CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN A
ĐỨC
GIÊSU KITÔ VUA
+++
A. DẪN NHẬP.
Hôm nay là ngày Chúa nhật cuối năm phụng
vụ, Giáo hội hướng lòng chúng ta về ngày chung thẩm, ngày mà mọi người sẽ qua đi
và vũ trụ sẽ ra tro. Ngày đó không ai biết được nhưng chỉ biết một điều là ngày
ấy Chúa Giêsu sẽ xuất hiện lần thứ hai với dáng vẻ uy nghi của một vị Vua Thẩm phán, có các thiên thần hầu cận, để
phán xét kẻ sống và kẻ chết như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin kính.
Ngài sẽ phán xét thế nào ? Ngài sẽ phán xét theo tiêu chuẩn
Ngài đã đề ra trong bài Tin mừng hôm nay : Tình
yêu đối với tha nhân. Ngài đã đồng hóa Ngài với tha nhân trong nhiều dụ ngôn. Những ai thể hiện tình yêu ấy đối với Ngài
qua tha nhân thì sẽ được thưởng, còn ai không yêu thương Ngài qua tha nhân thì
sẽ bị phạt, đúng như quan niệm của dân
gian :”Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”
: việc lành việc dữ sau cùng đều có thưởng phạt.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Ez 34,11-12.15-17.
Lịch sử đen tối của dân Israel đã cho
thấy Thiên Chúa đã đặt một số người làm mục tử để chăm sóc Israel là đoàn chiên
của Chúa. Nhưng những người này chểnh mảng với nhiệm vụ chăn dắt mà chỉ lo tìm
lợi riêng, do đó, họ đã dẫn chiên đến một tai họa lớn : dân Israel bị bắt cầm tù
rải rác khắp đế quốc Babylon. Họ đã bị xa cách nhau, phải tiếp xúc với dân ngoại
đạo, họ đã thấy cô đơn và bị bỏ rơi.
Vì thế, qua miệng tiên tri Ezéchiel,
Thiên Chúa cho họ biết rằng chính Thiên Chúa sẽ đi tìm họ, tập họp họ lại và lấy
lại đoàn chiên khỏi tay những mục tử xấu ấy và chính Ngài sẽ chăm sóc họ như mục
tử chăm sóc đoàn chiên mình.
+ Bài đọc 2 : 1Cr 15,20.26a-28.
Thánh Phaolô đưa ra cho tín hữu một so
sánh : Adong cũ đã làm hỏng con người và làm cho con người phải chết. Chúa Kitô
là Adong mới đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, giải thoát con người và ban cho
con người sự sống mới. Do đó, Chúa Giêsu trở nên thủ lãnh nhân loại để đưa con người vào Nước Trời.
Và đến ngày cách chung, Chúa Giêsu Kitô
Vua đã chiến thắng mọi kẻ thù và nắm quyền trên mọi loài mọi vật, sẽ trao lại
cho Thiên Chúa Cha tất cả vương quyền và Ngài sẽ cho tất cả những ai tin Ngài được
sống lại và cùng hưởng vinh quang với Ngài.
+ Bài Tin mừng : Mt 25,31-46.
Dụ ngôn mà thánh Matthêu mô tả bằng
hình ảnh có tính cách khải huyền về ngày phán xét sẽ diễn ra trong ngày sau cùng. Khi đó, Đức Giêsu sẽ xuất hiện như một vị Vua
thẩm phán đầy uy quyền, có các thiên thần hầu cận. Ngài sẽ tách biệt người lành
kẻ dữ ra hai bên như người mục tử tách chiên ra khỏi dê để xét xử công minh.
Tiêu chuẩn của cuộc xét xử là luật
yêu thương. Ngài đã đồng hóa Ngài với tha nhân : những ai thể hiện tình
yêu cụ thể với những người khốn khổ bé mọn tức là thể hiện tình yêu đối với Ngài
và sẽ được trọng thưởng. Ngược lại, những
ai không thể hiện tình yêu đó đối với tha nhân tức là không yêu thương Ngài thì
sẽ bị trừng phạt.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Đức
Kitô Vua Thẩm phán
I. BỐI CẢNH NGÀY LỄ.
Hôm nay là Chúa nhật cuối năm Phụng vụ,
Giáo hội mừng lề Chúa Giêsu Vua để nhắc nhở cho mọi người hãy suy tôn, phục vụ
và theo Ngài, đồng thời phải chuẩn bị tâm hồn chờ đợi Chúa đến trong ngày tận
thế với tư cách là vị Vua Thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết.
Đức Giáo hòang Piô XI đã thiết lập lễ này vào ngày 11.12.1925
trong bầu khí tạ ơn và hân hoan của Năm thánh 1925. Ngài thiết lập lễ này vì vào
những thập niên đầu thế kỷ 20, thế giới phải đối diện với trào lưu tục hóa và các
chủ thuyết khác. Về phía Giáo hội, qua việc mừng kính tước hiệu là Vua của Chúa
Kitô, Giáo hội khẳng định niềm tin trước sau như một của mình là tuyên xưng vương
quyền của Chúa Kitô trên mọi con người, mọi gia đình, mọi xã hội và trật tự nhân
loại.
Ngoài ra, để điều chỉnh một số lệch lạc
trong đời sống đạo nơi một số con cái, Giáo hội là Mẹ nhắc nhở cho mọi người rằng
Chúa Kitô không chỉ là người Anh hay người Bạn đồng hành mà Ngài còn là “Vua trên
các vua, Chúa trên các chúa. Ngài là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời”.
II. MỘT NƯỚC CẦN CÓ
VUA.
Người ta thường nói :”Kim chỉ phải có đầu”, trong một tập thể
không thể có cảnh “cá mè một lứa” được, nhất là trong một nước. Hầu hết các dân tộc thời xưa đều mơ ước và
tin rằng vua của họ là con Trời, vì chỉ có con Trời mới là toàn năng công minh,
thấu suốt mọi sự, mới giúp dân, ban ơn cho dân muôn phần tốt đẹp. Họ thường gọi
Vua là Thiên tử, Trời có mắt, đèn Trời
soi sáng, xin Trời phù hộ.
Bên phương Đông, Đức Khổng Tử đã thấy
rõ vua Nghiêu, vua Thuấn, Vũ vương, Văn Vương làm vua theo mệnh Trời, cho nên vương
quốc thời cổ đại của các ngài thật lý tưởng.
Kinh thư viết :”Thiên hựu hạ dân, tác chi quân, tác chi sư” : Trời giúp dân, đặt
vua cai trị, đặt thầy dạy dỗ (Thái hệ thượng 7). Nhận biết Trời đặt mình làm
vua, các ông hết lòng hết sức vâng theo mệnh Trời để giúp dân. Vua Vũ Vương viết
:”Duy kỳ khắc tướng Thượng Đế, sủng tuy tứ phuơng” : Chỉ vì phục vụ Thượng
Đế, giúp nhân dân bốn phương.
Bên Tây phương, Ba tư, Ai cập, Hy lạp
hay La mã đều coi vua là con Thần Trời.
Dân Do thái khi chưa có vua, họ đòi tiên tri Samuel :”Thế nào cũng phải có vua cho chúng tôi”(1Sm 8,19). Và ai được chọn làm vua đều được thánh hiến bằng
xức dầu tấn phong, trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa. Thiên Chúa nói với tiên tri
Nathanael :”Hãy đi nói với Đavít :Ta là
cha nó, nó sẽ là con Ta”(2Sm
7,5.14 và Tv 2,7). Nếu vua trung thành thực hiện sự công chính trong vương quốc
và bảo đảm thịnh vượng cho toàn dân, Thiên Chúa sẽ bảo vệ vua khỏi tay quân thù”
(Tv 20,21 và 45,4-8). (Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm A, tr 192).
Truyện : nữ hoàng Elizabeth lên ngôi
Năm 1952, lễ đăng quang của nữ hoàng
Anh Elizabeth là một nghi thức long trọng nhất của thế kỷ 20. Ba triệu người đứng
chật các đường phố Luân đôn. Từ các thuộc địa Anh, các đoàn đại biểu trong sắc
phục địa phương cũng có mặt. Nữ hoàng ngự giá trên chiếc xe ngựa bằng vàng. Hơn
10 sư đoàn trong quân đội hoàng gia diễn hành. Năm trăm chiếc khu trục cơ nhào
lộn trên không.
Vua chúa và các nhà lãnh đạo hầu hết đều
có mặt mang theo tặng vật cho vị tân nữ hoàng.
Nhưng có lẽ quà tặng cao qúi nhất mà thế giới tặng cho nữ hoàng là ngọn
cờ nước Anh lần đầu tiên được một người Tân tây lan cắm trên đỉnh Everest ở độ
cao 8.846 mét vào chính ngày áp lễ đăng quang.
III. ĐỨC GIÊSU XƯNG
MÌNH LÀ VUA.
1. Nơi Đức Giêsu xưng vương.
Sau phép lạ bánh ra nhiều, dân chúng hồ
hởi muốn tôn Ngài làm vua, nhưng Ngài đã lẩn tránh vì Ngài không muốn cho dân
chúng hiểu Ngài làm vua theo kiểu thế gian.
Ngài chỉ nhận mình là Vua khi đứng trước toà án Philatô, với dáng vẻ
tang thương tiều tụy, Ngài khẳng định Ngài là Vua : “Ông nói phải, Tôi là Vua”.
Chính Philatô cho Ngài ngồi ở Gabata, ghế dành cho quan tòa. Như vậy, vô tình Philatô công nhận Ngài là
Vua và Ngài sẽ xét xử dân Do thái.
Ngoài ra, ông còn truyền viết tấm bảng
treo trên đầu Chúa Giêsu với hàng chữ I.N.R.I.
(Jesus Nazareth Rex Judaeorum) có nghĩa
là Giêsu Nazareth vua dân Do thái, tức là công nhận Đức Giêsu là Vua. Ngai vàng của Ngài là cây thập giá. Từ trên
cao, Chúa nhìn xuống thần dân, giang hai tay ra để ôm lấy dân Ngài. Và diễn từ nhận
chức của Ngài là :”Xin tha cho họ” và
cao điểm là :”Mọi sự đã hoàn tất”.
2. Vương quốc của Ngài.
Vương quốc của Ngài không có tính cách
chính trị . Vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian như các vua chúa ở trần
gian. Vương quốc mà Ngài lập ra không có lãnh thổ hay tài nguyên vì vương quốc ngài là vương quốc thiêng liêng
nên vô biên giới và vĩnh cửu, nước không thuộc thời gian nhưng thuộc thời cánh
chung. :”Nuớc Người sẽ không bao giờ cùng”(Kinh
Tin Kính).
IV. ĐỨC GIÊSU LÀ VUA
MỤC TỬ.
Đức Giêsu là Vua không theo nghĩa như
các vua trần gian, nhưng Ngài xưng mình là Vua
Mục tử nhân lành. Ngài tụ họp những
con chiên bị phân tán, tìm con chiên lạc, băng bó chiên bị thương tích, chữa lành
chiên bị đau ốm, chăn dắt chăm sóc đoàn chiên theo đường công chính (Bài đọc
I). Chính Đức Giêsu đã tuyên bố :”Ta là mục tử nhân lành, Ta biết chiên Ta và
chiên Ta biết Ta”(Ga 10,10). Ngài còn
nói thêm :”Ta đến để cho chiên Ta được sống
và được sống dồi dào. Chính Ta là mục tử
nhân lành hy sinh mạng sống mình vì chiên”.
Ờ Nước Trời, Đức Giêsu là Vua đích thực
muôn đời vì Ngài đã hạ mình xuống làm tôi trung vâng lời Chúa Cha hiến mình chịu
chết trên thập giá để cứu chuộc muôn dân, đưa muôn dân về với Thiên Chúa Cha
trong nước vĩnh phúc hằng sống.” Chính vì
thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài, ban cho cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi
danh hiệu để trên trời dưới đất và hoả ngục phải bái quì khi nghe danh thánh Giêsu”
(Pl 2,6).
Nếu
Đức Kitô là Vua Mục tử thì vương quốc của Ngài là vương quốc tình thương. Đặc
điểm của công dân trong nước này là những con người bất hạnh, khổ đau. Chính Đức
Kitô, vị Vua Mục tử, đã tự đồng hóa mình với những kẻ bé mọn nghèo khổ :”Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm
như thế cho một trong những anh bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho
chính Ta vậy” (Mt 25,40). Tiêu chuẩn để xác định một người thuộc vương quốc
của Ngài là chính những hành động của tình thương.
V. ĐỨC GIÊSU LÀ VUA
THẨM PHÁN.
1. Ngài đã khẳng định vậy.
Trong kinh Tin kính chúng ta vẫn tuyên
xưng :”Và Người sẽ trở lại trong vinh
quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.
Lòng tin của Hội thánh đã được xây dựng trên lời Chúa :”Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả thiên sứ theo hầu,
bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập
họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt
chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái”(Mt
25,31).
Ngai uy linh có nghĩa là ngai vinh
quang, người Do thái quan niệm ngai vinh quang chỉ dành cho Thiên Chúa, các
ngai khác dành cho các tông đồ (Mt 19,28). Khi nói Chúa ngự lên ngai uy linh là
một cách mạc khải Chúa Giêsu là Thiên Chúa.
2. Ngài phán xét như thế nào ?
a) Dựa trên tình thương.
Sự phán xét của Ngài không tùy thuộc vào
kiến thức của chúng ta có, sự may mắn hay tiếng tăm của chúng ta đạt được, nhưng
tùy theo vào sự giúp đỡ mà chúng ta đã làm cho người khác. Cha Mark
Link nói :”Khi Chúa đến, Ngài không cân
đo trí khôn chúng ta thông minh thế nào. Nhưng Ngài sẽ cân đo trái tim của chúng
ta yêu thương ra sao”.
Những điều Chúa nêu ra là cho kẻ đói ăn,
cho kẻ khát uống, tiếp đón khách lạ, an ủi người bệnh, thăm viếng kẻ bị tù... Đó
là những việc mà ai cũng có thể làm, đó là những sự giúp đỡ đơn giản cho mọi người
cần đến mà chúng ta vẫn gặp hằng ngày.
Không có ví dụ nào mở ra con đường đi tới vinh quang cho những người tầm thường
nhất bằng ví dụ này.
Người Á đông chúng ta tuy không biết
Thiên Chúa, nhưng có một quan niệm rất chính xác và cao sâu về Ông Trời : Ông Trời là chủ tể của mọi
loài, không ai sống ngoài tầm kiểm soát của Ông Trời, sống theo ý Trời thì có
phúc, làm ngược ý Trời thì bị phạt. Hai
câu phản ảnh rõ nhất quan niệm trên là “Thiên
võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” : Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt
được. Và còn một câu khác nữa cũng nói lên
quan niệm ấy :”Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong : Người sống
theo Trời thì còn, người nghịch với Trời thì mất.
Dù là dân đen hay vua chúa, dù nghèo
hay giầu, dù trẻ hay già... cuối cùng rồi thì ai cũng chết và trình diện trước
mặt Chúa, Vua Trời. Khi đó Vua Trời sẽ xét
xử cuộc sống mỗi người dựa trên Luật Yêu thương. Người nào sống yêu thương là “thuận thiên” và sẽõ được “tồn” trong hạnh phúc vĩnh hằng. Kẻ sống mà không yêu thương là kẻ “nghịch thiên” và sẽ “vong” vĩnh viễn trong cõi trầm luâm. (Lm Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm A, tr 564)
b) Giúp đỡ không tính toán.
Tất cả những người giúp đỡ không nghĩ
rằng họ đã giúp đỡ Chúa Giêsu và tích trữ công đức đời đời cho mình. Họ giúp vì
không thể không giúp, đó là bản chất tự nhiên không tính toán, phát xuất từ lòng
yêu thương thật. Trái lại những người không
muốn giúp đỡ người khác thường tỏ ra :”Nếu chúng tôi biết là anh thì chúng tôi đã
sẵn lòng giúp”. Cũng có những người ra
tay giúp đỡ nếu họ được người ta khen ngợi, cám ơn và công bố ra cho nhiều người
biết, như thế không phải là họ giúp đỡ ai mà chỉ để chiều theo lòng tự ái tự tôn
của họ. Giúp đỡ như vậy không phải là rộng
lượng nhưng là ích kỷ trá hình. Sự giúp đỡ
đẹp lòng Chúa phải là sự giúp đỡ không vì mục đích nào ngoài sự giúp đỡ cả.
Truyện : thánh Martinô thành Tours.
Ông là một quân nhân La mã và một Kitô
hữu. Một ngày mùa đông lạnh lẽo, khi ông đi vào một thành phố, có người hành khất
chặn ông lại xin bố thí , Martinô không có tiền, nhưng ông thấy người hành khất
xanh xao và run rẩy vì lạnh, Martinô đã cho những gì ông có : ông cởi chiếc áo
nhà binh đã sờn rách và xé một nửa cho người hành khất. Tối hôm ấy ông nằm mơ thấy thiên đàng có các
thiên sứ đang bao quanh Chúa Giêsu và Ngài đang mặc nửa chiếc áo lạnh nhà binh
của ông. Một thiên sứ hỏi Ngài :”Tại sao
Ngài mặc chiếc áo sờn rách đó ? Ai đã cho Ngài áo đó”? Chúa Giêsu trả lời
:”Martinô, tôi tớ của Ta đã cho Ta”.
c) Cho đi thì sẽ được.
Tất cả những gì chúng ta làm cho tha
nhân là làm cho Chúa mà những gì chúng ta làm cho Chúa thì không thể mất được.
Những gì chúng ta làm cho tha nhân, dù nhỏ mọn như một chén nước lã thì cũng có
phúc trước mặt Chúa. Trái lại, những gì chúng ta không làm cho tha nhân tức là
không làm cho Chúa, mà đã không làm cho Chúa là một điều có lỗi. Do đó, Chúa sẽ
xét xử chúng ta theo nguyên tắc :”Hữu công
tắc thưởng, hữu tội tắc trừng” : có công thì được thưởng, có tội thì phải
phạt. Được thưởng hay bị phạt là do chúng
ta định đoạt lấy, không ai có thể làm thay cho chúng ta được..
Truyện : cho đi thì sẽ được.
Một ngày mùa đông lạnh giá, Lady Grey,
một phụ nữ qúi tộc người Anh, rất giầu có, đã cải trang làm một người hành khất
đi ăn xin từng nhà trong thành phố Luân đôn.
Đến một số nhà, bà bị xua đuổi một cách tàn nhẫn. Một vài nơi khác, bà
chỉ được bố thí cho những thứ thừa thãi vất đi. Điều lạ là tất cả những người ấy
là những gia đình giầu có. Thế rồi bà tìm đến một căn nhà lụp xụp nghèo nàn. Tại
một túp lều xiêu vẹo, bà được một ông lão tàn tật ân cần mời vào sưởi ấm bên bếp
lửa và cùng chia nhau một khúc bánh mì đen.
Hôm sau chính người nữ qúi tộc ấy sai
các gia nhân đến tận nhà mời những người mà bà đã đến ăn xin tối hôm trước tới
dự một bữa tiệc tại dinh thự của bà. Tất cả khách được hướng dẫn vào một phòng
chiêu đãi sang trọng và mỗi người được đặt chỗ ngồi riêng dọn sẵn. Bấy giờ ai nấy
thấy trước mặt mình là những món ăn y như những thứ mà họ đã đem bố thí cho “bà ăn mày” : chỗ thì củ khoai thối, chỗ
thì miếng bánh mốc không ăn được, có nơi là một cốc nước lã bẩn thỉu, lại có nơi
chỉ là chiếc đĩa trống không. Duy chỉ có
chiếc đĩa trước mặt ông lão tàn tật đầy ắp những món ăn ngon lành sang trọng. Mọi người chưa hết ngạc nhiên thì bà qúi tộc
xuất hiện và tuyên bố :”Hôm qua tôi đích thân đi ăn xin từng nhà để hiểu biết hơn
về lòng nhân ái của qúi vị. Hôm nay tôi
chỉ đáp lễ bằng cách dọn ra mời qúi vị những thứ mà qúi vị đã cho tôi. Tôi
tin rằng qúi vị cũng sẽ được tiếp đãi như vậy trong bữa tiệc mai sau truớc mặt
Thiên Chúa là Đấng bây giờ đang đứng trước nhà qúi vị để trông chờ tấm lòng nhân
ái của qúi vị”.
(Quê Ngọc, Dấu ấn
tình yêu, năm A, tr 139)
Nghe xong câu truyện trên đây, nhất là
qua bài Tin mừng của Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, chúng ta thấy cả hai
đều qui về một mục đích là nêu cao và làm sáng tỏ một vấn đề hết sức hệ trọng
trong đời sống đạo đức : đó là yêu thương giúp đỡõ tha nhân, đặc biệt với những
kẻ hẩm hiu cùng khốn là yêu thương chính Chúa và Chúa chỉ căn cứ vào đó mà đối đãi
lại với chúng ta.
Nếu Thiên Chúa là Tình yêu và yêu thương
là chính bản tính của Ngài, thì đạo của Ngài hẳn phải là đạo yêu thương. Vì thế, Chúa dạy chúng ta phải sống yêu thương và
Chúa coi những việc chúng ta làm cho người khác là chúng ta làm cho chính Ngài.
Rồi trước khi chấm dứt cuộc đời
rao giảng Tin mừng ở trần gian, Chúa còn quả quyết :”Ta bảo thật, những gì các ngươi
làm cho một trong những người bé nhỏ của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta”.
Như vậy, Chúa Giêsu tiếp tục nhập thể nơi người anh chị em, và Ngài tiếp tục nhập
thể nơi mỗi người Kitô hữu hôm nay. Ngài cần đến đôi tay chúng ta để phục vụ.
Ngài cần đến môi miệng chúng ta để nói lời an ủi khuyến khích. Ngài cần đến trí
hiểu và con tim chúng ta để sống tình liên đới yêu thương. Ngài cần đến đôi chân
chúng ta để đến với mọi người.
Laudetur
Christus Rex in saecula saeculorum.
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt