NỬA MÌNH

***

 

          Theo truyền thuyết Hy lạp,  đời sống của vợ chồng  được mô tả như sau : trước kia người nam và người nữ chỉ là một con người duy nhất, và trong con người ấy có sẵn hai yếu tố, hai bản chất nam và nữ.

          Như thế con người nguyên thủy chỉ có một thân thể, nhưng lại có hai cái “mặt” trên một cái đầu, và mỗi mặt nhìn về một hướng. Bởi đó, mặt này nhìn thấy những sự việc khác với mặt kia, nảy sinh ra những dự tính  khác với cái nhìn của mặt kia.

          Nên có lúc trong con nguời đó nảy sinh ra những xung đột bên trong : chẳng hạn như nửa thân người này muốn thực hiện môt việc, muốn đi về một phía, trong khi đó nửa kia lại muốn làm việc khác, đi về hướng khác, rồi cuối cùng chẳng biết làm sao.

          Con người ấy bèn xin Thượng Đế cho tách mình làm hai, mỗi mặt đi với một nửa cơ thể, và từ đó có cuộc sống riêng. Sau thời gian hai “nửa thân thể” sống riêng, lại cảm thấy thiếu thốn, nhớ nhung, bèn đi tìm nhau để kết lại một, đó là sự lấy vợ lấy chồng.  Hai nửa thân mình tìm thấy nhau rồi kết lại làm một (vì  vốn chỉ là một).

 

I. NAM NỮ HẤP DẪN NHAU.

 

          Không ai có thể chối cãi được nam nữ có tính hấp dẫn nhau, không ai có thể phủ nhận được tính âm dương hòa hợp giữa con người.  Nếu ngày xưa, các cụ của ta chủ trương “nam nữ thọ thọ bất thân” là một điều rất khó. Tuy nhiên, khi sinh ra con người chưa có ngay tình yêu nam nữ mà phải chờ thời gian với sự phát triển tinh thần và thể xác con người.

 

          1. Tuổi thơ : trẻ con thuờng chơi với nhau rất tự nhiên bất kể trai gái, chỉ biết sống nương tựa vào cha mẹ, bạn bè. Sống hoàn toàn vô tư, thoải mái.

 

          2. Tuổi dậy thì : Thời kỳ này đứa trẻ thấy trong mình có sự thay đổi, cả thân xác, cả tinh thần.  Chúng thích sống riêng tư, thầm lặng, hay buồn, và muốn có người bạn riêng để tâm sự. Tình yêu mới chớm nở nhẹ nhàng nhưng mông lung :

 

                                      Hôm nay trời lặng lên cao,

                                Tôi buồn, không hiểu vì sao tôi buồn.

 

          3. Tuổi trưởng thành : Tình yêu của chúng phát triển  đến chỗ trưởng thành. Họ cần  có người yêu để chia sẻ, để nương tựa, họ muốn có con để nối dõi tông đường.  Họ muốn lập gia đình để đáp lại tiếng gọi của “hai nửa mình”.  Vì thế, mới có Thánh lễ Hôn phối hôm nay.

 

II. HAI NỬA MÌNH THÀNH MỘT.

 

          Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ. Sách Sáng thế còn ghi lại : “Đức Chúa phán :”Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá xứng với nó’ (St 2,18).  Và Sách thánh kể tiếp :”Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người, và lắp thịt vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương đã rút từ con người ra , làm thành một người đàn bà và dẫn đến con người. Con người nói :”Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi, vì đã được rút ra từ đàn ông” (St 2,23).

 

          Người đàn ông này là Ađam và người đàn bà này là Evà.  Thiên Chúa đã cho họ tác hợp với nhau để trở nên vợ chồng.  Đây là một cuộc hôn nhân đầu tiên vô cùng tốt đẹp do chính Thiên Chúa đã tác hợp. Rồi con cháu ông bà sau này cứ thế mà làm.  Chính vì vậy mà người nam và người nữ có tính hấp dẫn nhau. Cũng chính vì vậy mà “Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”(St 2,24).

 

          1. Chúa Giêsu nhắc lại.

 

          Sau này, trong khi đi rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu cũng đề cập đến vấn đề hôn nhân và Ngài cũng trưng lại đoạn sách Sáng thế ở trên để nói về  tính cách duy nhất của hôn nhân mà thánh Matthêu đã ghi lại :”Vì, thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt”(Mt 19,5-6).

 

          2. Hiệu quả của Bí tích Hôn phối.

 

          Thiên Chúa không bắt buộc người ta phải lập gia đình, Chúa không buộc người nam và người nữ phải liên kết với nhau thành một xương một thịt, con người được hoàn toàn tự do vì “có những người trở nên hoạn nhân vì Nước Trời”, nhưng khi đã liên kết với nhau qua bí tích hôn phối thì cả hai sẽ thành một xương một thịt.  Và khi đã trở nên một xương một thịt thì không có quyền tháo gỡ như lời Chúa Giêsu đã phán :”Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”(Mt 19,6).

 

          Lúc này không còn phân biệt của vợ hay của chồng mà là của nhau, chúng chúng mình vì trong thân xác chồng đã có vợ, và trong thân xác vợ đã có chồng  :

 

                                      Mình với ta tuy hai mà một

                                      Ta với mình tuy một mà hai.

                                                (Tàn Đà)

 

III.  HÃY CỦNG CỐ SỰ HIỆP NHẤT ẤY.

 

          Khi kết hôn, hai người đã hiệp nhất với nhau trong thân xác và tinh thần, nhưng hai cái “nửa mình” đó có khuynh hướng đối chọi nhau.  Tuy đối chọi nhau nhưng không thể cắt đôi con người ra được hoặc cắt từ trên xuống hoặc cắt ngang.

 

          Nếu vợ chồng ly dị nhau, ta coi như họ đã cắt đôi con người họ để mỗi người chỉ còn có một nửa, mà đã là một nửa người thì lại thấy thiếu thốn như truyện ở trên.

 

          Hiểu được ý nghĩa đó, thi sĩ Winch gọi vợ mình là “HỠI NỬA MÌNH CỦA TÔI ƠI” ! Đúng thế, người vợ là nửa thân thể của chồng, và ngược lại, người chống là nửa thân thể của người vợ.

          Khi người yêu ra đi, khi cuộc hôn nhân “nửa đường đứt gánh”, người ta sẽ đau khổ biết bao. Hiểu được tính cách thê thảm của tình trạng này,  thi sĩ Hàn mặc Tử đã phải thốt lên :

 

                                                Người đi, một nửa hồn tôi mất,

                                                Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

                                                          (Hàn mặc Tử)

 

          Để kết luận, ta hãy  đọc giáo huấn của công đồng Vatican II qua hiến chế về mục vụ :

 

Bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ không còn là hai nhưng là một xương một thịt (Mt 19,6) phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hiệp mật thiết trong con người và trong hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày một đầy đủ hơn.

 

Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau, cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly” (MV số 48).

 

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát

                                                                             Đà lạt


Về trang Mục Lục