PHẢI SINH HOA KẾT TRÁI
*****
I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.
Cùng
lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị
tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức
Giêsu đáp lại rằng:”Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người
Galilê khác sao ? Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu, nhưng nếu các ông
không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy.
Cũng như mười
tám người kia bị tháp Siloắc đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêruselem sao ? Tôi nói cho các ông
biết : không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng
sẽ chết hết y như vậy” (Lc 13,1-9).
Người ta đến báo tin cho Đức Giêsu biết
quan Philatô đã hạ lệnh giết những người Galilê đang khi họ dâng lễ khiến máu họ
hòa lẫn với tế vật. Và một biến cố nữa là
tháp Siloe đổ xuống đè chết mười tám người. Theo quan niệm nhân quả, người ta
coi đó là hình phạt mà Thiên Chúa giáng xuống người tội lỗi, và những ai thoát
nạn thì được coi là công chính. Đức Giêsu bác bỏ quan niệm nông cạn này (Ga
9,2-3) và chỉ cho họ thấy rằng các biến cố đó là một lời cảnh cáo : mọi người đều có tội, nên đều phải sám hối.
Nhân dịp này Đức Giêsu cũng muốn nói đến
cái chết mà mọi người đều phải trải qua. Sự kiện tháp Siloe đổ xuống đè chết mười
tám người cũng là dịp Ngài nhắc nhở cho chúng ta : cái chết đã bất chợt xẩy đến cho những người
bị tai nạn, bất chợt cũng như kẻ trộm đến ban đêm mà chủ nhà không biết ; cũng
như chủ nhà về bất chợt mà đầy tớ không ngờ (Lc 12,35-49). Giờ chết cũng bất thần
giáng xuống những kẻ không đề phòng, không hối cải như vậy. Cho nên họ phải hối
cải, thì sẽ không sợ các biến cố (giờ chết)
xẩy đến bất ngờ.
Để thúc giục dân Do thái hoán cải, Đức
Giêsu giảng thêm dụ ngôn về cây vả nữa. Cây vả dùng để lấy quả làm thức ăn như
một thứ rau ở Palestina. Nếu cây vả mà không sinh trái thì phải chặt bỏ đi, để
nó chiếm đất. Cũng vậy, dân Do thái được ví như cây vả lâu ngày không sinh trái.
Thiên Chúa toan chặt đi nhưng người làm vườn của Thiên Chúa là Đức Giêsu xin khất
cho hạn một năm nữa. Thời hạn đó là những ngày giờ giảng dạy của Chúa. Đó là thời
hạn cuối cùng. Lời đe doạ này không lay chuyển được lòng dân Do thái. Vì thế,
thành Giêrusalem bị tàn phá bình địa sau đó 40 năm và dân Do thái bị lưu đầy khắp
nơi.
Dụ ngôn này nhắc nhở cho chúng ta về sự
hối cải để chuẩn bị cho giờ chết của mình. Chết là một sự kiện xẩy ra hằng ngày
mà không ai có thể chối cãi được. Nhìn thấy người ta chết hằng ngày nhưng có một
điều lạ là không mấy ai nghĩ đến giờ chết của mình, cứ coi như mình sống mãi sống
hoài. Đặc tính của cái chết là sự bất ngờ. Người đời đã chấp nhận chân lý này :”Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”.
II. PHẢI CHUẨN BỊ CHO NGÀY RA ĐI.
Mỗi người sẽ phải chết một lần, mà một
lần ra đi thì không có ngày trở về ; vì thế không ai có kinh nghiệm về cái chết. Đời là một cuộc hành trình mà cuộc hành trình
nào cũng phải có điểm đến. Điểm đến của chúng ta không phải là nơi nào vững chắc
trên trái đất này vì mọi sự sẽ phải phá hủy, chỉ còn một nơi chúng ta đang mơ ước
mà Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta :”Trong
nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở... Vì Thầy đi dọn chỗ cho các con...để Thầy ở đâu,
các con cũng ở đó”(Ga 14,2-3). Nhưng
muốn đến nơi Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta , cần phải có sự chuẩn bị, phải làm
việc. Công việc của chúng ta phải làm là : sám hối và sẵn sàng.
1. Hãy sám hối.
“Hãy
sám hối”, đó là câu mời gọi khẩn thiết được kêu gọi rất nhiều lần bởi Gioan Tẩy giả,
bởi Chúa Giêsu, bởi các Tông đồ và bởi Giáo hội. Sám hối có nghĩa là trở về, trở
về nơi mình đã phát xuất vì con người đang đi trệch đường. Sám hối là nhận ra
mình đang trệch đường và mau mắn trở về đường chính.
Qua dụ ngôn cây vả, chúng ta thấy Chúa
Giêsu quả là Đấng nhân lành, thương xót và nhẫn nại : suốt ba năm trời vất vả
giảng dạy dân Do thái, mà họ không trở lại ; tuy vậy, Ngài còn xin cho họ được
một năm ân huệ nữa, để hoán cải. Chúa cũng yêu thương và nhân lành đối với mỗi
người chúng ta, đồng thời Ngài cũng kiên nhẫn chờ đợi chúng ta thanh tẩy đời sống
và thánh hoá bản thân mỗi ngày.
Truyện : Phải qui hàng.
Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn nhà
vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ
:”Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị
giết. Các ngươi hãy suy nghĩ kỹ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu”. Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy :
Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên, có một khác biệt quan trọng : không
ai biết cây nên của đời mình còn dài hay ngắn. (GM Arthur Tonne).
2. Hãy sẵn sàng.
Khi nói đến giờ chết, Chúa Giêsu đã đưa
ra nhiều hình ảnh như trận lụt đại hồng thủy, kẻ trộm, người đầy tớ tỉnh thức,
những cô trinh nữ khôn ngoan... để nói lên yếu tố bất ngờ của giờ chết. Dân gian thường nói :”Tử bất kỳ” : giờ chết đến bất cứ lúc nào không ai biết. Đây là kinh
nghiệm ngàn đời mà chúng ta cần phải biết và đề phòng. Tuy biết thế, nhưng ít
khi người ta đề phòng. Những nhà khảo cổ
đào bới được thành phố Vésuve xưa kia bị
núi lửa chôn vùi cách đột ngột. Người ta thấy nhiều cảnh tượng trái ngược nhau
: có người chết đang khi nhậu nhẹt, có những người đang đánh nhau để tranh dành
một số tiền. Nhưng đẹp nhất là một người lính gác đứng nghiêm, gươm giáo trong
tay đang thi hành nhiệm vụ.
Hãy ngước mắt nhìn lên để khỏi bị chìm
đắm trong những thú vui thấp hèn. “Người này chết vì leo núi”, đó là lời ghi trên
mộ bia của một vận động viên leo núi. Người ấy đam mê leo núi, muốn chinh phục
các điểm cao, nên đã chết vì tham vọng của mình.
Câu trên đây ghi nhận công lao anh dũng
của ông. Chúng ta cũng cần có thái độ của vận động viên leo núi là nhắm đích
cao để tiến tới, là nhắm lý tưởng để mong đạt được. Hãy trèo lên, hãy tiến tới.
Trong đường nhân đức, chúng ta phải có
thái độ trèo cao để luôn tiến bộ.
Trong khi chờ đợi Chúa đến, chúng ta hãy
tỉnh thức và làm việc như tên đầy tớ cầm đèn sáng trong tay đợi ông chủ đi ăn cưới
về. Phúc cho những đầy tớ nào đang sẵn sàng
chờ đón chủ, ông sẽ khen ngợi và thưởng công cho. Hày làm việc như hôm nay Chúa
gọi chúng ta về.
Truyện : Cứ làm việc.
Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả
vùng tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận
thế. Khi đó Hội đồng Lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc
họp để họ có thể về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói
:”Không biết hôm nay có phải là ngày tận thế hay không. Nếu không thì không cần
hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần
chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến lên” (Drinwater).
“Hãy
sẵn sàng, vì chính giờ phút các con không ngờ, thì Con Người đến” (Lc,12-40).
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết sẵn sàng để có thể lên đường với Chúa,
khi Ngài đi ngang qua đời con và cất tiếng mời gọi. Lúc ấy, con sẵn sàng thưa :
Lạy Chúa, có con đây”.
Lm
Giuse Đinh lập Liễm
Giáo
xứ Kim phát
Đà
lạt