ĐỒNG SÀNG DỊ MỘNG

+++

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA : Mt 16,21-23

 

          “Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết : Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” !  Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô :”Xatan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 21-23).

 

          Sau một thời gian theo Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, các Tông đồ chưa nhận ra con người thật của Ngài. Tuy ông Phêrô đã tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, nhưng ông vẫn quan niệm Đấng Cứu Thế như người Do thái  vẫn tin : Đấng Cứu Thế sẽ dùng quyến lực lật đổ ách đô hộ của người Rôma và biến dân tộc Do thái thành một nước hùng cường bá chủ hoàn cầu. Họ coi Đức Giêsu chỉ là con người có đầu óc chính trị chăng ?

 

          Nhưng Đức Giêsu lại loan báo cho các Tông đồ  biết sứ vụ cứu thế của Ngài là việc chịu thương khó, tử tạn và phục sinh.  Việc loan báo này có tính cách sửa sai quan niệm sai lầm về Đấng Cứu Thế oai hùng mãnh liệt theo kiểu trần thế, vừa có tính cách chuẩn bị cho tinh thần các ông để khi chứng kiến cuộc thương khó của Ngài, và đồng thời để các Tông đồ có được sự can đảm đón nhận sự bách hại và cuộc tử đạo của các ông sau này.

 

          Phêrô thương Thầy và cũng vì đầu óc còn đầy mơ ước một Đấng Thiên Sai theo kiểu trần thế như quan niệm của người Do thái lúc bấy giờ, nên ông đã nhiệt tình can ngăn Thầy : đừng chấp nhận cái chết nhục nhã như vậy. Như thế là vô tình Phêrô xúi Thầy chống lại chương trình cứu độ của Cha. Đức Giêsu đã trách mắng ông vì ông không có tư tưởng của Thiên Chúa mà chỉ có tư tưởng của loài người.

 

          Như thế, chúng ta thấy có một cái hố ngăn cách giữa tư tưởng của Chúa Giêsu và các Tông đồ, cách riêng của ông Phêrô :  Chúa muốn cứu thế bằng cái chết của Ngài, các Tông đồ lại chỉ nhằm cái lợi vật chất. Tư tưởng của Thầy trò không gặp nhau. Nếu nói theo kiểu Việt nam chúng ta thì người ta sẽ dùng một thành ngữ đặc biệt để nói lên tình trạng  bi đát đó. Đó là : ”Đồng sàng dị mộng”.

 

II. “ĐỒNG SÀNG DỊ MỘNG” TRONG HÔN NHÂN

 

          1. “Đồng sàng dị mộng” là gì ?

 

          Đồng sàng dị mộng là một thành ngữ Hán Việt. Theo đó thì Đồng là cùng, giống nhau – Sàng là cái giường – Dị là khác – Mộng là chiêm bao, giấc mơ.  Vậy Đồng sàng dị mộng  có nghĩa là cùng ngủ chung trên một giường mà chiêm bao thấy những việc khác nhau.

 

          Thành ngữ này có ý nói : cùng một địa vị như nhau nhưng tâm hồn khác nhau. Hay nói cách khác, thành ngữ có ý nói hai hay nhiều người cùng chung một hội, một nhóm, một tổ chức nhưng ý kiến lại khác nhau, có khi trái ngược nhau.

 

          2. Đồng sàng dị mộng nơi vợ chồng.

 

          Trong đời sống vợ chồng, thành ngữ này muốn nói : vợ chồng không có một mẫu số chung, không có đời sống mặn mà hạnh phúc, mỗi người nhìn đi một hướng trái ngược nhau.

 

          Khi lập gia đình, ai cũng muốn cho mình có một mái ấm, một gia đình hạnh phúc. Đây là mục tiêu mà mọi người cần đạt tới.  Nhưng có những người thành công, có những người thất bại vì “Hôn nhân là con đường đưa ta tới thiên đàng hay dẫn ta tới địa ngục” (Honoré de Balzac).

 

          Không ai còn xa lạ với câu ca dao rất quen thuộc, nhiều khi đã học thuộc lòng, nhưng mấy khi thực hiện được ý nghĩa của nó :

 

                                       Yêu nhau vạn sự chẳng nề

                                  Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.

 

          Đó là kinh nghiệm phổ biến của dân gian và cũng là kinh nghiệm rất thực của tất cả những ai đã yêu và đang yêu.  Quả vậy, tình yêu trong hôn nhân sẽ có khả năng kết hợp hài hòa hai người nam – nữ lại với nhau, thành một cặp vợ chồng “tâm đầu ý hợp”.  Tình yêu ấy cũng có phép mầu giúp hai người vượt qua những khác biệt của nhau, nhờ đó họ sẵn sàng chia vui sẻ buồn, sẵn sàng đồng cam cộng khổ trong suốt cuộc hành trình “đồng hội đồng thuyền” duyên kiếp này.

 

          Nhưng kinh nghiệm cho hay, qua cuộc sống hằng ngày, không phải mọi gia đình đều tới đích, tới hạnh phúc mình mong muốn. Thực tế chứng minh rằng  cuộc đồng hành của đôi bạn không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió cả đâu.

 

          Đến một lúc nào đó, sóng gió sẽ ào đến, bão tố sẽ ụp xuống đe dọa niềm hạnh phúc và sự bền vững “con thuyền lứa đôi”.  Sức mạnh như gió bão, như sóng ngầm của những mối bất hòa bất đồng, những mâu thuẫn trái ý, những xung khắc xung đột – chủ yếu nảy sinh từ  những khác biệt giữa hai người – sẽ có nguy cơ làm tiêu tan sự nghiệp “hai-nên-một của đôi bạn. Tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” sẽ xẩy ra như cơm bữa, và hiện tượng “ông nói gà, bà nói vịt” sẽ diễn ra thường xuyên đến nỗi, những người ở trong cuộc  sẽ phải ngao ngán mà than thở rằng :”Ôi, tình chỉ đẹp khi còn dang dở…”.

 

          Qua những sự khác biệt về tính tình, qua những va chạm và mối bất hòa thường ngày, nhiều gia đình không còn là mái âm nữa khiến người ta có cảm tưởng đấy là bãi tha ma hoang vắng.  Sống trong cảnh bi đát đó, một bà vợ đã tâm sự :

 

          “Hiện giờ cuộc sống của gia đình tôi thật tẻ nhạt, nặng nề. Việc suy nghĩ riêng tư, san sẻ, chia sẻ với với nhau trong khó khăn cũng hiếm hoi. Bây giờ vợ chồng tôi đang trong cảnh “đồng sàng dị mộng”.

 

          … Thời gian gần đây, không khí gia đình nặng nề, cả hai không nói chuyện, chia sẻ với nhau mà có lẽ không có gì để nói. Đi làm về ai nấy lẳng lặng làm việc nhà, ngồi vào ăn cơm hỏi nhiều nhất là : Hồi sáng con nhỏ đi có khóc không ? Sáng nay anh mùa đồ ăn gì cho con lớn ? Chiều nay anh đến đón con cho em, em bận.  Tối đến chơi với con rồi mạnh ai nấy ngủ, sáng dậy nhiệm vụ ai nấy làm, đưa các con đi học.

 

          Không biết anh ấy nghĩ gì nhưng với tôi gần đây áp lực công việc quá nặng nề, nhiều điều khiến tôi quá thất vọng, mất hết niềm tin trong công việc. Cảm giác chán nản, không có người chia sẻ. Không muốn nói với anh vì nghĩ cho cùng  có nói ra anh không bao giờ xoa dịu và đùn đẩy cho người khác là hết trách nhiệm.  Đôi lúc tôi thấy thoải mái nhưng nghĩ cho cùng đây không phải là một gia đình,  đây không phải là hai người mà thế gian gọi là vợ chồng…”  Thật là bi đát !!!

 

          3. Giải tỏa cảnh Đồng sàng dị mộng

 

          Những ai đã và đang trải qua đời sống hôn nhân gia đình đều ước mơ được sống trong cảnh :”Đôi chim trong một tổ ấm. Đôi con tim trong một lồng ngực. Hai tâm hồn trong một liên minh  bền vững làm bằng yêu thương và cầu nguyện, sẽ càng bền chặt, ngày càng đầy phúc” (Dora Greenwell).

 

          “Một liên minh bền vững càng bền chặt” sẽ là điều chắc thực nếu trong cuộc sống hôn nhân gia đình, người ta biết sống “hòa” với nhau. Đó là dấu chỉ và biểu hiện một tình yêu trung thực, trong sáng và sâu sắc nhất.  Văn hào J.J. Rousseau đã nói một cách ngắn gọn và đầy đủ ý nghĩa như sau :”Định nghĩa tiếng “YÊU” thật là giản dị. Nó là sự hòa hợp giữa hai tâm hồn trai và gái”.

 

          Các chuyên viên tư vấn về tình yêu – hôn nhân – gia đình, khi đưa ra những lời khuyên  cho vấn đề hôn nhân bền vững đã thường nêu một nguyên tắc ưu tiên hàng đầu, đó là “Hãy tôn trọng sự khác biệt giữa hai vợ chồng”.  Bởi theo họ, vợ chồng thường không chỉ khác biệt về tuổi tác, trình độ học vấn, sức khỏe,  kiến thức, kỹ năng… mà còn chênh lệch và khác biệt nhau về những phương diện sâu xa và tế nhị khác thuộc lãnh vực tinh thần, tâm hồn, tâm lý, lòng đạo đức… Vì thế, trong quá trình chung sống với nhau, nếu muốn được hạnh phúc lâu dài, bền vững, họ cần tìm được tiếng nói chung để sống hòa hợp, để chấp nhận những khác biệt, để tôn trọng cái riêng tư độc đáo của nhau.

 

          Ta hãy nghe D. Wahrheit tác giả cuốn “Cẩm nang hạnh phúc gia đình Kitô”, phân tích và nhận định như sau :”Đời sống hôn nhân là khởi đầu của một cuộc khám phá. Yêu nhau, nên một với nhau, không có nghĩa là xóa bỏ mọi khác biệt, cũng không có nghĩa là bắt người khác phải nên giống mình.  Sự hòa hợp chỉ có khi hai bên biết tôn trọng những khác biệt của nhau. Mãi mãi người phối ngẫu vẫn là một huyền nhiệm để chiêm ngưỡng” (x. D. Wahrheit, sđd, tr 13).

 

          Có một điều đặc biệt khá quan trọng mà các đôi vợ chồng chúng ta nên quan tâm, đó là muốn nên một trong đời sống hôn nhân gia đình, chúng ta cần có một tấm lòng thật “bao dung” . Ai cũng biết rằng lòng bao dung (tolérence) khác với lòng khoan dung (indulgence).

 

          Bao dung là tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, sự đa dạng giữa người với người trong đủ mọi chiều kích. Trong khi đó, khoan dung là dễ dàng chấp nhận và tha thứ những lỗi lầm hay khiếm khuyết của người khác. Trên thực tế, có người từng khoan dung, nhưng chưa hề bao dung. Họ có thể tha thứ, thông cảm với những sai lỗi của người khác, nhưng không chấp nhận người khác suy nghĩ, hành động khác mình.

 

          Với nhận thức “Bao dung là chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, đa dạng của con người” thì vợ chồng sẽ dễ xích lại với nhau, dễ dàng bổ túc cho nhau, dễ dàng giúp đỡ nương tựa nhau, dễ dàng cần đến nhau, nhờ đó họ kiện toàn sự hiệp nhất yêu thương nhau. Một danh nhân đã nói :”Yêu ai là yêu trọn vẹn con người đó y nguyên như trong thực tế, chứ không phải như trong ước muốn của ta” (Léon Tolstoi).

 

          Qua những tư tưởng trình bầy ở trên,  chúng ta tán thành ý kiến của tác giả D. Wahrheit :”Hôn nhân là một công trình xây dựng của hai vợ chồng. Hai tâm lý khác nhau, hai lối suy nghĩ khác nhau, hai sở thích khác nhau… Đó là kho tàng quí giá nhất của đôi vợ chổng.  Sự khác biệt đó không phải là hố ngăn cách hai người mà trái lại, bổ túc cho nhau làm cho nhau nên phong phú hơn” (x. D.Wahrheit, sđd tr 33).

 

III. GIẢI PHÁP CHO ĐỒNG SÀNG DỊ MỘNG

 

          Trong kinh nguyện thường ngày, chúng ta vẫn cầu xin cho mọi người trong gia đình “sống hòa thuận : trên thuận dưới hòa, con cái thảo hiếu, vợ chồng thương yêu nhau…”. Sự hòa thuận là điều mong ước của mọi người trong gia đình để được sống hạnh phúc và an bình.

 

          Trong tương quan vợ chồng, ước mong ấy lại càng tha thiết và mạnh mẽ hơn. Bởi vì,  vợ chồng một khi “như đũa có đôi”, thì mối quan hệ thuận hòa luôn là một yêu cầu không thể coi nhẹ được. Nó vừa thể hiện tình yêu chân thực lại vừa đem đến hương vị ngọt ngào trong đời sống lứa đôi.

 

          Ai cũng biết rằng sự bất hòa thường xuyên trong đời sống vợ chồng chẳng những đe dọa sự hiệp thông, hiệp nhất mà còn có thể dẫn đến hậu quả tai hại, đó là việc ly hôn ly dị. Vậy để giữ bầu khí sống chung êm ấm không xích mích mâu thuẫn, vợ chồng nên phấn đấu từ bỏ ý riêng, loại trừ tính ích kỷ nhỏ nhen, sự cứng cỏi ngoan cố, lòng đam mê hiếu thắng, thói tự cao tự đại… Khi có cuộc sống hòa thuận lâu dài với nhau, họ sẽ hiểu rằng :”Thuận vợ thuận chồng, tát bể  Đông cũng cạn” (Tuc ngữ).

 

          Hơn nữa, đôi bạn Kitô hữu còn có một phương thế sâu xa hơn, hiệu quả hơn trong việc sống kinh nghiệm hòa giải. ĐGH Gioan Phalô II đã nhắc nhở :”Mỗi gia đình đều luôn luôn được Thiên Chúa  Chủ Tể của sự bình an, mời gọi sống kinh nghệm tươi sáng phấn khởi của việc hòa giải, trong việc tái lập sự hiệp thông, tìm lại sự hiệp nhất. Cách riêng việc tham dự vào bí tích giao hòa và bàn tiệc Mình Thánh Chúa Kitô sẽ đem lại cho gia đình Kitô hữu ơn sủng cần thiết và tinh thần trách nhiệm tương xứng để thắng vượt tất cả mọi chia rẽ và bước tới sự hiệp thông đích thực và trọn vẹn mà Thiên Chúa muốn, và như thế là đáp lại nỗi ước mong nồng nàn của Chúa là “xin cho tất cả được nên một” (x. Familiaris consortio, số 21).

 

                                      Truyện : Bài học từ con ngọc trai

 

          Bạn có biết con ngọc trai không ?  Ngọc trai đã phải chịu đựng đau đớn biết bao nhiêu khi có hạt cát rơi vào.  Nhưng rồi mặc cho nỗi đau dầy vò, ngọc trai vẫn can trường bọc lấy những hạt cát để từng ngày tạo nên những viên ngọc đẹp tuyệt vời.

          Ngọc trai là loại động vật có hai mảnh vỏ. Một đôi vợ chồng cũng như con ngọc trai vậy. Người vợ và người chồng như hai mảnh vỏ ngọc trai gắn kết với nhau để rồi một ngày tạo ra viên ngọc trai quý.

          Khi có vật lạ rơi vào bên trong, nếu hai mảnh vỏ trai chỉ làm điều đơn giản là đẩy nó ra bên ngoài, hoặc tách rời nhau và không phối hợp với nhau sẽ không bao giờ có những viên ngọc trai quí báu.

          Đầu tiên, chúng ta phải biết chấp nhận những điều khó chịu như những hạt cát, và rồi tận dụng những hạt cát đó để tạo ra một cái gì đó tuyệt vời hơn.

          Cuộc sống hôn nhân cũng thế.

                   (Cf  Như Nguyễn – Tuần báo Tuổi trẻ Chủ nhật, số 39, 2002)

 

          Để kết thúc, một lần nữa, chúng ta hãy nghe lời khuyến dụ của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II để giảm bớt cảnh đồng sàng dị mộng :Chỉ có một tinh thần hy sinh cao cả mới giúp giữ gìn được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người  và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau, và hòa giải với nhau. Không có gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy : chính từ đó mà phát xuất muôn vàn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình” (Familiaris consortio, số 21).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Gợi Ý Giảng Lễ Hôn Phối