TRIẾT LÝ CÁI NỒI

+++

 

         Người dân quê Việt nam chúng ta ngày xưa đã nêu lên ba cái khó khăn trong cuộc sống mà nhiều người không thể vượt nổi, khiến họ phải băn khoăn, lo lắng :

 

                                    Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà

                                 Trong ba việc ấy thật là khó thay !

 

         Lấy vợ là một thử thách trong ba cái khó phải vượt qua, không những đứng về phương diện vật chất, nhà nghèo không có tiền để cưới vợ, lại còn khó khăn về tâm lý với tiêu chuẩn người ta đưa ra :”Nồi nào vung ấy”.  Chúng ta hãy bàn đến mối tương quan giữa cái vung và cái nồi.

 

I. TẢN MẠN VỀ CÁI NỒI

 

         1. Một dụng cụ cần thiết trong bếp

 

         Nông thôn cũng như thành thị Việt nam, nhà nào cũng phải có bếp để chuẩn bị cho bữa ăn thịnh soạn cũng như đạm bạc.  Cái nồi cũng là một dụng cụ cần thiết cho bữa ăn, vì cơm là món ăn chính, và cũng là một dụng cụ quan trọng nhất, không có không được, và nó cũng chiếm một vị trí quan trọng nhất trong bữa ăn , như người ta nói :        “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.

 

         2. Các loại nồi

 

         Trong xã hội nước ta ngày xưa chỉ có hai loại nồi : nồi đồng và nồi đất. Người nông dân nghèo thường dùng nồi đất, nghĩa là cái nồi làm bằng đất nung, chỉ có những nhà khá giả mới có nồi đồng… Nồi đất thì lâu sôi hơn nồi đồng nhưng nóng lâu hơn :”Nồi đồng sôi, nồi đất cũng sôi”.

 

         Nồi đất  thì kích thước tương đối nhỏ, còn nồi đồng thì có nhiều cỡ,  tùy theo số người ăn :”Nồi bảy quăng ra, nồi ba quăng vào”.   Nồi đồng cỡ lớn nhất là nồi ba mươi (dùng cho 30 người ăn).  Ngày Tết người ta thường dùng nồi này để nấu bánh chưng.

 

         Sau này người ta có loại nồi nhôm nhẹ hơn nhưng không bền bằng nồi đồng. Ngày nay văn minh hơn,  người ta thường dùng nồi nhôm điện, đủ loại, đủ kích cỡ.

 

         3. Công dụng của cái nồi

 

         Công dụng của cái nồi thì đa dạng. Chúng ta hãy nghe anh Nguyễn Khang nói về công dụng của nó : “Những lần đi trại Hướng đạo trên Đà Lạt, cả toán Băng Ngàn của chúng tôi chỉ dùng có mỗi một cái nồi. Để nấu đủ thứ. Ít là ba món : canh, thịt kho, và dĩ nhiên là có cơm.

 

         Chúng tôi kho thịt trước rồi múc thịt ra đĩa.  Sau đó nấu canh. Múc canh ra cái ga-men (gamelle), tráng sơ sài cái nồi, rồi nấu cơm.  Bữa nào đói bụng, hầu như việc rửa chén sẽ rất nhẹ nhàng vì chúng tôi nhai đến miếng cháy cuối cùng, và vét đến hạt cơm cuối cùng của miếng cháy.  Thỉnh thoảng ban tối còn nấu một nồi chè để nhâm nhi sau khi lửa trại.  Kể ra bốn món mà chỉ có một cái nồi” !

 

         Có người kể  đối với cái nồi làm vật kỷ niệm : trong cuộc sống vô cùng khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, cái nồi nhôm đóng vai trò chủ lực trong bếp với biết bao “nhiệm vụ”. Nó “kiêm nhiệm” nhiều chức năng, khi làm “ấm” nấu nước, dùng khuấy bột, nấu cơm, nấu canh, kho cá…

 

         Trong dịp Tết Trung thu, các con nhà nghèo không có trống để múa lân thì dùng tạm cái nối thay cái trống vậy, âm thanh phát ra vang dội cũng làm cho cuộc rước vui đáo để.

 

         4. Cái nồi và cái vung

 

         Đã có nồi thì phải có vung, hai cái phải đi đôi với nhau, nồi đất thì vung bằng đất, nồi đồng thì vung cũng bằng đồng, mục đích làm cho nồi chóng sôi và tránh bụi bặm khỏi rơi vào nồi.  Nồi đất thì càng cần phải có vung khi nồi cơm bị vùi dưới lớp tro nóng (theo kiểu nấu cơm bằng rơm ở ngoài Bắc).  Như vậy chúng ta có thể nói : Vung nồi lúc nào cũng có đôi.

 

II. NỒI NÀO VUNG ẤY

 

         Việt nam có một câu tục ngữ rất gợi hình và mang một ý nghĩa sâu sắc khi áp dụng vào đời sống tâm lý và đời sống gia đình : “Nồi nào vung ấy”.

 

         1. Giải thích câu tục ngữ

 

         Có người giải thích câu tục ngữ “nồi nào vung ấy” là nồi nào vung ấy đậy mới vừa nhau, nếu nồi này mà vung nọ thì không hợp.  Người ta muốn mượn câu này để nói rằng người chồng thế nào thì lại có người vợ hợp tính như thế.

 

         Có người giải thích : thứ nào, loại nào thì lại phù hợp, thích ứng với cùng thứ ấy, loại ấy. Người đàn ông thế nào thì lại có người đàn bà như thế phù hợp, vợ chồng tương xứng mọi mặt.

 

         Nói cách khác, dù thế nào người ta vẫn có thể tìm được người chồng hay người vợ phù hợp với người ta.

 

         2. Trong đời sống tâm lý

 

         Trong đời sống xã hội, những người có đức tính hay tính tình tương hợp nhau thường tìm đến với nhau làm điều tốt hay xấu. Dân tộc nào cũng có những câu ca dao tục ngữ nói lên tính cách ấy.

 

         Trong Dịch kinh có câu :”Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

         “Đồng thanh tương ứng” có nghĩa là đồng tiếng thì ứng nhau : vật cùng thứ tiếng thì ứng nhau, như một con gà gáy, thì bầy gà đều gáy lại, ví như những người đồng một tư tưởng, một hiếu thượng thì lại tìm nhau.

 

         Cả câu tục ngữ “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” có nghĩa là  những vật cùng một thứ tiếng thì ứng nhau; những vật cùng một khí loại thì tìm nhau, ví dụ nam châm thì hút sắt.

 

         Cùng một tư tưởng ấy, chúng ta có một câu khác : “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” : trâu tìm đến với trâu, ngựa tìm đến với ngựa.

 

         Tục ngữ Việt nam thì có câu :”Nồi nào vung ấy”.  Nói đến cái nồi và cái vung thì ai cũng biết vì bữa cơm nào mà không có nồi cơm, cũng như nồi nào mà không có vung đậy.  Vung và nồi phải xứng hợp nhau :

 

                           “Nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo”

 

         Nếu không như  vậy thì người ta phải chế trách cái tính cách bất hợp xứng của sự việc :

                                   Nồi tròn thì úp vung tròn

                               Nồi tròn vung méo úp sao cho vừa

 

         3. Trong cuộc sống hôn nhân

 

         Trước khi bước vào đời sông hôn nhân, anh chị rất băn khoăn  trong việc chọn lựa cho mình một người bạn đời tương xứng. Trong việc quan trọng này, anh chị phải học hỏi, tìm hiểu và cần có sự hướng dẫn của những người có kinh nghiệm hơn trong cuộc sống gia đình.

 

         Người ta thường có quan niệm rằng :

                                    Nồi tròn thì úp vung tròn

                           Nồi méo vung méo cháu con được nhờ

 

         Và trong hoàn cảnh nào cũng đừng sợ, vẫn có cách làm cho tương xứng :

                                    Nồi tròn thì úp vung tròn

                           Nồi vênh đừng sợ, vẫn còn vung vênh.

 

         Với tư tưởng lạc quan đó, người ta vững tin tìm đến nhau để lập gia đình :

 

                                   Người xinh lại lấy người xinh

                           Bao nhiêu kẻ xấu rập rình lấy nhau.

 

         Trong việc kết hôn, hiểu biết là một chuyện, ví von về tình huống của người khác rất rành rọt là một chuyện, còn dùng cho mình  để có chọn lựa tương thích lại là một chuyện hoàn toàn khác.

 

         Chúng ta thường trưng dẫn ra câu của Tôn Tử trong nghệ thuật chiến tranh :

 

                           Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng

                           Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng.

 

         Nếu biến hóa một chút câu nói trên, ta có câu ví von khác gợi hình hơn :

 

                           Biết nồi biết vung, trăm lần đậy trăm lần khít.

 

         Nếu ví bản thân mình là vung, thì biết mình tức là biết mình đang có “hình dạng” thế nào, “chất liệu” ra sao, chịu được “va đập” cỡ nào… Và hơn hết, là biết “vung” mình phải phù hợp với những loại nồi nào.

 

         Và biết người, tức là biết nồi, tức là phải biết ngoài kia có những “nồi”  nào… mình có phải là “vung” phù hợp với thiết kế, tính năng, ứng dụng của cái nồi đó không… Tức là, nếp “đậy” cái “vung” mình vào thì cái “nồi” đó nó có thực hiện được cái việc chính của nó không…

 

         Nếu vung to mà đậy vào nồi nhỏ thì trước sau gì cũng bị ám khói…

         Nếu vung tròn mà úp lên cái nồi không tròn hoặc ngược lại thì sẽ đậy không kín…

         Nếu là nồi áp suất mà vung không phù hợp, trong quá trình “nấu” vung có thể bị bể, bị thổi bay. 

         Nếu là vung thủy tinh cao cấp mà đi úp vào nồi nấu cám heo thì quá lãng phí.

 

         Dĩ nhiên, muốn biết thì phải học. Học từ đâu ? Từ sách vở, từ người khác và từ chính trải nghiệm của mình.  Và trong tiến trình “biến” của người thành của mình, tức là quá trình “tập bơi” thì phải “nhảy xuống biển” – như thế tất nhiên là có rủi ro, có trả giá.  Nhưng đó là sự đầu tư “cần và đủ” để cải thiện được “chất” của mình.

 

         Nếu ta kiếm được cái “nồi” để cái “vung” của ta vừa khít, hợp thành một cặp tối ưu thì đó quả là sự may mắn. Còn thông thường, ta phải thay đổi, tức là ta phải nắn, rèn, ép… lại cho phù hợp “hình dạng”, thậm chí phải cho vào nồi luyện lại… Nếu muốn thành một cái “vung” được “nồi” tìm kiếm.

 

          Nếu ta là “vung” thì đừng đòi, đừng đợi cái “nồi” nó thay đổi. Không có chuyện đó đâu, đó thực sự là ảo tưởng, là mơ mộng hão huyền… Mình chỉ có thể thay đổi được bản thân mình, chứ không thể thay đổi được người khác. Hãy tỉnh táo khi mình đòi hỏi.

 

III. TƯƠNG HỢP GIỮA VUNG VÀ NỒI

 

         1. Thời kỳ của mầu hồng tươi thắm

 

         Trong thời gian tìm hiểu, đôi trai tài gái sắc có những cái nhìn rất lạc quan về nhau, tìm ra những ưu khuyết điểm của nhau, quên đi tất cã những khuyết điểm, những thiếu sót, những khó khăn để tiến tới hôn nhân.

 

         Hai người đã tìm ra được giải đáp những thắc mắc trong cuộc tìm kiếm.  Họ an tâm với sự lựa chọn theo tiêu chuẩn “nồi nào vung ấy”. Họ tin tưởng rằng cuộc đời tương lai của họ sẽ thành công tốt đẹp với tình yêu nồng nàn và nỗ lực xây dựng của họ. Họ sẽ xây dựng được mái ấm gia đình tuy đơn sơ nhưng ấm cúng :

 

                                    Em về cắt rạ đánh tranh

                                   Chặt tre chẻ lạt cho anh lợp nhà.

                                   Sớm khuya hòa hợp đôi ta,

                                   Hơn ai gác tía lầu hoa một mình

 

         2. Thời kỳ của sắc mầu đa dạng

 

         Người ta nói :”Ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Vợ chồng sống với nhau một thời gian mới biết rõ tính tình của nhau, tốt cũng như xấu.. Bởi vì con người bá nhân bá tính, không ai giống ai. Những khác biệt tâm lý giữa nam và nữ (với 5 định luật tâm lý), khác biết về giáo dục, tôn giáo, ngôn ngử, tập quán, tục lệ, sở thích… làm cho người ta dễ bị va chạm gây ra những mối bất hòa bùng nổ hay ngấm ngầm. Những bất hoà ngấm ngầm xem ra là chuyện nhỏ nhưng có thể trở nên những đợt sóng ngầm làm tan vỡ gia đình.

 

         Qua những va chạm hằng ngày, vợ chồng mới nhìn thấy vung và nồi không còn tròn trịa như trước nữa mà đã trở nên méo mó, không còn được như xưa nữa, và lúc đó họ mới giật mình than :

                           Nồi tròn vung méo úp sao cho vừa.

 

         Thuở ban đầu người ta đeo kính mầu hồng, xem gì cũng đẹp tốt, nhưng đến giai đoạn này kính không con mầu hồng nữa mà đã ra mầu trắng, người ta thấy rõ con người của nhau với bao nhiêu  khuyết điểm. Và từ đây họ mong ước được đeo kính “mầu xanh hy vọng” để làm giảm bớt những căng thẳng trong cuộc sống :

 

                           E ấp thuở ban đầu kính hồng tươi rực rỡ

                           Tháng năm trôi kính dần hóa không mầu.

                           Tình mãi đẹp nếu đôi ta cùng biết

                           Chung cặp kính mầu xanh… thông cảm ngắm trông nhau.

 

         3. Thời của mầu xanh hy vong

 

         Qua những thăng trầm trong cuộc sống lứa đôi, họ sẽ cố gắng xây dựng một kiểu gia đình lý tưởng. Giữa vợ chồng có những qui tắc bình đẳng, cùng quyết định mọi vấn đề, đối xử dân chủ như hai người bạn.

 

         Họ mong được ngang sức, ngang tài, ngang tuổi, có thể hỗ trợ giúp đỡ nhau cả trong mọi công việc của đời sống hằng ngày. Vợ chồng dạng này cũng hay tranh luận, song sau đó hiểu và thương nhau hơn.

 

         Trong cuộc sống hằng ngày, cái vung cái nồi tròn méo là rất khó sữa chữa, nhưng trong đời sống vợ chồng những sự khác biệt  về tròn méo có thể sửa chữa được. Muốn được như vậy, chúng ta phải đặt ra vấn đề hòa hợp vợ chồng. Đây là chìa khóa thành công trong đời sống vợ chồng, không có không được.

 

         Vậy “Hòa Hợp” là gì ?

         Theo tự điển Đào Duy Anh thì Hòa Hợp là cùng hòa thuận không cạnh tranh xung đột.

         Hay chúng ta có thể nói : hòa hợp là biến các yếu tố khác biệt thành một cái gì dung hợp nhau, không còn sự dị biệt đối kháng.

 

         Ta có thể đưa ra một ví dụ cụ thể : trong một ly nước chanh đường, ta có chanh chua đường ngọt.  Theo nguyên tắc thì chua và ngọt là hai chất đối kháng nhau, nhưng nếu cho cả hai chất hòa hợp với nhau trong nước thì lại là một ly nước chanh đường ngon miệng, bổ dưỡng và giải khát.

 

         Muốn có hạnh phúc gia đình, vợ chồng phải cố gắng sống hòa hợp và hòa thuận với nhau, thiếu yếu tố đó, gia đình không thể sống hạnh phúc được như người ta nói :

 

                                    Vợ chồng là nghĩa tào khang

                           Chồng Hòa vợ Thuận nhà thường yên vui.

 

         Đến đây ta có thể đặt ra câu hỏi : “Hạnh phúc hệ tại luôn được thỏa mãn hay là cố gắng làm thỏa mãn người” ? 

 

         Trong cuốn “Nước mắt và hạnh phúc”, linh mục Nguyễn Tầm Thường có nói : “Cuộc sống chỉ là tương đối. Tôi không thể làm người bạn đời trọn vẹn hạnh phúc. Người bạn đời cũng chẳng thể  cho tôi mọi ước mơ. Vì cả hai đều yếu đuối và mắc nhiều lầm lỗi, cả hai không là thiên thần mà là người. Là người nên tôi không thể làm thỏa mãn người được. Không làm thỏa mãn người được cũng có nghĩa là  người cũng chẳng thể làm thỏa mãn được tôi.

         Như thế, hạnh phúc là cùng nhau lắng nghe tiếng hót của con chim họa mi. Cùng chịu giá lạnh của mưa.  Chịu khổ của bão. Hạnh phúc trong hôn nhân là cùng nhau góp một ước mơ. Cùng nhau gánh nỗi đau của đời.

         Cái chua của chanh, cái ngọt của đường làm nên ly nước chanh chứ không riêng có đường, không hẳn chỉ là chanh” (Nguyễn Tầm Thường, Nước mắt và hạnh phúc, tr 26).

 

         Dẫu thế nào chăng nữa, hạnh phúc gia đình chỉ có thể có được khi vợ chồng biết thương yêu nhau vì tình yêu có thể hóa giải được tất cả những dị biệt.

 

         Ca dao Việt nam có câu :

 

                                   Yêu nhau quả ấu cũng tròn

                                   Ghét nhau quả bồ hòn cũng méo.

 

         Quả ấu có nhiều trong các ao hồ ngoài Bắc. Quả ấu hình dạng tương tự cái đầu trâu với cặp sừng cong cong nhọn, sần sùi xấu xí, chẳng có nét nào tròn trịa cả.  Không thể nào thấy củ ấu dị dạng kia tròn được. Ngược với toán học trăm phần trăm. Chỉ có tình yêu mới làm được phép lạ ấy mà thôi.

 

         Để tạo lập được sự hòa hợp gia đình để đưa đến hạnh phúc, chúng ta hãy suy niệm một đoạn của bức thư thánh Phaolô tông đồ gửi cho tín hữu Côlôssê :

 

Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có đdiều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em hãy tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 12-14).

 

                  Ngàn đời trước đến hôm nay

                  Một lòng chung thủy tới ngày…“đi xa”.

                  Từ mười sáu tới tuổi già

                  Vung trên nồi dưới tình ta trọn đời.

 

                                                                               

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

        

 

        

 

 

 

        


Gợi Ý Giảng Lễ Hôn Phối