TẤM THIỆP
___________________________________
Mời
Mẹ Maria đến dự
I. LỜI CHÚA : Ga 2,1-11.
Cưới xin là việc rất thịnh hành trong xã hội.
Người ta mời khách đến dự tiệc cưới tùy theo hoàn cảnh của mọi người giầu nghèo
sang hèn. Càng giầu có, càng chức quyền cao thì đám cưới càng lớn, càng đông
người.
Thánh Gioan cho chúng ta biết Đức Giêsu và
các môn đệ Người được mời đến dự tiệc cưới ở Cana, cả Mẹ Người cũng được mời đi
dự. Có lẽ tiệc cưới này là người bà con của Mẹ Maria. Chỗ họ hàng nên Đức Maria
phục dịch ở dưới bếp và biết hết những việc gì xẩy ra : Họ hết rượu rồi.
Đối với người Do thái, rượu là một thức uống
quan trọng trong bữa tiệc, thiếu rượu là một sự nhục nhã đối với gia chủ. Cảm
thấy sự lo lắng của chủ nên Mẹ Maria đã nhờ Chúa Giêsu can thiệp. Chúa Giêsu chiều theo ý Mẹ mà làm cho nước
hóa thành rượu mặc dầu giờ của Ngài chưa tới.
Như vậy, Mẹ Maria đã nhận được thiệp hồng
để đến ăn cưới chúc mừng cho cô dâu chú
rể. Nếu gia chủ không gửi thiệp mời Mẹ Maria thì hôm ấy gia chủ bị thiệt thòi
lớn.
II. TẤM THIỆP.
1. Ý nghĩa của tấm thiệp.
Bất cứ tấm thiệp nào cũng có mục đích loan
báo tin vui hay tin buồn, tùy theo thiệp hồng hay thiệp tang. Gửi thiệp là muốn
cho người khác chia vui sẻ buồn với
mình :”Vui cùng người vui, khóc cùng người khóc” (Rm 12,14).
2. Các loại thiệp.
Có hai loại thiệp:
* Thiệp tang : báo tin có người chết, mong
người khác chia sẻ nỗi buồn với mình.
* Thiệp hồng : báo tin vui ngày cưới, mong
người khác chung vui với mình. Thiệp hồng luơn luôn báo tin vui. Màu hồng nói
lên vui tươi phấn khởi. Thiệp hồng làm cho cả người nhận lẫn người gửi đều vui
tươi. Đó là ý nghĩa của thiệp hồng.
3. Tâm tình của người gửi.
Người gửi thiệp có những tâm tình khác nhau,
tùy theo tâm trạng họ mang trong lòng.
a) Màu hồng của thiệp : Có người gửi thiệp với tâm tình vui tươi phấn
khởi như ngày Tết vì đây là khúc quặt của cuộc đời, một ngày đáng ghi nhớ. Một
tương lai sán lạn đang mở ra trước mắt, một gia đình ấm cúng đang chờ đợi họ.
b) Màu xám của thiệp : Có người lên xe hoa mà phải mang tâm trạng man
mác buồn. Họ biết rằng lên xe hoa là phải bỏ lại cả một bến bờ, có một phần nào
nuối tiếc tuổi xuân ; hoặc phải rời bỏ người tình cũ vì đã lỡ bước sang
ngang. Họ phải có một lựa chọn dứt
khoát : người này thì phải bỏ người kia :
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
(Hàn Mặc Tử)
c) Màu đen của thiệp : Có người phải lên xe hoa một cách miễn cưỡng vì
họ phải chung sống với người mà họ không yêu. Đối với họ sống cũng gần như chết. Tấm thiệp đối với họ không còn là màu hồng nữa mà đã chuyển sang
màu đen. Xe hoa rực rỡ đối với họ đã trở thành chiếc xe tang.
Không thiếu gì những cảnh con cái bị cha mẹ
ép uổng, phải kết hôn với người mà mình không yêu, đi ngược lại với lời người
xưa :
Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên
(Tục ngữ)
* Có người bị bán đứng cho người ta vì cha mẹ
tham tiền, tham của :
Đường đi những lách cùng lau,
Cha mẹ tham giầu, ép uổng duyên con.
Duyên sao cắc cớ hỡi duyên,
Cầm gương gương tối, cầm vàng vàng phai.
(Ca dao)
* Có người bị ép duyên vì cha mẹ sống cảnh
phong kiến nhằm “môn đăng hộ đối”.
* Có người bị ép duyên vì cha mẹ hai bên đã
trót hứa với nhau. Đúng như Thomas Champion đã nói :”Hôn nhân không tình yêu là
ngày không có rạng đông” hoặc như E.
Moore nói: “Đời mà không có tình yêu chân thật thì như bãi sa mạc cô liêu” .
III. HÃY GIỮ LẤY MÀU HỒNG.
Tấm thiệp không thay đổi, sau bao năm tháng,
tên hai người in trên đó vẫn cứ bên nhau. Có đôi hôn nhân ngày gửi thiệp, tên
viết bên nhau, mà giờ đây mỗi người một cuối đường xa cách. Tiếng pháo nổ trong
ngày cưới thật vui, nhưng cũng có bài ca buồn về xác pháo bay. Tấm thiệp không
thay đổi nhưng người sang bên sông có thể đổi thay. Làm sao để đường theo chồng
cứ hạnh phúc. Làm sao để người gửi thiệp lúc nào cũng như tấm thiệp cưới màu
hồng, tên cứ bên nhau và tình yêu cứ
bên tình yêu mãi mãi.
Nếu để giữ cho tình yêu lúc nào cũng là tin
vui như tấm thiệp có là chuyện gian nan thì cũng chẳng phải là điều khó hiểu.
Hai ngàn năm trước, câu chuyện tiệc cưới Cana cho thấy tiệc chưa xong, khách
chưa về đã có chuyện gian nan rồi :”Họ thiếu rượu” (Ga 2,3). Chuyện khó khăn
trong hôn nhân đã xẩy đến ngay khi ngày cưới chưa qua.
Tuy đôi tân hôn là trung tâm của ngày cưới,
nhưng Phúc âm lại không nói gì về đôi tân hôn cả. Phúc âm nói về sự thiếu thốn của đôi tân hôn.
Mẹ Maria đã có mặt trong ngày cưới ở Cana,
như vậy là Mẹ cũng đã nhận được thiệp cưới. Chính nhờ tấm thiệp này mà ngày
cưới hôm ấy xẩy ra một biến cố rất lớn.
Nếu người gửi thiệp không gửi thiệp cho Mẹ Maria thì đám cưới hôm đó sẽ
ra sao ? Nếu ăn cưới mà không có đủ
rượu thì nó tẻ nhạt biết mấy !
Mẹ Maria được mời như một người khách, nhưng
Mẹ đã không đến dự tiệc như một người khách mà như người giúp việc. Làm sao Mẹ biết họ thiếu rượu nếu Mẹ không
quan sát ? Chắc Mẹ đã nghe tiếng xầm
xì. Mẹ thấy nỗi lo âu của những người
chạy việc. Mẹ tế nhị quá. Mẹ để ý đến những chuyện chung quanh ngày cưới của đôi bạn trẻ. Mẹ thương người. Mẹ biết tiệc cưới mà thiếu rượu là một kỷ niệm
buồn trong ngày hôn nhân. Mẹ muốn tình yêu của họ được trọn vẹn. Không ai yêu cầu Mẹ giúp, Mẹ đã đến như một
người tình nguyện.
Hạnh phúc cho đôi tân hôn nào có những người
khách như Mẹ Maria. Và cũng đẹp đẽ biết
bao nếu khách được mời cũng đến tiệc cưới với tâm tình như của Mẹ.
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt
2004