LỄ CHÚA BA NGÔI, (năm A)

THIÊN CHÚA LÀ NGUỒN YÊU THƯƠNG

+++

 

A. DẪN NHẬP.

 

          Chúng ta có thể tuyên xưng với người Do thái giáo và Hồi giáo rằng : Chúng tôi tin một Thiên Chúa duy nhất, Đấng Tạo Hóa, Chủ Tể vũ trụ. Nhưng là người Kitô hữu, được Chúa Kitô soi sáng, chúng ta còn tin Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đó là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm nền tảng của đức tin chúng ta.

 

          Không ai biết được Thiên Chúa nếu Ngài không mạc khải cho. Trong thời Cựu ước, loài người chỉ được biết có sự hiện hữu của một Thiên Chúa Giavê, Ngài là Đấng hằng hữu, nhưng còn Thiên Chúa Ba Ngôi thì chính Chúa Giêsu mạc khải cho trong thời Tân ước này.  Theo mạc khải đó, chúng ta biết được có sự hiện hữu của Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần. Ngài là nguồn yêu thương và bình an, là gương mẫu tuyệt hảo của sự hiệp nhất. Chúng ta hân hạnh được làm con Chúa Ba Ngôi để dám gọi Ngài là Cha : “Cha ơi”. Đáp lại vinh dự đó, chúng ta phải yêu mến Ngài hết lòng và tuyên xưng danh Ngài cho đến tận cùng thế giới.

 

          Giáo hội muốn dành riêng một ngày Chúa nhật trong năm Phụng vụ để đặc biệt tôn kính và tim hiểu mầu nhiệm lớn lao này. Chúng ta sẽ không bao giờ thấu hiểu được Chúa Ba Ngôi như thánh Augustinô đã làm, nhưng chúng ta biết Chúa Ba Ngôi là khuôn mẫu của sự yêu thương và hiệp nhất. Trong cuộc sống hằng ngày Chúa Ba Ngôi vẫn ngự trị và hành động trong chúng ta, do đó,  chúng ta phải tôn kính Ngài, học đòi bắt chước Ngài mà sống yêu thương và phục vụ.

 

B.TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

          1. Bài đọc 1 : Xh 34, 4-6.8-9.

 

          Qua đoạn sách Xuất hành hôm nay, chúng ta biết, Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung. Chính Thiên Chúa đã giải thoát Israel khỏi ách nô lệ Ai cập, nhưng dân Chúa lại phản bội Ngài, đi thờ con bò vàng thay Chúa. Tuy thế, qua lời cầu xin của ông Maisen, Thiên Chúa đã tha thứ cho họ và vẫn trung thành thi hành giao ước đối với họ.

 

          Ngay từ thời Cựu ước, Thiên Chúa đã mạc khải cho thấy Ngài là một vì Thiên Chúa của tình yêu. Trong thời Tân ước, việc mạc khải được sáng tỏ hơn với việc Thiên Chúa sai Con Một của Ngài đến cứu độ trần gian là Đức Giêsu Kitô.

 

          2. Bài đọc 2 : 2Cr 13,11-13.

 

          Thánh Phaolô, dựa vào niềm tin : Thiên Chúa là nguồn tình yêu và bình an, đã mời gọi các tín hữu Côrintô hãy vui lên vì mọi người đã được cứu chuộc và được làm con Chúa để mọi người không còn sợ sệt mà dám gọi Thiên Chúa là Cha :”Cha ơi”.

 

          Vì trong cộng đoàn Côrintô có sự lộn xộn bất hoà với nhau, nên thánh Phaolô đã viết thư cảnh cáo và khuyên bảo họ hãy sống đoàn kết thương yêu nhau ; đồng thời cũng cầu chúc họ được tràn đầy ân sủng của Chúa Ba Ngôi.

 

          3. Bài Tin mừng : Ga 3,16-18.

 

          Bài Tin mừng hôm nay nhắc lại tư tưởng đã được  đề cập trong bài Cựu ước ở trên : Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng giầu lòng thương xót. Tình yêu Thiên Chúa được diễn tả cách cụ thể trong Tân ước : Thiên Chúa tỏ ra là Thiên Chúa yêu thương đã ban Người Con duy nhất cho trần gian, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Điều đó buộc mọi người phải tin vào Con Thiên Chúa, ai không tin thì sẽ bị lên án.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

                                           Ba Ngôi yêu thương và hiệp nhất.

          1. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

          Đã là mầu nhiệm thì không thể hiểu thấu được, nhất là mầu nhiệâm Thiên Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm lớn trong Đạo. Câu chuyện của thánh Augustinô sẽ soi sáng thêm cho chúng ta về vấn đề này :       Sau một đời ăn chơi trụy lạc và chạy theo tà thuyết, Augustinô đãõ tìm về với Kitô giáo. Ngài được xem là điển hình của một sự khao khát và tìm kiếm không ngừng. Điều đó được thể hiện qua một giai thoại như sau :

 

          Augustinô thuộc khuynh hướng  của những người cho rằng với kiến thức và nỗ lực tìm kiếm, con người có thể múc cạn chân lý về Thiên Chúa. Một hôm, đi dọc theo bờ biển, đầu óc miên man nghĩ đến những bí ẩn về Thiên Chúa, tình cờ Ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên cát. Nó dùng một mảnh sò để đào một lỗ nhỏ trên cát, rồi dùng vỏ sòø ấy  múc nước biển đổ vào.

 

          Nhưng dã tràng xe cát Biển đông, nó cứ đổ nước vào cái lỗ mà vẫn không bao giờ đầy. Ngạc nhiên về cử chỉ của đứa bé, thánh nhân nấn ná gợi chuyện. Ngài hỏi nó đang làm gì, đứa bé trả lời không chút do dự :

          - Thưa ông, cháu đang dùng vỏ sò này để tát cho cạn nước bể đại dương.

          Thánh nhân lắc đầu bảo nó :

          - Cháu không thể làm được chuyện đó đâu.

          Đứa bé ngước lên và mỉm cười nói :

          - Múc cạn nước đại dương để đổ đầy cái lỗ này còn dễ hơn múc cạn mầu nhiệm về Thiên Chúa.

          Thánh Augustinô chợt hiểu được một chân lý : Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được.

                          (D.Wahrheit, Tìm về cõi phúc, tr 68).

 

          * Thiên Chúa là một mầu nhiệm. Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại. Khi học giáo lý, ta đã học thuộc lòng về các mầu nhiệm, trong đó có 3 mầu nhiệm lớn nhất trong Đạo :

                   . Mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể.

                    . Mầâu nhiệm Ngôi Hai cứu chuộc.

                   . Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

 

          * Ta  không thể biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mà hoàn toàn do Chúa Giêsu mạc khải cho trước khi Ngài về trời, khi Ngài phán :”Mọi quyền năng trên trời dưới đất đều được ban cho Thầy. Vậy anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,18-19)

 

          * Đây quả là một mầu nhiệm thẳm sâu, chúng ta không thể nào diễn tả được mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, nhưng trong vũ trụ thiên nhiên chúng ta có thể lấy được nhiều hình ảnh cụ thể dùng lối loại suy để hiểu về Chúa Ba Ngôi :

 

          Khi thuyết giảng tại công viên Hyde Park, Frank Sheed đã dùng mưa rơi để cố gắng giúp người ta hiểu được sự vừa đơn nhất vừa đa dạng của Ba Ngôi. Ông thường nói :”Nước đang rơi đây thực là nuớc nhưng nó có thể hiện hữu  dưới ba dạng : thể hơi, thể rắn và thể lỏng – nghĩa là dạng hơi nước, dạng băng  và dạng nước mưa đang rơi đây”.

 

          Dĩ nhiên tất cả mọi cách loại suy đều không thể nói lên tất cả thực tại, tuy nhiên chúng ta có thể thấy được chủ ý của Frank muốn nói là không phải có ba loại nước, mà chỉ có một loại nước nhưng nó hiện hữu trong ba dạng khác nhau. Chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa một cách tương tự như thế.

 

          Một phương pháp khác giúp ta hiểu được sự vừa đơn nhất  vừa đa dạng của Ba Ngôi là ví dụ mà thánh Ignatiô Loyola thường dùng.  Có lần trong lúc cầu nguyện, Ngài bỗng nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất.

 

          Và cuối cùng, chúng ta cũng thấy thánh Patrick thường dùng ba lá của loại xa trục thảo (3 lá ghép thành một) để diễn tả ý niệm Ba Ngôi.

 

          Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng tất cả những điều nói trên vào hành động cụ thể ?  Chúng ta có thể làm gì để Ba Ngôi sống động hơn trong cuộc sống riêng tư của chúng ta ? Có phương pháp mà một số người cho là hữu ích đó là cầu nguyện mỗi tối trước khi đi ngủ. Họ dùng ba phút để hồi tâm về một ngày vừa chấm dứt...

                    (M. Link. Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr  179-180)

 

          2. Bài học rút ra từ Chúa Ba Ngôi.

 

          Nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thì không bao giờ cùng. Các nhà thần học có nghiên cứu, có tìm hiểu đến đâu, có tranh luận đến khô bọt mép đi nữa thì cuối cùng cũng chỉ đi đến một kết luận chung :TÔI TIN”, vì đây là một mầu nhiệm cao cả trong Đạo mà ! Ngay trong thế giới tâm linh của con người cũng còn có biết bao điều bí ẩn lớn lao mà không khám phá ra như người ta vẫn nói :

                                             Dò sông dò biển dễ dò,

                                   Nào ai lấy thước mà đo lòng người.

                                                   (Ca dao)

 

          Có ai dám tự phụ cho rằng mình hoàn toàn hiểu được chính mình không ? Khi hai người khác phái được kết hợp với nhau trong hôn nhân, tình vợ chồng dù có thâm sâu đến đâu, cũng không bao giờ con người có thể  hiểu được tường tận người phối ngẫu của mình. Mãi mãi cho đến bên kia cõi chết, mỗi người vẫn là một mầu nhiệm đối với nhau.

 

          Nếu những bí ẩn của đời sống con người còn chưa hiểu hết được, làm sao ta có thể hiểu tường tận mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi ? Ta chỉ có thể rút ra được vài bài học từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi để áp dụng vào cuộc sống của ta.

 

          a) Bài học về yêu thương.

 

          Thánh Gioan tông đồ đã khẳng định :”Thiên Chúa là Tình thương” (1Ga 4,8). Thánh Grêgôriô Cả nói :”Để giữ vững cương vị thì tình thương phải lan tràn sang người khác”. Nói khác đi, tình thương phải bắt nguồn nơi mình và phải kết thúc nơi người khác, chẳng vậy nó chỉ còn là ích kỷ chứ không còn là tình thương nữa.

 

          Bài Tin mừng hôm nay bắt đầu bằng câu :”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Con Một Người sẽ không phải chết mà còn được sống đời đời “(Ga 3,16).  Yếu tính của tình thương là CHO ĐI và KẾT HỢP. Yêu tức là CHO tất cả. Thiên Chúa yêu thương loài người và đã cho loài người tất cả : trời đất, núi non, sông biển cùng với muôn vàn tạo vật. Thiên Chúa còn cho loài người sự sống – một thứ chỉ có Người mới cho được. Thiên Chúa cho loài người một linh hồn – một thứ làm cho loài người nên giống Thiên Chúa (Rm 8,17).

 

          Thiên Chúa đã ban cho loài người tất cả rồi. Còn một điều cao qúi nhất mà Thiên Chúa cũng ban, đó là ban chính Con Một Người :”Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một Người cho thế gian”.

 

          Chúng ta biết do đức tin : Thiên Chúa là Đấng duy nhất nghĩa là chỉ có một bản thể, trong bản thể ấy lại có Ba Ngôi – Ba Ngôi đúc lại thành một Thiên Chúa duy nhất. Thiên Chúa yêu thương thế gian... cho nên đã phó Con Một Người cho thế gian,  nghĩa là đã ban trót mình cho thế gian. Không những ban Chúa Con là ngôi thứ Hai mà là ban chính mình, trong đó gồm cả bản tính Thiên Chúa ở trong Ba Ngôi, cho nên ban Con Một Người tức là đã ban tất cả Thiên Chúa – tất cả mình – và chính mình cho thế gian.  Và như vậy là Thiên Chúa đã THƯƠNG thế gian, và đã giữ đúng nghĩa chữ THƯƠNG là cho TẤT CẢ.

                    (Lm Nguyễn duy Tôn, Lời Chúa, năm A, t II, tr 9)

 

                                      Truyện : Tình yêu hiến thân.

          Ngày 20.06.1980, chị Brown, một người mẹ trẻ vừa từ trần vì chứng bệnh ung thư khi mới 25 tuổi. Các bác sĩ đề nghị chữa trị bằng quang tuyến, nhưng vì chị muốn cho bào thai đang mang trong bụng không bị nhiễm chất phóng xạ, nên chị từ chối, thà chết còn hơn để cho bác sĩ chữa trị ung thư bằng quang tuyến.

 

          Cuối cùng, chỉ 5 giờ trước khi chết, chị đã sinh được một cháu trai mạnh khỏe, kháu khỉnh. Bản tin của hãng AP nói rằng :”Vào mấy ngày cuối cùng của cuộc đời, chị Brown biết mình bị tử thần đánh bại, nhưng chị vẫn tin tưởng thế nào chị cũng thành công và sinh được một đứa con không bị nhiễm phóng xạ”.

 

          Bác sĩ Ronald Lapin gọi cái chết của chị Brown là “Cái chết của tình mẫu tử, dám hy sinh mạng  sống cho đứa  con chưa một lần thấy mặt”.

 

          b) Bài học về Hiệp nhất.

 

          Theo Tân ước, chúng ta thấy có một trường hợp hy hữu mà Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hiện diện và cùng hoạt động. Đó là khi Chúa Giêsu  xin ông Gioan làm phép rửa cho mình : lúc Ngài ở dưới sông lên thì trời tự nhiên mở ra, và từ trên không trung có tiếng phán ra rằng :”Đây là Con Ta yêu dấu”. Cùng một trật đó, thấy hiện đến và đỗ trên đầu Chúa Con một chim bồ câu.  Đó là lần thứ nhất từ khi có lịch sử loài người, Ba Ngôi hiện diện và hành động trong một lúc : Trước hết là Ngôi Con chịu phép rửa, rồi Ngôi Cha từ trời phán ra, và sau hết Ngôi Thánh Thần dưới hình chim bồ câu hiện đến.

 

          Về niềm tin vào Chúa Ba Ngôi, Hội thánh đã tóm tắt lại trong kinh Tin kính của thánh Athanasiô đại khái như sau : Có một Đức Chúa Trời mà Người có Ba Ngôi : Ngôi nhất khác , Ngôi hai khác, Ngôi ba khác... Đức Chuá Cha là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Con là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời, nhưng là một Đức Chúa Trời, chứ không phải là ba Đức Chúa Trời... Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng và có từ trước đời đời ; Đức Chúa Con phép tắc vô cùng và có từ trước đời đời ; Đức Chúa Thánh Thần phép tắc vô cùng và có từ trước đời đời... Không có Ngôi nào hơn, Ngôi nào kém, Ba Ngôi đều bằng nhau, như nhau về tất cả mọi phương diện... Đức Chúa Cha không bởi ai sinh ra, Đức Chúa Con bởi Đức Chúa Cha sinh ra. Đức Chúa Thánh Thần bởi Ngôi Cha và Ngôi Con mà ra.

 

          Đó là tất cả những điều về Chúa Ba Ngôi do Chúa Giêsu dạy, các tông đồ trối lại và các thánh Giáo phụ để lại cho chúng ta.

 

          Trong các câu mở đầu của kinh cầu, Hội thánh luôn xưng hô và ca tụng Ba Ngôi Thiên Chúa mà trong kinh cầu chữ (bằng chữ Hán của ông Cử Thiện ở Bùi chu) được giáo dân đọc trong các ngày giỗ, được dịch là :”Tam vị nhất thể Thiên Chúa giả” : Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời, thương xót chúng con.   Câu dịch rất vắn gọn và đúng ý nghĩa : Ba Ngôi vị chỉ có một bản tính Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật..

 

          Hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi cùng hoạt động trong Hội thánh và nơi từng người nói lên sự hiệp nhất bền chặt giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là một mô hình tuyệt vời về sự hiệp nhất mà Chúa ban cho ta để ta cũng phải củng cố sự hiệp nhất trong Hội thánh và trong cộng đoàn chúng ta. Sự hiệp nhất sẽ đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích trong đời sống tự nhiên và siêu nhiên.

 

 

                                       Truyện : Bài học từ loài ngỗng.

          Vào mùa thu, khi bạn thấy bầy ngỗng bay về phương Nam  để tránh đông theo hình chữ V , bạn có tự hỏi những lý lẽ khoa học nào có thể rút ra từ đó. Mỗi khi một con ngỗng vỗ đôi cánh của mình, nó tạo ra một lực đẩy cho con ngỗng bay ngay sau nó. Bằng cách bay theo hình chữ V, đàn ngỗng tiết kiệm được 71% sức lực  so với khi chúng bay từng con một .

          Mỗi khi một con ngỗng bay lạc khỏi hình chữ V của đàn, nó nhanh chóng cảm thấy sức trì kéo  và những khó khăn của việc bay một mình. Nó sẽ nhanh chóng trở lại đàn để bay theo hình chữ V như cũ, và được hưởng những ưu thế của sức mạnh từ bầy.

          Khi con ngỗng đầu đàn mỏi mệt, nó sẽ chuyển sang vị trí bên cạnh và một con ngỗng khác sẽ dẫn đầu.

       Tiếng kêu của bầy ngỗng từ đàng sau sẽ động viên những con đi đầu  giữ được tốc độ của chúng.

          Cuối cùng, khi một con ngỗng bị bệnh hay bị thương và rơi xuống, hai con ngỗng khác sẽ rời khỏi bầy để cùng xuống với con ngỗng bị thương và bảo vệ nó. Chúng sẽ ở lại cho đến chừng nào con bị thương lại có thể bay hoặc là chết, và khi đó chúng sẽ nhập vào một đàn khác để tiếp tục bay về phương nam     (Lấy từ  internet theo Thùy Trang  forward)

 

          c) Một vài thực hành.

 

          * Kinh Sáng danh :  Khi đọc kinh Nhật tụng, mỗi khi đọc  kinh Sáng Danh , ta hãy tỏ lòng cung kính, cúi đầu, để ca tụng và tôn vinh Chúa Ba Ngôi trong đời sống ta. Mỗi chục kinh Mân côi, chúng ta cũng đọc một kinh Sáng danh và còn nhiều dịp khác chúng ta có thể đọc được kinh đó.

         

          * Dấu Thánh giá : một trong những kinh nguyện mà người công giáo chúng ta học, là dấu Thánh giá, thật đơn sơ và tốt đẹp. Chúng ta đưa bàn tay phải lên trán, lên  ngực, vai trái và vai phải khi chúng ta cầu nguyện :”Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” . Hành động thánh đó nhắc nhở chúng ta rằng : có Chúa Ba Ngôi trong một Thiên Chúa, và Ngôi Hai đã chết trên thập gíá vì tất cả chúng ta.

 

          Lạy Cha là Thiên Chúa của con, bây giờ con mới hiểu sâu sắc câu nĩi của Đức Giê-su: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho họ". Thì ra sự cơng bằng vơ biên của Cha khơng cho phép Cha làm một cái gì đơn giản hơn để cứu chuộc nhân loại. Và bây giờ con mới hiểu được tình Cha yêu thương nhân loại, trong đĩ cĩ con, như thế nào! Xin cho con biết sống xứng đáng với tình yêu ấy! Cho con biết đáp lại tình yêu vơ biên ấy bằng trọn tình yêu của con. Đồng thời cũng cho chúng con được biết thể hiện tình yêu ấy trong cuộc sống hằng ngày bằng cách yêu thương, phục vụ mọi người và hiệp nhất với nhau để xây dựng Hội thánh.

 

                                      Truyện : Tình yêu của Thiên Chúa

          Một bà kia không biết đến sự yêu thương của đồng lọai. Bà là một người không tôn giáo, nghèo khổ bị bỏ quên, bị ngược đãi, bị đối xử bất công lâu ngày đến nỗi bà thù ghét tất cả mọi người mà mọi người dường như nghịch cùng bà. Một lần kia, cha sở đến gặp bà để nói về tình yêu thương của Thiên Chúa, song bà chẳng hiểu tình yêu là gì cả. Bà bảo :

 

          -Tôi không hiểu ông nói gì. Chưa hề có ai yêu thương tôi và đối với tôi, tôi cũng không hiểu yêu thương là gì cả.

          Cha sở về lại nhà xứ mà lòng vẫn canh cánh ray rứt về câu chuyện với người phụ nữ nọ. Ngài cầu nguyện liền mấy ngày rồi chợt nảy ra một ý, ngài cho mời nhóm bạn trẻ Tông đồ trong xứ lại và kể cho các bạn ấy nghe đầu đuôi sự thể. Rồi ngài đề nghị  mọi người hãy giúp cho bà ấy biết được tình yêu của Chúa bằng cách mỗi người trong nhóm sẽ lần lượt từng người đến thăm bà, chân thành tỏ cho bà biết trên đời này vẫn có người yêu thương, thăm viếng, an ủi và giúp đỡ bà.

 

          Mấy tháng  trôi qua, một ngày kia, khi cha sở lại thăm bà, bà xúc động đến rướm nước mắt :

          - Thưa cha, bây giờ thì tôi đã hiểu, đã biết yêu thương là gì rồi, và bây giờ tôi đã có thể xin cha cho tôi được đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát ,

 Đà lạt

 

         

         


Về trang Mục Lục