SỰ CHẾT LÀ THẦY DẠY
TA
*****
I. SUY NIỆM
LỜI CHÚA :
Chúng
ta đọc : 1Ga 3,1-2 và Ga 12,
23-26.
Thánh Gioan tông đồ được gọi là con
người của tình yêu. Trong cuốn Tin mừng thứ tư và các thư gửi cho tín hữu, Ngài
luôn đề cập tới Tình yêu. Chính Ngài đã nói :Thiên
Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8). Trong bức thư thứ nhất hôm nay, ngài nhắc
nhở chúng ta rằng : “Chúa Cha yêu chúng
ta dường nào : Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa” (1Ga
3,1). Còn tước hiệu nào cao qúi và lớn lao cho bằng được làm con Thiên
Chúa.
Tuy chúng ta là con Thiên Chúa nhưng
chúng ta sẽ như thế nào thì điều ấy chưa được bầy tỏ. Nhưng có một điều chúng ta biết chắc rằng “Khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế
nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,2). Chúng ta đang ở trong thời gian ngóng chờ sự việc ấy xẩy ra trong
niềm tin tưởng.
Tư tưởng trên sẽ được chứng minh và bảo đảm hơn trong bài Tin
mừng theo thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe đọc :”Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26). Chúng ta
là Kitô hữu, là những người theo Chúa, được mang tên Ngài, được phục vụ Ngài
thì chắc chắn Ngài sẽ cho chúng ta ở với Ngài trên nơi vĩnh phúc như lời Ngài
đã hứa.
II. SINH DỮ TỬ LÀNH.
Người Việt nam chúng ta có một câu tục
ngữ rất quen thuộc , người ta thường trưng ra khi có người chết :Sinh
dữ tử lành”. Sinh là đẻ và tử là chết.
Theo đó người ta tin rằng nằm mơ thấy người chết sẽ gặp nhiều chuyện
lành ; nằm mơ thấy việc chửa đẻ là điềm xấu, điễm dữ. Đối với câu tục ngữ này, có người tin, có người cho là mê tín.
Chữ nghĩa là như vậy, còn ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.
Thánh Ambrôsiô kể rằng dân chúng xứ
Thrace khóc và thốt lên những tiếng kêu thảm thiết khi có một người sinh ra, và
trái lại họ vui mừng hát những bài ca hân hoan khi có người qua đời. Họ tin –
và họ có lý – rằng tất cả những ai đi vào trong thế giới này, một thế giới tràn
đầy khổ đau, đều đáng thương hại ; và khi họ thoát khỏi nơi lưu đầy buồn khổ này,
người ta phải vui lên mừng cho họ. Melior
est dies mortis die nativitatis : ngày chết là ngày đáng ưa thích hơn ngày
sinh ra.
Nếu chúng ta đọc đoạn thư của thánh
Phalô tông đo gửi tín hữu Philipphê thì chúng ta thấy những người dân thành Thrace
có lý :”Quê hương chúng ta ở trên trời,
và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người
có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân
xác yếy hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3, 20-21).
Và một đoạn thư khác gửi cho
tín hữu Corintô :”Chúng ta biết rằng :
nếu ngôi nhà chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta
có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên,
một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (1Cr
5,1). Như vậy, quê hương chúng ta ở
trên trời, chúng ta có một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên đó, chúng ta đang nóng lòng
mong đợi Đức Giêsu đem chúng ta về theo
để “Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ qúi trọng người ấy” (Ga 12,
26). Muốn về quê hương vĩnh cửu trên trời thì phải rời bỏ trần thế này đã,
mà rời bỏ trần thế này tức là “Phải
chết”.
III. SỰ CHẾT LÀ THẦY DẠY TA.
Thánh Augustinô đà phong hàm giáo sư
cho sự chết. Ngài nói :”Hãy để sự chết làm Thầy
dạy ta”. Thầy là một giáo sư
nổi danh và dạy giỏi. Thầy có lớp dạy trên khắp địa cầu. Thầy nói bằng đủ thứ
ngôn ngữ mà người học trò nào cũng có thể hiểu được. Thầy dạy đủ mọi giống người, mọi mầu da, mọi tín ngưỡng . Thầy
dạy từ người trẻ nhất đến người già nhất. Thầy dạy người giầu và kẻ nghèo,
người tầm thương và kể cả người nổi danh. Thầy mở lớp ở tỉnh thành và ở thôn
quê, trên không trung, nơi biển cả và trong lòng đất nữa.
Thầy dạy những gì ? Thưa, chủ yếu Thầy
dạy rằng :”Cuộc đời rồi phải kết thúc và dừng lại”. Ở trên dương gian
này không có gì là vĩnh cửu, mọi sự chỉ là tạm bợ.
Đi đâu rồi cũng sẽ đụng đến “bốn dài hai ngắn”. Đây chẳng phải là một
tư tưởng bi quan yếm thế cho bằng là
một chân lý của cuộc sống. Cả những triết gia nổi danh như Heidegger cũng nói
rằng sống là để chết
(être-pour-la-mort). Sự khôn ngoan của con người là biết rằng đến một lúc nào
đó sẽ dừng lại để chuẩn bị cho cuộc ra đi vĩnh viễn.
Chết là một công lệ, không ai thoát
khỏi. Nhưng câu hỏi phải được đặt ra là “Chết rồi đi đâu” ? Câu hỏi này gửi đến từng người vã mỗi người
phải tự trả lời lấy. Họ có hai hướng
phải lựa chọn : hoặc hướng lên hoặc hướng xuống, hoặc lên thiên đàng hoặc xuống
hoả ngục, ngoài ra không còn hướng nào khác nữa. Tương lai nằm trong tay ta, mỗi người phải định đoạt lấy số phận của mình . Chúa không muốn dìm ta
xuống hoả ngục, Ngài cũng không kéo ta lên thiên đàng mà Ngài chỉ giúp ta sau
khi ta đã cố gắng hết mình.
Truyện : Mua vé số.
Một lần nọ, có một người tốt lành và
sung đạo rơi vào lúc khó khăn. Một đêm kia khi cầu nguyện, ông ta cầu xin Thiên
Chúa cho ông ta trúng số nhiều triệu đồng. Ngày hôm sau xổ số mở, ông ta rất
lạc quan, nhưng không trúng, kể cả con số cuối. Ông ta lại cầu xin :”Lạy Chúa,
con luôn luôn trung tín với Ngài, xin Ngài cho con được trúng số”. Đến ngày xổ
số, một lần nữa không thấy xuất hiện con số trúng.
Sau cùng, người ấy trở lại qùi gối và
lẩm bẩm :”Lạy Chúa, tại sao Chúa không giúp con” ? Thình lình một tiếng nói ồm
ồm vang lên từ thiên đàng :”Tại sao con không GIÚP TA ? Con phải mua vé chứ”.
(Lm Bel San Louis, Vui sống với nụ
cười, tr 125)
Qua câu chuyện trên, ta thấy Thiên
Chúa không giúp chúng ta nếu chúng ta không làm điều gì đưa đến chiến thắng
hoặc thành công. Chúng ta hãy nhớ lại Chúa Giêsu đã phán với chúng ta rằng :”Không phải cứ kêu Lạy Chúa, Lạy Chúa mà được
vào Nước Trời mà chỉ có nhửng ai thi hành thánh ý Cha Ta” (Mt 7,21). Người
Việt nam chúng ta cũng có câu ca dao mang ý nghĩa tương tự , nói lên sự cần
thiết của cố gắng con người :
Có
khó mới có miếng ăn,
Không
dưng ai bỗng đem phần đến cho.
Muốn lên thiên đàng thì phải chịu khó,
phải chiến đấu với ba thù. Vòng hoa chiến thắng chỉ dành cho những ai đã chiến
đấu và chiến thắng , chứ không dành cho những kẻ ươn lười.
Ông Corneille cũng nói một câu chí lý :
“Chiến
đấu có gian nan,
Khải
hoàn mới vinh quang”.
Trong
cuộc chiến ở trần gian này, một cuộc
chiến trường kỳ gian khổ, Chúa đòi chúng ta phải kiên nhẫn, không được bỏ cuộc.
Bỏ cuộc là thất bại và thất bại này một mình phải gánh chịu, không được đổ lỗi
cho Chúa vì ơn Chúa bao giờ cũng đủ cho ta như Chúa đã nói với thánh Phaolô
trong lúc phải chiến đấu gay go :”Sufficit
tibi gratia mea” : ơn Ta đã đủ cho con . Một lần nữa hãy nhắc lại lời Chúa
nói :”Những ai kiên nhẫn đến cùng sẽ được
cứu rỗi”(Mt 10,22 ; 24,13; Mc 13,13).
Sau cùng
Thầy Chết cũng còn dạy chúng ta rằng : ta không thể nào bình chân như vại khi
đối diện với cái chết, bởi vì khi đó ta phải giáp mặt với Đấng thấy rõ lòng dạ sẽ
xét xử chúng ta và chúng ta phải “trả lẽ”
về những gì đã làm (x. Rm 14,12).
Hôm nay
tôi khuyên bạn : bạn phải “học chết” nữa (Platon, apprendre à
mourir)
Lạy
Chúa, “xin dạy con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được không
ngoan” (Tv 90,12), khôn ngoan là phải biết tỉnh thức để chuẩn bị sẵn sàng.
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ
Kim phát
Đà lạt