NẾU  CHÚA  CHẤP  TỘI

______________________________________________

Mùa báo hiếu

(Lễ cầu cho Các Đẳng)

 

I. Ý NGHĨA NGÀY LỄ.

 

          1. Hôm qua, Hội thánh hân hoan mừng các con cái mình vinh thắng đang hưởng mặt Chúa trên nởi vĩnh phúc.

          2. Hôm nay, Hội thánh là Mẹ hiền không thể quên được những đứa con đang bị đau khổ trong nơi thanh luyện. Hội thánh phải cứu giúp để đưa họ về hưởng nhan thánh Chúa.

          3. Ta tin có sự hiện hữu của luyện ngục, nơi giam hãm để thanh luyện các tín hữu qua đời mà còn mang tội nhẹ hay đền tội chưa đủ. Qua tín điều các Thánh thông công, ta có thể cứu giúp được các linh hồn ấy.

 

II.  NẾU CHÚA CHẤP TỘI.

 

          Ta thường đọc kinh Vực sâu tức Thánh vịnh 130 để cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục. Ta để ý đến câu “Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được” (Tv 130,3). Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng không thể nào để người ta xúc phạm đến. Thế mà con người là tạo vật Chúa dựng nên dám cả gan phạm đến Chúa khi phạm tội, vì khi phạm tội là chống lại với Chúa. Nếu Chúa chấp tội theo sự công thẳng của Ngài thì không ai được cứu rỗi.

 

          Nhưng chúng ta được an ủi vững vàng khi đọc đến câu “Bởi Chúa tôi hằng có lòng lành cùng vì lời Chúa tôi đã hứa”.  Cậy trông vào lượng từ bi hải hà và tha thứ của Thiên Chúa, ta dám xin Chúa thứ tha các tội ta phạm như lời Ngài đã hứa.

 

          Theo tín điều các thánh hiệp thông (Giáo lý Công giáo số 962) ta có thể cầu nguyện cho các người đang bị giam phạt trong luyện ngục. Đây là một hành vi thể hiện đức bác ái giữa các thành phần trong Hội thánh.

 

III.  NGÀY THỂ HIỆN ĐẠO “HIẾU”.

 

          Chữ “HIẾU” rất quan trọng đối với người Á đông. Người ta nâng chữ hiếu lên thành ĐẠO hiếu tức đạo làm con. Theo truyền thống Á đông, tội nặng nhất là tội bất hiếu.

 

                             Công cha như núi Thái sơn,

                             Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

                             Một lòng thờ mẹ kính cha,

                             Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con.       

                                      (Ca dao)

          Đạo làm con phải đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ; ơn ấy người ta gọi là “ơn nghĩa cù lao”.

          Trong Kinh thi có câu: “Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao” : thương xót thay cha mẹ sinh ta khó nhọc.

          Trong bài thứ 5, dạy học trò sống cho phải đạo, sách Gia huấn ca của Nguyễn Trãi có viết :

 

                                      Chữ rằng sinh ngã cù lao,

                                   Bể sâu khôn ví, trời cao khôn bì.

                                             (Nguyễn Trãi)

         

          Trong mười giới răn của Đạo Công giáo có một giới răn nói về vấn đề này :”Thứ bốn thảo kính cha mẹ” (x. Xh 20,10). Thảo kính là yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và đã qua đời (x. Giáo lý Công giáo số 2215-2218).  Giúp đỡ cha mẹ khi đã qua đời cũng là một bổn phận phải làm tròn đối với người công giáo cũng như người ngoại giáo.

 

          Vào rằm tháng bảy mỗi năm, người Phật tử tổ chức lễ Vu lan rất trọng thể và cảm động. Đây là lễ hội con cái báo hiếu cha mẹ. Người ta đến chùa qùy lạy trước Phật đài, đem lòng thành kính, cầu xin từ bi của Tam Bảo cứu độ cho cha mẹ được giải thoát.

 

          Nghĩa làm con, phụng dưỡng cha mẹ còn sống, cha mẹ mất cũng thắp đèn trời, ngày đêmkhấn nguyện.  Chữ hiếu sống cho trọn vẹn,  cao đẹp dường bao.

 

                             Công dưỡng dục thâm ơn dốc trả

                             Nghĩa sinh thành đạo cả mong đền,

                             Làm con hiếu hạnh vi tiên.

                                      (Kinh Vu lan bồn)

 

          Ở phương Tây, tuy không có tục thờ tổ tiên, tuy chữ hiếu không nâng lên thành đạo, nhưng không vì thế mà không có ngày dành riêng để nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ. Vì thế, thánh 11 hằng năm là tháng dành riêng để cầu nguyện cho những người đã qua đời, đặc biệt là ngày 02 tháng 11 mỗi năm. Như vậy, có thể nói thời gian tháng 11 là mùa Vu lan báo hiếu đến muộn của người Tây phương.

 

          Chúng ta hãy đọc lại đoạn sách GIÁO HUẤN CA 3,1-16 để hiểu biết nghĩa vụ của con cái đối với ông bà cha mẹ.

          Có hai câu đáng chú ý :

* “Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con dược chúc

phúc” (Hc 3,8).

* “Lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị lãng quên và sẽ đền bù tội lỗi cho con”         

                        (Hc 3,14).

Hôm nay ông bà cha mẹ đang mong con cái thực hiện thực hiện chữ hiếu mà Chúa đã răn

dạy.  Vậy chúng ta sẽ làm được những gì trong ngày hôm nay và mãi mãi ?

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục