ĐỀN THỜ BỊ PHÁ HỦY

----------

                  

I. NHỮNG LỜI TIÊN BÁO.

         

          Chúng ta đọc : Lc 21,5-11 ; Mt 24,1-3 ; Mc 13,1-4.

          Sau khi Chúa Giêsu và các môn đệ ra khỏi đền thờ về phía núi Cây Dầu, từ nơi này, nhìn thấy đền thờ Giêrusalem đồ sộ nguy nga và kiên cố, các môn đệ tấm tắc khen ngợi và có cảm nghĩ đền thờ bền vững đến muôn đời ; nhưng Chúa Giêsu đã nhìn cách bi quan khi Người báo trước Đền thờ sẽ có ngày bị tàn phá bình địa. Lời tiên báo này đã trở thành sự thực vào năm 70, khi quân Roma đến chiếm và phá hủy thành Giêrusalem.

 

          Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe  ghi lại phần mở đầu bài giảng về sự sụp đổ của thành Giêrusalem, và cũng là dấu chỉ về ngày cánh chung của thế giới.  Đồng thời chúng ta cũng có thể suy ra rằng đền thờ của con người là thân xác chúng ta một ngày kia cũng sẽ bị phá hủy, để rồi chúng ta cũng phải nghĩ đến giờ chết của mình.

 

          Chúng ta được biết có hai đền thờ Gierusalem bị phá hủy.  Trước đó dân Do thái cũng có một đền thờ nguy nga đã bị vua Babylon là Nabuchodonosor phá hủy, dân bị bắt đi lưu đầy hơn 70 năm.  Sau đó, đế quốc Babylon bị sụp đổ, vua Ba tư là Đariô tha cho dân được trở về quê hương. Mọi người được trở về như sau  một giấc mơ. Trong niềm vui tươi hớn hở,  mọi người chung ta xây dựng một ngôi đền thờ mới dưới sự hướng dẫn tài ba của vua Salomon. Ngôi đền thờ mới nguy nga tráng lệ này phải mất 40 năm mới hoàn thành.  Nhưng quân đội Roma do tướng Titô chỉ huy đã phá hủy đền thờ này vào năm 70 sau công nguyên.  Tất cả mọi sự đã xẩy ra như lời Chúa Giêsu đã loan báo trước.

 

II. MỌI SỰ SẼ QUA ĐI.

 

          1. Chúa Giêsu báo trước ngày tận thế.

 

          Đền thờ Giêrusalem nguy nga, đồ sộ huy hoàng và kiên cố như vậy, nhưng có ngày bị sụp đổ :”Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6).  Lời tiên báo đó gợi lên cho chúng ta những gì mà chúng ta coi như hấp dẫn, bền vững ở trần gian, sẽ có ngày sụp đổ tan tành, nên chúng ta hãy tỉnh thức đừng có bám víu vào thế gian nữa, mà hãy hướng về những sự trên trời, nơi quê hương thật của chúng ta,  để chuẩn bị xứng đáng khi từ giã cõi đời này.

 

          2. Cảm nghiệm của người đời.

 

          Mọi người đều có một cảm nhận là mọi sự vật sẽ qua đi, không có gì là vững bền. Tư tưởng này nơi Phật giáo càng thấy rõ : trong các văn thơ của những thi sĩ nhuốm tư tưởng Phật giáo đều có những tư tưởng rất bi quan về cuộc đời. Đại diện cho khuynh hướng ấy là thi thĩ  Nguyễn Khuyến khi ông nói :

                             Ôi !  nhân sinh là thế ấy,

                             Như bóng đèn, như mây nổi

                             Như gió thổi, như chiêm bao.

                   hay :

                             Trăm năm còn có gì đâu ?

                             Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.

                                      (Nguyễn gia Thiều)

 

          Một thisĩ khác nói có vẻ triết lý hơn khi nhận xét sự vật trên trần gian : không có gì là bền vững, cái gì đã có thì cùng sẽ hết :

 

                             Hoa nở để mà tàn,

                             Mây hợp để mà tan,

                             Trăng tròn để mà khuyết,

                             Người sống để mà chết.

 

          Theo triết lý Á đông thì “Sự vật hễ có hình thì có hoại”. Thi sĩ Nguyễn Du cũng triển khai tư tưởng này khi ông nói :

 

                             “Thác là thể phách, hồn là tinh anh”.

 

          Người Kitô hữu chúng ta biết : xác con người có hình nên sẽ bị sẽ bị hư hoại, nhưng linh hồn không có hình thì không có hoại, linh hồn còn sống mãi. Vậy sau khi chết thì linh hồn sẽ ra sao ? Cầu hỏi này bắt chúng ta phải trả lời.  Hãy suy niệm câu trong sách Giảng viên :

 

                             Phù hoa nối tiếp phù hoa,

                             Thế gian tất cả chỉ là phù hoa.

                                      (Gv 1,1)

 

III. CHUẨN BỊ CHO ĐỜI MAI HẬU.

 

          Hãy nghĩ về vấn đề quan trọng nhất của con người : sau này sẽ ra sao khi tôi không còn có mặt trên trần gian này ?  Tôi sẽ được kể vào số năm cô trinh nhữ không ngoan hay năm cô khờ dại?  Tôi đã chuẩn bị chưa ? Có bao giờ nghĩ tới sự chết, phán xét, sự sống đời dời chưa ?

                            

                                      Truyện : Ta đang chạy đi đâu ?

          Các nhà văn muốn viết một quyển truyện hay thường nghĩ trước phần kết của câu truyện. Chúng ta muốn viết quyển truyện đời mình cho hay thì cũng phải nghĩ trước về ngày chết của mình, đừng như nhân vật trong truyện dưới đây :

          Nhà khoa học Huxley đang gấp vì sợ đến trễ phiên họp trong đó ông phải đọc một bài tham luận. Ông nhảy lên một chiếc xe ngựa và bảo người đánh xe ngựa :

- Hãy chạy hết tốc lực.

Xe chạy một quãng, ông mới giật mình hỏi :

- Nhưng mà ta đang chạy đi đâu vậy ?

Người đánh xe ngựa đáp :

- Tôi cũng chẳng biết, chỉ biết là xe đang chạy hết tốc lực.

                   (Clifton Gadiman)

          Trong cuộc sống, mỗi người phải định hướng cho cuộc đời mình. Chúng ta đang sống trên biển trần gian, biển rộng mênh mông, không biết đâu là bến bờ. Cần phải có la bàn định hướng để chúng ta có thể tới bến bờ. La bàn đây chính là Lời Chúa. Lời Chúa sẽ soi dẫn đường chúng ta đi, không bao giờ chúng ta bị lạc hướng, vì Chúa đã nói :”Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Chúa sẽ dẫn đường chỉ lối cho ta đi.

 

          Đền thờ Giêrusalem, một công trình mất đến 40 năm mới hoàn tất, vậy mà Chúa bảo rồi sẽ có ngày bị tàn phá. Giữa những vẻ đẹp nhân tạo, những vẻ đẹp của trần thế chóng qua, Chúa muốn tôi tìm kiếm vẻ đẹp không bao giờ tàn úa. Chỉ có vẻ đẹp của tâm hồn, chỉ có sự thánh thiện mới không có gì phá hủy được. Vẻ đẹp đó chỉ có thể tô điểm bằng yêu thương và phục vụ.

 

          Hãy khôn ngoan và tỉnh thức , chuẩn bị sẵn sàng. Cả cuộc sống êm ả lẫn cuộc sống bất ổn cũng đều tiềm tàng những thuận lợi và những hiểm nguy cho đời sống thiêng liêng. Vấn đề là làm sao rút được ích lợi ngay giữa hai tình cảnh đối nghịch đó.

 

          - Nếu đời sống triền miên trong sự êm ả (Thí dụ : sống trong một xã hội sung túc đầy đủ, không bao giờ phải lo chiến tranh hoạn nạn) người ta sẽ dễ an tâm sống đạo thờ phượng Chúa. – Nhưng cũng dễ rơi vào chỗ coi thường, bất cần đến đạo, bất cần đến Thiên Chúa.  Trong Cựu ước, mỗi khi dân Chúa li bì trong cảnh thái bình mà đâm ra trụy lạc, tự mãn, không coi Thiên Chúa ra gì, thì thường xuất hiện vị ngôn sứ loan báo tai họa để nhắc nhở dân (gọi là ngôn sứ báo họa).

 

          - Ngược lại, nếu luôn phải sống trong phập phồng lo sợ, người ta dễ thấy mạng sống mình mong manh, thấy của cải vật chất không bíup bảo đảm gì nhiều cho mình. Khi đó, người ta dễ chạy đến với Chúa. – Nhưng nếu cứ phải sống triền miên trong bất  ổn, cuộc đời dễõ mất ổn định và khó lòng đạt được những hoa trái của sự bình an. Suy niệm đời ông Gióp giúp ta hiểu rõ hơn.

(Theo Lm Carôlô).

 

          Hãy sống những giây phút hiện tại cho xứng đáng, đó là cách dọn mình tốt nhất. Ngày xưa có một thầy dòng viết lên trên mặt đồng hồ những dòng chữ sau đây :

 

“Dĩ vãng đã qua, tương lai chưa tới,

Hiện tại là lúc bạn đang làm chủ.

Phút hiện tại ấy thuộc về bạn, bạn hãy dùng cho hết.

Làm điều có đức sẽ được thưởng, làm điều ác phải chịu phạt.

Đó là tất cả những cái gì làm sống lại”.

          (Toth, Chí khí người thanh niên, tr 157)

 

                                                                            Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát

                                                                             Đà lạt

                  

         


Mục Lục