BA BẢY HĂM MẤY ?

-------------------------------------------

Đừng tranh cãi vô ích

 

I. LỜI CHÚA.

 

        1.” Tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn  ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp  lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc. Thật thế, ai là người thiết tha được sống và ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc, thì phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa; người ấy phải làm lành lánh dữ, tìm kiếm và theo đuổi bình an, vì Chúa để mắt nhìn người chính trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu xin, nhưng Người ngoảnh mặt đi, không nhìn kẻ làm điều ác” (1Pr 3, 8-12).

 

        2. Ai biết giữ miệng là người khôn ngoan,

            Ai lắm điều hay nói, thật đáng ghét” (Hc 20,5).

 

        3. Đánh một roi chỉ để lại vết lằn,

            Đập một lời thì vỡ cả xương,

            Số người chết vì gươm đâm

            Không bằng số người chết vì lưỡi chém” (Hc 28,17-18)

 

        4.”Phải giữ mồn giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa,

            Hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hòa” (Tv 33, 14-15)

 

        5. Sách Thánh dạy chúng ta phải giữ gìn miệng lưỡi, không nên phê phán người khác vì con

người chỉ biết theo cái vỏ bề ngoài, còn Thiên Chúa mới biết rõ tâm can con người :”Duy một mình Thiên Chúa là nhìn thấy đáy tâm hồn. Người thiên hạ chỉ xem ngoài bộ mặt” (Sm 16,7 ; x. Ga 8, 12-30).

 

II. ĐỪNG TRANH LUẬN VÔ ÍCH.

 

        Con người có khuynh hướng tự nhiên là thích tranh luận, cái gì không hợp với mình liền bị phê phán, cho người khác là sai và cho sự hiểu biết của mình mới là đúng đắn, mới là mẫu mực cho mọi sự; nhưng thực ra sự hiểu biết của mình thì hạn hẹp chỉ như “ếch ngồi đáy giếng”, tại sao lại bắt mọi người phải suy nghĩ như mình.

 

                        Truyện  vui : Ba bảy hăm mấy ?

        Ngày xưa, tại một vùng quê có hai người cãi nhau về một chuyện rất không đâu.

        Ông Ất bảo :”Ba bảy hai mươi mốt”. Ông Giáp thì bảo :”Ba bảy hai mươi hai”.

        Chuyện vô lý đến đứa trẻ con cũng không nghe được, mà khiến hai người cãi nhau đi đến chỗ đánh nhau.

        Lý trưởng dàn xếp không được, phải giải hai người đến gặp ông Chánh Tổng.

        Sau khi nghe Ất, Giáp trình bầy đầu đuôi sự việc, Chánh Tổng hắng giọng ra oai, phán :

        - Giáp ! Anh bảo “ba bảy hai mươi hai” là sai, nghe chưa ? Còn anh Ất, anh đã biết “ba bảy hai mưoi mốt” là đúng thì việc gì anh phải cãi nữa cho tốân hơi,  lại còn mang tiếng cố  chấp hơn cả người cố chấp nữa.

        Điều lý thú của câu chuyện không phải vì họ cãi nhau về một kiến thức quá ư đơn giản mà ở lời phán của viên Chánh tổng.

        Câu chuyện nhắc chúng ta mỗi khi nói chuyện (hoặc tranh luận) cần biết mình đang nói với ai  và nói để làm gì.    

        Từ bấy đến nay, những chuyện đại loại như vậy nhân dân ta thường nói :”Liệu có được ba bảy hăm mốt ngày” ? hoặc “Chẳng biết Ất Giáp gì cả”.

                        (Đỗ viết Lăng, báo Làng Cười, số 18(32), 2004, tr 8)

 

        1. Lý do thích tranh cãi.

 

        Chúng ta thích tranh cãi với nhau và muốn  đòi phần thắng về mình. Tại sao lại thích tranh cãi như thế ?  Có nhiều lý do, nhưng chúng ta chỉ thu hẹp lại trong ba lý do  mà chúng ta cho là chính yếu.

 

        a) Lòng tự ái :  Tự ái là yêu chính mình. Ai mà không yêu mình ? Yêu mình phải chiếm vị trí ưu tiên, sau đó mới đến ngưới khác. Vì thế,  khi thấy người khác nói điều gì không hợp với suy nghĩ hay sở thích của mình thì liền phê phán, ví dụ như anh chàng Giáp nói :”Ba bảy hai mươi hai” thì tự nhiên anh Ất cảm thấy khó chịu và phải phê phán ngay, cho là vô lý cho dù việc đó chắng mắc mớ gì đến mình.

       

        b) Tính vị kỷ : Bất cứ ai cũng muốn tôn vinh mình, tất cả mọi người phải qui về mình, phải phục vụ mình, phục vụ cho cái TÔI của mình, cho cái mà nhà tư tửong Blaise Pascal cho là “Le MOI est haissable” (cái tôi đáng ghét), nhưng là cái TÔI của người khác đáng ghét, còn cái tôi của mình thì muôn vàn qúi yêu.

        Ngay từ nhỏ, đứa trẻ đã coi mình như trung tâm của vũ trụ, thích cái gì là đòi cho bằng được. không được thì khóc. Cái khuynh hướng vị kỷ ấy mỗi ngày một lớn dần lên đến nỗi người ta tự cho mình là “cái rốn của vũ trụ”.

 

        c) Tính kiêu ngạo : Tính kiêu ngạo đã xuất hiện rất sớm nơi trần gian này : thiên thần Lucifer và đồng bọn kiêu ngạo không vâng phục Thiên Chúa, đã bị đẩy xuống hỏa ngục làm ma quỉ. Ađam Evà muốn có sự hiểu biết bằng Thiên Chúa nên đã ăn trái cấm và đã bị luận phạt (x. St 3,1-7).

        Trong bảy mối tội đầu, kiêu ngạo là tội đứng hàng đầu, vì kiêu ngạo nên con người dễ phạm những tội khác. Thiên Chúa lên án tội kiêu ngạo vì khi phạm tội kiêu ngạo là con người đã vô tình hay hữu ý muốn bằng Thiên Chúa.

       

        Đức Maria đã thấm nhuần chân lý này khi Ngài cất tiếng ca tụng Thiên Chúa trong kinh Ngợi khen :”Chúa giơ  tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (Lc 1,51).

 

          2. Tranh cãi trong gia đình.

 

        Trong một gia đình chỉ có vợ chồng và mấy đứa con mà nhiều có những cuộc tranh cãi quyết liệt làm điếc tai hàng xóm, có khi đi đến chỗ ẩu đả nhau vì những chuyện không đâu, không đáng để cho người ta lưu tâm. Tại sao vậy ? Đó là do tính hiếu thắng của con người mà chúng ta vừa đề cập ở trên.  Người ta thích tranh cãi về những việc không đâu và trong khi tranh cãi thì luôn luôn muốn phần thắng về phía mình. Những cuộc tranh cãi đó hoàn toàn vô ích và chỉ ở trong cái vòng luẩn quẩn, chẳng giải quyết được việc gì như :

 

                                Ba bà đi bán lợn sề,

                                Bán đi chẳng đực chạy về lon ton.

                                Ba bà đi bán lợn con,

                                Bán di chẳng được lon ton chạy về,

                                        (Ca dao)

        Sáu ba này đi bán lợn sề hay lợn con đều bị thất bại, bán chẳng ai mua, các bà phải hớt hả chạy về, chạy về lon ton hay lon ton chạy về, đều giống nhau cả, chẳng giải quyết được việc gì, thất bại vẫn là thất bại.

 

        Trong cuộc sống gia đình ta thấy giữa vợ chồng thường có những cuộc tranh luận không đâu về bất cứ một vấn đề gì, mà ai cũng muốn phần thắng về mình .  Khi đã tranh luận như thế thì chẳng ai nghe ai.  Đúng là “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”.  Nếu biết nhường nhịn nhau đi thì cuộc tranh luận sẽ kết thúc êm xuôi, nếu không nó sẽ trở nên một cuộc cãi vã gây cấn và nếu không giữ được bình tĩnh rhì sẽ xẩy ra cuộc chiến “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” làm cho bầu khí gia đình mất vui tươi, nhiều khi làm cho bầu khí gia đình trở nên lặng lẽ và ảm đạm như bãi tha ma.

 

        Thực sự, trong mọi công việc không ai đạt tới chân lý toàn vẹn mà chỉ tiến tới một góc cạnh của chân lý bởi vì lý trí con người là hữu hạn. Nếu biết sự hiểu biết của mình bị hạn chế, tại sao lại cho mình như thông hiểu tất cả mà không dành cho người khác một góc hiểu biết của họ ? Để nói lên sự hiểu biết của con người bị hạn chế và phiến diện, ta hãy nghe câu chuyện ba người tranh cãi nhau về một con kỳ nhông.

 

                        Truyện : Con kỳ nhông đổi mầu.

        Một hôm có mấy người đứng bên lề đường tranh luận cùng nhau.

Người thứ nhất nói :

        - Tôi vừa đứng dưới gốc cây đằng kia thấy rõ ràng một con vật quái lạ, mình đỏ như lửa.

        Người thứ hai cãi lại :

        - Tôi cũng trông thấy con vật ấy, nhưng rõ ràng là nó xanh như tầu lá.

        Một người thứ ba đi ngang qua cũng nhào vô cho ý kiến :

        - Không, không. Tôi cũng đã trông thấy con vật ấy tận mắt.  Nó chẳng đỏ cũng chẳng xanh :  rõ ràng là nó vàng như nghệ.

         Rồi những người đi đường xúm lại , càng lâu càng đông.  Mỗi người đều quả quyết trông thấy con quái vật kia rõ ràng, nhưng mỗi người nhận  xét mỗi khác. Không ai chịu ai. Không ai nhường ai.  Cuộc cãi vã càng lâu càng thêm huyên náo, thêm hung hăng dữ rợn. Ai cũng cho mình là đúng, vì ai cũng được mục kích tận mắt cả.  Họ hoa tay múa chân, sắp ăn thua nhau trong một trận thư hùng : giải quyết bằng võ lực là thượng sách.

        Giữa lúc nguy cấp, bỗng có một người đằng xa chạy tới can ngăn :

        - Thôi, thôi, các anh đừng cãi nhau nữa. Chính tôi đây là người sống dưới gốc cây kia lâu ngày và nhận định được sự biến đổi của con vật kỳ lạ kia. Nó gọi là con kỳ nhông, thay màu đổi sắc luôn luôn. Khi thì đỏ, khi thì vàng, khi thì xanh, khi tím... Có lúc lại thấy nó chẳng có màu sắc gì cả, trông giống hệt như vỏ cây.

                (Vũ minh Nghiễm, Sống sống,  1991, tr 235-237)

 

        Đức Khổng Tử đã khuyên ta từ lâu :

“Đa văn khuyết nghi, đa kiến khuyết đãi : tai cần nghe cho nhiều, nhưng điều gì còn nghi ngờ thì gác lại, chớ nên nói. Điều gì chắc chắn mới nên nói, mà nói thì phải nói cho thận trọng, như vậy sẽ tránh được nhiều oán trách. Mắt cần phải thấy cho rộng, nhưng việc gì còn bấp bênh thì hãy bỏ đi, đừng liều lĩnh.  Việc gì đích xác mới nên làm, và phải làm cho dè dặt, như vậy ít hối hận”.

 

        Sự hiểu biết của con người thật hạn hẹp, chỉ là hạt cát trong sa mạc mênh mông. Không bao giờ con người có thể nắm được toàn vẹn chân lý, mà chỉ đạt tới một góc cạnh của chân lý.  Sự hiễu biết của con người rất phiến diện, giống như cái nhìn của những ông thầy bói mù sờ voi : thấy một bộ phận của con voi thì tưởng con voi là như vậy, và chỉ như vậy không thể khác, vì thế không chịu nhận sự hiểu biết của người khác.

 

        Trong đời sống gia đình cũng thế, mỗi người có một cái nhìn khác nhau về sự vật, mỗi người nhìn về một khía cạnh. Sự vật không phải là chỉ một khía cạnh mà là tổng hợp các khía cạnh để làm nên sự vật, để sự vật phải là nó chứ không phải chỉ là như người ta nhìn. Muốn tránh được những cuộc cãi vã không cần thiết như truyện con Kỳ nhông, vợ chồng hãy nhường nhịn nhau, coi trọng nhau, đừng bảo thủ thì đời sống sẽ vui tươi, thuận hoà.  Trong cách đối nhân xử thế, nhất là trong đời sống gia đình, hãy hành động theo tiêu chuẩn này :

 

                                Ai nhất thì tôi thứ nhì,

                                Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba.

                                        (Ca dao)

KẾT LUẬN

 

        Để tránh những cuộc cãi vã vô ích trong gia đình, để cho bầu khí gia đình lúc nào cũng yên vui đầm ấm, không gì bằng đem lời Chúa sau đây ra suy niệm và thực hành trong đời sống vợ chồng:

“Đàn ông trầm lặng sống với đàn bà lắm điều chẳng khác chi đdôi chân cụ già phải leo lên đồi cát” (Hc 25,20).

        “Lòng mến không giả hình giả bộ... biết coi trọng người khác hơn mình” (Rm 12,9-10).

“Anh em hãy mặc lấy lòng lân mẫn, biết chạnh thương, đức nhân hậu, khiêm nhu, hiền từ. đại lượng. Hãy chịu đựng lẫn nhau, tha thứ cho nhau nếu ai có gì trách móc người kia” (Cl 3,12).

 

        Sau cùng hãy suy niệm và hát lên Kinh Hoà bình của thánh Phanxicô Assisi để cầu nguyện cho gia đình và coi như  Kim chỉ nam cho cuộc sống : chính lúc quên mình là lúc tìm lại bản thân .

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt.


Về trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà