THỬ THÁCH

----------------------------

 

I. LỜI HỨA HÔN.

 

          Trong lễ nghi hôn phối, hai người đã tự nguyện chọn nhau làm vợ làm chồng và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời mình.   Tuy đã hứa với nhau một cách danh dự trước mặt Thiên Chúa và Hội thánh, nhưng lời hứa ấy còn phải được thử thách trong đời sống hôn nhân, chỉ những ai bền đỗ đến cùng mới được hạnh phúc.

 

          Sở dĩ như vậy là vì vợ chồng vốn rất khác biệt nhau về nhiều mặt : cơ bản nhất là giới tính, sau là về tính cách, tính tình, sở thích, kỳ vọng, thói quen, lối sống, nền tảng giáo dục, học vấn, nghề nghiệp... Bản thân mỗi con người là một cá thể đặc thù, một tiểu vũ trụ (miccro-cosmos), một thế giới nhân cách riêng hẳn. Nay phải hòa hợp lại trong cùng một môi trường sống, cùng chia sẻ hoàn cảnh, trách nhiệm chung, cùng ăn đời ở kiếp để đồng cam cộng khổ với nhau trong đời sống hôn nhân gia đình. Quá trình sống chung đó rất dễ dàng xẩy ra những bất đồng, xung đột và mâu thuẫn.  Một khi mối bất hoà không được giải quyết rốt ráo, thỏa đáng, tất sẽ ddẫn đến ly biệt !...

 

II. THỬ THÁCH TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN.

 

          Tại sao trong đời sống hôn nhân chưa được bao lâu mà nửa đường đã rã gánh ? Có nhiều gia đình đã đi đến chỗ tan vỡ ?  Có nhiều lý do, hôm nay chúng ta chỉ đưa ra hai lý do

 

          1. Kết hôn quá sớm, quá vội.

 

          Ngày xưa,  các cụ ta có tục tảo hôn, con cái còn nhỏ mà đã cho kết hôn, thậm chí những đứa trẻ mới có năm ba tuổi đã kết hôn rồi. Việc kết hôn này là do cha mẹ hai bên hoàn toàn quyết định, con cái phải vâng theo, không được ý kiến theo phương châm “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, vì thế mới có cảnh trớ trêu cười ra nước mắt :

                                      Bồng bồng cõng chồng đi chơi,

                                   Đến ngay chỗ lội đánh rơi mất chồng.

                                                (Ca dao)

 

          Ngày nay, xã hội tiến bộ hơn, những hủ tục ấy không còn nữa, đã bị đẩy lùi vào quá khứ rồi, nhưng việc kết hôn vội vàng vẫn còn phổ biến.                

         Nhiều lúc hai anh chị gặp nhau thấy có một điểm gì hấp dẫn là yêu nhau ngay, yêu nhau say đắm, đôi khi nổ ra một tiếng sét ái tình làm cho họ choáng váng, không cần tìm hiểu nhau, muốn kết hôn với nhau ngay, một vài trường hợp xẩy ra là họ mới quen biết nhau có một tuần là đã tổ chức đám cưới ngay. Đôi khi đôi bạn trẻ còn quá trẻ, chưa đến tuổi trưởng thành, chưa hiểu biết gì về đời sống đôi bạn, khi gặp khó khăn trong gia đình, họ đành đi đến chỗ “tan đàn xẻ nghé

                            

          Khi mới quen nhau, người ta chưa tìm ra dược cái sở trường sở đoản, cái tốt cái xấu của nhau, chỉ suy nghĩ một chiều : mọi cái là tốt hết, nhưng khi nhìn vào thực tế thì thất vọng. Đúng như  người ta nói :”Người ta lấy nhau vì những đức tính mà người ta không có, rồi người ta cũng bỏ nhau vì những nết xấu mà người ta không có”.  Nằm trong chăn mới biết là chăn có rận, khi nhận ra nết xấu của nhau, người ta bắt đầu khinh nhau, coi nhau không ra cái gì cả :

 

                                      Ngày xưa, em coi anh như giàn thiên lý

                                      Bây giờ, em coi anh như khỉ leo cây .

 

          2. Chưa thấy trước những khó khăn.

 

          Có những chuyện xem ra là nhỏ nhặt trong gia đình, nhưng thực sự lại không nhỏ, nó cũng giống như những lỗ nhỏ có thể làm đắm thuyền hay hạt cát có thể làm đau bàn chân.  Các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm thì chưa nhìn ra những cái đó.

 

          Luật sư Edward Kaufman, trong cuốn “Làm sao giữ tình yêu của chồng” đã viết :”Nghiên cứu các hồ sơ ly dị, tôi thấy rõ rằng có những bất hoà bề ngoài tưởng như không đáng kể, những sự xung đột rất nhỏ, cơ hồ không thấy được, nếu xẩy ra thường, thành một thứ bệnh kinh niên, như những giọt nước rỉ ở vòi nước xuống, thì có thể làm nền tảng của hôn nhân sụp đổ... có những chuyện hiểu lầm nhau nho nhỏ có thể làm cho thần kinh của hai vợ chồng suy mòn đi, như bị trúng lạnh sơ sài, không chịu chữa ngay, có thể thành ra sưng phổi”.

 

          Trong gia đình, những chuyện bất đồng nhỏ, vụn vặt giữa hai vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, hoặc giữa cánh nam giới (bố-con trai) và cánh nữ giới (mẹ-con gái) có thể xẩy ra thường ngày như cơm bữa.  Xét một cách tổng quát, đó là chuyện thường tình, bới vì “Chén bát còn có lúc xô xát, huống chi vợ chồng” (Tục ngữ). Nhưng trong nhiều gia đình và trong nhiều tình huống đặc biệt, chuyện nhỏ lại không “nhỏ” chút nào. Biết vậy, nên có người đã khuyên :”Bí quyết lớn nhất làm cho các cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai hoạ là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai hoạ” (Harold Nichlson).

 

          * Khi yêu, lúc ghét :

          Đôi bạn trẻ phải hiểu rằng tình yêu không thể lúc nào cũng ở vào cao điểm, có lúc xuống đáy.  Những lúc tình yêu xuống đến đáy thì người ta sẽ ra sao ?  Đây là kinh nghiệm cay đắng của các chị :

 

                                      Còn duyên anh cưới ba heo,

                                   Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi.

                                                (Ca dao)

          * Đời sống lên xuống :

          Có những anh chị, ở những tình yêu dâng cao tột đỉnh, nghĩ rằng đời sống lứa đôi ắt phải luôn ngập tràn hạnh phúc. Nhưng khi bước vào đời hôn nhân, thấy cuộc sống thực tế đã không điểm tô toàn mầu hồng như ước mơ thuở ban đầu, thì sinh chán nản và nhen nhúm tư tưởng “nửa đường đứt gánh” :

                                       Anh đi đường anh,

                                      Tôi đi đường tôi,

                                      Tình nghĩa đôi ta có thế thôi

                                                (Thế Lữ)

 

          * Mộ hình ảnh đẹp.

          Cuộc sống của con người, đặc biệt của lứa đôi, phải nói là giống hệt như biển cả.  Biển bình minh,  ôi nên thơ biết mấy ! Một mầu xanh biếc và phẳng lặng như tờ, ánh dương như tận đáy vươn lên, rực rỡ biết bao ! Đó là thơi kỳ trăng mật và những ngày sau lễ cưới.

 

          Nhưng rồi trưa đến hay lúc chiều về, mặt biển ọp ẹp nổi sóng  đưa theo những “rác rến từ đâu” vào bờ.  Đó là những bất đồng hay bực bội nho nhỏ vào những tháng, những năm sau tuần trăng mật !

 

          Chưa hết, một ngày nào đó bỗng giông tố nổi lên, sóng bạc đầu dâng cao, nhận chìm thuyền bè, gây tan hoang chết chóc...! Đó là lúc vợ chồng giận hờn, chửi bới, đánh đập nhau sứt trán bể đầu... Nhưng qua bão tố trời lại thanh quang. Biển lại bình minh, rồi lại trưa đến, chiều về : chỉ cầu mong sao đừng bão tố nữa.

 

          Đấy là một cuộc sống đời thường ! Một cuộc sống đời thường thì phải có bình minh tươi đẹp,  phải có trưa, có chiều sóng vỗ và có khi có thể có cả sóng bạc đầu.

 

          Vì thế, anh chị phải nhìn nhận ra thực tế của đời sống hôn nhân, không ai có thể tránh được, chỉ có một con đường duy nhất là sẵn sàng chấp nhận thực tế và đón nhận hậu quả dù tốt hay xấu.

 

                             Truyện : Socrate và đệ tử.

          Một đệ tử của ông Socrate hỏi :

          - Thưa thầy, con có nên lấy vợ không ?

          Ông đã trả lời :

          - Dù làm thế nào con cũng hối hận.

          Ý ông muốn nói rằng : dù lấy vợ hay không lấy vợ, cách nào cũng có cái bất tiện của nó. Lấy vợ cũng khổ mà không lấy vợ cũng kẹt. Cũng trong tư tưởng này mà ông Socrate nói :”Những thanh niên đi tìm hôn nhân có khác nào những con cá đậu trước đầu lờ... Tất cả đều hăm hở mà chui vào, trong khi đó không biết bao nhiêu kẻ  đang vùng vẫy một cách tuyệt vọng để thoát ra”.

          Vì thế, người ta mới ví von một cách hài hước :

 

                                      Hôn nhân là chiếc lồng son,

                             Người ngoài muốn nhập, người trong muốn chuồn..

 

          KẾT LUẬN

 

          Phải có những cái nhìn thực tế trước những khó khăn của đời sống hôn nhân để khỏi bị chao đảo, hụt hẫng trước thực tế phũ phàng.

          Hãy làm mới lại tình yêu thuở ban đầu như người ta nói :

                             Hãy rửa tội cho tình yêu mỗi buổi sáng

                             Và hãy kết hôn lại mỗi ngày.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục