ÔNG CHẲNG BÀ CHUỘC

+++

 

I. LẮNG NGHE LỜI CHÚA

 

          Trong bài thánh ca  gửi cho tin hữu  Philipphê (Pl 2,6-11), thánh Phaolô đã ca tụng tinh thần phục vụ của Đức Giêsu trong việc quên mình đồng hàng với Thiên Chúa, đã hạ mình xuống làm thân nô lệ để cứu chuộc nhân loại bằng cái chết đau thương của mình trên thập giá.

 

          Thấu hiểu được tinh thần tự hiến cao cả ấy, trong thư gửi cho tín hữu Êphêsô,   thánh Tông Đồ đã khuyên nhủ mọi người hãy theo gương Đức Giêsu mà quên mình đi, hạ mình xuống mà phục vụ mọi người, cố gắng làm hài lòng người khác chứ không phải làm hài lòng mình.

 

          Chúng ta hãy lắng nghe lời Ngài :

 

          Anh em thân mến,

          Bổn phận của chúng ta không phải là làm hài lòng mình. Mỗi người chúng ta hãy làm hài lòng người thân cận trong sự tốt lành để xây dựng. Vì Đức Kitô đã không tìm làm hài lòng chính mình. Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, ban cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau theo gương Đức Kitô Giêsu, để anh em một lòng đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì thế, anh em hãy đón tiếp nhau như Đức Kitô đã đón tiếp anh em, để làm vinh danh Thiên Chúa.

         

          Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng ban cho anh em chan chứa niềm vui và bình an trong lòng tin, để anh em tràn đầy hy vọng nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.

(Ep 4,1-6).

 

II. CÂU CHUYỆN “CHẲNG VÀ CHUỘC”.

 

          1. Thành ngữ “Ông chẳng bà chuộc”.

 

          Người nông dân Việt nam có nhiều kinh nghiệm về đời sống gia đình. Không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nhưng cũng có lúc gặp gió chướng, cũng có lúc gặp phong ba bão táp.  Chuyện vợ chồng bất hòa với nhau, tranh cãi nhau là chuyện thường xẩy ra, ít gia đình nào tránh được.

 

          Người ta đã nói lên cái thực trạng đó trong câu tục ngữ “Ông chẳng bà chuộc”.

 

          Câu chuyện như thế này : anh nông dân nọ đánh mất một viên ngọc thần. Vợ chồng nhà chẫu chàng tình cờ nhặt được. Người nông dân muốn chuộc lại nhưng hai vợ chồng không nhất trí với nhau trong việc xin chuộc này : vợ thì cho chuộc, chồng thì không cho.  Thành ra suốt ngày vợ chồng họ cứ “to tiếng” với nhau.  Vợ thì một mực “chuộc thì chuộc” (đồng ý cho chuộc), còn chồng thì dứt khoát “chẳng chuộc” (không cho chuộc).

 

          Tiếng kêu ra rả trái ngược nhau của loại chẫu chàng là tiền đề sáng tạo nên câu chuyện về sự bất hòa của vợ chồng chẫu chàng.  Kèm theo câu chuyện dân gian này là sự ra đời của thành ngữ “ông chẳng bà  chuộc”.

          Thành ngữ “Ông chẳng bà chuộc” biểu thị sự chủng chẳng không ăn khớp, không hợp nhau về ý nghĩ cũng như việc làm giữa người này và người khác.

 

          2. Thành ngữ “Ông nói gà, bà nói vịt”.

 

          Gần nghĩa với thành nhữ “Ông chẳng bà chuộc”, trong tiếng Việt còn có thành ngữ “ông nói gà bà nói vịt”.  Tuy nhiên thành ngữ này được sử dụng với phạm vi hẹp hơn.  Thành ngữ “ông nói gà bà nói vịt” biểu thị sự không ăn khớp nhau, không hiểu nhau, mỗi người nói một nẻo. Sự không khớp nhau ở đây chỉ dừng lại phạm vi nhận thức mà nguyên nhân của nó là do không hiểu nhau một cách vô ý thức.

 

          Ngược lại, ở thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”, sự không ăn khớp nhau được thể hiện ở cả lời nói và ở cả việc làm. Sự không ăn khớp này là tất yếu  và hoàn toàn có ý thức (Hoàng Văn Hành, Kể chuyện, thành ngữ, tục ngữ, 2002, tr 385).

 

III. SỰ HIỆP NHẤT TRONG GIA ĐÌNH.

 

          1. Sự cần thiết.

 

          Trong đời sống gia đình, vợ chồng không thể tách lìa nhau được không những trong thân xác và cả tinh thần nữa. Khi nói về vấn đề rẫy vợ, Chúa Giêsu đã trả lời cho những người Pharisêu :”Các ông chẳng đọc thấy lời này sao : thuở ban đầu, Tạo Hóa đã dựng nên con người có nam có nữ và Ngài phán :”Bởi thế, người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một thân xác” ? Như thế, họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,4-6).

 

          Theo kinh nghiệm, không phải tự nhiên mà có sự phân ly thể xác nhưng nó đã bắt nguồn từ sự phân lý trong tinh thần. Nếu vợ chồng đã yêu thương nhau, khăng khít với nhau, thì không bao giờ có sự phân ly. Sự phân ly thể xác là hậu quả của sự thiếu hiệp nhất trong tinh thần.

 

          Sự hiệp nhất giữa vợ chồng là điều kiện tiên quyết cho hạnh phúc gia đình, thiếu sự hiệp nhất, gia đình sẽ tan rã.

 

          Để có một gia đình yên vui hạnhh phúc, người ta khuyên vợ chồng hãy giữ lấy “nghĩa tào khang” :

 

                                      Vợ chồng là nghĩa tào khang

                              Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui.

 

          Tào khang là một từ ngữ rút ra từ câu trả lời của Tống Hoàn Công cho vua Quang Võ.  Số là vua Quang Võ có người em gái góa chồng, tên là Hồ Dương công chúa. Bà này đem lòng yêu thương quan Tống Hoàn Công và nhờ anh là Quang Võ dạm hỏi, mai mối.  Vua Quang Võ bèn kiếm dịp gạ hỏi xem  ý Tống Hoàn Công thế nào.

 

          Ngày kia, vua hỏi Tống Hoàn Công rằng :”Trẫm nghe thiên hạ nói giầu đổi bạn, sang đổi vợ. Vậy ý khanh thế nào” ? Tống Hoàn Công là người có nghĩa, có đức độ và đã có vợ, lấy nhau từ thuở hàn vi, bèn trả lời rằng :”Tào khang chi thê bất khả hạ đường, bần tiện chi giao mạc khả vong”, nghĩa là vợ chồng lấy nhau từ lúc khổ cực chẳng nên bỏ, bạn bè kết giao từ thuở hèn chẳng nên mất.

 

          Tào khang dịch là khổ cực là dịch theo nghĩa bóng. Nghĩa đen “tào” là cái máng, cái chậu cho súc vật ăn; “khang” là cơm gạo.  Có người đọc chữ “tào” là “tao”. Chữ nho là một chữ. Nhưng dịch sang chữ Việt, “tao” có nghĩa là cái hèm rượu. Xét ra ít hợp nghĩa hơn chữ “tào”. “Nghĩa tào khang”, như vậy, là một định chế phải đạo, lấy sự hy sinh, trung tín, chung thủy làm đầu.

 

          2. Những khó khăn.

 

          * Về phương diện tâm lý.  Người ta thường nói :”bá nhân bá tính”, không ai giống ai. Mỗi người có một tư tưởng, một ý muốn, một hoài bão, một đường hướng, một lập trường riêng… cho cuộc sống của mình, nhiều khi đi ngược với người khác.  5 định luật tâm lý về hôn nhân  đã chứng minh điều đó.

 

          * Về phương diện xã hội.  Sự khác biệt về văn hóa, về giáo dục, về dân tộc, về tôn giáo… cũng có thể làm cho người ta không ăn nhập vào với nhau, do đó sinh ra những mâu thuẫn.

 

          * Về ba chướng ngại vật.  Theo giáo lý nhà Phật, có ba nết xấu làm hư hỏng con người mà không ai tránh được. Đó là : tham, sân, si.

 

                   Tham vì ích kỷ

                   Sân vì tự ái

                   Si vì ngu dốt.

 

          Trong ba nết xấu ấy thì “Sân” là khó trị hơn cả, đến nỗi thánh Philipphê Nêri phải nói :”Tự ái là một nết xấu chỉ chấm dứt 15 phút sau khi người ta đã chết”.  Theo tâm lý chung, ai cũng muốn đưa mình lên, muốn được mọi người ca tụng, cho nên không nhìn ra những khuyết điểm của mình. Do đó, mới có câu thành ngữ :”Bàng quan giả tỉnh, đương cục giả mê” : việc người thì sáng, việc mình thì quáng.

 

          3. Một giải pháp.

 

          Trong đời sống chung, không ai có thể tránh được những mâu thuẫn, những va chạm, những mối bất hòa… Tất cả những cái đó chỉ có thể bị triệt tiêu bằng tình yêu chân thật, bởi vì tình yêu che lấp tất cả.  Tình yêu hóa giải được mọi sự, không còn cạnh tranh, không còn xung khắc nữa, bởi vì

 

                                      Yêu nhau trăm sự chẳng nề

                                 Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.

 

                                      Truyện : Muốn cãi nhau

 

          Lin-đao và Rếch-bec là hai nhà hiền triết. Họ sống chung với nhau dưới một mái nhà từ nhiều năm, mà không bao giờ lớn tiếng cãi nhau. Ngày kia, Lin-đao nảy ra ý nghĩ ngộ nghĩnh. Ông bảo bạn :

          - Tôi nghĩ rằng ít ra chúng ta cũng nên cãi nhau một lần, như người ta thường quen cãi nhau vậy.

          Rếch-bec ngạc nhiên về ý kiến kỳ lạ này. Nhưng vì chiều bạn, ông ta ôn tồn hỏi:

          - Cãi nhau thế nào được ? Ít ra chúng ta cũng phải làm một cái gì chính đáng để cãi nhau chứ ?

          Lin-đao đề nghị :

          - Dễ lắm ! Tôi sẽ để một hòn đá ở giữa sân rồi quả quyết hòn đá ấy là của tôi. Anh phải phùng mang trợn mắt, đỏ mặt tía tai và lớn tiếng cãi lại :”Làm gì có chuyện ấy, viên đá của tôi mà”.  Rồi sau đó chúng ta cãi nhau.

          Nói xong ông Lin-đao liền ra vệ đường tìm một viên đá lớn, khệ nệ bê ra đặt ở giữa sân.  Ông Rếch-bec bèn lên tiếng nói ngay :

          - Viên đá đó là của tôi mà, mắc mớ gì anh lại đưa ra giữa sân ?

          Lin-đao cãi lại :

          - Viên đá này là của tôi. Tôi vừa tìm được ở ven đường. Bộ ông mù rồi sao mà không thấy ?

          Nghe nói thế, ông kia đáp :

          - À phải rồi, viên đá đó ông tìm được thì đúng là của ông rồi. Vả lại, tôi cũng không cần đá làm gì.

          Nói xong, ông ta bỏ đi làm việc khác.

Thế là ý định cãi nhau của hai người không thực hiện được..

 

          Ngoài ra chúng ta còn một giải pháp hữu hiệu nữa để tránh sự xung khắc, sự bất hòa, đó là nhịn nhục, từ bỏ ý riêng để làm vừa lòng người khác như lời thánh Phaolô đã dạy, vì người ta thường nói :”Một sự nhịn chín sự lành”.

 

          Không ai khinh chê người hiền lành nhịn nhục, trái lại còn thán phục và cho nhịn nhục là thái độ của kẻ anh hùng vì họ đã thắng được tình tư dục, thắng được tính tự ái của họ. Do đó, thiên hạ mới đề cao sự nhịn nhục :

 

                                      Chữ nhẫn là chữ tương vàng

                                 Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu.

 

          Muốn gia đình được hiệp nhất yêu thương, chúng ta hãy cố thực hiện lời thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Côlôssê :”Anh em hãy mang lấy những tâm tình từ bi, nhẫn nại, nhân hậu, khiêm nhường, ôn hòa, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải trách cứ người kia” (Cl 3,12-13).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục