MỘT CON NGƯỜI : HAI TIẾNG GỌI
**********
I . LỜI CHÚA : Lc 12, 16-21.
Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn người phú hộ
giầu có để cảnh giác chúng ta đừng quá ham mê của cải vì của cải không bền. Hơn
nữa, của cải đầy nhà mà nếu Chúa gọi về đời sau thì để lại cho ai, trong khi đó
mình ra đi với hay bàn tay trắng ? Công
lao tích trữ vô ích . Còn số phận linh hồn sẽ ra sao ?
Để ý nhận xét, chúng ta thấy có câu
nói của người phú hộ nhủ lòng :”Hồn tôi
hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư
xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ đi, cứ
ăn uống vui chơi đã” (Lc 12,19).
Như vậy là xác gọi hồn : hãy ăn chơi
cho đã đi, tương lai được bảo đảm rồi. Qua tiếng nói của xác gọi hồn, ta có thể
quả quyết rằng con người có hai phần : thể
xác và linh hồn. Hai bên có thể trao đổi cho nhau, mỗi bên có một tiếng nói
riêng : thân xác có tiếng nói của thân xác, linh hồn có tiếng nói của linh hồn.
Nếu thân xác gọi linh hồn thì kêu là GỌI HỒN. Nếu linh hồn gọi thể xác thì
kêu là HỒN GỌI. Hồn gọi và gọi hồn rất
khác nhau. Một đàng là hồn gọi thân xác theo mình, một bên là thân xác gọi hồn
đến với mình. Tiếng nói của linh hồn phải có trọng lượng hơn thể xác vì ngay
trong truyện Kiều thi sĩ Nguyễn Du cũng viết rằng :”Xác là thể phách, hồn là tinh anh”.
II. MỘT CON NGƯỜI : HAI TIẾNG GỌI.
1. Gọi hồn .
Người ta gọi hồn người chết về nhập
vào người sống nói chuyện để biết những điều kín đáo mà người khác không biết.
Người ta hay “cầu cơ” để nói chuyện
với người đã chết, gọi người chết về để nói chuyện qua dụng cụ chuyên môn.
Ngay trong Kinh thánh Cựu ước cũng nói
về cầu cơ. Trường hợp vua Saulê bị khốn đốn trước áp lực quân Philitinh , không
biết phải hành động ra sao, đã nhờ một bà đồng bóng gọi hồn tiên tri Samuel về
để thỉnh ý. Ông Samuel đã cho vua Saulê biết Thiên Chúa đã bỏ ông rồi vì ông đã
không trung thành với Chúa. Thiên Chúa sẽ trao cả Israel vào tay quân
Philitinh. Ngày mai, ông và con trai sẽ chết. Cả quân đội Israel nữa, Ngài cũng
trao nộp vào tay người Philitinh (x 1Sm
28,3-25).
Khi thân xác gọi linh hồn thì thân xác
chỉ làm hại linh hồn, xúi giục linh hồn làm những điều trái ý Chúa, như thánh
Phaolô đã nói :
“Tôi khám phá ra luật này : Khi tôi muốn làm
sự thiện thì sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì lề
luật Thiên Chúa. Nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác :
Luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội
là luật vẫn nằm sẵn trong chi thể tôi” (Rm 7,21-23).
Thân xác yếu đuối chẳng làm nên công
trạng gì nhưng lại có tiếng nói rất mạnh ảnh hưởng đến linh hồn, làm cho linh
hồn trở nên suy yếu và dễ chiều theo tiếng nói của thể xác. Vì thế, Chúa Giêsu
đã cảnh cáo :”Hãy tỉnh thức và cầu
nguyện, để khỏi lâm vào chước cám dỗ. Vì linh hồn thì hăng hái, nhưng thân xác
lại yếu đuối” (Mt 26,41).
2. Hồn gọi.
Nếu thân xác gọi linh hồn thì linh hồn
cũng có tiếng gọi đối với thân xác. Hai tiếng gọi có hai hướng khác nhau : một
hướng gọi đi lên, một hướng gọi đi xuống. Tiếng gọi của thân xác luôn luôn níu
kéo linh hồn xuống như thánh Phaolô đã nói :
“Nếu anh em sống theo xác thịt anh em sẽ phải chết,
nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi
anh em, thì anh em được sống” (Rm 8,13). “Hướng đi của xác thịt là phản nghịch
cùng Thiên Chúa, vì xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa” (Rm 8,7).
Trái lại “hồn gọi”là hồn muốn nói với xác hãy vươn cao lên, đừng theo những
đam mê thấp hèn. Tiếng “hồn gọi” là tiếng lương tâm mà Thiên Chúa in dấu nơi
con người nên bao giờ cũng đúng, nó chỉ đạo cho xác. Và như thế, tiếng “hồn
gọi” bao giờ cũng là tiếng gọi đẹp. “Hướng
đi của thể xác là sự chết, còn hướng đi của hồn là sự sống và bình an” (Rm
8,6).
Trong đời sống thường nhật, người ta
đồng ý là vật chất rất cần thiết, nhưng tinh thần có giá trị đẹp hơn vật
chất.Chẳng hạn, như lòng chung thủy thì đáng ca ngợi hơn nhan sắc. Tình yêu qúi
hơn bạc vàng. Vì thế, mới có những hy
sinh cao thượng, có người chết cho quê hương, có kẻ chết vì lý tưởng. Chính vì
biết theo tiếng “hồn gọi” mà một Augustinô, một Charles de Foucauld, một minh
tinh màn bạc Ève Lavallìere đã sống một đời thánh thiện.
Nhà văn Túy Hồng có cuốn tiểu thuyết
nhan đề :”Tôi nhìn tôi trên vách”. Đức Cha Bùi Tuần viết tập sách thiêng liêng,
đặt tên là “Nói với chính mình”. Tựa đề những tác phẩm trên nói lên một nội
dung có băn khoăn, có thao thức, mà cách nào đó có vấn đề giữa mình và mình.
Nói “Tôi nhìn tôi” là nói đến hai nhân
vật. Một bên là chủ thể nhìn, một bên là khách thể bị nhìn. Cũng vậy, khi “nói
với chính mình”, là có người nói, có người nghe. Nhưng ở đây, người nghe cũng
là người nói, người nhìn cũng là kể bị nhìn. Trong tương quan xác – hồn thì ai
theo ai khi nghe tiếng phía bên kia gọi ? Ai dừng lại khi thấy phía bên kia
nhìn mình.
(Nguyễàn tầm Thường, Mùa chay và... tr 82-83).
III . THÁI ĐỘ CHÚNG TA.
Trong cuộc sống hằng ngày , trong
chúng ta luôn luôn có hai tiếng gọi : xác
gọi hồn và hồn gọi xác. Sự giằng
co của hai tiếng gọi ấy làm cho chúng ta phải khổ sở, chính thánh Phaolô đã có
kinh nghiệm về vấn đề này : đời Phaolô đã khổ sở trong tiếng gọi của xác. Có
hai tiếng gọi thật đấy, nhưng Phaolô đã nghe tiếng “hồn gọi” chứ không để xác
“gọi hồn” theo. “Được cả thế gian mà mất
linh hồn thì nào ích lợi gì” (Mt 16,26).
Chúng ta hãy nhìn vào trong con người
của mình như “Tôi nhìn tôi”, tôi nhìn tôi và tôi biết rõ con ngừii của tôi. Lúc
này tôi đang theo tiếng “hồn gọi” hay đang theo tiếng “gọi hồn” ?
Nhìn vào
quan tài ông (bà) X, chúng ta hãy xem lúc này chúng ta đang sống thế nào ?
Chúng ta có vô tình mà sống như phú ông trong bài Tin mừng không ? Có để cho
xác gọi hồn không ? Mỗi người hãy tự trả lời và phải có thái độ nào thích hợp.
Truyện : Tôi nhìn tôi.
Một vị Linh mục nọ đã có một sáng kiến
rất ngỗ nghĩnh để đánh động giáo dân trong giáo xứ. Một buổi sáng Chúa nhật nọ,
dân chúng bỗng nghe một lời rao bảo như sau :”Một nhân vật tên tuổi trong giáo
xứ vừa qua đời. Tang lễ sẽ được cử hành vào 9 giờ sáng thứ tư tới”. Nghe lời
loan báo ấy, cả giáo xứ nhốn nháo lên. Người nào cũng muốn biết con người quan
trọng đó là ai.
Đúng ngày tang lễ, mọi người trong
giáo xứ nườm nượp kéo đến nhà thờ. Từ
cung thánh cho đến cuối nhà thờ, không còn một chỗ trống. Người ta đến không
phải để cầu nguyện cho người quá cố cho bằng để nhìn một lần cuối cùng con
người mà ai cũng muốn biết.
Sau thánh lễ, vị linh mục đến mở nắp
quan tài để cho mọi người đến từ biệt lần cuối cùng người quá cố. Ai ai cũng
sắp hàng để nhìn cho kỳ được người chết. Nhưng ai cũng đều ngạc nhiên, bởi vì
thay cho thi hài người chết, mỗi người chỉ nhìn thấy trong quan tài một tấm
gương và dĩ nhiên, khi cúi nhìn vào quan tài, mỗi người chỉ nhìn thấy dung nhan
của mình mà thôi.
Chờ cho mọi người làm xong nghi thức
từ biệt ấy, vị linh mục mới giải thích :”Như anh chị em đã có thể nhận thấy,
tôi đã cho đặt vào quan tài một tấm kính. Con người mà anh chị em nhìn thấy
trong quan tài không ai khác hơn là chính mỗi người trong chúng ta. Vâng, đúng
thế, thưa anh chị em, mỗi người chúng ta cần phải mai tánh chính mình... Thánh
lễ vừa rồi đã được cử hành cho tất cả chúng ta”.
(Lẽ sống,
1991, tr 213)
Con người mà mọi người nhìn thấy trong
quan tài chính là khuôn mặt của mình. Điều ấy nhắc nhở cho chúng ta là mỗi
người trong chúng ta sẽ chết, phải nằm trong quan tài như mọi người. Để chuẩn
bị cho ngày đó, chúng ta đã sống thế nào ? Hãy nhìn vào con người của mình để
biết mình đang sống thể nào, có theo tiếng “Hồn gọi” không, có sống xứng đáng
với danh hiệu Kitô hữu hay không, hay chỉ biết sống theo tiếng “Gọi hồn” để sau
này sẽ lãnh hình phạt đời đời ? Hy vọng mỗi người chúng ta hãy thực hành lời
khuyên bảo của thánh Phêrô tông đồ :”Anh
em là khách lạ và lữ hành, tôi khuyên anh em hãy lánh xa những đam mê xác thịt,
vốn gây chiến với linh hồn” (1Pr 2,11).
Lm Giuse
Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt