CHIA SẺ
----
I. THIÊN CHÚA CHIA SẺ THÂN PHẬN CON NGƯỜI.
Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh
Phaolô đã ca tụng tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người trong việc quên đi chức vị Một Thiên
Chúa cao sang tuyệt đối, trở thành phàm nhân hèn hạ. Thiên Chúa là Đấng cao sang tuyệt đối mà con người thì quá thấp
hèn ï. Giữa Thiên Chúa và loài người có một khoảng cách vô cùng lớn lao. Nhưng
Thiên Chúa muốn rút ngắn khoảng cách ấy lại và rút ngắn khoảng cách ấy lại đến
nỗi hạ mình xuống chia sẻ thân phận với con người, trở nên con người như mọi
người. Sự chia sẻ thân phận ấy đã được thánh Phaolô mô tả như sau :
“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không
nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa., nhưng đã hoàn
toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như
người trần thế” (Pl 2,6-7).
Con người đã phạm tội, mất mọi quyền
lợi, mất quyền làm con Chúa, mất phúc thiên đàng, nên Thiên Chúa xuống thế cứu
chuộc chúng ta bằng cái chết trên thập giá. Thiên Chúa muốn trở nên con người
để cứu vớt con người. Ngài muốn chia sẻ thân phận đau thương của chúng ta. Ngài
xuống thế làm người để nâng chúng ta lên làm Thiên Chúa. Vì thế, trong phần tự
ngôn của Phúc âm thứ tư, thánh Gioan tông đồ đã nói :”Ngôi lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều
người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi
đến.. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay, vì già yếu nên ông cụ này
khi xuống xe trượt chân té vào vũng bùn. Khách đến dự tiệc thấy vậy phá lên
cười.
Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định trở về.
Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi đó vị quan chủ
tiệc bước ra sân đi tới chỗ vũng nước đó rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước.
Thế là áo quần của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo
nữa. Sau đó, vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý
do nào để từ chối. Chỉ có hành động cố tình té ngã của vị quan lớn kia mới có
thể đưa ông cụ vào bàn tiệc.
(Trích ở Internet
“Con đường nên thánh”)
Con Thiên Chúa trên tầng trời cao
thẳm, lại hạ mình xuống làm kiếp phàm nhân. Đấng thánh thiện vô cùng lại khiêm
nhu đứng xếp hàng bên những tội nhân. Đấng xóa tội trần gian lại hòa mình trong
đoàn người tội lỗi. Đấng thanh sạch vô biên lại chịu dìm mình trong dòng sông “sám hối”. Đấng sẽ làm phép
rửa trong Chúa Thánh Thần lại xin chịu phép rửa của Gioan. Chính hành vi rất
mực khiêm hạ của Đấng Cứu thế đã cho thấy tình yêu sâu nặng của Thiên Chúa dành
cho con người. Chính thái độ tự hủy tột cùng của Đấng Cứu thế đã cho thấy tình
yêu dấn thân của Thiên Chúa đối với con người cát bụi chúng ta. Chính Thiên
Chúa đã có sáng kiến tuyệt vời là tình nguyện hoá thân làm kiếp phàm nhân.
Thiên Chúa sống kiếp phàm nhân là để
thông cảm với con người :Để chia sẻ thân phận đói nghèo, khổ đau, bệnh hoạn của
con người. Để nếm cảm nỗi ray rứt khắc khoải của tội nhân. Để thấu hiểu niềm
khao khát đổi mới trong lòng người tội lỗi. Vâng, chính Con Thiên Chúa đã thực
hiện những phéplạ thật ngoạn mục ngay trước mắt con người.
Ngày nay, chúng ta đã chịu phép Rửa
của Đức Kitô trong Thánh Thần, chúng ta được mời gọi hiệp thông thân mật với
Chúa Ba Ngôi, chúng ta cũng được mời gọi lên đường phục vụ anh em, nhất là
những anh em đang cần một “Tình Yêu Chia Sẻ”.
II. CHIA SẺ TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN.
Thiên Chúa đã đến chia sẻ với kiếp
sống con người chúng ta “Ta đến không
phải để được phục vụ, nhưng để phục
vụ”. Mọi người phải theo gương Chúa mà phục vụ nhau, chia sẻ với nhau trong
cuộc sống, nhất là trong cuộc sống hôn nhân vì “Họ không còn là hai, nhưng là một xương một thịt” (Mt 19,6).
Vợ chồng cần chiasẻ với nhau về hai
phương diện : tình cảm và vật chất.
1. Về phương diện tình cảm.
Thomas Merton nói : “No man is an island” : không ai là một hòn đảo. Đúng vậy, không ai trong
chúng ta muốn trở thành một hòn đảo trơ trơ trong một quần đảo Indonesia gồm
13.000 hòn đảo. Nếu các nhà triết học kinh viện định nghĩa “
Homo est animal rationale” : người là một con vật có lý tính, thì ngày nay các
nhà xã hội học lại định nghĩa :”Homo est animal sociale” : người là một con vật
có xã hội tính. Con người không những
có lý trí mà còn có tình cảm, có nhu cầu phải thông cảm với nhau, có tương quan
với nhau về nhiều phương diện.
Dân gian Việt nam chúng ta có câu tục
ngữ mà ai cũng quen biết :
“Một
con ngựa đau cả tầu chê cỏ”
Ngày nay, có những em học sinh cắt
nghĩa câu tục ngữ này rất hay, rất khoa học và hợp với hoàn cảnh hiện tại. Các
em cắt nghĩa là : Khi thấy một con ngựa
bị đau thì tất cả các con khác không dám ăn cỏ vì sợ trúng độc, vì ngày nay
người ta phun thuộc sâu nhiếu lắm !!!
Câu tục ngữ này có ý nói : Một con
ngựa bị đau ốm không ăn được cỏ thì cả tầu ngựa (cái máng để chứa thóc, cỏ cho
cả chuồng ngựa ăn) đều chê cỏ không ăn. Ý nói loài vật có tình đồng loại, thấy
một con đau thì cả đàn đều thương. Nếu
con vật còn biết thông cảm với nhau như vậy mà con người lại không biết thông
cảm với nhau sao ?
Chúng ta cùng sống trong xã hội, chúng
ta thích sống trong cộng đoàn vì chúng ta có nhu cầu chia sẻ, nhu cầu trao đổi
tình cảm. Khi nói sống thì không thể nói “sống”
trống không mà luôn phải nói “Sống với”
hay “sống cùng”. Sống với, sống cùng
là là nói lên đời sống cộng đoàn trong đó có nhiều người, và như vậy không ai
là người lẻ loi.
Khi chúng được niềm vui thì chúng ta
muốn có người để chia sẻ niềm vui ấy,
khi buồn thì chúng ta cũng muốn có người để chia sẻ nỗi buồn đó. Người
ta thường nói : Niềm vui mà được chia sẻ
thì niềm vui tăng lên gấp bội, còn nỗi buồn mà được chia sẻ thì sẽ giảm đi một
nửa”.
Chúng ta tưởng chỉ có con người mới
biết thông cảm sao ? Theo các nhà khoa học và theo kinh nghiệm thì con vật cũng
biết thông cảm với người và qua thí nghịem mới đây người ta cho biết cây cỏ
củng biết thông cảm với người.
Trong đời sống gia đình, nhu cầu chia
sẻ rất cần thiết. Nếu không người ta sẽ dễ bị thấy mình cô đơn, lẻ loi, lạc
lõng. Người đàn bà sợ cô đơn lắm ! Có
lẽ vì sợ cô đơn mà họ nói nhiều. Nhiều
người chồng vô tâm, chỉ nghĩ đến việc khác, không hỏi thăm vợ được một câu
trong suốt một ngày. Kinh nghiệm cho hay :
“Đối
với người đàn bà, những sự săn sóc nhỏ nhặt rất quan trọng”
(Barbey
d’Aurevilly)
“Những
lời dịu ngọt có hiệu lực đối với người đàn bà hơn là những món nữ trang lặng lẽ”
(Berbère)
2. Về phương diện vật chất.
Thông thường người đàn ông làm ra tiền
của, người đàn bà lại có khuynh huớng làm nội tướng, thiên về quản lý. Có nhiều người đàn ông không chịu làm việc,
chỉ biết nhậu nhẹt tối ngày, để cho vợ con nheo nhóc. Có những ông chồng trở nên “Ông Trùm Sò”, keo kiệt với vợ con,
nắm hết tiền của, vợ con muốn gì thì phải ngửa tay ra xin từng đồng, giống như
xin của bố thí. Lúc đó, người vợ chỉ như đứa con ở trong nhà, không có một
quyền hành gì.
Nhưng cũng có những ông chồng sống
đúng vai trò của mình , ông ý thức mình là “Gia trưởng”, đóng đúng vai trò của
thánh Giuse trong gia đình Thánh gia,
luôn săn sóc vợ con. Ông giống
như một giám đốc một công ty, điều hành mọi việc một cách tổng quát, còn người
vợ thì được coi như một quản lý phụ tá cho ông, lo mọi việc trong nội bộ. Lúc
đó, người vợ được đóng vai “Nội tướng” dễ thương.
Truyện : thương vợ
thương con.
Một vị quận công nước Anh tổ chức tiệc
tùng khoản đãi các sĩ quan cấp dưới. Trong bữa tiệc ông khoe với khách mời
chiếc bật lửa tuyệt đẹp mà nữ hoàng mới tặng ông.
Chiếc bật lửa được chuyển đi cho mọi
người xem. Cuối tiệc, quận công mời khách hút thuốc, nhưng mới khám phá ra
chiếc bật lửa đã biến đâu mất, tìm khắp nơi mà cũng không thấy. Người ta đề nghị từng sĩ quan phải móc hết
mọi vật ở trong túi ra. Ai cũng làm theo, chỉ có một ông sĩ quan già, nghèo
nàn, quần áo rách nát không chịu thi hành. Mọi người cho là vị sĩ quan này đã
ăn cắp.
Vài tuần sau, quận công lại mở tiệc và
trong bữa tiệc này ông mới khám phá ra là cái bật lửa đang ở trong túi áo của
mình. Ông vội đến xin lỗi người sĩ
quan bị nghi là ăn cắp. Vị sĩ quan
nghèo này trả lời :”Hẳn ngài đã thấy được
căn nhà của tôi đang ở tồi tàn như thế nào. Từ lâu, tôi đã bị thất
nghiệp mà vẫn phải nuôi nhiều miệng ăn trong nhà. Ngài đâu có biết rằng hôm đó
tôi đã nhét vào túi tôi tất cả những đồ ăn thừa trên bàn để mang về cho vợ con
tôi...”
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt