BẰNG LÒNG VỚI SỐ PHẬN
*********
I. LỜI CHÚA.
Con người của chúng ta chỉ là tạo vật, được
dựng nên bởi bùn đất, nhưng được Thiên Chúa nhận làm con. Đã là con thì phải
yêu mến và vâng lời cha với tình con thảo vì người cha luôn săn sóc con
cái. Do đó, con người có gì mà dám tự
hào với Thiên Chúa là Cha sinh thành của mình.
Sách Tin Mừng kể : có hai người lên đền thờ
cầu nguyện : người Biệt phái thì kể công với Chúa : không tham lam, bất chính,
ngoại tình... ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng cúng một phần mười thu nhập. Còn người thu thuế chỉ biết cúi đầu thương
xót mình là kẻ có tội (x. Lc 18, 10-14).
Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết hạ mình
trước mặt Chúa mà chỉ coi mình như người đầy tớ vô dụng đã làm những việc mình
phải làm thôi. Chúa trao cho ta những gì thì cứ việc làm cho đầy đủ như một
người giúp việc trung thành. Theo như Chúa nói thì người chủ không phải trả ơn
cho người ấy (x. Lc 17 – 10).
.
Thiên Chúa đặt chúng ta mỗi người vào một
hoàn cảnh. Có người sống độc thân, có người lập gia đình. Có người sống trong
nghề nghiệp này, có người sống trong môi trường kia. Tất cả là do Chúa sắp đặt
và mọi sự sắp đặt của Thiên Chúa đều có lợi cho ta. Hãy sống trong sự sắp đặt của Chúa và hãy cố hoàn thành bổn phận
của mình trong môi trường hiện tại, nếu thi hành đúng như thế thì sẽ được hạnh
phúc.
Nhưng theo khuynh hướng tự nhiên của con người chúng ta, không mấy ai hài
lòng với số phận mình, họ luôn băn khoăn khắc khoải về số phận mình, họ luôn ao
ước được như người khác. Trong khi đó nhiều người khác lại đang ao ước được
hưởng số phận của họ mà không được. Đúng là :”Được voi đòi tiên”. Như vậy cuộc
đời của họ không bao giờ đạt tới hạnh phúc..
Tuy là người đầy tớ vô dụng, nhưng người đầy
tớ đó cũng được hưởng niềm vui khi hoàn thành công việc đã được chủ giao cho.
Vui với nhiệm vụ của mình thì đó là hạnh phúc rồi. Hạnh phúc của mỗi người mỗi
khác, mức độ khác nhau nhưng ai cũng được hưởng hạnh phúc tràn đầy khi đã thi
hành trọn thánh ý Chúa ví như nước đổ vào các ly to nhỏ đủ cỡ, nhưng ly nào
cũng đầy, cũng chỉ có thể chứa được đến miệng thôi.
II. BẰNG LÒNG VỚI SỐ PHẬN MÌNH.
Con người ai cũng muốn vươn lên, vươn lên đến
đỉnh cao như tục ngữ Anh nói :”My place is in the top” : chỗ của tôi phải ở
trên chóp đỉnh. Con người phải vươn lên, vươn lên đến chỗ hoàn thiện, không thể
sống tầm thường, sống tà tà trên ngọn cỏ, cuộc sống mà triết gia Jean Paul
Sartre gọi là “cuộc sống đáng nôn mửa”.
Nhưng con người chúng ta lại không chú trọng
tới sự vươn lên của tinh thần mà chỉ
chú trọng tới vật chất nghĩa là phải làm cho mình có một đời sống sung túc. lắm
tiền nhiều của, muốn ngồi lên đầu lên cổ thiên hạ. Thực hiện được điều đó thật là khó, mà nếu không thực hiện được
thì lại tỏ ra bất mãn, hờn đời.
Tâm lý chung của con người là không hài lòng
với điều mình đang có mà còn ao ước những cái gì xa hơn ngoài tầm tay của
mình. Vì thế, nhà học giả Trung hoa,
ông Lâm ngữ Đường trong cuốn Sống đẹp có nói :”Thế giới ngày nay giống như một
quán cơm. Ai ăn món nào thì gọi món ấy. Nhưng ai cũng nghĩ rằng món của người
bên cạnh gọi thì ngon hơn món của mình”. Đúng là :
Xưa nay thế thái nhân tình,
Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay.
(Ca dao)
Truyện : Hãy
bằng lòng với nghề đục đá.
Có một người thợ đục đá luôn than thân trách
phận vì anh cảm thấy cuộc đời của một người thự đục đá như anh thật là buồn tẻ
và bất hạnh. Một ngày nọ, khi anh đang
đục đá, thì có một vị vua đi qua với đoàn tùy tùng rất sang trọng. Ông thưa với
Chúa :
- Lạy Chúa, xin cho con trở thành một vị vua
bởi con đã quá mệt mỏi với công việc đục đá này, con thích là một ông vua hơn
là một người thợ đục đá.
Lập tức, ông được trở thành một vị vua. Khi
đã lên ngôi, một lần vi hành thăm thần
dân, thấy trời nắng chói chang nóng nực quá, vua liền thưa với Chúa :
- Chúa ơi, con cảm thấy mặt trời còn quyền
thế hơn cả ông vua và con muốn làm mặt trời.
Lập tức, nhà vua được biến thành mặt trời.
Khi đã là mặt trời, ông cảm thấy rất vui vì ánh sáng từ mặt trời chiếu soi vạn
vật khắp mọi nơi. Một buổi sáng nọ, một
đám mây che khuất mặt trời. Ông mặt
trời bực bội va ønghĩ rằng có lẽ làm đám mây thì hay hơn, vì đám mây còn có thể
che khuất được mặt trời. Ông liền thưa
với Chúa :
- Chúa ơi, con muốn trở thành đám mây.
Và đột nhiên ông trở thành đám mây. Sau đó,
đám mây làm mưa và gây nên một trận lũ lụt.
Đám mây nghĩ : “Ta lấy làm hãnh diện và sung sướng khi làm thành một đám
mây, vì lúc này sức mạnh của ta thật vô song”.
Nhưng rồi ông nhận thấy một hòn đá lớn đã ngăn cản được dòng nuớc lũ và
lại năn nỉ với Chúa :
- Thưa Chúa, con cảm thấy tảng đá kia còn vĩ
đại hơn cả dòng thác lũ, vì thế nó đã cản được dòng nước lũ đang cuốn đi biết
bao vạn vật trên mặt đất này, rồi ông cũng được trở thành một tảng đá to như
ông mong ước.
Một ngày nọ, một người thợ đục đá đã đến đục
đẽo và chia cục đá của ông thành nhiều mảnh. Và ông lại xin Chúa cho mình trở
thành người thợ đục đá. Bây giờ, ông
thấy rất hạnh phúc vì làm một người thợ đục đá thì vĩ đại và quyền thế hơn mọi
sự. Thế là ông lại trở thành một người thợ đục đá như ban đầu.
(R. Veritas. Mạch nước trường sinh, tr 2257-258)
Theo nhận xét của ông Lâm ngữ Đường, con người
thời nay cũng như thời xưa, hay sống với thái dộ mà người ta gọi là “đứng núi
nọ trông núi kia hay đứng núi nọ đọ núi kia” nghĩa là thái độ không bằng lòng,
không an tâm với công việc, hoàn cảnh hoặc tình duyên hiện có mà mơ tưởng đến
cái khác tốt hơn (Vũ Dung, Thành ngữ,
tục ngữ Việt nam, tr 308).
Thái độ này rất tai hại vì nó luôn làm cho ta
cảm thấy bồn chồn, lo lắng, không bao giờ được bình an và cũng khó đón nhận
những thành công của người khác. Người có thái đdộ này sẽ luôn bị dằn vặt và
đau khổ vì những giới hạn của mình. Họ luôn tưởng tượng và ao ước những điều vô
thực. Và khi không đạt được thì họ bất
mãn với cuộc sống, trách cứ Thiên Chúa và anh chị em. Phàn nàn và bất an là căn
bệnh thường xuyên của những người sống trong tâm trạng đó.
Trong cuộc sống gia đình cũng thế, không mấy
người hài lòng về đời sống của mình. Họ luôn coi gia đình của người khác hạnh
phúc hơn. Nếu gia đình không có hạnh
phúc thì vợ chồng đổ lỗi cho nhau, không ai chịu trách nhiệm về mình, hay ít ra
chịu trách nhiệm chung như người ta thường nói :
Tại anh tại ả, tại cả hai bên.
Vì sống theo quan niệm như vậy nên người ta
có khuynh hướng muốn LY DỊ để hy vọng có một cuộc sống dễ dàng hơn, hạnh phúc
hơn. Nhưng đứng núi này trông núi nọ cao, khi đi vào thực tế thì mới vỡ lẽ ra :
cuộc sống mới chẳng khả quan hơn, đôi lúc còn bi đát hơn làm cho họ thất vọng.
Càng thất vọng càng đi vào ngõ bí, càng đi vào ngõ bí càng làm càn, có thể đi
đến chỗ tư tử. Lúc đó họ mới nhớ lại
lời cảnh cáo của người đời đầy kinh nghiệm :
Tránh anh đánh đau, gặp anh mau đánh.
hay
Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dứa.
Có người lại theo quan niệm “bắt cá hai tay”.
Họ sống trong gia đình nhưng vẫn còn liên hệ với người khác giới để khi cần sẽ
có nơi nương tựa. Do đó, cuộc sống gia
đình không còn mặn mà, dễ sinh ra cãi cọ, dễ đi đến xung đột, dễ đi đến chia ly
:
Thôi đừng bắt cá hai tay,
Cá thì xuống bể, chim bay về ngàn.
(ca dao)
KẾT LUẬN
Hãy ý thức rằng Chúa đặtå chúng ta vào trong
hoàn cảnh nào thì Ngài luôn ban ơn trợ giúp để chúng ta có thể hoành thành
nhiệm vụ một cách tốt đẹp; không bao giờ Ngài bắt chúng ta làm việc gì ngoài
sức chúng ta vì “Nemo tenetur ad impossibile”. Chúa không hành động một mình,
Ngài đòi chúng ta phải cộng tác như thánh Augustinô nói trong cuốn Les
Confessions :”Chúa dựng nên con không cần có con cộng tác, nhưng Chúa không thể
cứu chuộc con, nếu không có con cộng tác”.
Hãy bằng lòng với số phận của mình và cố gắng
làm cho tốt hơn như người ta nói :
Được hoa mừng hoa, được nụ mừng nụ.
Ngoài ra hãy cầu nguyện, xin Chúa giúp đỡ để
đôi bạn có thể xây dựng được một gia đình hạnh phúc cậy nhờ vào quyền năng vô
biên của Chúa, không có gì ngoài tầm tay của Ngài :”Vì đối với Thiên Chúa,
không có gì là không có thể” (Lc 1,37).
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt.