NHÀ TÔI
---
I. CÂU
CHUYỆN CÁI NHÀ.
Năm nay trúng mua cà phê, ai cũng vui
mừng vì có của ăn của để. Nhờ được một số tiền tích trữ, mọi người đang thi
nhau xây nhà, nhà lầu, nhà trệt, nhà nào cũng phải khang trang đẹp mắt. Mỗi khi
xây xong một ngôi nhà, trước khi đưa vào xử dụng, anh chị em thường mời tôi đến
làm phép nhà mới và tổ chức ăn mừng tân gia.
Bất cứ ai cũng phải có nhà để mà ở,
nếu không chỉ là kẻ lang thang đầu đường xó chợ.
Chắc ai
trong chúng ta cũng đã có một lần nhờ bạn bè chở về nhà. Khi gần đến nhà, chúng
ta sẽ lấy ngón tay chỉ căn nhà với mái nhà, với vách tường, với một vài chi
tiết đặc biệt nào đó, và bảo : Đây là NHÀ TÔI.
Đã nhiều lần chúng ta sung sướng cho
bạn bè xem tranh ảnh gia đình mình, và bảo : Đây là NHÀ TÔI.
Một vài anh chị em trong chúng ta khi
gặp bạn bè, sung sướng giới thiệu vợ hay chồng mình cho bạn bè vào bảo : Đây là
NHÀ TÔI.
Không cần mái, cũng chẳng cần vách,
chỉ cần có người yêu bên cạnh, mình đã có thể bảo : Đây là NHÀ TÔI.
Với tất cả cái thâm thúy ấy, người Việt
chúng ta dịch chữ CHURCH thành NHÀ THỜ.
Đây là NHÀ nơi tôi, nơi chúng tôi THỜ phượng Thiên Chúa, tôn kính tổ tiên...
Có lẽ không có cha mẹ Việt nam nào
sáng sớm Chúa nhật thúc con cái dậy với câu : Dậy đi các con, dậy đi hiệp dâng
Thánh lễ ??? Nhưng chỉ gỏn gọn một câu : Con
ơi, dây đi NHÀ THỜ.
II. HAI
TIẾNG “NHÀ TÔI” PHONG PHÚ.
Nghe tiếng NHÀ TÔI nó thân thương thế
nào ấy. Nó có nghĩa đen và nghĩa bóng.
Khi chủ nhà được hỏi :
- Sao lại thích làm cửa kính mầu
Toyota ?
Người chủ trả lời :
- Nhà tôi xây theo model Pháp, nên NHÀ
TÔI thích làm như vậy.
Cùng tiếng NHÀ TÔI mà có hai nghĩa :
* Nhà xây bằng gạch
hay làm băng gỗ, bằng tranh.
* Bà vợ hay người
chồng.
III.
CÁCH DÙNG CỦA NGƯỜI VIỆT.
Người Việt thích dùng tiếng NHÀ TÔI để
vợ chồng gọi nhau, rất gọn :
- Ông có nhà không ?
- Nhà tôi hôm nay đi họp.
- Bà có nhà không ?
- Nhà tôi vừa đi chợ.
Người Việt ta không thích dùng chữ “chồng tôi hay vợ tôi” mà thích dùng
chung một chữ NHÀ TÔI cho nó thân
thương, cho nó gần gũi.
Truyện : Nhà tôi
Có một người tỏ ra hiểu biết đã cắt
nghĩa chữ NHÀ cho một anh bạn :
- Khi gọi NHÀ tức là đã am hiểu sâu
sắc về một vấn đề gì đó, ví dụ “nhà sử
học” tất nhiên phải am hiểu sử hơn một “nhà văn”. Một “nhà văn” phải am hiểu
văn hơn “nhà toán học”, một nhà toán học phải am hiểu về toán hơn một “nhà nghệ
thuật”...
Anh bạn hỏi chọc sự thông thái của anh
bạn kia bèn hỏi :
- Vậy còn người nào cao ráo , đẹp đẽ
và rất sạch sẽ thì gọi là “nhà gì” ?
Anh bạn còn lúng túng chưa biết trả
lời sao, thì anh bạn kia hỏi ngay :
- Gọi là NHÀ VỆ SINH phải không ?
Anh bạn kia !!!
IV. HÔM
NAY XÂY DỰÏNG NGÔI NHÀ.
Hai anh chị hôm nay đến đây chính thức
xây dựng ngôi nhà gia đình qua lời hứa hôn với nhau để từ nay có thể gọi nhau
là NHÀ TÔI.
Ngôi nhà này giờ đây được xây dựng và
tức khắc được làm phép ngay. Xin Chúa chúc phúc cho ngôi nhà này, bảo vệ nó
khỏi sự dữ, đổ tràn ơn phúc trên ngôi nhà này hầu nó được trở nên nhà của Thiên
Chúa.
Ngôi nhà này hôm nay đã hoàn thành,
mọi người ăn mừng tân gia. Mọi người đều hoan hỉ chúc mừng. Do đó, anh chị hãy
qúi trọng ngôi nhà này, hãy bảo dưỡng nó. Người ta xây nhà để ở, cho nên anh
chị hãy ở mãi trong ngôi nhà này, đừng ra đường mà ở hay đi ở nhờ nhà người
khác, kỳ lắm !!!
V. CƠN
CÁM DỖ BÁN NHÀ.
Có người chóng chán, không thích ở nhà
cũ, muốn tìm ngôi nhà mới tiện nghi hơn, tốt hơn vì người ta thường đứng núi
này trông núi nọ.
Truyện
: quảng cáo bán nhà.
Có người kia làm chủ một ngôi nhà to
lớn nằm ở ngoại ô thành phố. Ông ta nhất định bán cả nhà và đất để tìm nơi khác
tốt đẹp hơn. Ông tìm một người chuyên
môn buôn nhà đất đến để lượng giá và quảng cáo hộ.
Sau khi đã quan sát kỹ lưỡng mọi chi
tiết, chuyên viên thương mại đánh giá, viết ngay lời quảng cáo và đọc lại cho
chủ nghe. Nghe qua một lần, chủ nhà xin chuyên viên đọc lại lần nữa :
“Cần bán ngôi nhà rộng rãi , nhiều phòng, có
vườn chung quanh, đẹp, nơi yên tĩnh, không bị ô nhiễm, nằm ngoại ô thành phố,
thuận tiện đường giao thông, gần nhà trường, bệnh viện, nhà thờ...” Nghĩa là
tất cả những điểm tốt, thuận lợi của ngôi nhà và vị trí đã được anh chuyên viên
khéo léo đặt vào trong lời quảng cáo.
Nghe xong lần thứ hai lời quảng cáo,
nét mặt chủ nhà vui hẳn lên và quyết định :”Thôi,
tôi không bán ngôi nhà này nữa, vì theo lời anh mô tả, đây là một ngôi nhà lý
tưởng mà tôi hằng mong ước. Lời quảng cáo của anh đã thức tỉnh tôi”.
Cái nhà là nhà của ta. Ta yêu qúi nó.
Ta chăm sóc nó, ta bảo vệ nó. Nhưng nhiều khi ta cũng chán nó. Nếu Chúa và Hội
thánh cho phép, có lẽ nhiều người dám bán cái “NHÀ TÔI để tậu nhà khác lắm, chỉ
vì đứng núi này trong núi kia cao. Cơn cám dỗ này còn được chạy tội kiểu “cả vú lấp miệng em” để đổ lỗi cho người
khác. Nhưng, nếu thành thật, chúng ta
phải nhận rằng : những rạn nứt và đổ vỡ trong gia đình, phần lớn là do “lỗi tại
tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.
Đừng tưởng rằng cứ bỏ người bạn trăm
năm mà đi xây dựng một tổ ấm khác sẽ tốt đẹp hơn. Kinh nghiệm cho hay : những
người đã lỡ đi xây dựng tổ ấm khác, nhiều người nuối tiếc cái tổ ấm đầu tiên
của mình vì rất thường xẩy ra trường hợp :”Chồng
trước đánh đau, chồng sau mau đánh”.
Hãy nghe lời trẻ em hát trong
sinh hoạt thiếu nhi :
Cái nhà là nhà của
ta,
Ông cố ông cha làm
ra
Cháu con hãy gìn
giữ lấy
Muôn năm với nước
non nhà.
KẾT
LUẬN
Muốn cho ngôi nhà này trở nên mát mẻ
dễ chịu trong buổi trưa hè nóng bức, ta nên có cái máy điều hoà không khí. Mà
cái máy đều hòa không khí ấy là cái gì ? Đó là người vợ. Người vợ được coi như
bóng mát, của dịu dàng, của yêu thương. Nếu không thì nguy hại :
“Ba
đều đuổi đàn ông ra khỏi nhà : khói, nhà dột và một người đàn bà gây gỗ”
(ĐGH Innocent III)
Ngoài ra, ta không thể quên Mẹ Maria,
Ngài được coi như Mẹ của mùa xuân tươi mát. Trong gia đình , có Mẹ, chắc chắn
mọi người sẽ thấy vui tươi hạnh phúc.
Lm Giuse
Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt