MỘT CUỘC TRẢ GIÁ

***

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Mt 16,24-28.

 

          1. Điều kiện để theo Chúa.

 

          Sau khi tiết lộ cho các môn đệ cuộc thương khó của Ngài, Đức Giêsu đưa ra một số điều kiện để các ông suy nghĩ và tự do quyết định, có theo Ngài nữa hay không. Việc theo Ngài có tính cách hoàn toàn tự do, Chúa không bao giờ áp đặt ai, Chúa mong mỗi người hãy tự nguyện theo Chúa, như lời thánh Augustinô đã nói:”Thiên Chúa dựng nên con người, không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người”.

 

          Điều kiện Đức Giêsu đưa ra cho các môn đệ suy nghĩ xem có nên tiếp tục theo Ngài nữa hay không là :”Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo  Thầy” (Mt 16,24). Một khi con người tự nguyện đáp trả lại lời kêu gọi của Chúa thì họ cần phải có thiện chí thực hiện 2 điều kiện này :

 

          a) Hãy từ bỏ mình.

 

          Đây là phương diện tiêu cực của việc theo Chúa, nghĩa là phải khước từ tất cả những cản trở do bên ngoài như tha nhân, xã hội, tạo vật... và do bên trong như chính bản thân mình là các khuyết điểm, thói hư tật xấu, tội lỗi...

 

          b) Vác thập giá mình.

 

          Đây là khía cạnh tích cực của việc theo Chúa. Quả vậy, theo Chúa thì phải nỗ lực, cố gắng trong việc sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi của Tin mừng trong sự chịu đựng và kiên trì.

 

          Còn “theo Thầy” không có nghĩa là môn đệ đi đàng sau Thầy hay chấp nhận giáo thuyết của Thầy, nhưng theo đây là bỏ mình và vác thập giá (Mt 16,24-25; Mc 9,35-37) và còn dám hy sinh mạng sống mình vì Thầy.

 

          2. Sự sống đời này và đời sau.

 

          Khi đưa ra điều kiện cho các môn đệ để cân nhắc có nên theo Chúa nữa hay không, Đức Giêsu cũng hé mở cho các ông sự thưởng công bội hậu cho những ai kiên tâm theo Ngài. Chúa cũng so sánh cho các ông hai sự sống đời này và đời sau để các ông chọn lựa :”Nếu ai được lời lãi cả thế gian mà thiệt hại mạng sống mình thì được ích gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình”(Mt 16,26; Mc 8,36; Lc 9,25).

 

          Chúng ta có thể nói lại lời Chúa bằng kiểu nói này cho dễ hiểu hơn:”Nếu ai được lời lãi cả thế gian mà thiệt hại sự sống đời đời thì được ích gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống đời đời của mình”. Đức Giêsu muốn nhấn mạnh sự sống đời đời qúi giá hơn dự sống đời này bội phần. Chính vì giá trị chênh lệch giữa sự sống đời này với sự sống đời sau như vậy, nên con người sẽ phải lãnh trách nhiệm về sự lựa chọn của mình về sự sống đời này hay sự sống đời sau.

 

          Đấy cũng là lời thánh Inhaxiô Loyola khuyên thánh Phanxicô Xaviê khi ngài còn là giáo sư danh tiếng tại trường Đại học Paris. Thấm thía lời Chúa, Phanxicô đã rời bỏ ghế giáo sư  đại học để đi truyền giáo cho miền Á đông. Ngài thấy một linh hồn qúi giá chừng nào nên đã hy sinh tất cả để cứu các linh hồn.

 

          Thánh Phanxicô đã biết lo cho các linh hồn người khác, còn chúng ta có biết lo cho linh hồn mình hay không ? Không ai có thể lo cho ta nếu ta không muốn, cũng như không ai có thể ăn uống thay cho ta. Phận ai người ấy lo. Thiên Chúa giầu lòng thương xót muốn ta được cứu rỗi, nhưng không thể cứu ta nếu ta không cộng tác như lời thánh Augustinô đã nói ở trên.

 

II. PHẢI BIẾT LO CHO TƯƠNG LAI.

 

          Ai cũng ước mong có một tương lai huy hoàng. Ai không biết lo cho tương lai là người khờ dại. Nhưng tương lai lại nằm trong hiện tại. Phải nắm lấy hiện tại và đặt cho mình câu hỏi : tương lai tôi sẽ ra sao, tôi phải làm gì ? Đâu là ý nghĩa của cuộc sống hiện tại ?

 

          Cổ nhân đã đưa ra cho chúng ta ba câu hỏi và muốn cho ta tự trả lời :

                             Nhân sinh hà tại?

                             Tại thế hà như ?

                             Hậu thế như hà ?

          Nghĩa là : người ta bởi đâu mà đến, đến để làm gì và sau này sẽ ra sao ?

 

          Đứng trước câu hỏi này mỗi người có một câu giải đáp, tùy theo quan niệm của họ. Những người theo phái hiện sinh vô thần kiểu triết gia Jean Paul Sartre trả lới bằng một thắc mắc : Tại sao tôi sinh ra trong đau khổ, sống trong đau khổ rồi chết trong đau khổ ? Họ không tìm ra được câu trả lời cho thỏa đáng nên họ đã đi đến kết luận : Đời là phi lý !

 

          Đối với những người có đức tin, họ biết rằng cuộc sống đời này chỉ là nơi tạm trú để làm cuộc hành trình về quê trời, quê hương vĩnh viễn Chúa dành cho họ.

 

          Thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu Philipphê khi ngài nói:”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta”(Pl 3,20); hoặc khi ngài nói với tín hữu Côrintô :”Chúng ta biết rằng : nếu ngôi nhà chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra”(Cr 5,1).

 

III. MỘT CUỘC TRẢ GIÁ.

 

          Trần gian là một cuộc hành trình đi về quê trời. Không cuộc hành trình nào mà không gặp khó khăn nguy hiểm. Có những khó khăn thử thách làm ta nản lòng, nhưng cũng có những cám dỗ hấp dẫn làm ta dừng lại ở trên đường, không còn tiếp tục hướng tới mục tiêu  nữa.

 

                                      Truyện minh hoạ.

          Ngày xưa có một dân tộc ít người có tập tục là mỗi 7 năm lại đề cử một người làm vua. Trong 7 năm làm vua, người ấy có toàn quyền muốn làm gì cũng được. Nhưng người ấy phải cam kết chấp nhận là sau 7 năm sẽ bị giết chết để nhường chỗ cho một người khác.

          Dân tộc ấy cứ tiếp tục sống như vậy. Điều đáng ngạc nhiên là, nhiều người muốn đổi mạng mình để lấy quyền hành và tự do theo ý muốn trong một thời gian ngắn ngủi.

                   (Giọt nước mắt cuối cùng, tr 71)

 

          Câu chuyện này không biết có thật hay không. Nhưng ngày nay, nhiều người còn dại dột hơn những người muốn làm vua trong xứ ấy. Nhiều người muốn đổi linh hồn bất diệt để được hưởng những phút khoái lạc trong chốc lát và đưa đến những hậu quả tai hại cho cả đời. Có người cứ bám mãi vào một tật xấu, mà không quyết tâm từ bỏ như rưrợu chè, cờ bạc, hút xách, dâm ô... không biết rằng cái giá phải trả là quá đắt.

 

          Người ta lấy gì mà đổi mạng sống mình” ? Đặt ra câu hỏi này, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh cho chúng ta rằng con người khôn là con người biết sống cuộc đời hiện tại này làm sao, để khi chết được bước vào sự sống đời đời.

 

          Sau cùng, Chúa cho biết : Ngài sẽ thưởng phạt ai nấy xứng với việc họ làm.  Không thể thoả mãn với cuộc sống hiện tại ở đời này bằng cách chỉ hưởng thụ, nghĩa là chỉ lo cho mình cuộc sống ở đời này. Nhưng phải biết ra công sức làm việc để có được sự sống đời sau, nghĩa là “từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Chúa”.

 

          Mỗi khi đi dự một đám tang, ta hãy nghĩ đến thân phận con người của mình và tự hỏi nếu hôm nay Chúa gọi tôi lên đường thì tôi đã sẵn sàng chưa ? Ta đã có sẵn hành trang chưa ? Hành trang của ta không phải là vàng bạc, của cải vì những cái đó ta phải để lại cho người khác. Ta chỉ có thể mang theo những công phúc mà ta đã làm được khi còn sống. Ngạn ngữ Anh quốc có câu :

                                      Điều tôi tiêu đi thì tôi có,

                                      Điều tôi giữ lại thì tôi mất,

                                      Điều tôi cho đi thì tôi được.

 

          Mọi cái đời này sẽ qua đi, sẽ mất hết chỉ còn lại những gì tôi đã cho đi, cho Chúa, cho Hội thánh và cho tha nhân. Chỉ những cái gì cho đi mới tồn tại cho đời sau.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

 


Mục Lục