LY CÀ PHÊ

***

Chúng ta đọc : 1Cr 12,14-26.

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Trong thư thứ nhất gửi chi tín hữu Côrintô, thánh Phaolo ânhắc nhở họ về cách sống trong cộng đoàn. Ai cũng biết cộng đoàn là một tập thể gồm nhiều người có thể khác quốc tịch, mầu da, ngôn ngữ, phong tục... Tuy nhiều nhưng tất cả chỉ làm nên một thân thể duy nhất là nhiệm thể Chúa Kitô.

 

          Để củng cố và phát triển cộng đoàn, Thiên Chúa đã ban nhiều đặc sủng cho nhiều người khác nhau. Có người được ơn giảng dạy, có người được lòng tin vững vàng, có người được ơn chữa bệnh, có người làm phép lạ, có người nói tiên tri, kẻ khác nói tiếng lạ... Nhưng chính Thần Khí duy nhất làm tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách  nhằm củng cố cộng đoàn.

 

          Thánh Phaolô nhấn mạnh đến vấn đề đoàn kết trong Hội thánh. Ngài đưa ra so sánh sự liên kết giữa các bộ phận với thân thể. Ngài nói :”Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy”(1Cr 12,12).  Để từ đó, Ngài có thể nói :”Tất cả chúng ta  gồm các thành phần khác nhau, nhưng đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể, một thân thể duy nhất”.

 

          Do đó, mọi bộ phận trong một thân thể đều cần thiết, không có một bộ phận nào dư, không có một bộ phận nào vô ích. Mỗi bộ phận có một nhiệm vụ riêng. Tất cả đều cần thiết để phục vụ cho lợi ích của thân thể.  Hơn nữa, “Những bộ phận nào xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất, và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả”(1Cr 12,22-23). Vì thế, thánh Phaolô kết luận :”Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận”(1Cr 12,27).

 

          Cũng vậy, trong Hội thánh Chúa có nhiều thành phần : người  Do thái và Hy lạp, tự do và nô lệ, mỗi người tùy theo ơn Chúa ban mà phục vụ Hội thánh. Trong mọi sự phải tránh lòng ghen tương. Mỗi thành phần đều có ơn gọi riêng. Mỗi thành phần có trách nhiệm phải xây dựng Hội thánh theo ơn gọi của mình.  Trong mọi sinh hoạt, mọi người phải cố gắng tạo ra sự hòa hợp giữa các thành phần để cùng tạo nên sự đoàn kết làm nên một cộng đoàn tình thương như lời Thánh vịnh  :

                                      Xinh thay là cảnh anh em

                                      Cùng nhau vui sống dịu êm một nhà.

                                                  (Tv 132,1)

 

II. CHUYỆN VỀ MỘT LY CÀ PHÊ.

 

          Ngày trước chúng ta chỉ có uống trà. Ngồi nói chuyện gẫu với nhau chung quanh ấm trà là qúi rồi. Bây giờ cà phê phát triển mạnh, nên đâu đâu cũng có cà phê, các quán cà phê mọc lên khắp nơi từ thành thị đến thôn quê.  Ngày nay người ta không còn uống “cà phê kho” hay “cà phê vớ” nữa mà phải uống  “cà phê phin”.  Muốn uống cà phê phin cho ngon, ngoài việc phải có cà phê tốt, người ta còn phải chú trọng đến cách pha cà phê : trước hết phải trướt phin bằng nước nóng, rồi cho cà phê vào phin, ấn cà phê xuống bằng cái nắp cho chắc, rưới lên một chút nước sôi vừa phải, đợi mấy phút cho cà phê nở ra. Sau đó mới đổ nước vào cho phin nhỏ giọt. Phin phải rỏ xuống từng giọt mới ngon, nếu để cà phê chảy xuống như cái cống thì không ra gì.  Người uống cà phê sành điệu , phải làm những thao tác như thế mới ngon.

 

          Thời nay, kinh tế phát triển mạnh, công việc bề bộn, người ta không còn thì giờ để thưởng thức những ly cà phê phin nữa vì thì giờ là vàng bạc mà. Thay vào đó, người ta chế ra thứ cà phê gói, cà phê hoà tan, cà phê uống liền như cà phê Trung nguyên nổi tiếng, Nestcafé, Vinacafé... Loại cà phê này uống liền, rất thuận tiện, tuy không ngon bằng ca phê phin nhưng chất lượng thì không kém.

 

          Người ta tặng tôi một hộp cà phê Trung nguyên, mà theo họ là ngon nhất. Tôi uống thử và thấy ngon thật. Ngoài bao bì có in hàng chữ “3 in 1” có nghĩa là 3 chất trong một gói. Vậy 3 là cái gì ? Đó là 3 chất pha trộn với nhau :bột tinh chất cà phê, đường và chất béo.  Như vậy, trong mỗi một gói đều có 3 chất đó hoà tan trong nước theo một tỷ lệ hợp lý.

 

III. CHUYỆN VỀ HOÀ HỢP GIA ĐÌNH.

 

          Tôi đang ngồi thưởng thức ly cà phê hoà tan thì nghe thấy tiếng ồn ào trong một gia đình ở gần nhà thờ. Đây là một gia đình trẻ mới có vợ chồng và một đứa con. Đúng là “3 in 1” : 3 người trong 1 gia đình. Có truyện gì xẩy ra ? Vợ chồng họ đang cãi nhau về việc làm ăn.  Vợ thì muốn dùng số tiền đi buôn, chồng lại muốn dùng số tiền ấy mua mấy sào đất để canh tác. Hai người có hai cách giải quyết khác nhau, không bên nào chịu nhượng bộ, thế là phải to tiếng.

 

          Điều này làm cho tôi phải suy nghĩ : nếu gia đình nào cũng có “3 trong 1” như ly cà phê tôi đang uống thì êm đẹp biết mấy ! Tuy vẫn là “3 trong 1” đấy như tỷ lệ thế nào cho hợp lý ? Không lẽ ly cà phê chỉ có bột cà phê hoà tan , đắng như vậy uống làm sao được ? Nếu chỉ có đường thì uống đường thôi chứ đâu có uống cà phê ? Còn nếu chỉ có chất béo thôi thì uống làm sao được, ngán lắm ?

 

          Muốn có một ly cà phê ngon thì 3 chất đó phải hoà tan trong một tỷ lệ hợp lý : không có cái nào nhiều quá, không có cái nào ít quá, đắng quá hay ngọt quá cũng không tốt.  Muốn cho gia đình được trong ấm ngoài êm, trên thuận dưới hoà thì phải có sự hoà hợp. Chìa khoá của hạnh phúc gia đình là sự nhịn nhục, nhường nhịn nhau. Trong gia đình không có kẻ thắng người thua mà chỉ san sẻ cho nhau theo phương châm :”Nhịn mày tốt tao”.

 

          Người ta ao ước lập được một gia đình hạnh phúc. Theo họ, nếu kiếm được một người vợ hiền và một người chồng khôn thì đã có hạnh phúc , nhưng như thế đã đủ chưa , hay còn phải có những điều kiện khác ?

 

                                      Làm trai lấy được vợ hiền,

                             Như cầm đồng tiền mua được của ngon.

                                      Phận gái lấy được chồng khôn,

                             Xem bằng cà vượt vũ môn hóa rồng.

 

          Nhưng như thế cũng chưa đủ, chưa chắc đã có hạnh phúc. Bí quyết để đi đến hạnh phúc là vợ chồng phải “xử tốt” với nhau.  Người ta thường nói :”Có đi có lại mới toại lòng nhau”, nếu chồng biết xử tốt với vợ, thì ngược lại, vợ cũng phải xử tốt với chồng.  Cả hai biết cư xử tốt với nhau thì gia đình sẽ hạnh phúc.

 

                                      Truyện : Xử   tốt với nhau

          Ông FLAVÌERE, nguời đặc trách mục truyện Đồng quê của nhật báo “Ngôi sao” xuất bản tại thủ đô Manila (Philippines) có kể lại câu chuyện vui sau đây :

          Có anh nông dân kia đã lập gia đình hơn 10 năm nay, nhưng hầu như ngày nào cũng phải gặp cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Vợ chồng anh cứ cãi lộn với nhau hoài. Một hôm, quá buồn lòng, anh nông dân tìm đến một người bạn thân gần đó và xin anh ta góp ý kiến:

          - Làm thế nào để tôi không những ly dị được con mụ vợ ưa gây sự này mà còn làm cho mụ ta  phải khổ tâm suốt đời.

          Người bạn của anh ta vấn kế :

          - Nếu anh quả tình muốn bỏ đi và muốn làm cho chị ta phải khổ tâm, thì bây giờ anh hãy về và cố gắng cư xử với chị ta  như với bà hoàng hậu. Chừng đôi ba tháng sau đó anh sẽ bỏ đi và tôi dám chắc rằng chị ta sẽ phải đau khổ suốt đời, vì lúc đó không còn ai phục dịch chị ta như một bà hoàng nữa.

          Anh nông dân nghe lời, về nhà làm y như lời bạn khuyên. Anh đối xử rất tốt với vợ và bất cứ điều gì chị vợ muốn, anh ta đều mau mắn thực hiện, cứ như cô hầu đối với bà hoàng của mình.

          Thời gian qua đi, 2 tháng rồi 3 tháng. Người bạn của anh nông dân chờ mãi không thấy anh đến cho biết quyết định ra đi, liền đến tận nhà thăm hỏi và được anh ta trả lời :

          - Làm sao tôi có thể rời bỏ nàng được, bởi vì từ ngày tôi đối xử với nàng  như với một bà hoàng, thì ngược lại, nàng cũng đối xử với tôi như với một ông vua ?  Không, tôi không thể nào xa rời người bạn đời đã đối xử với tôi quá tốt như thế ! (Góp nhặt 4, tr 122)

 

          Để kết thúc, chúng ta hãy suy ngẫm lời thánh Phaolô gửi chi tín hữu Ephêsô về tình yêu đối với vợ chồng :

“Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô thương yêu Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh... Chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình” (Ep 5, 25.28).

          Ngài cũng khuyên người vợ :

Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ như Đức Kitô là đầu của Hội thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội thánh, thân thể của Người . Và như Hội thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy” (Ep 5, 21-24).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục