HAI  BIỂN  HỒ

________________________

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Thánh Gioan tông đồ nói :”Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 15,3). Ngài là yêu thương nên đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, lại còn ban cho con người một trái tim biết yêu thương để yêu Ngài và yêu tha nhân.  Thiên Chúa là nguồn gốc tình yêu, tình yêu tuyệt đối và Ngài đã san sẻ cho con người để họ biết yêu nhau. Chính vì thế mà trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đệ :”Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).  Đây không chỉ là lời khuyên nhưng là một điều luật mà đã là luật thì buộc phải tuân giữ, không giữ thì có tội.

 

          Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói trong t6ng huấn về gia đình : Tình yêu là ơn gọi cơ bản và bẩm sinh của con người.

          Trong thông điệp “Đấng cứu chuộc con người” Đức Gioan Phaolô II cũng nói :

“Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ mãi mãi không hiểu được chính mình, và cuộc đời sẽ mất ý nghĩa nếu con người không đón nhận được mạc khải về Tình yêu, nếu con người không gặp được tình yêu, nếu con người không thử nghiệm tình yêu, nếu con người không biết tình yêu  thánh của mình, nếu con người không dự phần một cách mạnh mẽ vào tình yêu”.

 

          Sống ở đời ai mà không yêu vì không yêu là chết. Cuộc sống phải có tình yêu như không khí cần cho việc hô hấp.  Nhưng theo Chúa Giêsu thì chúng ta phải yêu nhau như thế nào ?  Hãy theo nguyên tắc này : hãy yêu thương nhau “như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

 

II. HAI LOẠI TÌNH YÊU.

 

          Yêu thương thì có trăm nghìn đường yêu nhưng chung qui vè hai loại : tình yêu vị kỷ và tình yêu xả kỷ hay vị tha.

 

          1. Tình yêu vị kỷ.

 

          Theo chữ Nho chữ vị là vì và kỷ là mình, là cái tôi.  Vậy người yêu thương bằng tình yêu vị kỷ là chỉ yêu mọi cái vì mình, hướng mọi cái vào mình và phục vụ cho lợi ích riêng tư của mình.  Thứ tình yêu này là yêu mình qua người khác, dùng người khác để phục vụ cho chính mình, làm thoỏa mãn sự thèm khát dục tình của mình để rồi khi đã thỏa mãn hay không được như ý thì đẩy đi, thì ly dị theo nguyên tắc “Hay thì ở, dở thì đi”.

 

          Thứ tình yêu ấy không bao giờ là chân chính và không đem lại hạnh phúc cho ai, ngay cả cho chính mình, như anh chàng Narcisse trong huyền thoại Hy lạp, không hề biết yêu ai, chỉ yêu chính hình ảnh của anh in dưới dòng sông, nên anh ta không bao giờ biết đối thoại, vì có chấp nhận ai đâu để mà đối thoại, mà chia sẻ với mình !  Cuối cùng con người có tình yêu vị kỷ ấy đã chỉ nghe “tiếng vọng” của chính mình, và chết đi trong đơn độc.

 

          Vì thế, ta có thể nói : kẻ ích kỷ là kẻ yêu mình trước hết và trên hết.  Người khác, với hắn, chỉ là thứ yếu, là bàn đạp.  Hắn là loại tầm gửi của xã hội, là con mọt của mọi người.  Ballanche đã nói :”Ích kỷ là thứ ma cà rồng, nuôi sống mình bằng máu thịt sinh vật khác”.

 

                                      Tôi yêu anh vạn,

                                      Tôi mến anh nghìn,

                                      Anh có ăn thuốc đưa tiền tôi mua.

                                                (ca dao)

          2. Tình yêu xả kỷ hay vị tha.

 

          Xả là buông tha ra hay là bỏ đi.  Xả kỷ là bỏ mình, là quên mình đi, là xa lạ với mình để chú ý đến người khác, để tìm hạnh phúc cho người khác.  Ai có tình yêu này là người chỉ biết cho đi mà không cần đòi lại như kinh Hoà bình của thánh Phanxicô Assisi đã nêu lên.  Tình yêu cao qúi này khiến cho kẻ mang nó sẵn sàng hy sinh tất cả để tạo hạnh phúc cho người yêu.

 

          Đó là hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa, Ngài muốn chúng ta, những con người tầm thường hèn yếu – kẻ hôn thê bất xứng của Ngài – được hạnh phúc, đến nỗi Ngài đã chết cho tình yêu, hiến mạng sống vì người yêu như trong thư gửi cho tính hữu Philipphê, thánh Phaolô đã nói:”Ngài, phận là phận của một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải dành cho được chức vị đồng hàng với Thiên Chúa, song Ngài đã hủy mình ra không là lãnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta đem thân đội lốt người phàm” (Pl 2,6-7).

 

                                      Yêu nhau bất luận giầu nghèo,

                                      Dù cho lên ải xuống đèo cũng cam.

                                                (ca dao)

III. TÌNH YÊU VỢ CHỒNG.

 

          Mọi người phải yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã dạy (x. Ga 15,12), vợ chồng còn phải yêu nhau một cách đặc biệt vì cả hai đã trở nên một (x. St 2,24). Vợ chồng phải yêu thương nhau bằng tình yêu xả kỷ, bằng cách quên mình đi để chỉ tìm hạnh phúc cho nhau.  Yêu là dâng hiến, dâng hiến cả con người cho nhau vì cho thì hơn nhận.  Có cho đi thì mới làm cho mình càng thêm phong phú;  còn co cụm lại nơi chính mình thì càng làm cho mình nghèo đi .

 

                                      Truyện :  hai biển hồ

          Palestine có tới hai biển hồ... Hai biển hồ này hoàn toàn khác nhau. Một biển hồ thường được gọi là biển hồ Galilêùa.  Đây là một biển hồ rộng lớn với nước trong xanh mà người ta có thể uống và cá cũng có thể sống trong đó. Xung quanh hồ này là những vườn cây và thảm cỏ xanh tươi. Nhà cửa cũng mọc lên rất nhiều xung quanh biển hồ này...  Chúa Giêsu đã gặp gỡ với những môn đệ đầu tiên của Ngài tại đây và Ngài cũng đã nhiều lần đi thuyền xuyên qua biển hồ này.

 

          Biển hồ thứ hai tại Palestina là Biển Chết.  Đúng như tên gọi của nó, không có sự sống nào trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước mặn đến nỗi cá không sống nổi mà người cũng có thể trở thành bệnh hoạn nếu uống phải.  Mùi hôi thối từ Biển Chết xông lên khiến không ai muốn sống gần đó.

 

          Có điều kỳ lạ là hai biển hồ này đều nhận nước từ cùng một nguồn là sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển hồ Galiléa rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch khác. Hồ Galiléa nhận lãnh để rồi chia sẻ cho những hồ nhỏ khác, nhờ đó nước của nó luôn trong sạch và mang lại sức sống cho cây cỏ, muông thú cũng như con người.

          Biển Chết cũng nhận nước từ sông Jordan, nhưng nó giữ lấy riêng cho nó, do đó nước của nó trở nên mặn chát và hôi thối.

                                      (Lẽ sống, 1991, tr 66.

 

          Như vậy, tình yêu vợ chồng phải là tình yêu dâng hiến, tận hiến cho nhau, càng tận hiến cho nhau thì càng trở nên phong phú.  Người ta thường nói :”Có đi có lại mới toại lòng nhau” hoặc “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại” kia mà !   

 

          Khi lập gia đình, ai cũng muốn cho mình được hạnh phúc. Hạnh phúc này không có ngay trong ngày thành hôn mà vợ chồng phải nỗ lực tạo dựng , bởi vì hạnh phúc không phải là cái gì tiền chế có sẵn đấy để Chúa ban cho ngay hay cha mẹ tặng cho con cái.  Chúng ta có thể nói : hôn nhân chỉ là chiếc hộp rỗng, phải bỏ gì vào trong đó thì mới hy vọng có thể lấy ra, nếu không bỏ vào thì lấy ra được cái gì.

 

          Ai cũng muốn biến gia đình thành một tổ ấm. Hay nói mạnh hơn nữa : ai cũng muốn gia đình mình trở thành thiên đàng, nơi đó mọi thành viên trong gia đình được hưởng một đời sống hạnh phúc. Nhưng trớ trêu thay, nhiều khi người tha không biến gia đình thành thiên đàng mà lại biến thành hỏa ngục !  Vì thế, nhà văn hào Honoré de Balzac nói có lý :”Hôn nhân là con đường đưa ta tới thiên đường hoặc hỏa ngục”.

 

                             Truyện : Bữa ăn Thiên đàng và Hỏa ngục.

          Một ký giả kia được phép xuống hỏa ngục và lên thiên đàng để làm một bản phóng sự về đời sống nhân dân tại đó.

 

          Sau một cuộc hành trình gay go, ký giả trên lọt được vào địa ngục đúng vào giờ ăn. Nhìn vào bàn ăn, anh ta không khỏi lấy làm lạ khi thấy chưng bầy toàn những sơn hào hải vị đang bốc khói hương ngào ngạt làm anh ta không khỏi nuốt nước bọt.

 

          Nhưng lúc các kiều dân địa ngục tiến vào phòng ăn, chàng ta lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy họ ốm o gầy còm, chỉ còn da bọc xương, vài người đi không muốn nổi. Sự kinh ngạc tan biến khi chàng phóng viên chứng kiến họ dùng bữa. Vì muỗng nĩa rất dài buộc dính vào đôi tay không cho phép họ đưa thức ăn vào miệng, nên dù họ có cố gắng thế nào đi nữa, thức ăn chỉ đổ tháo ra đầy bàn hay rơi tung tóe xuống mặt đất. Tệ hại hơn là cảnh họ tranh giành nhau :  vài người dùng muỗng nĩa để thay vì đưa thứcù ăn vào miệng, lại biến chúng thành những khí giới đập đánh nhau.  Thật là một bãi chiến trường. Khi chuông báo giờ ăn đã mãn, họ buồn phiền rời phòng ăn, dạ dầy vẫn trống rỗng.

 

          Quá sợ hãi, chàng ký giả lập tức từ giã địa ngục để tiến tục lên phóng sự trên thiên đàng.  Đến nơi cũng đúng vào giờ cơm. Bàn ăn cũng chưng bầy những thức ăn ngon miệng. Quan sát nhân dân, chàng ta thhấy ai nấy đều phương phi, khỏa mạnh, tuy đôi tay họ cũng được gắn chặt những muỗng nĩa rất dài. Có khác là thay vì  họ cố gắng đưa thức ăn vào miệng mình, họ lại dùng muỗng nĩa để đút thức ăn cho nhau. Phòng ăn lại vang lên những giọng nói cười vui, thỏa mãn.

 

          Kết thúc bài phóng sự tường trình về những điều mắt thấy tai nghe, chàng ký giả viết : Ích kỷ và vị tha là hai điểm khác biệt giữa địa ngục và thiên đàng.

                                      (Lẽ sống, 1991, tr 146)

 

          Thiên Chúa muốn con người biến tất cả thành thiên đàng, không muốn sự hiện hữu của hỏa ngục để giam phạt con người.  Nhưng con người phải có lòng yêu thương đối với tha nhân, phải bỏ bớt cái tôi ích kỷ để lo hạnh phúc cho người khác thì mới có thể biến mọi cái thành thiên đàng được.  Con người có quyền tự do vào thiên đàng hay địa ngục, không bị ai ép buộc. Cũng thế, nếu vợ chồng muốn biến gia đình mình thành thiên đàng tại thế thì cần phải có tình yêu dâng hiến, biết quên mình đi để lo hạnh phúc cho nhau.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ  Kim Phát

Đà lạt.

                                                       


Về trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà