TÍN HIỆU VUI HAY BUỒN  ?

*****

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Ga 6,37-40.

 

          Chúa Giêsu trình bầy sứ mạng cứu thế của Ngài khi nói với dân chúng:”Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”(Ga 6,39).

 

          Khi loài người phạm tội, số phận con người thật bi đát : họ mất quyền làm con Chúa, mất tất cả các ân huệ tự nhiên và siêu nhiên Thiên Chúa ban cho con người và mất phúc trường sinh.  Nhưng Thiên Chúa giầu lòng thương xót không muốn để con người sống trong cảnh trầm luân đời đời, đã sai Con Ngài xuống thế, là Đức Giêsu Kitô, chịu chết trên cây thập tự để cứu chuộc nhân loại, đem lại cho con người tước vị làm con Chúa và được hưởng hạnh phúc đời đời. Ơn cứu chuộc ấy bao trùm trên mọi người, không trừ ai, chỉ trừ những ai không muốn nhận :”Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều đến với tôi và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài”(Ga 6,37).  Chúng ta phải tin chắc rằng mình sẽ được cứu rỗi nhưng phải cộng tác vào ơn cứu rỗi này.

 

II. CHÚA ĐEM HẠNH PHÚC ĐẾN CHO CON NGƯỜI.

 

          Như vậy, ý của Chúa Cha là muốn cho mọi người được hạnh phúc, một thứ hạnh phúc đích thực và trường cửu. Nhưng ở trần gian này con người có được hạnh phúc đâu ? Đau khổ vây quanh con người đêm ngày. Ngay khi sinh ra đã phải đau khổ rồi :

 

                                      Vừa sinh ra  sao đà khóc choé,

                                      Trần có vui sao chẳng cười khì ?

                                                (Cao bá Quát)

          Đúng vậy, Thiên Chúa không hứa ban hạnh phúc ngay ở đời này vì hạnh phúc ở đời này chỉ là tạm bợ chóng qua ; hơn nữa hạnh phúc nào mà không có bóng dáng đau khổ vì

 

                                      Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt

                                                (Xuân Diệu)

 

          Hạnh phúc Chúa hứa ban là hạnh phúc trường cửu chỉ có ở đời sau trên thiên đàng. Nhưng muốn được hạnh phúc ấy thì phải chấp nhận cái chết, phải được giải thoát ra khỏi cái thân xác hay hư nát này.  Thánh Phaolô đã nói về chân lý này:”Nếu ngôi nhà chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra”(2Cr 5,1).

 

            Cũng theo thánh Phaolô, chiếc lều tạm này chính là thân xác chúng ta. Bao lâu còn ở trong chiếc lều tạm này, chúng ta còn ở xa Chúa, chưa được hưởng hạnh phúc bất diệt ấy. Muốn chiếm hữu được hạnh phúc ấy, cần phải lìa bỏ thân xác này:”Ở trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa... Vậy, chúng tôi mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa”(2Cr 5,6).

 

          Vậy lìa bỏ thân xác này, rời bỏ thế gian này hay chết là một tín hiệu vui hay buồn ? Chết có thể là tín hiệu vui nhưng cũng có thể là một tín  hiệu buồn, tùy theo quan niệm của từng người, tùy theo cách sống của từng người.

 

                                       Truyện : Một tin vui, một tin buồn.

          Có người kia rất giầu sang phú qúi. Một hôm, ông tìm đến hang đá của vị ẩn tu nổi tiếng là thánh thiện và được đặc ân có đường dây điện thoại trực tiếp với Chúa. Người phú hộ xin vị ẩn tu cầu nguyện cho mình và hỏi Chúa xem sau khi chết ông có được vào  thiên đàng hay không. Lời thỉnh xin của người phú hộ xem ra hơi khác thường, nhưng vì người ấy cứ nài nỉ, nên vị ẩn tu chấp nhận sẽ cầu nguyện với Chúa cho ông, với điều kiện là cho thêm ít hôm để cầu nguyện với Chúa.

 

          Một tuần lễ sau, nhà phú hộ trở lại với vị ẩn tu  để được nghe lời Chúa muốn nói với ông. Vị ẩn tu nói :

          - Tôi đã được Chúa cho biết điều ông mong ước cầu xin. Nhưng có một tin vui và một tin buồn, vậy ông muốn nghe điều nào trước ? Tin vui hay tin buồn ?

          Nhà phú hộ phân vân suy nghĩ một lúc. Sau đó chọn xin cho biết tin vui trước. Vị ẩn tu đáp :

          - Tin vui mừng là ông sẽ được rỗi linh hồn và sẽ được lên thiên đàng.

          Nghe vậy, nhà phú hộ vui mừng thích chí lắm và tự nhủ:”Ngoài tin vui mừng lớn lao này, trên đời này còn gì phải là tin buồn nữa”.  Như bị tính tò mò thôi thúc, nhà phú hộ hỏi thêm cho biết :

          - Tin buồn là gì ?

          Vị ẩn tu đáp :

          - Có lẽ tin buồn mà ông không muốn nghe biết tới, đó là ông sẽ phải chết ngay hôm nay.                     (R. Veritas, Ánh sáng thế gian,  tr 150-151)

 

          Cuộc sống con người là đi tìm hạnh phúc. Tuy mỗi người có một đường lối khác nhau trong việc tìm hạnh phúc, nhưng chung qui đều muốn tìm đến hạnh phúc viên mãn, kể cả người tự tử (theo Blaise Pascal).  Là người tín hữu, ai cũng mong muốn sau khi chết được vào thiên đàng và được hạnh phúc muôn đời bên Chúa.

 

          Con người làm lụng vất vả, đổ mồi hôi sôi nước mắt để tìm kiếm cơm ăn áo mặc, nuôi dưỡng sự sống, khi đau yếu bệnh tật lại phải tìm thuốc men chữa trị, mặc dầu trong thâm tâm ai cũng biết rằng sống để rồi phải chết. Thế nhưng, tư tưởng về cái chết không hẳn là điều hấp dẫn đối với tất cả mọi người. Chính vì thế nên chỉ có lòng tin vào Chúa Kitô mới là sự hỗ trợ mãnh liệt giúp chúng ta chuẩn bị và chấp nhận thực tại của cái chết.

 

          Tác giả thư gửi cho tín hữu Do thái mời gọi chúng ta nhìn lên Chúa Kitô, Người đã tự nguyện nhận lấy thập giá, nhận lấy cái chết trong nhục nhã đau thương để cứu chuộc nhân loại, nhưng qua thập giá Người đã tiến tới vinh  quang bên hữu Đức Chúa Cha. Với con mắt đức tin, người tín hữu nhằm thẳng tới vinh quang và phần thưởng bất diệt sau cái chết để được can đảm chấp nhận và vượt qua sự chết.

 

III. HÃY CHUẨN BỊ CHO GIỜ CHẾT.

 

          Cuộc đời của một Kitô hữu là một cuộc chuẩn bị triền miên cho giờ chết. Đời là một cuộc hành trình đi về quê trời. Không cuộc hành trình nào mà không gặp những trắc trở, nhưng mỗi người phải nỗ lực vượt qua, không được bỏ cuộc. Cuộc hành trình trần gian chỉ được kết thúc bằng cái chết. Chết là tới quê hương thật vì theo thánh Phaolô tông đồ :”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu từ trời xuống cứu chúng ta”(Pl 3,20).

 

          Tất cả mọi sự ở trần gian này sẽ qua đi mà chỉ còn lại sự sống đời đời. Chúng ta phải tập từ bỏ tất cả để ra đi. Từ bỏ là một sự luyến tiếc, là đau khổ, nhưng đó là một điều kiện để chúng ta sẵn sàng chấp nhận giờ chết đến trong thanh thản và hy vọng.  Chúng ta vẫn tập cho mình biết sống thì cũng phải tập cho mình biết chết, coi cái chết nhẹ như lông hồng, và chết một cách vinh quang.

 

                                      Truyện : Cả cái này cũng sẽ qua đi.

          Một ông vua già xứ Ba tư băn khoăn không biết cho con mình món quà gì vào ngày sinh nhật của nó. Ông quyết định cho chiếc nhẫn. Khi ngày sinh nhật đến, người con trai vua, tức vị hoàng tử rất hãnh diện về chiếc nhẫn ấy, cho mãi đến khi đọc  thấy những chữ viết trên ấy mới chột dạ. Trên chiếc nhẫn có viết:”Cả cái này cũng sẽ qua đi”. Hoàng tử không hiểu câu ấy có ý nói gì, nhưng cũng cứ đeo chiếc nhẫn đó và thỉnh thoảng đọc lại hàng chữ trên. Hoàng tử đọc đi đọc lại cho đến khi thuộc lòng. Về sau, hoàng tử ra trận, bên cạnh vua cha, Hoàng tử bị trúng tên, phải nằm điều trị đau đớn mấy tuần lễ trên giường.

 

          Rất nhiều lần, trong khi nằm đau như thế, hoàng tử thường nhìn vào chiếc nhẫn và tự  nhủ:”Cả cái này – cả sự đau đớn này cũng sẽ qua đi”. Và quả nhiên hoàng tử bình phục.

 

          Hoàng tử càng ngày càng trưởng thành và lập gia đình. Lúc ấy, hoàng tử rất sung sướng, hạnh phúc, nhưng vẫn tiếp tục nhìn chiếc nhẫn và nói:”Cả cái này – cả niềm vui này, cả hạnh phúc này cũng sẽ qua đi”. Và đúng thế.

 

 Người bạn trăm năm trẻ tuổi của hoàng tử chết. Hoàng tử lại tự nhủ :”Cả cái này – cả nỗi đau xót nay cũng sẽ qua đi”. Và đúng thế.

 

 Hoàng tử đã được lên ngôi sau khi vua cha băng hà.  Trong ngày lên  ngôi đó, ông soi gương và tự nhủ:”Cả cái này nữa - cả tấm thân cường tráng, khôi ngô của tôi cũng sẽ qua đi”. Và đúng thế.

 

 Những lời cuối cùng của ông trước khi tắt hơi thở là:”Cả cái này – cái vương quốc rộng lớn này ta đang cai trị cũng sẽ qua đi”. Và đúng thế.

                             (W. Diamond, Đồng cỏ non, tr  76-77)

 

          Đối với chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta phải xác nhận rằng tất cả sẽ qua đi nhưng linh hồn và phần rỗi chúng ta sẽ không qua đi. Phần rỗi đời đời là một vấn đề qun trọng nhất, có liên quan trực tiếp đến chúng ta.

 

          Có một bảng ghi những ý tưởng trên  ở lối vào nhà thờ chính toà Milan nước Ý,  rất giống những chữ khắc trên chiếc nhẫn của hoàng tử ở trên. Ở cửa chính có khắc ba bức hình. Bên trái là mấy bông hường và một giải vải. Bên dưới viết:”Tất cả những gì làm sung sướng, làm vui mắt sẽ qua đi”. Bên phải là một cây thập giá, một giải vải và những tiếng này :”Tất cả những khổ đau sẽ qua đi”. Ở chính giữa là một hình tam giác và trong hình tam giác có câu”Đời đời mới là quan trọng, mới thành vấn đề”.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát

                                                                             Đà lạt

 


Mục Lục