LỄ
MÌNH MÁU CHÚA KITÔ A
BÁNH
HẰNG SỐNG BỞI TRỜI
+++
A. DẪN NHẬP.
Mặc dầu ngày thứ năm tuần thánh, Giáo
hội đã kỷ niệm việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể để làm của ăn nuôi sống linh
hồn chúng ta, hôm nay Giáo hội tiếp tục cử hành lễ kính Mình Máu thánh Chúa Kitô
để giáo dân có nhiều thì giờ suy niệm về phép Thánh Thể, thúc giục giáo dân thêm
lòng yêu mến tôn sùng. Qua Thánh lễ này,
chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta được hiểu biết tình yêu của Thiên Chúa đối
với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể này, đồng thời thúc giục chúng ta năng rước
lễ để lãnh nhận Chúa Giêsu làm lương thực nuôi linh hồn chúng ta trên bước đường
đi về Quê Trời.
Qua các bài đọc trong Thánh lễ hôm
nay, chúng ta thấy Thánh Thể thực sự đã được loan báo từ trước bằng những hình ảnh.
Manna mà Thiên Chúa ban cho dân Israel dùng trong sa mạc suốt bốn mươi năm chẳng
phải là hình bóng phép Thánh Thể mà Đức Giêsu đã lập sao ? Thánh Phaolô cũng nhắc
lại cho tín hữu Corintô tư tưởng trên : dân Israel đã được ăn manna, uống nước
từ tảng đá… để nói lên rằng tòan dân Israel
đã được thừa hưởng bao hồng ân của Thiên Chúa.
Lời Chúa trong đọan Tin mừng thánh
Gioan là những lời Đức Giêsu diễn giảng về Bánh hằng sống, Bánh từ trời, Bánh
ban sự sống thần linh. Bánh đó chính là Đức Giêsu Kitô. Thịt máu Ngài đã trở nên
cơm bánh, trở thành lương thực, trở thành của ăn của uống giúp con người đi vào
thế giới của Thiên Chúa kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Bánh này trổi vượt hơn
Manna trong sa mạc mà tổ tiên dân Israel đều đã được ăn. Vì thế ai ăn bánh này
sẽ được sống vĩnh cửu trong Vương quốc của Thiên Chúa.
Trung tâm đời sống Kitô hữu là Thánh
Thể, mà Thánh Thể là một nhiệm tích tuyệt diệu làm cho Đức Kitô hiện diện thực
sự với dân chúng trong mầu nhiệm Vượt qua.
Trong bữa ăn sau hết, chính Ngài bị nộp, Ngài đã thiết lập hiến tế tạ ơn
bằng Mình và Máu Ngài. Hiến tế của Tình yêu. Hiến tế của hiệp nhất, giây liên kết
đức bác ái, bữa tiệc Vượt qua trong Đức Giêsu là của ăn. Xét theo phương diện này,
hôm nay ngày lễ kính Mình Máu Chúa Kitô, Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm nhiệm
tích Thánh Thể là lương thực nuôi linh hồn vì Đức Giêsu đã nói với chúng ta :”Ta là bánh hằng sống từ trời ban xuống”(Ga
6,51).
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Đnl 8,2-3.14-16.
Thiên Chúa đã cứu dân Israel ra khỏi ách
nô lệ của Ai cập, dẫn dắt họ suốt 40 năm trường trong sa mạc để vào đất hứa. Kết
thúc cuộc hành trình, trước khi tiến vào Đâát Hứa, ông Maisen khuyên bảo dân đừng
bao giờ quên những ơn lành Thiên Chúa đã ban cho. Trong số những ơn lành Chúa đã
ban, dân Chúa hãy nhớ lại việc Thiên Chúa đã nuôi sống họ bằng cách ban manna từ
trời xuống và cũng làm cho nước từ tảng đá vọt ra để thỏa mãn cơn khát khao.
Nhưng đấy mới chỉ là thức ăn vật chất
nuôi phần xác thôi, còn cần phải có một thức ăn thiêng liêng khác là Lời Chúa và
Thánh Thể nuôi sống linh hồn loài người nữa.
+ Bài đọc 2 : 1Cr 1o,16-17.
Nhận thấy trong cộng đoàn tín hữu ở Côrintô
có sự bất hoà, chia rẽ, thánh Phaolô khuyên nhủ họ hãy đoàn kết lại, hiệp nhất
trong tình yêu thương. Ngài cho biết :
Thánh Thể chính là mối dây tuyệt hảo của sự hiệp nhất. Khi chúng ta hiệp thông
với Mình và Máu Chúa Kitô, cùng ăn một bánh, cùng uống một chén thì chúng ta cũng
phải thể hiện sự hiệp thông ấy ra trong đời sống cộng đoàn bằng cách phải hiệp
nhất với nhau. Cũng như chỉ có một tấm bánh, chúng ta tuy nhiều người cũng chỉ
là một thân thể.
+ Bài Tin mừng : Ga 6,51-58.
Dân chúng say mê nghe Chúa giảng, không nghĩ đến ăn
uống. Thấy họ đói, Chúa Giêsu đã nuôi sống họ bằng cách làm cho bánh hoá nhiều.
Dân chúng được ăn no nê thừa thãi thứ bánh vật chất mà Ngài vừa làm phép lạ cho
có nhiều. Bây giờ Chúa muốn đưa họ đến một thứ lương thực cao qúi hơn. Vì
thế, Ngài loan báo cho họ một thứ bánh khác. Bánh đó chính là Mình Máu Ngài, Bánh
hằng sống mang lại ơn cứu độ cho thế gian.
Chúa Giêsu đã khẳng định mặc dầu người
ta không hiểu cũng như không muốn hiểu :”Ta
là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời, và bánh Ta sẽ ban
tặng, chính là thịt Ta đây, để cho thế gian được sống... Ai ăn thịt và uống máu
Ta thì sẽ được sống muôn đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại vào ngày sau hết”.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Thánh Thể,
nguồn sống thiêng liêng.
Trong lời mở đầu của thông điệp về Bí
tích Thánh Thể “ECCLESIA DE EUCHARISTIA”, Đức Thánh Cha Gioan-Phalô II đã xác
tín “Giáo hội múc nguồn sự sống từ Bí tích Thánh Thể. Sự thật này không đơn thuần
diễn tả một kinh nghiệm thường nhật của đức tin, nhưng tóm kết cốt lõi của mầu
nhiệm Giáo hội. Trong niềm hân hoan, Giáo hội kinh nghiệm, dưới nhiều hình thức,
sự thực hiện liên lỉ lời hứa “Thầy sẽ ở cùng
anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20). Kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần , Giáo hội
bắt đầu cuộc hành trình đi về Quê Trời, bí tích thần thiêng tiếp tục ấn dấu trên
ngày sống, bằng cách tuôn đổ trên họ niềm hy vọng tin tưởng”.
Công đồng Vatican II tuyên bố cách xác
đáng rằng “Mọi Bí tích đều liên hệ và hướng về Thánh Thể. Vì phép Thánh Thể chứa
mọi kho tàng thiêng liêng của Giáo hội, nghĩa là chính mình Chúa Kitô Phục
sinh. Phép Thánh Thể là nguồn suối,
là chóp đỉnh việc rao giảng Tin mừng”
(P.O, số 5).
Thánh Thể đóng một vai trò rất quan trọng
trong đời sống Giáo hội và giáo dân, nên Giáo hội lập ra lễ kính Thánh Thể để
thúc giục giáo dân gia tăng lòng tôn sùng phép Thánh Thể. Lễ kính này đã manh
nha ở thành phố Liège bên Bỉ với những ơn lạ của chị dòng Juliana về phép Thánh
Thể từ năm 1208 cho mãi đến năm 1263 với phép lạ máu Chúa chảy loang thấm ướt
khăn thánh ở làng Polsena bên Đức. Ngày 8.9.1264, Đức Thánh Cha Urbanô ban sắc
lệnh Transiturus lập lễ kính Mình Máu thánh Chúa Kitô trên khắp hoàn cầu.
1. Thánh Thể, nguồn sống của Kitô hữu.
Con người có hồn có xác. Cả hai liên kết
chặt chẽ với nhau. Muốn sống cần phải có ăn, không ăn thì chết. Nhưng hồn và xác
lại có những của ăn khác nhau. Xác cần có của ăn vật chất, hồn lại có của ăn
thiêng liêng là chính Mình Máu thánh Chúa Kitô như lời Ngài đã dạy.
a)
Của ăn thể xác.
Người ta thường nói :”Có thực mới vực được đạo” (Tục ngữ). Nói
như thế có nghĩa là phải có của ăn phần xác nuôi sống đã , phải sống đã rồi mới
có thể thực hiện việc đạo nghĩa được. Nhiều người nói quả quyết hơn :”Dĩ thực vi tiên” : phải lấy cái ăn làm đầu.
Câu tục ngữ trên cũng có nghĩa tương đương với câu ngạn ngữ La tinh :”Manducare priusquam philosophare” : ăn đã
rồi hãy nói triết lý , vì không có ăn thì lấy hơi đâu mà nói triết lý ?
Bất kỳ ai cũng phải ăn, không ăn nhiều
thì ăn ít. Càng ăn nhiều thức ăn có độ dinh dưỡng cao thì người càng mập , béo
, khỏe mạnh. Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng thì người sẽ gầy còm, ốm o. Trung bình mỗi người lớn một ngày phải được
cung cấp 2.600 calories, nhưng trong thực tế, trừ một số nước tiên tiến mỗi ngày
được cung cấp tới 3,130 calories, khiến con người họ to cao, bép mập ; còn đa số
dân chúng ở các nước kém mở mang chỉ được cung cấp dưới mức trung bình ấy. Một
số nước mỗi người chỉ được cung cấp 1.700 calories mỗi ngày, và tệ hơn nữa, một
số nước ở Phi châu chỉ được cung cấp 1.200 calories mỗi ngày. Theo tin tức của đài truyền hình cho biết :
tính tứ năm 1975 đến nay, chiều cao của trẻ em Việt nam đã tăng thêm được vài
centimét.
Trong kinh “Lạy Cha” chúng ta vẫn cầu
xin Chúa cho chúng ta có của ăn hằng ngày :”Xin Cha cho chúng con hôm nay lương
thực hằng ngày”. Lương thực đây phải hiểu là lương thực của phần xác và phần hồn.
Nhưng dù sao chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta có của ăn của để, đừng để chúng
ta thiếu thốn quá mà bỏ bề việc đạo.
Người Việt nam chúng ta rất thực tế,
không ước ao được giầu sang phú qúi, của cải dư dật vì như thế có thể làm cho
người ta dễ hư hỏng hoặc làm cho người ta thêm lo lắng đêm ngày :
Ăn cơm với thịt bò thì lo ngay ngáy,
Ăn
cơm với cáy thì ngáy o o.
Trong thực tế của đời sống hằng ngày,
họ chỉ cần hai chữ “bình an”, họ chỉ ao ước được hưởng những hạnh phúc thông thường,
như thế họ đã mãn nguyện :
Ăn được ngủ được là tiên,
Không
ăn không ngủ mất tiền thêm lo,
(Ca dao)
b)
Của ăn phần hồn.
Nếu chúng ta nói : thân xác phải ăn
thì mới sống được, chúng ta phải nói thế nào về phần hồn ? Dĩ nhiên, linh hồn cũng
phải ăn thì mới sống được, nhưng của ăn nuôi sống linh hồn không phải là của ăn
vật chất như cơm bánh hằng ngày ta ăn, mà là của ăn thiêng liêng. Nói khác đi, của ăn
đó chính là Mình máu Chúa Kitô.
