CON CHỒN VÀ VƯỜN NHO
------------
I. CÂU TRUYỆN VỀ CON CHỒN.
Người ta có kể một câu chuyện ngụ ngôn
sau đây : Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn
nho lại được rào giậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn
chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách
: đó là nhịn đói để gầy bớt đi. Sau mấy ngày nhịn ăn,
con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được
trong vườn nho. Nhưng sau khi ăn uống no nê,
con chồn mới khám phá ra rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng
trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa. Thoát
ra khỏ vườn nho, bụng lại đói meo.
Lúc đó,
con chồn mới chợt suy nghĩ : trước khi vào vườn nho, bụng
ta đói meo. Vào được vườn nho rồi, được ăn một bữa hả hê, nhưng khi ra khỏi vườn
nho, bây giờ bụng ta lại đói meo.. Ta được những gì ? Một bữa no bụng. Ta có mang được
gì về không ? Hoàn toàn không. Vậy trước khi vào vườn, bụng ta đói và khi
ra khỏi vườn, bụng ta vẫn đói và cũng chẳng mang được gì theo.
Con chồn và vườn nho là hình ảnh trần gian và con người chúng ta, nhất là
những Kitô hữu. Khi cất tiếng khóc chào đời, chúng ta được hiện diện
trên mặt đất, được mọi người chào đón, nhưng chúng ta bắt đầu hiện diện với con
người yếu đuối chẳng mang vào đời được cái gì, ngoài thân xác trần truồng với
hai bàn tay trắng.
Rồi suốt trong thời gian sống trên trần
thếâ, con người bon chen, làm giầu, tích trữ nhiều của cải bằng nhiều cách, kể
cả những cách bất lương, có khi bán cả danh dự, thậm chí bán cả linh hồn.. Câu truyện người giầu có trong Tin mừng đã nói lên điều đó :
”Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều
hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng :”Mình phải làm gì đây ?
Vì còn chỗ nào đâu mà tích trữ hoa mầu”!
Rồi ông tự bảo :”Mình sẽ làm thế này : phá những
cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải
mình vào đó. Lúc bấy giờ ta sẽ nhủ lòng : hồn ta hỡi,
mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12, 16-21).
Người giầu có trong Tin mừng giống như
con chồn ở trong vườn nho : ở trong trần gian này, ông
tích trữ của cải, ăn uống thỏa thuê, không lo gì đến tương lai vì cho là quá đầy
đù rồi, cứ việc hưởng thụ. Nhưng khi nhắm
mắt xuôi tay ông sẽ mang đi được những gì, ông giống như con chồn để bụng đói mà
chui ra khỏi vườn mà chẳng mang được gì theo :
”Đồ ngốc ! Nội đêm
nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ? Ấy kẻ thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giầu
trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế”(Lc 12,
16-21).
II. LỜI CHÚA CHO CHÚNG TA HÔM NAY.
Chúa Giêsu khuyên nhủ các môn đệ hãy đi
theo Ngài, hãy trở thành môn đệ của Ngài, khi Ngài nói :”Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác
thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng
sống ấy” (Mt 16,24-25).
Chúa Giêsu đã khẳng định với chúng ta
:những ai chỉ tìm cứu mạng sống mình thì sẽ mất vì con người chỉ có thể quản lý
đời mình chứ không phải làm chủ được mạng sống mình, tất cả đều do Thiên Chúa
chỉ định, sống chết ở trong tay chúa.
Khi nói như vậy, Chúa Giêsu còn có ý nói
đến sự sống đời đời : nếu chúng ta theo Chúa, trung thành với Chúa, nhất là vì
Chúa mà phải chết ở đời này thì hãy nhớ rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta sự sống đời
sau. Đây mới là sự sống thật, còn sự sống ở trần gian này chỉ
là tạm bợ.
Vì thế, Chúa Giêsu mới nói với chúng ta :”Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn
thì được ích gì” (Mt 16,26 ; Lc 9,25). Ai trong chúng ta cũng muốn
có một đời sống sung túc, có nhiều của cải cho mình và cho con cháu. Ai cũng muốn
cho mình được sống lâu để hưởng thụ tất cả những thành quả mình đã tạo ra trong đời
sống. Nhưng chúng ta
phải hiểu rằng tất cả những cái đó chỉ là phù hoa, chỉ là phù vân, chỉ là mây
bay hoa rụng. Cuộc đời con người chỉ được coi như bông
hoa sớm nở chiều tàn,” một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không
còn mang vết tích”.
Xuất thân từ bụi đất,
chúng ta chỉ trở về với bụi đất thôi. Chỉ có sự sống vĩnh
cữu mới tồn tại muôn đời. Vấn đề là phải xác định xem đâu là cái được thực
sự, lâu bền, trọn vẹn, đâu là cái được quan trọng nhất ?
Kitô hữu là người ước ao đến say mê cái được vững bền, vĩnh cữu, tuyệt đối. Họ
sẵn sàng hy sinh tất cả những cái tạm bợ ở đời này : Mất
công, mất của, mất thời giờ, mất uy tín và mất cả mạng sống nữa.
Họ tin rằng họ có thể mất mạng sống ở
trần gian này nhưng theo lời Chúa hứa, họ sẽ chiếm được
đời sống vĩnh cữu trên thiên đàng. Họ chỉ mất những cái tạm bợ nhưng họ sẽ được những cái vĩnh cữu.
Các thánh Tử đạo đã hiểu biết chân lý này : họ chịu mất
tất cả, ngay mất cả mạng sống ở đời này. Các ngài coi trọng sự
sống vĩnh cửu của mình hơn cả thế giới phú qúi vinh hoa. Có lắm người tưởng mình được,
lại hóa ra mất. Có lắm người vui lòng mất, hóa ra họ lại được. Đó là mối tương quan biện chứng giữa được và mất, giữa cuộc sống vĩnh
cửu và sự sống tạm bợ ở trần gian này.
III. QUYẾT ĐỊNH CỦA CHÚNG TA.
Mỗi khi tham dự Thánh lễ An táng, chúng tự nhiên phải suy nghĩ về con người xác đất vật
hèn của mình. Một ngày kia tôi sẽ ra đi, đây là một xác tín vững mạnh, một chân lý
hiển nhiên không ai có thể chối cãi được. Đi thì chắc chắn phải
ra đi, ra đi khỏi thế gian này để trở về. Nhưng vấn đề là trở về đâu và sẽ ra sao ?
Trong giờ học giáo lý, cha xứ hỏi một
em nhỏ :
- Sau khi chết rồi thì con người sẽ ra
sao ?
Em bé hồn nhiên trả lời
:
- Thưa cha, sau khi chết rồi thì con
người sẽ trở thành đống xương khô !
Em nói đúng, chết rồi con người sẽ trở
thành đống xương khô, hay con người được chôn trong lòng đất. Nhưng với tư cách là một người Kitô hữu, câu
trả lời ấy chưa đủ, nó mới đủ cho phần xác, còn phần hồn thì sao
? Đây là câu hỏi cho chúng ta suy
nghĩ, và mỗi người phải tự trả lời lấy, đồng thời cũng phải vạch ra một hướng đi cho đời
sống của mình.
Truyện : ba người bạn.
Người kia có
ba người bạn, 2 người trước là bạn rất thân, người thứ ba thường thường vậy thôi.
Ngày kia ông bị toà bắt xử, liền xin 3 người bạn đi
theo để biện hộ. Người
thứ nhất từ chối ngay, viện cớ bận việc quá không đi được. Người thứ hai bằng lòng đi đến cửa quan nhưng lại không dám vào.
Chỉ có người thứ ba tuy không được yêu thích nhưng tỏ ra
trung thành vào tận tòa án biện hộ cho ông ta, không những trắng án mà còn được
thưởng nữa.
Người bạn thứ nhất là
Tiền
bạc. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta, chỉ để lại cho ta một chiếc quan tài
và mấy tấc đất làm nhà, còn mọi cái khác phải bỏ lại cho người khác. Người ta đã
có kinh nghiệm về sự kiện này :
Vua Ngô băm sáu tàn vàng,
Thác xuống âm
phủ chẳng mang được gì.
Người bạn thứ hai là bà
con bạn hữu. Họ tỏ vẻ thương tiếc, khóc lóc đưa ta tới
huyệt rồi về. Thậm chí có người còn
dùng tiếng khóc để che giấu sự giả dối của mình :
Thương thay cho gái quạt mồ,
Hại
thay cho gái lấy vồ đập săng.
Người bạn thứ ba là các
việc
lành. Đối với của cải, chúng ta để lại tất cả và chỉ ra đi với
hai bàn tay trắng. Chỉ có công phúc mới đi theo chúng ta và biện hộ cho ta trước toà Thiên Chúa.
Khi ra đi khỏi cõi đời
này, mọi sự đều bỏ ta bởi vì những gì chúng ta đã tiêu xài thì đã hết, những gì
chúng ta đã mua sắm thì phải để lại cho người khác, chỉ có những gì chúng ta đã
cho đi thì mới còn lại cho chúng ta.
Tư tưởng này đã được ghi lại trong sách Khải huyền của thánh Gioan tông đồ :
“Tôi là Gioan, tôi nghe có tiếng từ trời phán
rằng :”Ngươi hãy biết : Ngay từ bây giờ, phúc thay những
người đã chết, mà được chết trong Chúa”! Thần Khí phán :”Phải,
họ sẽ được nghỉ ngơi, không còn phải vất vả nhọc nhằn nữa, vì các việc họ làm vẫn theo họ” (Kh 14,13).
Lm
Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt