lập Liễm
Giáo
xứ Kim phát
Đà
lạt