Trong sa mạc, dân Israel đã được ăn manna hằng ngày để nuôi thể xác. Chúa Giêsu cũng
làm phép lạ cho bánh hoá nhiều để nuôi phần xác cho dân chúng khi đói. Ngoài bánh
ấy ra, Chúa Giêsu còn hứa sẽ ban cho họ thứ bánh khác, không phải là thứ bánh họ
đã ăn, bánh này ăn vào sẽ không bao giờ đói nữa :”Ta là bánh hằng sống, ai đến cùng Ta không khi nào đói, ai tin kính Ta
chẳng bao giờ khát “(Ga 6,35). Ngài
hứa ban bánh hằng sống, dân chúng ước ao ăn bánh này cho khỏi đói khát nữa. Nhưng
Chúa Giêsu còn muốn đưa họ lên cao hơn, Ngài muốn nói về một thứ bánh hằng sống
chân thật, đó là chính Thịt Máu Ngài.
Mặc dầu Ngài nói như thế, người ta sẽ
không tin, còn làm cớ vấp phạm cho nhiều người
đến nỗi có nhiều người bỏ đi vì thấy nó chói tai quá, kể cả môn đệ cũng
có một số bỏ đi. Tuy thế, Ngài cứ nói, nói
một cách thẳng thừng :”Quả thật, quả thật,
Ta bảo các ngươi : nếu các ngươi không ăn thịt và uống máu Con người thì các ngươi
chẳng được sống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ làm
cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết”(Ga 6,54-55).
Để bảo tồn sự sống, mọi sinh vật phải
có thức ăn thích hợp với bản tính riêng. Linh hồn chúng ta đã được thần hóa, nên
cũng cần có một thức ăn thích hợp với nếp sống mới đó. Thức ăn này phải là do
việc thông hiệp vào thịt máu Chúa Giêsu ban cho :”Ta là bánh hằng sống. Các ngươi hãy cầm lấy mà ăn vì này là mình Ta. Các
ngươi hãy lãnh nhận mà uống, vì này là máu Ta. Ai ăn mình và uống máu Ta sẽ được
sống. Vì mình Ta thực là của ăn, máu Ta thật là của
uống”.
Ai lãnh nhận mình máu Chúa
Kitô, người ấy được kết hợp với Chúa, được tan biến trong Chúa để cả hai nên một,
để người ấy có thể nói như thánh Phaolô :”Tôi
sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Trong khi rước lễ, chúng ta
coi mình như đón nhận Chúa Giêsu , Chúa Giêsu ngự vào lòng tôi. Chúng ta nói về
sự hiệp lễ như là ôm ẵm Chúa. Nhưng hiệp
lễ cũng có nghĩa là Chúa ôm ẵm chúng ta.
Chúa Giêsu đón nhận chúng ta vào lòng Ngài cách đặc biệt. Không chỉ là
Chúa Giêsu ngự trong chúng ta, mà chúng ta cũng ở trong Chúa Giêsu. Đó là ý nghĩa
của điều Chúa nói với chúng ta trong Tin mừng hôm nay :”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”. Chúng ta có thể nói như thánh
Inhaxiô :”Đây là nơi Chúa Giêsu bồng ẵm tôi”.
Thánh Cyrillô thành Alexandria so sánh sự hiệp nhất này với hai miếng sáp
ong hoà lẫn với nhau. Thánh Têrêsa thành
Lisieux đã diễn tả sự hiệp lễ lần đầu của ngài như là sự tan hòa với Chúa
Kitô.
Chúng ta hãy suy nghĩ điều này
và bắt đầu nhận htức rằng sự quan trọng không phải là tình yêu, lòng khao khát
hay những lời cầu nguyện của chúng ta, mặc dầu tất cả cần phải có. Sự quan trọng
nhất là tình yêu vô biên của Chúa Giêsu. Ngài ước mong ôm ẵm chúng ta, chia sẻ
chính đời sống Ngài cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta ở lại trong Ngài như chúng
ta muốn Ngài ở lại trong chúng ta (GM Arthur Tonne, Bài giảng Tin mừng CN năm
A, tr 79).
Mỗi khi rước Chúa ngự vào lòng,
chúng ta muốn được hoà tan trong Chúa, muốn được trở nên đồng hình đồng dạng với
Ngài, muốn được đổi mới con người của mình.
Dĩ nhiên, sự đổi mới này chỉ có tính cách thiêng liêng, nghĩa là linh hồn
chúng ta được đầy tràn ơn Chúa, được trở nên thánh thiện hơn, làm chiếu toả Chúa
ra bằng cách sống hằng ngày, còn thân xác chúng ta thì không có gì thay đổi.
Truyện : Biến đổi trong Chúa.
Một người ngoại giáo hỏi người bạn Công giáo :
- Người Công giáo các bạn ăn Chúa Kitô
phải không ?
- Vâng, người Công giáo trả lời.
Người kia hỏi tiếp :
- Vậy sao các bạn không trở nên như Chúa
?
Một lát sau, khi đi ngang qua trại
heo, người Công giáo hỏi :
- Bạn có khi nào ăn thịt heo không ?
- Rất nhiều lần. Mà hỏi làm gì vậy ?
- Sao bạn chưa biến đổi thành heo ?
Đó là câu trả lời cứng cỏi nhưng kiến
hiệu cho câu hỏi cứng cỏi. Trong thực tế, chúng ta được biến đdổi trong Chúa cách
thiêng liêng nhờ sự rước lễ.
(GM Arthur
Tonne, Góp nhặt, tr 8-9)
2. Thánh Thể là một mầu nhiệm.
Trong Thánh lễ, ngay sau truyền
phép Mình thánh, Linh mục đã nhắc nhở cho giáo dân :”Đây là mầu nhiệm đức tin”. Hội thánh muốn nhắc nhở cho giáo dân :
Thánh Thể là một mầu nhiệm, không trí khôn nào có thể suy thấu, chỉ dùng con mắt
đức tin mà chấp nhận. Với con mắt xác thịt, không ai có thể trông thấy Chúa
trong hình bánh hình rượu với cả mình và máu, nhân tính và thần tính của Chúa
Giêsu, nhưng không thấy không có nghĩa là không có. Như kinh nghiệm cho chúng
ta thấy : ban ngày người mù đâu có thấy ánh sáng, nhưng không thấy ánh sáng thì
không thể phủ nhận được sự hiện hữu của mặt trời. Mặt trời vẫn có đó.
Sau khi truyền phép Mình thánh,
bánh và rượu đã trở nên mình máu Chúa Kitô.
Cả con người của Chúa Giêsu ở trong đó : thịt và máu, nhân tính và thần
tính. Chúa Giêsu đang hiện diện trong hình bánh hình rượu.
Chúng ta phải phân biệt hai
sự hiện diện :
- Hiện diện tượng trưng (Presentia symbolica)
- Hiện diện thực sự
(Presentia realis).
a)
Hiện diện tượng trưng :
Là tin rằng Chúa Giêsu hiện diện trong hình bánh, coi như Ngài hiện
diện trong đó, nhưng thực sự không có thịt máu Ngài trong đó. Như thế là chối bổ sự biến thể (transsubstantiatio)
mà Giáo hội dạy : sau truyền phép thì bánh rượu chỉ còn hình dáng bề ngoài(species),
còn bản thể (substantia) đã trở nên mình máu Chúa Kitô rồi. Đối với sự hiện diện
tượng trưng này , mọi người dễ hiểu, dễ chấp nhận vì nó phù hợp với sự hiểu biết
của lý trí con người, không cần dùng đến con mắt đức tin.
b) Hiện diện thực sự.
Đây là vấn đề gai góc. Hiện diện thực
sự là có sự hiện diện thực của Chúa Giêsu với mình và máu, với nhân tính và thần
tính của Người. Cả con người của Ngài hiện diện trong đó mặc dầu con mắt xác thịt
chúng ta không thấy. Đây thực sự là mầu nhiệm đức tin.
Theo cuộc thăm dò ý kiến của Gallup tường
trình cho biết, chỉ có 1/3 giáo dân Công giáo Hoa kỳ tin có sự hiện diện thật của
Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, số khác chỉ tin Bí tích Thánh Thể là biểu tượng
cho sự hiện diện thật của Chúa Kitô.
Phản ứng trước cuộc thăm dò này, các
Giám mục Hoa kỳ đã nhắc lại một thông tư trong hội nghị hội đồng Giám mục Hoa kỳ
vào tháng 6/2001 “Sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể : Những câu
hỏi và trả lời căn bản”. Trong bản văn này xác định lại một lần nữa trong Bí
tích Thánh Thể “toàn thể con người Đức
Kitô thật sự hiện hữu dưới hình thức bánh và rượu, thân xác, máu, linh hồn và
thần linh”.
Truyện : Hiện diện thực sự.
Một linh mục và một mục sư Tin lành ở
cùng một tỉnh thường nói chuyện với nhau nhiều về đạo. Thời gian trôi qua, mục
sư bắt đầu tin những chân lý của đạo Công giáo dần dần. Ông tin hết mọi chân lý, trừ có một – chân lý Chúa ngự thật trong
phép Thánh Thể. Chân lý duy nhất này ông không thể nào tin được. Ông vẫn nói
:”Nếu tôi có thể tin được rằng tôi rước lấy Chúa thực sự khi chịu lễ, thì chắc
là tôi sẽ hạnh phúc nhất trên đời ; nhưng xem chừng tôi không thể tin được”.
Ít lâu sau, vị mục sư đau nặng, Linh mục
đến thăm ông, nhưng ông mê man bất tỉnh. Qùi gối bên giường, linh mục cầu xin
Chúa ban cho mục sư tỉnh lại và lời cầu nguyện của ngài đã được Chúa nghe. Vị mục
sư hấp hối đó mỉm cười và xin được phép ngồi lên, tựa lưng vào gối. Ông có thể
tiếp tục nói, nhưng mắt ông nhìn chòng chọc vào cái gì ở chân giường. Ông chỉ
tay, nhưng vị linh mục không trông thấy gì cả.
Rồi người hấp hối cứ nhìn chòng
chọc và bỗng nhiên mặt ông tươi lên như hoa. Ông vừa thở hổn hển vừa phều phào
:”Hiện diện thực sự – Nếu tôi được biết kịp thời thì chắc tôi đã giảng cho toàn
thế giới chân lý này”. Nói rồi, ông nhắm
mắt thở hơi cuối cùng.
(W.J. Diamond, Đồng
cỏ non, 1968, tr 161-162)
Chúng ta may mắn vì được Chúa ban đức
tin ngay từ khi mới sinh. Những người khác thường phải chiến đấu lâu ngày lâu
tháng mới tin được những điều chúng ta không phải khó lòng gì mà đã tin.
Bí tích Thánh Thể là bí tích của tình
yêu. Dấu chỉ tuyệt diệu nhất của tình yêu
Thiên Chúa là sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa , Đấng cứu độ
duy nhất của chúng ta – nơi BÍ TÍCH THÁNH THỂ. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình để những ai
tin vào Người thì không bị hư mất, nhưng được sống đời đời”(Ga 3,16). Thiên
Chúa yêu chúng ta nên đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu Kitô ; Chúa Giêsu Kitô yêu
chúng ta nên đã “Chấp nhận thân phận tôi đòi”(Phl 2,7), đã chịu nạn, chịu chết
và phục sinh vinh hiển để đem lại Sự sống cho chúng ta, Ngài còn “Ở lại cùng chúng
ta mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20) nơi Bí tích Thánh Thể ; tất cả chỉ vì yêu
chúng ta.
Lm
Giuse Đinh lập Liễm
Giáo
xứ Kim phát
Đà
lạt