NHƯ NĂM CÔ TRINH NỮ KHÔN
NGOAN
(x. Mt 25, 1-13)
Lm Hướng Dương
TỪ MỘT THỜI SỰ CHƯA QUÊN
“Ngày 11.9.2002, không tặc đã điều khiển ba máy bay cảm tử lao vào
toà nhà “Trung tâm thương mại thế giới” cao 110 tầng và một toà nhà khác bên
cạnh cao 46 tầng, cũng như “Ngũ giác đài”
thuộc Toà Bạch Ốc.
Những toà nhà ấy tượng trưng cho sức mạnh và sự kiêu hãnh của nước
Mỹ. Có ai ngờ, giờ đây chúng chỉ còn là những đống gạch vụn. Để thu gom được
những thứ rác rưởi từ hai toà nhà này, người ta ước tính phải mất sáu tháng”.
Câu chuyện này làm ta liên tưởng đến con người một ngày nào đó rồi ai nấy cũng sẽ phải chết
: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi” (Trịnh công Sơn).
I. SỰ CHẾT LÀ THẦY DẠY TA
Khi suy niệm về sự chết, Đức Ông Arthur người Mỹ, đã trích dẫn
một câu nói nổi tiếng của Thánh Giám Mục Augustinô : “Hãy để sự chết làm thầy dạy con”.
Đức Ông nói tiếp : Ngài (Augustinô) có ý gì khi “phong chức giáo
sư” cho thần chết ?. – Thưa, ngài có ý nói rằng : suy nghĩ và chiêm niệm về sự
chết, chúng ta sẽ được chỉ bảo dạy dỗ phải
sống như thế nào. Mọi người chúng ta đều có thầy dạy : thầy dạy toán, thầy
dạy văn … Bây giờ chúng ta có thêm một thầy, đó là Thầy (dạy sự) Chết.
Thầy là một giáo sư nổi danh và dạy giỏi. Thầy có lớp dạy trên
khắp địa cầu. Thầy nói bằng đủ thứ ngôn ngữ mà học trò nào cũng có thể hiểu được.
Thầy dạy đủ mọi giống người, mọi màu da, mọi tín ngưỡng : thầy dạy từ người trẻ
nhất đến người già nhất. Thầy dạy người giàu và kẻ nghèo, người tầm thường và
cả kẻ nổi danh. Thầy mở lớp ở tỉnh thành và ở thôn quê, trên không trung, nơi
biển cả và trong lòng đất nữa.
Thầy dạy những gì ? – Thưa, chủ yếu thầy dạy rằng: “Cuộc đời rồi phải kết thúc và dừng lại”
II. CUỘC ĐỜI RỒI PHẢI KẾT THÚC
Chuyện : “Philíp, vua xứ Maxêđoan đã từng có tham vọng chinh phục cả thế
giới. Một hôm, khi đến xem cuộc đấu vật trên bờ biển, ông trượt chân ngã sõng
soài trên đất. Đứng lên, nhìn lại dấu thân mình còn in trên cát, nhà vua tức
bực nói : “Lúc còn sống, ta những tham vọng chiếm cả thế giới, khi chết chỉ cần có một chút đất thế sao ?”.
Đi đâu rồi ta cũng sẽ đụng đến “bốn dài hai ngắn”. Đây chẳng phải là một tư tưởng bi quan yếm thế
cho bằng là một chân lý của cuộc sống. Cả những triết gia nổi danh như
Heidegger cũng nói rằng sống là để chết (être-pour-la-mort). Sự khôn ngoan của
con người là biết rằng đến một lúc nào đó sẽ dừng lại để biết chuẩn bị cho cuộc
ra đi vĩnh viễn :
“Xin dạy con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trì được
khôn ngoan” (TV 90 (89), 12)
III. VÀ PHẢI “TRẢ LẼ” VỀ NHỮNG VIỆC TA LÀM
Giáo lý công giáo dạy chúng ta về tứ chung (bốn sự của đời sau)
là “chết, phán xét, thiên đàng và hoả
ngục”. Sự khôn ngoan dạy ta không thể nào bình chân như vại khi đối diện
với sự chết, bởi vì khi đó ta phải giáp mặt với Đấng thấy rõ lòng dạ sẽ xét xử
chúng ta và chúng ta phải “trả lẽ” về những gì đã làm (x. Rm 14, 12).
IV. NHƯ NĂM CÔ TRINH NỮ KHÔN NGOAN
Thái độ của chúng ta đối với sự chết mà Chúa dạy phải có, đó là
thái độ của 5 cô trinh nữ khôn ngoan.
Cuộc đời kitô hữu khác nào như một cuộc nghinh đón chàng rể và
chàng rể đây chính là Đức Kitô, vị thẩm phán. Tin Mừng nói chàng rể sẽ “đến chậm”, nghĩa là đến vào lúc người ta
không ngờ. Rồi khi chàng rể đến, chàng sẽ “đóng
cửa lại”. Ý nghĩa thiêng liêng của câu nói là : người ta chỉ chết một lần,
không có cơ hội làm lại cuộc đời nếu đã không có sự chuẩn bị, như 5 cô trinh nữ
khôn ngoan.
Sự khôn ngoan của các cô trinh nữ là luôn tỉnh thức, tay cầm đèn cháy sáng trong tay và mang theo dầu dự trữ.
Ngày xưa, dân Chúa chuẩn bị vượt qua Biển Đỏ cũng có thái độ như thế. Có thể
hiểu “đèn cháy sáng” là luôn sống dưới ánh sáng hướng dẫn của Chúa và “dầu dự
trữ” là những việc lành phúc đức như “của gởi về đời sau”. Không thể tưởng tượng
được một người trình diện Chúa với bàn tay không.
Chuyện : văn sĩ E. Hemingway có viết một quyển tiểu thuyết, nhan đề “ngư
ông và biển cả”, kể lại cuộc vật lộn uổng công của lão ngư phủ người Cuba tên là
Xăngtiagô với biển khơi. Ông câu được một con cá kình, nhưng vì cá quá to, ông đành
phải cột cá bên mạn thuyền để kéo vào bờ. Khốn thay, trên đường về, lũ cá mập đã
đánh ra hơi và xúm vào rỉa thịt. Khi về tới bến, cá to là thế, nhưng chỉ còn là bộ xương mà thôi.
Không thể nào trình diện Chúa với hai bàn tay trắng.
KẾT LUẬN
Người đời thường nói : “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Thiết tưởng, cũng cần phải biết “học chết” nữa (Platon, apprendre à mourir).