LỄ
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
CHỨNG NHÂN ANH DŨNG
I. LỄ KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Hôm nay toàn thể Giáo hội Công giáo Việt
nam long trọng mừng kính các Thánh Tử đạo
tại Việt nam, một ngày lễ đem lại niềm vui và một hào khí thúc đẩy người tín hữu
Việt nam theo gương các thánh mà làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Theo sử liệu, hạt giống đức tin đã được
gieo rắc trên quê hương đất nước chúng ta với sự hiện diện của một thừa sai là
giáo sĩ Inikhu vào năm 1533. Công cuộc truyền giáo mới ở trong giai đoạn khởi đầu
mà đã bị thử thách nặng nề với cái chết vì đạo của chân phước Anrê Phú yên vào
năm 1544. Từ đây Giáo hội Việt nam phải trải qua nhiều thời kỳ chịu bách hại, có
lúc đẫm máu, qua các thời đại các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, đặc biệt
với nhóm Văn Thân.
Nhà cầm quyền thời đó đã dùng mọi hình
phạt dã man để khủng bố tinh thần các thánh Tử đạo Việt nam, nhưng các Ngài đã
anh dũng chịu đựng vì Chúa. Không có hình phạt nào có thể tách rời các Ngài ra
khỏi tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy xem một số hình phạt man rợ và bất công đó
:
- Bá đao : bị lý hình dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể
cho dù 100 miếng. Cách chết này có một vị.
- Lăng trì : chặt chân chặt tay trước
khi bị chém đầu. Cách chết này có 4 vị.
- Thiêu sinh : bị thiêu sống. Chết cách
này có 6 vị.
- Xử trảm : bị chém đầu. Chết cách này
có 75 vị.
- Xử giảo : bị tròng
dây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu dây cho đến chết. Cách chết này có 22 vị.
- Chết rũ tù : bị tra tấn, hành hạ đủ cách đủ kiểu, rồi bị bỏ đói
cho tới khi kiệt sức và chết gục trong tù.
Chết cách này có 9 vị.
Cũng nên biết qua về kế họach PHÂN SÁP
của vua Tự Đức, một kế họach quá sâu độc !
Nhưng cũng để cho chúng
ta biết rằng trong mọi biến cố lúc nào cũng có bàn tay quan phòng của Chúa, sự
khôn ngoan của lòai người chỉ là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa.
Kế họach Phân Sáp được Vua Tự Đức cho
thi hành vào năm 1851 và 1856.
Do sự thi hành kế họach Phân Sáp này mà
gần 400.000 giáo dân phải bị đi phân sáp, trong đó có từ 50.000 đến 60.000 giáo
dân phải chết nơi phân sáp, 100 làng công giáo bị tàn phá bình địa, 2000 họ đạo
bị tịch thu tài sản ruộng đất, 15 Linh mục Việt nam và 10 giáo sĩ ngọai quốc bị giết, 80 Dòng Mến
Thánh Giá bị phá tan, 2000 nữ tu Mến Thánh giá phải tan tác, 100 nữ tu Mến Thánh
giá chết vì Đạo.
Kế họach phân sáp gồm bốn mặt :
- Mặt thứ nhất, không cho người
công giáo ở trong làng công giáo của mình, nhưng phải đến ở trong các làng bên
lương.
- Mặt thứ hai, mỗi người công
giáo phải bị năm người lương canh giữ cẩn
mật.
- Mặt thứ ba, các làng công
giáo bị phá hủy, của cải ruộng đất của người công giáo bị tịch thu và giao vào
tay những người bên lương, những người này
sử dụng và nộp thuế lại cho Nhà Nước.
- Mặt thứ bốn, không cho người
đàn ông công giáo ở một nơi với người đàn bà công giáo, không cho vợ chồng công
giáo ở với nhau, mỗi người phải đi ở một nơi xa nhau, con cái của người công gíao
thì phải để cho gia đình người lương nuôi.
Đây là một kế họach rất sâu độc, nhằm
tiêu diệt Giáo hội Việt nam tận gốc rễ. Nhưng bàn tay Chúa dẫn đưa lạ lùng : các
triều đại nhà Nguyễn không còn nữa, mà Giáo hội Việt nam, hiện nay, vẫn còn lớn
mạnh và phát triển không ngừng (Theo Internet).
