GIA   ĐÌNH

____________________________________

Quyền lợi và bổn phận

 

I. LỜI CHÚA : St 2,4b-25.

 

          Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Sau khi đã được dựng nên người nam, Thiên Chúa thấy còn thiếu cái gì đó, nên mới phán :”Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ cho nó một trợ tá tương xứng với nó”(St 2,18). Thiên Chúa đã dựng nên người nữ và cho kết hợp với nhau.  Kinh thánh còn nói :”Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”(St 2,24).  Từ đó xuất hiện một gia đình đầu tiên do Thiên Chúa tác hợp, đó là gia đình Ađam-Evà.

 

          Mục đích của hôn nhân gia đình là yêu thương nâng đỡ nhau và sinh sản con cái. Khi đã sinh con cái thì cha mẹ phải có trách nhiệm. Cha mẹ sẽ trở thành những mục tử như Chúa Giêsu đối với Hội thánh, như những vị lãnh đạo trong Giáo hội đối với con chiên. Nếu gia đình là Giáo hội tại gia thì cha mẹ cũng có bổn phận chăn dắt con chiên thuộc quyền mình, tức là phải nuôi nấng và dạy dỗ con cái. Đây là quyền lợi bất khả xâm phạm và một nhiệm vụ không ai có thể thay thế được.

 

          Chúng ta cùng nhau tìm hiểu vai trò của người cha, người mẹ và con cái trong gia đình, đặc biệt là gia đình Việt nam xưa và nay.

 

II. GIA ĐÌNH VIỆT NAM NGÀY XƯA.

 

          1. Gia đình Việt nam nói chung.

 

          Từ xa xưa, khi tổ tiên loài người biết sống thành quần thể, gia đình đã xuất hiện.  Và mỗi ngày, tổ chức đời sống gia đình lại được cải thiện hoàn hảo hơn. Cho đến nay, không một ai dám phủ nhận vai trò của gia đình trong cộng đồng xã hội. Đặc biệt là xã hội Việt nam, gia đình lại càng được xem là một nền tảng vững chắc.

 

          Và nếu như xã hội bắt đầu từ gia đình thì gia đình lại bắt đầu từ cá nhân. Mỗi cá nhân trong gia đình đóng một vai trò nhất định. Và mối tương quan của mỗi cá nhân trong gia đình thuộc về phạm trù đạo đức nên phần lớn đều bị chi phối của luân lý.  Song nó cũng không hoàn toàn gói gọn trong phạm vi ấy.  Pháp luật cũng được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân. Có thể nói Việt nam một thời  đã có những định chế khắt khe qui định nghĩa vụ và quyền hạn của cha mẹ, con cái trong gia đình.  Do ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo của Khổng Tử nên người Việt nam xưa rất coi trọng chữ HIẾU. Và nghĩa vụ của con cháu trong gia đình cũng được đặt trên nền tảng ấy. Đối với người Việt nam xưa thì Hiếu là một đức tính làm đầu của con người, nhất làvới người nam nhi :

 

                                      Làm trai nết đủ trăm đường,

                                      Trước tiên điều hiếu, đạo thường xưa nay.

          2. Người cha và chồng.

 

          Theo cổ luật Việt nam, người cha là chủ gia đình, là người có uy thế rất mạnh, ông có quyền định đoạt  hết mọi việc liên quan tới mọi người trong nhà. Quyền đó gọi là “phụ quyền”.

Phụ quyền rất rộng rãi còn được gọi là “quyền gia trưởng”.

          Trước hết, người gia trưởng có quyền sở hữu và quản lý tài sản của mình. Vợ con phải làm lụng cho gia đình chung, không ai được giữ lợi riêng (nếu ai giữ của riêng không được phép người gia trưởng, cổ luật ghép cho tội ăn cắp).

 

          Người gia trưởng còn có quyền hạn tuyệt đối đối với thân nhân trong gia đình. Họ có quyền bắt vợ con đi làm thuê hay đem đi bán. Nói khác đi, người gia trưởng theo cổ luật là người nắm quyền sinh sát trong tay, không khác gì một quân vương.

 

          3. Người mẹ và vợ.

 

          Người mẹ trong gia đình cũng rất quan trọng. Luật Việt nam xưa cũng đã đặt người vợ ngang hàng với người chồng. Tuy nhiên, quyền hạn của người mẹ bao giờ cũng bị hạn chế hơn người cha. và quyền hạn của người đàn bà trong xã hội xưa còn bị hà khắc bởi tục lệ.  Theo tác giả Phạm côn Sơn trong cuốn “Hôn lễ và nghi thức” thì... “Tục lệ đã biến người đàn bà trong gia đình thành một thứ vô dụng và hẹp hòi kiến thức”. Thực vậy, người phụ nữ theo cổ luật không có quyền giao thiệp rộng với thế giới bên ngoài.  Người xưa còn cho rằng chỗ đứng của người đàn bà quanh năm chỉ là “cái bếp”.

 

          Cổ luật buộc người đàn bà không có quyền ghen khi người chồng ngoại tình hay có năm thê bảy thiếp. Người đàn bà cho rằng việc ấy là việc tự nhiên, không đặt thành vấn đề :

 

                                      Chồng giận thì vợ làm lành,

                                       Miệng cười chúm chím rằng anh giận gì ?

                                      Thưa anh, anh giận em chi ?

                                      Muốn lấy vợ bé em thì lấy cho !

                                                      (Ca dao)

 

  Ngược lại, người đàn bà ngoại tình sẽ phải chịu những hình phạt vô cùng khắt khe như : bị cạo trọc đầu, bôi vôi và thả trôi sông.  Luật lệ còn đặt ra “thất xuất” (bảy tội để đàn ông có thê bỏ vợ) : Không con – Dâm dật – Không thờ cha mẹ chồng – Nhiều lời – Trộm cắp – Ghen tương – Có ác tật.

 

          4. Con cái, cháu chắt.

 

          Bên cạnh cha mẹ, Cổ luật Việt nam cũng qui định nghĩa vụ pháp lý ràng buộc đối với con cháu trong gia đình. Theo đó, con cháu sống trong gia đình phải hoàn toàn tuân theo lệnh của ông bà, cha mẹ. Cho dù ông bà, cha mẹ có phạm lỗi gì,  con cháu cũng không được phép kiện cáo, thậm chí phải che giấu tội phạm của ông bà, cha mẹ. Khi ông bà cha mẹ bị tội lưu đầy, con cháu phải đi theo để phục dịch. Nếu các bậc này bị tội “roi” hay “trượng” thì con cháu phải chịu thay.

 

          Cổ luật Việt nam nổi bật một điều : Luân lý và pháp luật lẫn lộn, đan chen nhau.  Lẽ ra, đạo hiếu của con người thuộc luân lý nhưng nếu ai vi phạm  thì sẽ bị trừng trị nghiêm khắc như một tội phạm hình sự.  Thân thuộc càng gần thì hình phạt càng nặng.

 

          Một điều quan trọng nữa trong nghĩa vụ của con cháu đối với ông bà, cha mẹ là phải tôn trọng thời cư tang. Trong thời kỳ này, con cháu không được ăn mặc lòe loẹt, tiệc tùng vui chơi, không được gả chồng cưới vợ. Tuy nhiên về việc cưới hỏi, cổ luật cũng nới cho một giải pháp là “Cưới chạy tang”.

 

III. GIA ĐÌNH VIỆT NAM NGÀY NAY

 

          Nhìn chung, gia đình ngày nay đã đổi mới nhiều, những luật lệ cổ hủ ngày xưa dần dần bị đẩy lui. Quyền hạn của người cha người chồng đã bị giảm bớt và vai trò cũng như quyền hạn của người đàn bà được nâng cao để họ được ngang hàng với đàn ông.

 

          Ngày nay, tuy người cha vẫn là cột trụ gia đình, nhưng những quyền hạn như một người gia trưởng xưa không còn nữa. Thay vào đó, người cha phải có trách nhiệm thương yêu và giáo dục con cái nên người. Pháp luật hiện hành cũng không cho phép cha mẹ có những hành vi đối xử ngược đãi con cái.

 

          Trong tông huấn “Đời sống gia đình”, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô 2 nói :”Tình yêu thương đối với người vợ đã trở thành mẹ, và tình yêu thương đối với con cái là con đường tự nhiên đưa người nam đến chỗ hiểu biết và thể hiện việc làm cha của mình”(Số 25).

 

          Còn đối với phụ nữ, những tục lệ ràng buộc người phụ nữ  xưa, đến nay đã bị xem là quá khắc nghiệt.  Cùng với sự phát triển của xã hội, địa vị người phụ nữ đã được đưa lên ngang hàng với nam giới về mọi mặt.

 

          Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô trong tông huấn “Đời sống gia đình” cũng nói :”Trong viễn tượng ấy, Thượng hội đồng Giám mục đã dành một sự chú ý đặc biệt cho người phụ nữ, cho các quyền lợi và vai trò của họ trong gia đình cũng như ngoài xã hội... Về phụ nữ, trước hết cần phải ghi nhận rằng, phẩm giá và trách nhiệm của họ bình đẳng với phẩm giá và trách nhiệm của người nam”(Số 22).

 

          KẾT LUẬN.

 

          Để kết  luận, chúng ta hãy suy niệm một đoạn thư thánh Phaolô gủi cho tín hữi Êphêsô :

“Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người vợ hãy phục tùng chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội thánh... Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh. Mầu nhiêm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng”(Ep 5,21-23. 25-33).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục