HŨ DƯA CHUỘT MUỐI
+++
I.
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Khi
ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ :”Đây là huấn lệnh của Thầy : các con hãy yêu
mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con; Không ai có tình yêu nào lớn hơn tình
yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu
của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền.
Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết
việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết
nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết.
Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn
các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các
con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Ngài sẽ ban cho các
con” (Ga 15,12-16). Đó là Lời Chúa.
Sau khi đã chỉ vẽ cho các môn đệ con
đường mến Chúa yêu người là tuân giữ các điều răn của Chúa, Đức Giêsu đã áp dụng
vào luật yêu người :”Anh em hãy yêu
thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Tình yêu thương của Đức Giêsu đối với
loài người được biểu lộ qua cái chết của Người (Ga 13,1) và đó là nền tảng cho
tình yêu giữa các môn đệ , các Kitô hữu với nhau.
Khi nói tới “Yêu thương”, Tình gia
đình”, Huynh đệ”, Chia sẻ”, “Hiệp thông”... chúng ta thấy người ta nói đến quá
nhiều và nhiều khi nó chỉ là sáo ngữ, rỗng tuếch, ngôn hành tương phản.
Yêu thương, nếu chỉ là một cảm giác dễ
chịu thì chưa phải là tình yêu thật. Tình yêu thật là phải cho đi, phải hy
sinh, phải dâng hiến. Càng cho đi nhiều, hy sinh càng lớn thì tình yêu càng
đúng nghĩa. Bởi thế, Đức Giêsu nói :”Không
có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng mình vì bạn hữu” (Ga
15,13).
Nói đến đây, tôi sực nhớ đên câu truyện
“Anh phải sống” của nhà văn Khái Hưng và Nhất Linh mà tôi đã đọc từ lâu. Câu
truyện đó đại khái như sau : Hai vợ chồng nghèo đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trời giông bão, họ bị nước cuốn trôi.
Chỉ có một khúc cây đủ sức cho một người bám. Người chồng bảo vợ hãy bám vào
khúc cây vì “em phải sống để lo cho các con”. Người vợ cũng bảo chồng :”Anh phải
sống”. Cuối cùng người vợ buông tay , tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường lại
sự sống cho chồng và các con.
II.
MỘT TÌNH YÊU BIẾT CHO ĐI
Trong đời sống vợ chồng, rất họa hiếm mới
có trường hợp vợ chồng phải hy sinh mạng sống cho nhau. Chết thay cho nhau là
trường hợp hy hữu và vô cùng lý tưởng. Nhưng thay vào đó vợ chồng có thể chết
cho nhau khi vợ chồng từ bỏ ý riêng của mình để làm đẹp lòng nhau, để làm cho
nhau được hạnh phúc. Việc này ai cũng có
thể làm được, nhưng nó đòi hỏi phải hy sinh rất nhiều.
Nói đến đây tôi liên tưởng đến câu
chuyện “Hũ dưa chuột muối” mà nó minh họa cho chúng ta những điều đã
bàn ở trên.
Có hai ông bà sống rất hòa thuận, có cả
một vườn dưa chuột Ông cụ thì thương xuyên săn sóc vườn dưa, cò bà thì thường
làm dưa chuột muối. Mỗi mùa đông, ông cụ lại nghiên cứu các bản danh sách giới
thiệu hạt giống để đặt mua loại tốt nhất.
Cả gia đình vui vẻ. Ông thì xới đất,
trồng và săn sóc dưa chuột. Còn bà cụ
thì rất thích làm món dưa chuột muối. Thậm chí, bà cũng thường xuyên đọc sách dạy
nấu ăn để xem những cách hay làm dưa chuột
muối.
Ai cũng nói đó quả là một gia đình hạnh
phúc, và vị khách nào đến nhà chơi cũng được tặng một hũ dưa chuột muối “đặc sản”
mang về. Dần dần, những người con lập
gia đình và chuyển đi. Nhưng họ vẫn liên tục được bố mẹ gửi cho những hộp dưa
chuột muối. Nhưng cuối cùng thì ông cụ mất.
Mùa xuân năm sau, tất cả con cái về thăm mẹ và bảo :
Chúng
con biết mẹ rất thích làm dưa chuột muối, nên chúng con sẽ đặt mua giống, sẽ trồng
và chăm sóc dưa chuột cho mẹ.
Người mẹ mỉm cười :
-
Cám ơn các con, nhưng các con
không cần trồng dưa đâu, vì mẹ thật sự không thích làm dưa chuột muối. Mẹ chỉ
hay làm món đó vì bố con thích trồng dưa chuột mà thôi.
Tất cả
những người con đều rất ngạc nhiên, chỉ có người con út có vẻ buồn. Bởi vì Bố
anh thưởng kể với anh rằng ông không hề thích trồng dưa chuột, nhưng vì mẹ anh
thích làm dưa chuột muối nên ông trồng dưa để làm bà vui lòng mà thôi (Theo
Haley/Ngôi sao).
Đây là câu chuyện rất cảm động và rất
hay, nó nói lên tình yêu vợ chồng thật thắm thiết, vô vị lợi. Họ dám hy sinh sở
thích riêng của mình để làm theo sở thích của người yêu. Chúng ta có thể nói được họ không chết cho
nhau về thể xác nhưng đã chết cho nhau về tình thần nghĩa là họ đã dám hy sinh
ý riêng của mình để làm theo ý của người
yêu.
III.
MỘT VÀI SUY TƯ
1. Tinh thần quảng đại
Trong tông huấn Niềm Vui Tình Yêu số
101-102, Đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục
kêu gọi các gia đình hãy sống đức tính thứ sáu mà thánh Phaolô đã đề nghị là “sống quảng đại, không tìm tư lợi”.
Theo Ngài, sống quảng đại, không tìm
tư lợi là gì ?
a) Trước hết, người sống quảng đại là
người chỉ tìm lợi ích cho người khác. Thật vậy, trong bài ca Đức ái, thánh
Phaolô quả quyết rằng yêu thương thì “không
tìm tư lợi” (1Cr 13,5). Như thế, sống quảng đại là không tìm kiếm điều thuộc
về mình. Ngài đã giải thích cách sống quảng
đại như sau :”Mỗi người đương tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm hạnh phúc
cho người khác” (Pl 2,4).
b) Thứ hai, người sống quảng đại là
người muôn yêu thương hơn là được yêu thương.Thánh Tôma Aquinô nói rằng :”Đức
ái hệ tại ở ước muốn yêu thương hơn là muốn được yêu thương” (x, NVTY
102). Ngài đưa ra hình ảnh người mẹ để xác
quyết điều này như sau :”Những người mẹ
là những người yêu thương nhiều nhất, tìm cách để yêu hơn là để được yêu” (sđd
102).
c) Thứ ba, người quảng đại là người hiến
mạng sống mình cho người mình yêu. Chúa Giêsu đã nói như sau :”Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu
của người thí mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13). Đây là tột đỉnh
của cách sống quảng đại.
2. Tinh thần chìa sẻ
Theo triết học kinh viện, con người được
định nghìa là “con vật có lý tính” (homo est animal rationale). Trong thực tế,
con người không những chỉ có tâm tư nguyện vọng mà còn cả tình cảm nữa. Con người
muốn được chia sẻ cả tinh thần lẫn vật chất vì theo như Thomas Merton thì “không
ai là một hòn đảo”.
Trong tinh thần chia sẻ, con người cần
có sự gặp gỡ, đối thoại với nhau, trao đổi tâm tư và tình cảm của nhau. Vì người
ta thường nói rằng “niềm vui được chia sẻ thì tăng lên gấp bội, còn nỗi buồn mà
được chia sẻ thì giảm đi một nửa”.
Trong cuộc sống của hai ông bà trong
câu chuyện hôm nay, hình như it có sự chia sẻ, ít đối thoại chân tình nên không
hiểu tâm tư nguyện vọng của nhau. Nếu như hai ông bà, qua câu chuyện hằng ngày,
hiểu biết rõ sở thích của nhau thì có lẽ sẽ không có sự hiểu lầm đáng tiếc này
và làm cho cuộc sống dễ dàng và vui tươi hơn. Tuy đây là một sự hiểu lầm rất
thân thương.
Vì thế, muốn biến gia đình thành một tổ
ấm yêu đương, trên thuận sưới hòa thì cần có một tinh thần quảng đại và tinh thần
chia sẻ thành thực.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Giáo
xứ Kim Phát
Đà
Lạt