LỄ
GIÁNG SINH A
THIÊN
CHÚA ĐÃ LÀM NGƯỜI.
+++
A. DẪN NHẬP.
Sau bốn tuần lễ Mùa Vọng chờ đợi, hôm
nay chúng ta long trọng mừng lễ Giáng Sinh trong niềm hân hoan phấn khởi. Lễ Giáng Sinh trở nên
rất phổ biến với cái tên là Noel, vì hầu như mọi người : tín hữu
hay không, bằng cách này hay cách khác, đều có thể mừng lễ Noel. Nhưng có một đều
quan trọng cần rất được chú ý , đó là không phải bất cứ ai mừng lễ Noel đều đạt được mục đích chân chính
của nó là gặp được Đức Kitô,” Đấng Cứu Độ
đã giáng sinh cho các ngươi”(Lc 2,11).
Cách đây 2000 năm, Ngôi Hai Thiên Chúa
đã giáng sinh trong hang bò lừa tại Belem. Đây là một biến cố lịch sử quan trọng
có liên quan đến cả thế giới. Thiên Chúa đã nhập thể và nhập thế để ở cùng chúng
ta. Ngài là Đấng Emmanuel bao đời mong đợi. Hôm nay là ngày Trời Đất gặp nhau :
Thiên Chúa làm người để con người được làm Thiên Chúa. Nếu hỏi tại sao Thiên Chúa
đã hành động như vậy, thì không còn câu trả lời nào đúng hơn là vì Thiên Chúa yêu
thương chúng ta, Ngài đã yêu chúng ta trước.
Vậy chúng ta phải đáp trả lại tình yêu của Chúa đối với chúng ta bằng cách
chúng ta phải yêu Chúa và tha nhân, vì chỉ có tình yêu mới đáp trả được tình yêu.
Chúng ta tỏ lòng yêu Chúa bằng cách tuân theo thánh ý Ngài và chúng ta yêu tha
nhân bằng những việc làm cụ thể bằng cách chia sẻ tinh thần và vật chất, và biết
thông cảm với nhau :”Vui với người, khóc
cùng kẻ khóc”.
Tâm tình ngày lễ Giáng Sinh của chúng
ta phải có tính cách tích cực, bởi vì nhìn lại 2000 năm từ ngày Chúa Giáng sinh, đã có biết bao nhiêu
người mừng lễ Noel, nhưng họ đã không một lần gặp được Chúa Hài đồng, dường như
họ coi lễ Noel là dịp để vui chơi, giải trí, được dịp chưng diện, mà không biết
phóng con mắt tâm hồn qua không gian và thời gian về hang Belem mà chiêm ngắm
Chúa Hài Nhi, để hòa nhịp với các nhân vật bé mọn nghèo hèn đang thờ lạy Ngôi
Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người. Còn đối với chúng ta, giờ đây hãy sốt sắng
hiệp dâng Thánh lễ để cảm tạ Chúa vì hồng ân giáng sinh này và đáp trả lại bằng
một đời sống chứng nhân đượm tình bác ái đối với tha nhân.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Is 9,1-6.
Dân Do thái đã bị quân Assyri đến xâm
chiếm và đặt ách thống trị bạo tàn trên họ. Với tư thế là một dân tộc bị trị, dân
chúng chỉ còn biết rên siết dưới gông cùm của ngọai bang :”Dân tộc bước đi trong u tối”.
Nhưng giữa đau khổ, hãi hùng và thất vọng
của dân chúng, Isaia tiên báo một thời tươi sáng sẽ tới. Hãy tin tưởng vì Chúa sẽ đến đập tan gông cùm của kẻ thù, sẽ
giải thóat cho dân : Bởi vì một Hài nhi đã
sinh ra cho chúng tôi và một người con sẽ được ban tặng cho chúng tôi”.
Lời tiên báo đầy phấn khởi ấy đã được ứng
nghiệm khi Israel được thóat khỏi ách thống trị của Assyria. Nhưng ơn cứu độ mà
Isaia loan báo đó không phải chỉ hạn hẹp trong dân tộc Israel mà nó còn có một
chiều kích rộng rãi hơn, nghĩa là ơn cứu thóat ấy chỉ được thực hiện một cách
trọn vẹn với Đấng Messia.
+ Bài đọc 2 : Tt 2,11-14.
Thánh Phaolô nói cho Titô và cho chúng
ta biết : Đức Giêsu là ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ và ban cho ta
trong ngày giáng sinh, và ân sủng ấy vẫn còn khi Đức Giêsu lại xuất hiện trong
vinh quang ngày Ngài trở lại trần gian. Chúng ta hãy sống xứng đáng với ân sủng bằng cách :”Từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và
đạo đức”.
+ Bài Tin mừng : Lc 2,1-14.
Sau bao ngàn năm trông đợi, giây phút
quan trọng đã đến. Thánh Luca đã giới thiệu cho chúng ta : Đấng Cứu Thế đã đến trong thân phận một bé thơ nơi hang đá Be
lem. Bà Maria đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa nên đã sinh ra con trai đầu lòng,
lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ vì hai ông bà không tìm được chỗ
trong nhà trọ. Tuy Chúa Cứu Thế sinh ra trong cảnh cô đơn lạnh lẽo ấy, không ai
biết tới nhưng trên không trung các thiên thần vẫn ca hát :
Vinh danh Chúa Cả trên trời
Bình
an dưới thế cho người thiện tâm.
Các thiên thần cho biết đây là Tin mừng
cho cả nhân lọai, nhưng Tin mừng này trước tiên được loan báo cho những người
chăn chiên nghèo khổ. Chính những người nghèo khổ này đã được hân hạnh thay cho lòai người đến triều bái Chúa Hài
Nhi.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Tình yêu
trao ban và đáp trả.
I. MỖI NĂM LỄ GIÁNG
SINH VỀ.
Mỗi năm lễ Giáng sinh về, mọi người đều
nô nức đón mừng từ trong tâm hồn ra đến cảnh trí bên ngòai. Sau bốn tuần lễ Mùa
Vọng, bầu khí có vẻ âm u trầm lặng, mong đợi, hôm nay bầu khí trở nên tưng bừng
nhộn nhịp, cảnh trí trở nên sáng sủa. Người Công giáo mừng kỷ niệm Chúa Giêsu
giáng trần làm người vào đêm 24 sang ngày 25 tháng 12 hằng năm. Đêm mừng kỷ niệm
đó là đêm thánh. Tại sao gọi là đêm thánh ? Phải chăng đêm này khác hẳn mọi đêm
? Đêm nay đã trở nên đêm thánh, vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa sinh ra xuống thế
làm người trong đêm nay. Đấng Thánh sinh ra trong đêm nay đã biến nó thành đêm
thánh.
Đối với đa số người Công giáo cũng như
không Công giáo thì Giáng sinh là một mùa hân hoan vui mừng, với khung cảnh
trang hòang lộng lẫy trong nhà, cũng như bên ngòai : những hang đá máng cỏ, những
cây sinh nhật trông đẹp mắt, cũng như nhạc Giáng sinh vui làm rộn lòng người. Tới
mùa Giáng sinh, các tiệm đua nhau trang hòang để thu hút khách hàng. Người ta nô
nức gửi thiệp Giáng sinh, quà Giáng sinh
và chúc mừng nhau bằng những lời lẽ tốt đẹp. Trong những nước có chiến
tranh, thì mỗi mùa Giáng sinh đến, các phe nhóm giao chiến thường đồng ý buông
súng để mừng lễ Giáng sinh.
Hôm nay, cùng với Giáo hội, và tòan thế
giới, chúng ta hân hoan mừng lễ Sinh nhật của Chúa Giêsu, một Hài Nhi sinh ra
trong máng cỏ của súc vật cách đây 2000 năm. Nếu ngồi lại suy nghĩ theo tự nhiên,
có lẽ nhiều người có thể đặt câu hỏi : Tại sao muôn người trên thế giới lại đi
mừng lễ Sinh nhật của một con người bé nhỏ như thế ? Câu trả lời cũng thật đơn
giản : Bởi vì Hài nhi Giêsu bé nhỏ nằm trong máng cỏ nghèo hèn trước mặt chúng
ta đây chính là Thiên Chúa thật. Với việc nhập thể của Ngôi Hai, Con Thiên Chúa
đã làm người để đưa từng người chúng ta
lên địa vị con Thiên Chúa.
Hài nhi Giêsu đích thực là Thiên Chúa,
cũng chính là điều mà Giáo hội muốn từng người chúng ta xác tín qua phần phụng vụ Lời Chúa trong Thánh
lễ hôm nay.
II. CHÚNG TA MỪNG LỄ
GIÁNG SINH.
1. Một biến cố vĩ đại.
a)
Lời tiên tri báo trước.
Hài nhi sinh ra trong hang đá
Belem không phải là một sự tình cờ mà đã được loan báo trước từ lâu và mọi người
đang mong đợi. Hài nhi là Đấng mà các Tổ phụ dân Israel lâu nay vẫn mong đợi.
Ngài là Đấng Thiên Chúa hứa ban ngay sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Ngài
chính là “dòng dõi của người nữ sẽ đạp giập
đầu rắn”(St 3,15). Bảy trăm năm trước khi Ngài sinh ra thì Isaia đã tiên báo:”Dân đi trong tối tăm đã thấy ánh sáng chói lọi…
Chính Chúa sẽ ban cho các ngươi một điềm lạ : một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh một
con trai, đạt tên là Emmanuel : Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”(Is 7,14; 95,6) Và tiên tri Mikêa, sống đồng thời với Isaia, đã
thốt lên những lời đầy an ủi:”Hỡi Belem, nhỏ
bé trong đất Giuđa, song từ nơi ngươi sẽ xuất hiện Đấng cai trị Israel, nguồn gốc
Ngài có từ xa xưa, từ trước muôn đời, Ngài sẽ cai trị với sức mạnh của Chúa
Giavê… Chính Ngài sẽ đem lại cảnh thái bình”(Mk 5,1-4)
Tin mừng này cũng được báo trước cho
Giuse:”Maria sẽ sinh con trai, hãy đặt tên
là Giêsu vì Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi”(Mt 1,21). Tin mừng này có
nghĩa là Thiên Chúa tòan năng, Đấng chủ tể vũ trụ đã sai Đức Giêsu giáng trần là
Đấng cứu chuộc tội lòai người.
b)
Đức Giêsu sinh ra.
* Việc
kiểm tra dân số :
Kiểm tra dân số khắp thiên hạ là kiểm tra dân số trong tòan lãnh thổ
của đế quốc Roma thời bấy giờ. Đối với hòang đế Augustô xưa cũng như đối với các
nhà cầm quyền các quốc gia ngày nay, kiểm tra dân số là một việc bình thường, mang
tính kiểm kê thực tế để biết nhu cầu và khả năng của đất nước, dân tộc, đế quốc
mình trước khi toan tính một kế họach hay chương trình gì đó, ví dụ đem quân xâm
chiếm các nước khác hay lên kế họach thu thuế cho ngân sách. Bình thường thì dân
số càng đông thì nguồn thu từ các sắc thuế càng lớn. Và cũng tùy thuộc vào dân
số mà nhà cầm quyền ấn định mức độ thuế cho phù hợp.
Nhưng đối với thánh Giuse và Đức Maria
thì việc kiểm tra dân số của vua Augustô là biến cố khiến các ngài phải từ
Nazareth (xứ Galilê) đi lên thành Belem(xứ Giuđêa) là thành của Đavít, vì Giuse
là người thuộc dòng dõi Đavít. Belem chỉ là một thị trấn nhỏ. Ông Giuse không
tìm ra chỗ trọ cho hai người, có thể vì ông bà đến trễ, nên không còn chỗ; cũng
có thể ông bà không có nhiều tiền để thuê một phòng, một chỗ trọ trong nhà, nên
đành phải “tạm náu” trong nơi trú nắng trú mưa của chiên bò ngòai cánh đồng
Belem.
*
Trong hang đá Belem.
Chúng ta thử tưởng tượng xem một vị hòang
đế trần gian nếu biết trước đứa con của mình sinh ra sẽ là vị cứu tinh của trần gian, thì hòang đế
sẽ chuẩn bị cho người con ấy chào đời như
thế nào ? Chắc chắn ông sẽ chuẩn bị cho con mình một nơi thật xứng đáng, với quần
áo, tã lót, chăn mền… thật sang trọng. Và cũng tạo những điều kiện thuận lợi nhất
cho người mẹ sinh ra con mình. Chính vì tưởng rằng Thiên Chúa trên trời cũng
suy nghĩ như mình, nên người Do thái thời Đức Giêsu đã tưởng Đấng Cứu Thế sẽ phải sinh ra trong cung vàng điện ngọc. Nhưng
họ không ngờ Thiên Chúa suy nghĩ khác hẳn
với cách nghĩ của họ.
Theo Tin mừng, Đức Giêsu đã sinh ra
trong hang bò lừa. Đã là chỗ nuôi và chứa súc vật đương nhiên phải là hôi tanh
và bẩn thỉu. Chắc chắn Giuse và Maria phải hết sức ngỡ ngàng khi thấy Thiên Chúa
đối xử với mình, nhất là với Đấng Cứu Thế hài nhi như vậy ! Nhục nhã thay cho Đấng
Cứu Thế ! Bất kỳ ai biết mình chào đời trong một chỗ tối tăm và nhục nhã cũng
như thế. Tuy thế, trên không trung các thiên thần ca hát vang lừng : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Còn
ở dưới đất chẳng có ai đến kính viếng, chỉ có mấy con bò lừa thở hơi ấm cho Chúa
Hài nhi. Thiên thần Chúa đến báo tin cho các mục đồng trong vùng :”Ta báo cho các ngươi Tin mừng trọng đại, cũng
là Tin mừng cho tòan dân : Hôm nay, một
Đấng Cứu thế đã sinh ra cho các ngươi trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô
Đức Chúa…”
Sau khi được đón nhận sứ điệp của Thiên
Chúa, các mục đồng đã không ngồi lại. Sứ điệp đó đòi họ phải hành động, phải ra
đi và tìm kiếm con trẻ. Vì thế, họ đã làm một cuộc hành trình đến Belem, và đã được
nhìn thấy đúng như lời loan báo của các
sứ thần. Bằng con mắt hướng ra bên ngòai, tất cả các mục đồng đã nhìn thấy một
con trẻ “quấn khăn nằm trong máng cỏ”.
Nhưng với con mắt hướng vào bên trong – con mắt đức tin – họ đã nhận ra con trẻ
này là Đấng Cứu Độ, đã được Thiên Chúa sai đến.
2. Đây là mầu nhiệm nhập thể.
a) Ý nghĩa lễ Giáng Sinh.
Giáng Sinh là biến cố nhập thể. Nhập
thể có nghĩa là Con Thiên Chúa xuống thế, mang thân phận con người chúng ta, để
ban cho chúng ta tư cách làm con Thiên Chúa. Mầu nhiệm nhập thể là mầu nhiệm của
tình yêu. “Ngôi lời đã hóa thành nhục thể
và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1,14); hoặc như Luca diễn tả:”Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng
ta”(Lc 2,11). Chính vì thế, khi nhập
thể, Ngôi Lời đã có một tên gọi mới : Emmanuel = Thiên – Chúa –ở –cùng –chúng-ta. Như vậy, chính qua Thánh Kinh mà
chúng ta tìm được ý nghĩa và mục đích của biến cố giáng sinh. Cho nên, chúng ta
không thể mừng biến cố Giáng sinh mà lại không có mặt Đấng Emmanuel, không thể
gọi là lễ Giáng Sinh mà lại vắng Chúa Hài đồng.
Với những người không tin vào Đấng Cứu
Độ, lễ Giáng Sinh có thể chỉ là dịp để mua sắm, tặng quà, ăn uống, vui chơi. Và
họ cho thế là đủ. Nhưng với chúng ta, những người tin vào Đấng Emmanuel, điều
quan trọng nhất là gặp được Chúa Kitô, Đấng là Thiên Chúa đã cư ngụ giữa chúng
ta. Thật vậy, biến cố Giáng Sinh chính là cuộc gặp gỡ giữa Đất-Trời, giữa con
người với Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ ấy cần sự có mặt của hai bên. Về phía Thiên
Chúa, Ngài đã hòan tất một chặng đường dài qua việc nhập thể và đi vào thế giới
con người để tìm gặp con người. Về phía nhân lọai, con người chỉ cần bước đi một
quãng đường ngắn như các em mục đồng tại
Belem, hay một quãng đường dài hơn một chút như các đạo sĩ Đông phương, là chắc
chắn sẽ gặp được Đấng Emmanuel. Đó chính là ý nghĩa và mục đích của lễ Giáng
Sinh.
Việc Ngôi Hai nhập thể là một mầu nhiệm,
một trong ba mầu nhiệm vĩ đại nhất trong Đạo là
Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai xuống thế làm người và chịu chết
chuộc tội cho lòai người. Xem ra với con mắt lòai người , việc nhập thể ấy không
thể thựïc hiện được, nhưng đã trở thành hiện thực trong Lễ Giáng sinh hôm nay.
Truyện : Đàn ngỗng tìm chỗ trú.
Vào một mùa Giáng Sinh nọ, trước giờ đi
lễ, vị chủ nông trại đang thưởng thức nhạc Giáng Sinh, bỗng đâu cả đàn ngỗng của
ông tụ lại trước sân nháo nhác tìm chỗ trú. Chúng vừa đói, vừa lạnh, lông cánh
rối bời. Tất cả người làm đều đã nghỉ cả, người chủ cũng đều sắp đóng cửa về Thành
phố dự Thánh Lễ. Bởi vậy ông bèn ra lùa đàn ngỗng vào chuồng, nhưng chúng không
biết ông nên dù gào thét khản cả tiếng, chạy ngược chạy xuôi, đã rời cả đôi chân
mà vẫn không đem được một con nào vào chuồng. Thấy vậy ông thầm ước với mình:”Ước
gì tôi được làm ngỗng trong chốc lát, để tôi có thể dùng tiếng lòai ngỗng mà nói
cho chúng hiểu ước muốn của tôi và cho chúng biết đâu là chốn hiểm nguy, đâu là
nơi an tòan”. Bỗng chốc, ông đã trở thành một con ngỗng đứng giữa bầy như ước
nguyện.
Có thể chúng ta sẽ coi là vô lý khi thấy
người biến thành ngỗng. Thế nhưng, có một điều khác còn phi lý hơn mà Giáo hội đang
mời gọi chúng ta chiêm ngắm, đó là hang đá Belem, nơi Thiên Chúa Vua Cả trời đất
giành lấy thân phận làm người, sinh ra trong hang bò lừa máng cỏ. Ngài làm người
để rồi sẽ dùng ngôn ngữ của lòai người mà chỉ dạy cho con người lối về quê thật
(Đ.Ô Nguyễn văn Tài).
b)
Tại sao Thiên Chúa lại giáng sinh ?
Khi hỏi tại sao Thiên Chúa giáng sinh làm
người, chúng ta chỉ có thể trả lời là Thiên Chúa yêu thương lòai người. Theo cha Cantalamessa, vị giảng thuyết của
phủ Giáo hoàng, thì không phải Thiên
Chúa nhập thể để có một người bên ngòai Ngài yêu thương Ngài trong một cách thế
cao nhất, một cách xứng đáng với Thiên Chúa (như Duns Scott chủ trương) nhưng là
Thiên Chúa “yêu” và “yêu trước” (x.1Ga 4,10,19). Thiên Chúa muốn có sự nhập thể
của Ngôi Con không phải để có một người
bên ngòai Ba Ngôi yêu mến Ngài cách xứng đáng nhưng để có người cho Ngài yêu một
cách xứng đáng với Ngài, nghĩa là yêu vô hạn.
Trong ngày Giáng Sinh, khi Hài nhi Giêsu
giáng trần, Chúa Cha có người để yêu trong một cách thế vô hạn bởi vì Chúa Giêsu
gồm cả con người và Thiên Chúa. Nhưng không chỉ Chúa Giêsu mà thôi, nhưng là tất
cả chúng ta cùng với Ngài. Chúng ta được bao gồm trong tình yêu này, khi trở thành
những thành viên của nhiệm thể Chúa Kitô, “con trong Con”. Lời tựa trong sách
Phúc âm của thánh Gioan nhắc nhở chúng ta:”Những
ai đón nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền trở nên con cái Thiên Chúa”
Do đó, Đức Kitô thực đã từ trời xuống
thế “để cứu rỗi” chúng ta, nhưng điều khiến Ngài bỏ trời mà xuống thế gian để cứu
rỗi chúng ta là tình yêu, không gì khác
hơn là tình yêu.
Truyện : Hòang tử Alexis.
Truyện cổ nước Nga thuật lại rằng vào
thời Trung cổ, Hòang tử Alexis của Nga cũng như bao vua chúa khác sống trong
cung điện nguy nga tráng lệ, trong khi đó dân chúng chung quanh phải sống trong
những khu xóm nghèo nàn tồi tệ. Thế nhưng Alexis không phải là người không biết trắc ẩn trước cảnh cơ cực của thần
dân. Để cải tiến cuộc sống của họ, ông bỏ ra mỗi ngày ít thời giờ để thăm viếng
họ. Tuy nhiên, dù cố gắng đến đâu, Alexis vẫn không thu phục được lòng tín nhiệm
và yêu mến của thần dân. Vì thế, sau mỗi lần thăm viếng, ông trở về Hòang cung,
lòng không bao giờ cảm thấy vui.
Một ngày nọ, dân chúng bỗng phát hiện được
một người lạ mặt đi vào khu xóm của họ. Trong cách ăn mặc đơn sơ, anh tự xưng là
bác sĩ, anh muốn săn sóc những người gìa cả và mọi bệnh nhân, anh thuê một túp
lều trong ngõ hẻm và bắt đầu đi khám bệnh cho những người nghèo. Điều đặc biệt
là viên bác sĩ này không lấy tiền thù lao, và còn phát thuốc miễn phí cho các bệnh
nhân.
Không bao lâu, anh đã chinh phục được
lòng quí mến của đám dân nghèo, đó là điều mà trước đây hòang tử không bao giờ đạt
được. Người Bác sĩ ấy trở thành một người của xóm nghèo, và dần dần anh biến đổi
bầu khí tinh thần của xóm này. Ngày ngày anh dàn xếp các cuộc cãi vã, tranh giành,
anh hòa giải những người thù óan nhau và giúp đỡ mọi người sống xứng với phẩm
giá con người hơn.
Thật ra, người Bác sĩ trẻ đó chính là
Hòang tử Alexis – người đã bỏ cung điện giầu sang đến sống với các thần dân nghèo
và trở nên một người trong họ (Wahrheit, Tìm về cõi phúc, tr 134-135).
c)
Ngày Đất-Trời gặp nhau.
Giáng Sinh là giây phút Đất Trời gặp
nhau, qua đó cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người được thực hiện. Đây là giây
phút Thiên Chúa làm người, đây là giây phút Con Thiên Chúa nhận lấy bản tính lòai người để giao hòa nó với
Đấng tạo dựng nên nó. Trong bài thánh ca “Đêm thánh vô cùng” chúng ta hát :”Đất
với trời se chữ đồng”. Đúng như vậy, trời đất gặp nhau bởi vì Thiên Chúa xuống
thế làm người để chúng ta làm Thiên Chúa. Ngài muốn chia sẻ với chúng ta thân
phận con người để ở với chúng ta, gần gũi chúng ta, để chúng ta thế nào Ngài cũng
trở nên thể ấy. Thật là một cuộc gặp gỡ kỳ diệu không thể tưởng tượng nổi.
Truyện : muốn đồng thân phận.
Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người
đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến.
Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay vì già yếu nên ông cụ này khi xuống
xe đã trượt chân té vào vũng nước bùn. Những khách khác thấy vậy cười nhạo ông.
Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ
cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân,
đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là quần áo
của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười
nhạo nữa. Sau đó vị quan lớn cầm tay cụ già đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn
lý do nào để chối từ nữa (Góp nhặt).
d)
Đức Giêsu trở nên “Đấng Chí Trung Hòa”.
Đức Giêsu đã sinh ra trở thành Đấng
Emmanuel : Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Ngài ở với lòai người, Ngài sẽ chết trên
thập giá và sống lại vinh quang để trở nên Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên
Chúa và lòai người. Theo Đông phương, Đức Giêsu Kitô là Đấng “Chí
Trung Hòa”. Chữ Trung : O gồm nét sổ thẳng chính giữa tâm hình tròn.
Hình tròn biểu tượng thái cực là trời, là Thiên Chúa. Hình tròn viết thành chữ
thì biến thành hình vuông, vuông chỉ đất là người. Nét sổ thẳng chính trung tâm
vuông tròn không xê dịch, đó là Chí Trung,
dấu chỉ Đức Giêsu Kitô là trung tâm trời đất. Còn Chí Hòa, chữ Hòa gồm chữ Hòa là lúa và chữ Khẩu là miệng : *P* cơm
bánh là thực phẩm hợp khẩu vị nhất, là đồ ăn hòa đến cùng cực để trở nên sự sống
của lòai người. Đức Kitô đã biến bánh miến và rượu nho trở nên Thịt Máu mình để
trở nên của ăn của uống ban cho chúng ta
sự sống muôn đời. Một sự hòa đồng cùng cực :”Chí Hòa”. Thật Người là Đấng Chí Trung Hòa để cho tất cả nên một.
Thiên Chúa và con người không còn xa cách, không còn khỏang không gian nào phân
ly nữa…
Đức Giêsu Kitô sinh là Đấng Chí Trung
Hòa đem niềm vui trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho nhân lọai trong tình yêu hợp nhất,
một sự sống vô tận. Không còn niềm vui nào lớn lao hơn nữa (Vũ khắc Nghiêm).
III.TÂM TÌNH NGÀY LỄ
GIÁNG SINH.
1. Ý tưởng về ngày lễ Giáng sinh.
Hôm nay mọi người đều nô nức đi dự lễ,
kể cả những người ngòai Công giáo. Tuy mừng lễ nhưng mỗi người có một cái nhìn
về ngày lễ : họ cũng mừng lễ, chúng ta cũng mừng lễ, nhưng tâm tình về ngày lễ
thì khác nhau. Vậy chúng ta có tâm tình nào ? Với ý tưởng gì ? Ta có những ý tưởng
tốt đẹp và cao quí của ngày lễ Giáng sinh không ? Hay chỉ nghĩ rằng hôm nay là
ngày lễ để vui chơi, để có dịp gặp nhau hoặc có dịp khoe thời trang ?
Truyện : Ý tưởng về Lễ Giáng sinh.
Một giáo tư tâm lý của một trường đại
học tại Hoa kỳ ra một bài thi để dò xem ý tưởng của 40 sinh viên trong lớp của
mình. Trước hết ông bảo họ lấy giấy bút ra viết chữ “Lễ Giáng Sinh”, rồi ông nói
:”Bây giờ các anh chị hãy viết vào sau chữ ấy cái ý nghĩ đầu tiên mà các anh chị
liên tưởng đến về ngày lễ ấy.
Khi họ nộp quyển, ông coi lại thì thấy
có những chữ sau đây : cây giáng sinh, dây kim tuyến, tặng phẩm, gà tây, bài ca
giáng sinh và ông già Noel, không có một ai viết “Ngày Chúa Giêsu ra đời”.
Ngày lễ Giáng sinh không còn ý nghĩa
cao quí của nó nữa, người ta đã tục hóa lễ Giáng Sinh, người ta chỉ coi lễ Giáng
Sinh là một ngày vui chơi cho mọi người,
thậm chí có người lợi dụng lễ Giáng Sinh để kinh doanh.
Hôm nay chúng ta nghĩ gì về lễ Giáng
Sinh ? Nếu chúng ta quên hay không biết thì chúng ta hãy nhớ lại rằng : Chúng
ta mừng lễ Giáng Sinh là có ý kỷ niệm ngày Thiên Chúa giáng trần, ngày Thiên Chúa
làm người và ở cùng chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào chữ Emmanuel hay chữ Noel để
nhớ đến ý nghĩa của ngày lễ.
2. Chỉ có tình yêu đáp trả tình yêu.
Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi
đã sai Đức Giêsu Kitô, người Con yêu duy nhất của Ngài xuống thế làm người,
chung sống với lòai người, để cứu độ lòai người. Cách thức Thiên Chúa dùng để
biểu lộ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta cũng phải trở nên mẫu mực của tình
yêu mà chúng ta dành cho Chúa và dành
cho nhau. Nghĩa là tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và dành cho nhau cũng cần
một hình thù cụ thể nào đó, kẻo người ta sẽ bảo tình yêu đó chỉ ở trên đầu môi
chót lưỡi :
Thương thương, nhớ nhớ, thương thương,
Nước
kia muốn chảy mà mương không đào.
Đối với Chúa, chúng ta chỉ có thể đáp
trả lại tình yêu của Ngài bằng cách thi hành trọn vẹn thánh ý Ngài như một đứa
con thơ dễ bảo. Còn đối với tha nhân thì chúng ta phải có những việc làm cụ thể
hơn. Trong dịp lễ Giáng Sinh chúng ta thường mua những món quà đắt tiền để tặng
nhau, tuy nhiên giá trị của quà tặng lại tùy thuộc vào tấm lòng của người tặng
quà. Cuộc sống sẽ luôn thi vị nếu còn mãi những nghĩa cử tặng quà. Cũng như cuộc
sống không thể vắng bóng tinh thần trao ban. Ai trong chúng ta cũng có cái để
trao ban. Đó có thể là chúng ta biết để thời giờ để hỏi thăm, gặp gỡ bà con thân
thuộc, người cùng khu xóm. Khi chúng ta biết rộng lòng giúp đỡ vật chất cho những
người nghèo, những nạn nhân của thiên tai lũ lụt. Khi chúng ta biết tặng cho những
người mình yêu mếân như cha mẹ, anh em, bạn bè, người yêu những món quà bất ngờ
thắm thiết tình người.
Tóm lại, Thiên Chúa đã yêu thương chúng
ta. Việc Ngôi Hai xuống thế là dấu chỉ lòng yêu thương của Chúa đối với chúng
ta không bờ bến. Chỉ có tình yêu mới đáp trả được tình yêu.
Chúng ta phải yêu Chúa
và yêu tha nhân thì mới đáp trả được tình yêu của Chúa đối với ta, với một tình
yêu quảng đại, tha thiết và hy sinh. Câu truyện cảm động dưới đây giúp chúng ta
suy niệm về tình yêu của Chúa đối với chúng ta và tình yêu của chúng ta đối với
Chúa.
Truyện : Hòang tử và cô gái.
Hòang tử của một vương quốc rất giầu có,
lại đem lòng yêu thương một cô gái xinh đẹp là con một người làm bánh mì. Tuy bị
hòang gia phản đối nhưng hòang tử nhất mực cưới nàng làm vợ. Lễ thành hôn được
tổ chức kín đáo và đơn giản trong đền vua, không có khách quí nào tham dự, không
có đại diện các nước lân bang.
Nhiều năm trôi qua, hòang tử và cô gái
xinh đẹp sống những ngày rất êm đềm hạnh phúc. Đến ngày vua cha băng hà, hòang
tử được lên ngôi vua thay cha cai trị dân nước. Bấy giờ các quan triều đình mới cho hòang tử hay biết, vì hạnh phúc của dân
nước, ngài phải chọn một trong hai điều : hoặc là khước từ ngai vàng, hoặc phải
rẫy bỏ người vợ đẹp để chính thức thành hôn
với công chúa của nước láng giềng.
Hòang tử phân vân giữa hạnh phúc cá nhân
và an ninh trật tự của dân tộc. Trong khi đó, các quan cận thần thuyết phục hòang
tử rằng cô vợ đẹp ấy cũng chỉ là cô con gái nhà nghèo.
Cuối cùng, hòang tử xiêu lòng và phải
ngậm ngùi tâm sự với vợ :”Vì an bình và hạnh phúc của cả dân nước, anh đành phải
từ bỏ em, em hãy trở về gia đình và có thể đem theo cái gì quí nhất đối với em”.
Tối hôm ấy, hòang tử và người đẹp dùng
bữa cơm cuối cùng tại hòang cung. Bữa cơm chia ly sao mà buồn thế ? Hòang tử ăn
trong nước mắt, lòng buồn rười rượi không nói lên lời. Tuy nhiên, người vợ vẫn
thản nhiên chuốc rượu cho chồng, cạn ly này rồi lại đầy ly khác, trong khi hòang
tử lại cố uống cho quên sầu.
Sau bữa ăn thì hòang tử đã quá say không
còn biết gì nữa. Lúc ấy, nàng lấy chăn trùm kín hòang tử rồi vác lên vai, kín đáo
đi lối sau ra khỏi hòang cung về nhà cha
mẹ.
Sáng hôm sau, khi đã tỉnh rượu, hòang
tử mở mắt ra thấy mình trong căn nhà nghèo nàn của người làm bánh mì. Hòang tử
ngạc nhiên hỏi :
- Làm sao thế này ? Anh đang ở đâu ?
Cô vợ mỉm cười đáp :
- Không phải là anh đã nói là em phải trở về nhà cha mẹ và có thể đem cái
gì quí nhất đối với em sao ? Thật vậy, điều quí nhất đối với em không phải là
gì khác hơn chính là hòang đế của lòng em.
Lm
Giuse Đinh lập Liễm
Giáo
xứ Kim phát
Đà
lạt