Có nhiều lý do dẫn đến cảnh bách hại :
vì ghen tương đố kỵ, hiểu lầm hay do những nguyên nhân chính trị. Trong vòng 300 năm, Hội thánh Việt nam đã dâng
cho Chúa một số chứng nhân anh dũng, đã nhận lấy cái chết để làm chứng và tỏ lòng
trung thành với Chúa Kitô. Con số thực sự của các tử đạo tại Việt nam cũng không có được thống kê
chính xác, chỉ biết rằng con số này rất đông, từ 100.000 đến 130.000 người. Các
tử đạo tại Việt nam cũng rất đa dạng, gồm đủ mọi thành phần trong dân Chúa và
ngành nghề xã hội : các Giám mục, Linh mục, Linh mục thừa sai Pháp và Tây ban
nha, bên cạnh các Linh mục là chủng sinh, thầy giảng và giáo dân, có những cụ
già và thanh niên, binh lính, thầy thuốc, quan chức....
Giáo hội Việt nam tuy còn non nớt, còn
đang trên đà truyền giáo, nhưng ngày 19.06.1988 Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong lên bậc hiển thánh 117
chứng nhân anh dũng và đưa vào niên lịch chung để mừng kính trong toàn thể Giáo
hội vào ngày 24 tháng 11 hằng năm , cũng là ngày kỷ niệm thành lập hàng giáo phẩm tại Việt nam vào năm 1960.
II. Ý NGHĨA VIỆC TỬ ĐẠO.
Xưa nay có lẽ chúng ta đã quen đi với cách thức phân biệt các thánh
tử đạo với các thánh giáo phụ, hiển tu, đồng trinh vv... Nhưng chúng ta quên rằng
thánh nào cũng là thánh, và thánh nhân Kitô giáo nào cũng trước tiên phải là chứng nhân của Tin mừng, hay nói cách khác,
chứng nhân của Chúa Kitô, chỉ khác
nhau cách thức làm chứng mà thôi.
Sự thực là buổi sơ khai của Giáo hội công
giáo trước tiên những tín hữu chết vì đạo được tôn vinh là thánh và Giáo hội dùng
một từ Hy lạp là Martus, Marturos (rồi La tinh Martyr, Martyris và từ Pháp là
Martyr) để chỉ những tín hữu được tôn vinh này. Martus, Martyr có nghĩa là người chứng, người làm chứng. Vì vậy,
đối với Giáo hội công giáo, thì từ Martyr này nguyên thủy được áp dụng cho tất
cả các thánh, do đó mà sổ các thánh được
gọi là Martyrologie.
Vậy thì vị tử đạo, trước tiên phải là chứng nhân của Chúa Kitô, như mọi chứng
nhân khác, trên bình diện đời sống. Cái chết “vì đạo” của người tử đạo chỉ là một
cách thức làm chứng mà thôi, chứ không
phải làm thay đổi bản chất người chứng của Chúa Kitô.
(Lm Thiện Cẩm, Cg và Dt, Giáng sinh 1997, tr
310-311)
Nếu tử đạo do tiếng Martyr là nhân chứng thì ngay cộng đồng
Do thái đã có những vị tử đạo, nhất là thời Maccabê. Sách Maccabê, đặc biệt bài
đọc I hôm nay, đã kể lại nhiều vị anh hùng can trường làm chứng cho đức tin mặc
dù phải chịu nhiều cực hình và có khi phải chết. Còn cách xử dụng thông thường của Cựu truyền
Công giáo thì danh từ Tử đạo áp dụng cho nhân chứng nào đã lấy máu mình, đã hiến
mạng sống mình để trung thành làm chứng cho sứ mạng, cho chân lý.
Theo nghĩa này thì Đức Kitô chính là một
vị tử đạo đích thực. Và chỉ duy có Ngài mới xứng đáng danh hiệu đáng kính này. Trong cuộc sống của Ngài tại trần thế và nhất là trong cái chết đẫm máu của Ngài trên
thập giá, Ngài đã làm chứng hùng hồn về lòng trung thành của Ngài đối với sứ mạng
Cha Ngài giao phó. Ngài không những đã
biết trước cái chết mà Ngài còn tự ý chấp nhận như một tác động tôn kính hoàn hảo
nhất mà Ngài đã thực hiện để tôn kính Cha Ngài. Và khi Ngài bị kết án, Ngài đã
tuyên bố :”Ta đến trong trần gian này để
làm chứng cho sự thật”. Như thế chúng ta đủ hiểu cuộc sống Ngài tại
thế và cái chết của Ngài chính là những tác động mang ý nghĩa tử đạo : đó là hiến
mạng sống để trung thành làm chứng cho sứ mạng Cha Ngài trao phó và làm chứng
cho sự thật.
Kinh nghiệm cho biết Giáo hội của Chúa
bao giờ cũng được khai sinh và phát triển bằng đau khổ và tử đạo. Thật vậy,
chính Chúa Kitô là vị tử đạo đầu tiên, đã khai sinh Giáo hội bằng cái chết đau
thương trên thập giá. Chúa phán :”Khi nào
Ta bị treo lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi sự về với Ta”(Ga 12,22). Từ ngày đó, Giáo hội nhiệm thể Chúa Kitô cũng phải đổ máu
làm chứng về Chúa để mọi người được ơn cứu chuộc. Giáo hội sơ khai đã có cuộc tử
đạo của thánh Stêphanô. Giáo hội Roma với bao thánh tử đạo dưới thời hoàng đế Néron
nay vẫn còn di tích lưu truyền.
Hoàng đế Julius, người ngược đãi Kitô
giáo vào thế kỷ thứ 4, đã phải thốt lên :”Các
ngươi đắp xác của nhiều người mới chết lên một cái xác đã chết (Chúa Giêsu), các
ngươi làm đầy thế giới này bằng quan tài và mồ mả”.
Cuối cùng, nhiều Giáo hội đã được dựng
lên trên mồ của các thánh Tử đạo, đền thờ thánh Phêrô ở Vatican là một thí dụ,
và các nghĩa địa đã biến thành các thành phố
bởi vì “Máu các thánh tử đạo là hạt
giống sinh ra các tín hữu” (Tertullianô).
Tại sao người ta dám tử đạo, dám làm
chứng cho Tin mừng, dám làm chứng cho Chúa ? Thưa vì người ta qúi sự sống đời đời.
Người ta cho phần rỗi linh hồn là quí hoá và không gì có thể đổi lấy được vì :”Được lợi cả thế gian mà mất linh hồn thì ích
lợi gì” (Mc 8,36).
Truyện : Xin mua được một linh hồn.
Thế kỷ 19, khi cơn cấm đạo nổi mạnh trên
tỉnh Thanh hoá, một hôm, người ta dẫn đến trước mặt quan án một thiếu niên 17
tuổi – tên là MỚI – Thấy mặt mũi khôi ngô tuấn tú, quan động lòng thương.
- MỚI
- quan nói – con cứ đạp thánh giá đi, rồi ta sẽ ban thưởng một nén bạc.
- Bẩm quan lớn, một nén bạc chưa là
gì.
- Được, ta sẽ ban một nén vàng. Con hãy
đạp Thánh giá đi.
- Ồ, bẩm quan lớn, một nén vàng cũng vẫn
còn ít quá.
- Sao ? quan sửng sốt, quát : Thế còn
chưa đủ ư ? Vậy mày muốn bao nhiêu ?
- Bẩm, nếu quan lớn muốn tôi đạp Thánh
giá, thì xin quan lớn hãy cho tôi cái gì có thể mua được một linh hồn khác đã...
Và người thiếu niên bình tĩnh bước vào
pháp trường, vẻ anh dũng tươi cười.
III. VIỆC TỬ ĐẠO NGÀY
NAY.
1. Theo công đồng Vatican II.
Trong hiến chế Lumen gentium, công đồng
chỉ dùng chữ Tử đạo 6 lần và theo một ý nghĩa riêng biệt, với chiều kích rộng lớn
phổ quát, tuy vẫn qui chiếu vào ý niệm tử
đạo có từ trước. Theo công đồng, “Tử
đạo là được đồng hoá với Thầy mình, sẵn sàng chết để cứu độ trần gian, và cũng
như Thầy, đổ máu đào ra để làm chứng cho
việc đó. Hội thánh coi tử đạo là ơn cao cả, là bằng chứng tột đỉnh về đức tin.
Chẳng mấy ai được phúc này, nhưng ai ai cũng phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô
trước mặt thế gian, và theo Người trên con đuờng thập giá, giữa những cơn bắt bớ
thường xẩy ra cho Hột thánh” (LG. số 42).
Một số nhà thần học ngày nay cũng có
những suy nghĩ và gợi ý như cha Karl
Rahner trong cuốn Excursus sur le martyr :
”Tử đạo đơn thuần là cái chết
của người Kitô hữu. Tử đạo là một phần cốt yếu của Hội thánh. Thật ra, Hội thánh
không nguyên làm chứng cho Đức Kitô bị đóng đinh mà còn làm chứng cho Lời mình
sống thành hiện thực nữa. Hội thánh sống cái chết của Chúa Kitô trong hết mọi
người, mang thập giá của Đức Kitô ở giữa bóng tối của thế gian và mang dấu thánh
của Đức Kitô, những dấu ấn bí ẩn trong đời thường mỗi ngày. Hội thánh phải là dấu
hiệu thiêng thánh về thực tại thầm kín này, trong thế giới ngày nay. Hội thánh ở trong tình trạng tử đạo. Ở đây, Hội thánh tự tạo cho mình một
hình thức rõ ràng nhất, trong sáng nhất, một mạc khải tồn tại cho đến cùng”.
Cha
Urs von Balthasar, nhà thần học, cũng nói giống như vậy, khi nhấn mạnh
rằng tình trạng bách hại là tình trạng thông thường của Hội thánh trong thế
gian và tử đạo là trạng thái bình thường
của lời chứng Kiyô giáo.
Etienne
Barbarin cũng theo một dòng tư tưởng, khi trình bầy việc tử đạo là cách thế
thực hiện hoàn hảo nhất lời chứng, vì cái
chết tuy được chuẩn bị bằng cả đời sống, nhưng đã bắt đầu và thực hiện trong mỗi
lựa chọn hằng ngày.
2. Tư tưởng chung thời nay.
Nếu như các nhà thần học nói :”Hội thánh luôn ở trong tình trạng tử đạo”.
Ta phải hiểu như thế nào? Phải chăng Hội thánh lúc nào cũng phải chịu bắt bớ, bị
đoạ đầy ? Chắc không phải thế. Cần phải
hiểu chữ “Tử đạo” theo nghĩa rộng hơn.
Ta đặt câu hỏi : bậc đồng trinh và đời đan tu có
thể thay thế cho tử đạo không ?
Ngay từ xưa, người ta đã tìm những cách
thế biểu hiện việc tử đạo. Những cách thế này xoay quanh những việc đời có thể
diễn tả sự hy sinh chính mình, và đức tin hoàn hảo, do đấy có thể được coi như
một sự sửa soạn chịu tử đạo hay có liên quan đến tử đạo. Vì thế bậc đồng trinh và đời đan tu vẫn được
coi là những con đường gần nhất với tử đạo. Các trinh nữ và các đan nữ xuất hiện
vào thời cấm đạo hồi xưa, dưới mắt mọi người, vẫn là những vị kế thừa các anh hùng tử đạo.
Từ đó nảy sinh ra ba mẫu tử đạo :
* Tử
đạo đỏ : là đổ máu ra chịu chết
vì Chúa.
* Tử
đạo trắng : sống đời hãm mình
trinh tiết.
*
Tử đạo xanh : chịu đọa đầy, để làm
chứng cho đạo ở một nơi không phải là quê hương
xứ sở mình.
Chính thánh nữ Têrêsa Hài đồng đã nói
thẳng thắn rằng:”Tôi cảm thấy tôi có ơn gọi làm chiến binh, tông đồ, tiến sĩ và tử đạo. Tử
đạo là giấc mơ trong tuổi trẻ của tôi. Và giấc mơ ấy đã trở thành mãnh liệt,
khi tôi ở trong bốn bức tường của Nhà Kín. Nhưng tôi cảm thấy rằng giấc mơ đó là
một sự điên rồ và vì thế tôi đã hiểu tình yêu qui tụ mọi ơn gọi của tôi. Vâng, cuối cùng tôi đã khám phá ra ơn gọi của
tôi : ơn gọi của tôi là yêu mến” (Tự thuật).
Mọi người đều qúi trọng sự sống, dù chỉ
là cuộc sống vắn vỏi phù du. Các tử đạo không những coi cái chết “nhẹ tựa lông
hồng”, mà còn lấy cái chết như ngưỡng cửa phải bước qua để tiến vào cõi sống vĩnh
hằng. Các ngài cho ta cái cảm giác như là các ngài “chạm vào cõi vô hình”. Các
ngài đã thể hiện và chứng minh câu nói của Chúa :”Ai bám vào sự sống đời này, sẽ mất
cuộc sống mai sau ...”(x. Mc 8,35). Và như thánh Phaolô nói :”Bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực vẫn sống;
coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền,
nhưng kỳ thực luôn vui vẻ” (2Cr 6,9-10).
Truyện : chết theo lệnh vua.
Trên bước đường viễn chinh, đại đế
Alexandre đã cho quân vây hãm kinh đô của
một vương quốc vùng Tiểu Á. Thay vì cho quân tấn công hạ thành, đại đế
Alexandre đã thúc ngựa đến ngay trước cổng thành và đòi gặp mặt vua đối phương.
Nhà vua leo lên lũy thành, nhìn xuống đòan
quân đang vây hãm và hỏi Alexandre :
- Nhà ngươi muốn gì ?
- Ta muốn nhà vua đầu hàng.
- Đầu hàng ? Tường ta cao, hào ta sâu,
quân ta đông hơn, tại sao ta lại phải đầu hàng nhà ngươi ?
- Nhà ngươi hãy xem cho rõ.
Thế rồi Alexandre ra lệnh binh sĩ dàn
trận. Thay vì tấn công hạ thành, ông ra lệnh cho họ tiến bước về hướng vực thẳm ngòai thành.
Tò mò,
quân sĩ trong thành cũng leo cả lên tường thành để xem cuộc “diễn binh”
của Alexandre.
Đòan quân của Alexandre cứ từ từ tiến
bước đến bờ vực thẳm. Hiên ngang, anh dũng, họ tiến tới bờ vực thẳm. Một người
bước vào khỏang không, rơi xuống vực thẳm, thịt nát xương tan. Người thứ hai vẫn
can đảm tiếp bước, rơi xuống vực sâu, chết theo. Từng người, từng người theo nhau đi vào cái chết một cách
bình thản, anh hùng. Sau cái chết anh hùng của binh sĩ thứ mười, Alexandre hạ lệnh
dừng bước.
Sững sờ kinh ngạc trước tinh thần của
binh sĩ Alexandre, lòng trung tín họ dành cho Alexandre, biết coi nhẹ cái chết
tựa lông hồng, nhà vua và tòan quân
trong thành mở cửa qui hàng.
Chúng ta cũng đang thừa hưởng chiến công
của những người lính anh hùng như thế của Đức Kitô, Vua vũ trụ. Chính các thánh
Tử đạo Việt nam đã góp phần xây dựng Giáo hội Việt nam bằng lòng trung tín các Ngài đã dành cho Chúa
Kitô, bằng gương anh dũng xem nhẹ cái chết dâng hiến mạng sống mình cho Chúa ?
Và chúng ta sẽ phải sống thế nào để theo gương các ngài?
Là con cháu các
Thánh Tử đạo Việt nam, chúng ta hôm nay cũng phải đương đầu với những khó khăn
thử thách, có lẽ không đồng loại với những khó khăn thử thách của các Ngài, bởi
vì ngày nay hầu như chẳng còn ai cấm đạo theo lối vua chúa quan quyền nước ta
thời trước. Trong thế giới chúng ta ngày nay, không chỉ có Kitô giáo, mà hầu hết
các tôn giáo khác, kể cả những người không tín ngưỡng cũng đang phải đối diện với
một thứ “Tôn giáo kinh tế”, trong đó người ta thờ thần Mammon, Thần Tài.
Nhiều người chỉ biết cắm đầu chạy theo tiền tài, không còn biết ý nghĩa của cuộc
sống nữa. Họ chỉ biết vùi đầu trong những thú vui thấp hèn, chỉ biết sống để hưởng
thụ, sống vội sống vàng để rồi ngày mai chết sẽ ra cõi tha ma.
Lễ kính các Thánh Tử đạo Việt nam hôm
nay khiến chúng ta kính phục các thánh vì các Ngài đã mởi trí mở lòng cho ta để
chúng ta hiểu rằng đời này không phải là tất cả.
Năm 1980 tại câu lạc bộ của
những nhân vật vị vọng trong xã hội, câu lạc bộ Philadelphia Phillies, người ta
đã tổ chức một cuộc nói chuyện và người được mời nói chuyện là một nhân vật đặc
biệt tên là Cordell. Cordell có tật nơi chân nên đi đứng rất khó khăn. Anh lại ngọng nên ăn nói cũng khó. Mặt mày anh
dị hợm nên nhiều người thấy anh phải quay mặt đi hướng khác.
Một người như thế có gì để nói với những
nhân vật giầu sang danh vọng trong xã hội ? Anh mở đầu như sau :”Tôi biết rằng tôi rất là khác biệt với các bạn”,
rồi anh kể về cuộc đời mình, một cuộc đời nhiều thất bại, nhiều đau khổ. Sau cùng
anh kết luận :”Các bạn có thể thành công
suốt cả cuộc đời và lãnh hàng triệu đôla mỗi năm. Nhưng khi ngày giờ đến, ngày
mà người ta đóng nắp quan tài bạn lại, thì các bạn sẽ chẳng khác tôi chút nào. Đó
là lúc chúng ta đều y như nhau”.
Không biết cử toạ của cuộc nói chuyện
hôm đó nghĩ gì, nhưng tôi thì nghĩ đến các thánh tử đạo : các Ngài khôn hơn nhiều người ở chỗ nhiều người đã
dùng cả cuộc đời để kiếm tìm những điều họ sẽ phải bỏ lại khi quan tài của họ bị
đóng lại, còn các Ngài thì dám bỏ tất cả những gì qúi nhất ở trần gian để đổi lấy
cuộc sống vĩnh cửu.
Giáo hội Việt nam là một gia sản quí báu
mà cha ông đã để lại cho chúng ta bằng giá máu của các ngài, để ngày nay chúng
ta có ba Giáo tỉnh gồm 25 giáo phận , với
hàng giáo phẩm được thiết lập chính thức vào năm 1960 để coi sóc gần 7 triệu
tín hữu. Chúng ta phải bảo vệ và xây dựng di sản ấy như các em thiếu nhi thường
hát khi sinh họat :
Cái nhà là nhà của ta,
Ông cố ông cha lập ra
Cháu con ta gìn giữ lấy
Muôn
năm với nước non nhà.
Nếu chúng ta biết bảo vệ và
xây dựng Giáo hội Việt nam cho tốt thì chúng ta được các ngài khen là :”Con cái
khôn ngoan, vẻ vang cha mẹ”(Tục
ngữ). Nếu chúng ta không cố gắng và làm phát huy ra vẻ đẹp mà cha ông chúng
ta đã xây dựng bằng xương máu thì các ngài sẽ phải phàn nàn về thế hệ con cháu
:”Đời
cha vo tròn, đời con bóp méo”(Tục
ngữ)
Ngày lễ các Thánh Tử đạo Việt
nam hôm nay thôi thúc chúng ta hãy theo gương các Ngài để biết tử đạo trong đời
sống hằng ngày. Nếu ngày nay chúng ta không
phải trải qua “tử đạo đỏ” thì chúng ta có thể chấp nhận “tử đạo trắng hoặc xanh”.
Hãy thực
hiện lời Chúa dạy chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay :”Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”(Lc 9,23). Theo Chúa là phải từ bỏ mình, chấp nhận mọi
gian nan khốn khó, vâng theo thánh ý Chúa, sống trọn cuộc sống Kitô hữu để làm
chứng cho Chúa. Đó là chúng ta đang trải qua cuộc tử đạo tuy âm thầm nhưng đòi
hỏi nhiều hy sinh, nhiều cố gắng trường kỳ. Nếu không phải đổ máu ra mà làm chứng
cho Chúa thì chúng ta có thể làm chứng theo lời nói của thánh nữ Têrêsa Hài đồng:”Ơn gọi tôi ở trong Giáo hội là yêu mến”.
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ
Kim phát
Đà lạt