THÀNH   KIẾN

__________________________________

Suy nghĩ cho khách quan

 

I. LỜI CHÚA : Lc 4,16-24.

 

          Chúa Giêsu trở về quê hương mình là Nazareth.  Ngài vào hội đường ngày sabat và đứng lên đọc Sách Thánh.  Ngài đã đọc và cắt nghĩa Sách Thánh một cách rành mạch làm cho mọi người phải ngạc nhiên : không biết bởi đâu ông Giêsu được khôn ngoan như vậy.

 

          Tuy thế, họ vẫn không tin phục Ngài vì Ngài là người đồng hương với họ, cha Ngài chỉ là bác thợ mộc và mẹ Ngài là bà nội trợ Maria.  Họ nói thầm với nhau câu ngạn ngữ :”Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình ! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Capharnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê hương ông xem sao”.

 

          Trước sự cứng lòng và đầy thành kiên của họ, Chúa Giêsu phải nói :”Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4, 16-24).

 

II. THÀNH KIẾN TRONG CUỘC  SỐNG.                               

 

          1. Thành kiến là gì?

 

          Thành kiến là ý kiến có sẵn từ lâu trong đầu óc, không thay đổi được. Ví dụ : con nhà nghèo kém thông minh hơn con nhà giầu.

          Thành kiến có thể là của cá nhân hay của tập thể.  Nếu là của tập thể thì thành kiến tích tụ từ lâu đời qua nhiều thế hệ và hầu như không thể thay đổi được.

 

          2. Một căn bệnh khó chữa.

 

          Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của con người, không ai thoát khỏi.  Chúng ta hằng to tiếng lên án cái lối sống phô trương bên ngoài ; nhưng trên thực tế, chúng ta lại hằng căn cứ vào những cái bên ngoài mà đánh giá trị thiên hạ.

 

          Cùng một câu văn, một lời nói, một việc làm, mà do người này thì có giá trị, do người kia thì vô duyên, do người này thì hay đáo để, do người kia thì dở vô cùng :

                             Không ưa thì dưa có dòi.

 

III. THÀNH KIẾN TRONG ĐỜI HÔN NHÂN.

 

          1. Thời kỳ mới quen nhau.

 

          Trong thời gian tìm hiểu nhau, người ta hay bị sai lầm về những đức tính tốt đẹp của người kia vì lúc đó ai cũng tỏ ra mình là con người hoàn hảo, kèm với tình yêu. Vì thế :

 

“Thường thường người ta yêu nhau về những đức tính mà người ta không có ; thế rồi, người ta lại xa nhau về những tính xấu mà người ta không có”   (Daniel Stern)

          Do đó :

“Trước khi lấy vợ hãy cố mở mắt ra; sau khi lấy vợ rồi nên cố nhắm mắt lại”  (Franklin).

 

          2. Thời kỳ chung sống.

 

          a) Thời kỳ đầu : những ngày đầu của cuộc hôn nhân, tình yêu còn cao đẹp, người ta sống lạc quan tin tưởng vào tương lai, nhưng sống với nhau một thời gian, lúc đó tình yêu không còn đằm thắm, người ta mới khám phá ra con người thực của nhau với đầy tình xấu.  Bắt đầu thời gian thử thách !

 

          b) Sau bảy, tám năm :  Sau một thời gian dài, càng ngày người ta càng khám phá ra con người thật của nhau vì không thể che giấu nổi tính tình của từng người nữa : cái kim giấu kín trong túi áo cũng sẽ bị lộ ra :

 

                   Tình yêu thì đui mù nhưng Hôn nhân trao trả ánh sáng cho nó: (Lichtenberg).

 

          Lúc này tình yêu đã giảm sút, những mối bất hoà ngấm ngầm hay bùng nổ cứ tiếp tục diễn ra, những sự va chạm xẩy ra như cơm bữa; người ta mới đánh giá lại con người của nhau.  Thường người ta hay phóng đại những nết xấu của nhau khi người ta bắt đầu có thành kiến về người phối ngẫu của mình.

 

          Ngày mới quen nhau, người ta kính phục nhau bao nhiêu thì lúc này lại càng khinh dể bấy nhiêu, coi nhau chẳng ra cái gì cả , hai tình trạng trước sau trái ngược hẳn nhau  một trời một vực. Lúc ấy người ta mới nói :           

                                      Xem tướng ngó dạng anh hào

                                      Suy ra nét ở khác nào tiểu nhân.

                                                (ca dao)

 

          3. Hãy hoàn thiện con người mình.

         

          Hãy sửa đổi con người mình để cho người bạn đời thấy mình là người dễ thương, đáng phục để cứu vãn lấy tình yêu thuở ban đầu.

 

                                      Truyện : thánh Gioan Bocô.

          Khi ở Lille, một hôm người ta đem lên cho cha Gioan Boscô một cái bánh bông lan tuyệt ngon.  Trước mặt ngài có hai bà thuộc loại Veronica ngồi quan sát rất chăm chú.  Một bà nói nhỏ vào tai bà kia :

          - Cha Boscô là một vị thánh sống. Rồi xem,  tôi cam đoan ngài chỉ ăn chút xíu gọi là thôi.

          Không ngờ thánh nhân thính tai lắm, nghe lọt được. Ngài liền cầm dao lên chém một miếng to tướng và phùng má ăn một cách khoái trá vô cùng.

          Thấy sự việc bất ngờ như vậy, bà thứ hai lại thầm thì vào tai bà kia (nhưng thánh nhân cũng nghe rõ được như lần trước) :

          - Bà hãy xem : thánh là thế đó.  Ngài muốn ăn như vậy là chủ ý trình làng rằng mình không phải là thánh như người ta tưởng. Ôi, khiêm nhường thay...

                             (Vũ minh Nghiễm, Sống sống, tr 341-342)

 

          Chúng ta hãy yêu nhau, hãy nghĩ tốt về nhau. Đừng bao giờ có thành kiến về nhau vì thành kiến chẳng giúp ích gì mà chỉ đưa đến đổ vỡ. Hãy yêu nhau nhiều vì tình yêu có thể hóa giải được tất cả như thánh Augustinô đã nói :”Ama et fac quod vis” : cứ yêu đi rồi làm gì thì làm, bởi vì với tình yêu thì mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp.  Đúng vậy :

                                      Yêu nhau quả ấu cũng tròn,

                                      Ghét nhau quả bồ hòn cũng méo.

                                                (Tục ngữ)

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt.

 

 

 

 


Về trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà