HAI BÀN TAY TRẮNG

+++

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

          Chúng ta đọc : Lc 16,19-31.

 

          Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe thuật lại câu chuyện người phú hộ kia không biết dùng của cải ở đời này, ông là người keo kiệt, không biết mở rộng lòng ra mà giúp đỡ người nghèo khó. Vì thế, khi chết đi, ông sẽ ra đi với hay bàn tay trắng và còn bị khốn khổ ở đời sau.

 

          Dụ ngôn này gợi ý từ hình ảnh quen thuộc trong xã hội Do thái lúc bấy giờ : Một xã hội có những người giầu sống tách biệt với người nghèo. Người giầu trong dụ ngôn thường xuyên đầy đủ của cải, nhưng không phải do những lối làm ăn bất chính, cũng như ông không tiêu xài của cải  vào việc bất chính như ăn chơi, xa xỉ. Ông chỉ lo sống như những người giầu khác vào thời ông : ăn mặc sang trọng, ngày ngày yến tiệc linh đình. Ở đây cho thấy  người giầu có này không xấu về phương diện tiêu cực như làm giầu cách bất công và tiêu xài của cải cách bất chính để gây ra tội lỗi.

 

          Nhưng đối nghịch với hình ảnh người phú hộ là hình ảnh Lazarô nghèo khó. Ông là người hành khất kém may mắn, đầy bệnh hoạn, tứ cố vô thân… Ông cần sự giúp đỡ của người giầu nhưng không được.

 

          Sau cùng cả hai người cùng chết. Cái chết san bằng sự chênh lệch của mọi người. Tuy nhiên, hậu quả của cái chết khác nhau tùy theo cách sống của mỗi người khi còn sống. Ở đây, người giầu, vì đã không biết sử dụng của cải để bố thí cho người nghèo theo lời khuyên của lề  luật và các tiên tri (x. Lc 16.9-14; 20,17; Mc 7,9-13), vì thế ông bị cực hình trong hỏa ngục.

 

          Còn cụm từ “Được đem đi chôn” có ý nói người giầu có này lúc chết bị chôn vùi xuống đất mà không mang của cải đi theo mình được. Đúng là ra đi với hai bàn tay trắng !

 

II. HÀNH TRANG VÀO ĐỜI SAU.

 

          Trong băng nhạc “50 năm đời vẫn hát” của Khánh Ly, người giới thiệu bài hát đầu tiên là nhạc sĩ Trịnh công Sơn. Ông nói đến sự quan trọng của việc “Sống tử tế với nhau” bằng “một tấm lòng tốt”.

 

          Theo ông thì nếu không có “tấm lòng tốt” đó, ông đã không tồn tại cho đến nay.  Bài hát kết thúc băng nhạc là bài “Những gì đem theo vào cõi chết” của Phạm Duy.  Bài này có mấy câu như sau :

                             Rồi mai đây tôi sẽ chết,

                             Trên đường về nơi cõi  hết,

                             Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây ?

 

                             Rồi mai đây tôi hóa kiếp,

                             Trong lòng còn bao luyến tiếc,

                             Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây ?

 

          Theo hai nhạc sĩ đó, chúng ta có thể nói rằng, nếu có được tấm lòng tốt với nhau thì chỉ cần  đem tấm lòng đó vào cõi chết là đủ rồi. Cái chết sẽ cướp đi của con người tiền bạc, danh vọng, địa vị, thân xác, nói chung là những gì không vĩnh cửu. Nhưng một “tấm lòng tốt” thì muôn đời sẽ không bao giờ sợ mất mát trước giờ chết. Tất cả những cái tốt họ đạt được đều dễ dàng mang theo vào cõi chết… Đấy là những trăn trở của những người không phải là Kitô hữu. Đây là những suy tư đáng cho chúng ta phải suy nghĩ. Còn chúng ta, những người Kitô hữu, chúng  ta phải nghĩ gì về hành trang của chúng ta khi bước vào cõi đời sau ?

 

1.    Những gì người ta mang theo.

 

Khi chết người ta chẳng mang theo được cái gì.  Đấy là quan niệm bình dân và phổ biến. Đấy là kinh nghiệm của người trí thức cũng như của những người ít học. Tư tưởng này đã được những người bình dân đặt vào trong câu ca dao thật ý nghĩa :

                            

                                       Vua Ngô băm sáu tàn vàng,

Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì.

 

          Chẳng thế mà, đại đế Alexandre, sau khi đã chinh phục được một số nước Phi châu, Âu châu, các nước Cận đông và gần nửa Á châu, trước khi chết đã trối  lại : phải để bàn tay phải của ngài ra ngoài quan tài, để mọi người biết rằng, khi bỏ cõi đời này, một vị vua giầu sang, uy quyền đến thế, mà cũng không mang theo được gì.

 

          Người ta cũng thấy ghi khắc trên bia mộ của một người câu sau đây :

                                     

                             Những gì tôi đã tiêu dùng thì đã mất,

                             Những gì tôi đang có, tôi phải nhường lại cho kẻ khác,

                             Chỉ những gì tôi đã cho đi, sẽ mãi mãi là của tôi.

 

          Bà hoàng hậu nước Pháp ngày xưa, Anne d’Autriche, một hôm mời thánh Vincent de Paul tới hoàng cung và rưng rưng nước mắt nói :”Từ lúc còn là công chúa thơ ngây, cho đến nay là một hoàng hậu già nua tuổi tác, đầu nặng trĩu vinh quang vàng ngọc, nhìn lui lại tôi chỉ thấy đời là một giấc chiêm bao trống rỗng”.

 

          Bà hoàng hậu này đã có cái nhìn kinh nhgiệm và sâu sắc về đời người. Có lẽ bà cũng đồng ý với một thi sĩ Việt nam mà nói lên :

 

                                      Đời tôi là giấc mộng tàn

                                  Tình tôi là chiếc lá vàng chơi vơi !

                                              (Lê văn Tất)

 

 

Truyện : Con chồn và vườn nho.

 

          Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách : đó là nhịn đói để gầy bớt đi.

          Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được trong vườn nho. Nhưng sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá ra rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗng hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.

          Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ :” Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để làm gì ? Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra  với hai bàn tay trắng”.

 

          Khi bước vào trong trần thế này, chúng ta muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự. Thế nhưng, khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta đành phải ra đi với hai bàn tay trắng.  Lời lãi cả thế gian này để được ích lợi gì ? Xuất thân từ bụi đất, chúng ta cũng chỉ trở về với đất bụi thôi. Chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời. Điều đó không đáng cho chúng ta tìm kiếm sao ?

 

2.    Những gì người ta để lại.          

 

Ở một địa điểm du lịch ở Ý, có một khu đặc biệt lôi kéo sự chú ý của mọi người. Du khách thán phục nhìn những tòa nhà, những khu vườn lộng lẫy treo lửng lơ như những tổ chim dọc theo dốc đá thẳng đứng. Đúng ngay cổng vào, người ta đọc thấy từ La tinh RELINQUENDA, có nghĩa là “NHỮNG VẬT PHẢI ĐỂ LẠI”.                

 

Không biết là người chủ, người thiết kế hay một người nào đó, đã cho đặt bảng chữ này để nói lên một triết lý sống bao hàm ý nghĩa về sự chết – mà không có ý nghĩa ấy thì sự sống trở thành vô nghĩa.

 

Một minh tinh màn bạc nổi danh sắp chết đòi chị giúp việc phải bầy ra hết những món nữ trang mà các nhà quyền quí đã tặng cô trong những lần biểu   diễn, lên một tấm mền nhỏ.

Nhìn những viên kim cương lóng lánh, cô than thở :

-          Tôi phải bỏ lại tất cả những thứ này sao ?

 

Đúng, cô phải bỏ tất cả những thứ ấy lại.  Cô hãy nhớ đến những lời cảnh cáo của Chúa Giêsu : “Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi săm sẵn đó sẽ về tay ai” (Lc 12,20) ?

 

Truyện : Lợi lộc để lại cho ai ?

 

Thời Đông Châu mạt, nước Tề có tướng quốc Điền. Điền Anh ấp phong rộng rãi, vàng bạc đầy kho.  Điền Anh vẫn ham thích tích của thêm để lại cho con cháu. Họ Điền có đứa con nhỏ lúc đó lên 5, 7 tuổi, một bữa hỏi cha :

-          Phụ thân ơi ! Phụ thân gọi con đây là gì ?

Điền Anh cười đáp :

-          Gọi mày bằng con chứ bằng gì ?

-          Bẩm thế con của con là gì ?

-          Là cháu.

-          Thế con của đứa cháu là gỉ ?

-          Chắt

-          Dạ, vậy con của chắt là gì ?

-          Chít

-          Bẩm con của chít là gì ?

Điền Anh bí quá, đáp :

-          Chịt.

-          Vậy con của chịt ?

Điền Anh tắc kỳ ngôn lộ. Điền Văn mới cười đáp :

- Thế mà cha còn ham làm giầu để của lại cho những kẻ mà chính cha cũng không biết gọi là gì nữa,  tưởng thật vớ vẩn ! Nay trong họ Điền, trong nước Tề, trong thiên hạ, hiện còn bao kẻ chẳng có đồng nào, trên đời còn bao chuyện cần thiết, sao cha không đem của cải ra dùng ?  Đấy cũng chỉ là anh em con cháu trước mắt thôi.

 

          3. Những gì còn lại cho người ta.

 

a)   Những Việc Lành.

 

Lời Chúa phải vang vọng trong tâm hồn chúng ta, mỗi khi chúng ta đọc lại lời cảnh cáo của Chúa :”Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì người ta nào có ích lợi gì” ? Câu này đã khiến Phanxicô Xaviê bỏ mọi sự  để đi theo Chúa, thành một nhà truyền giáo nhiệt tình.

 

          Mỗi người chúng ta hãy duyệt lại xem mình đang tìm kiếm những gì ở đời này (quyền lợi, thú vui, danh vọng…) Rồi nghĩ tới ngay mình nhắm mắt ra đi. Lúc đó mình sẽ mang theo được những gì ?

 

          Người kia có ba người bạn. 2 người trước là bạn rất thân, người thứ ba thường thường vậy thôi. Ngày kia ông bị tòa bắt xử, liền xin 3 người bạn đi theo để biện hộ.  Người thứ nhất từ chối ngay, viện cớ bận việc quá không đi được. Người thứ hai bằng lòng đi đến cửa quan nhưng lại không dám vào. Chỉ có người thứ ba tuy không được ông yêu thích nhưng tỏ rất trung thành vào tận tòa án biện hộ cho ông ta, không những trắng án mà còn được thưởng nữa.

 

          Người bạn thứ nhất là tiền bạc. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta, chỉ để lại cho ta một chiếc chiếu và một cái hòm. Người bạn thứ hai là bà con bạn hữu. Họ khóc lóc đưa ta đến huyệt rồi về. Người bạn thứ ba là các Việc Lành. Chúng theo ta đến tòa phán xét, biện hộ cho ta, và đưa ta vào cửa thiên đàng.

 

b)   Những việc từ thiện bác ái.

 

Khi ra đi, chúng ta phải để lại tất cả, chỉ có thể mang đi theo các công phúc tức là các

Việc Lành chúng ta đã làm khi còn sống.  Có lẽ các việc lành đó qui về việc từ thiện bác ái. Sở dĩ chúng ta dám nói như vậy, bởi vì trong ngày phán xét, Chúa sẽ nói với người lành cũng như kẻ dữ một câu, mà sự khác nhau chỉ là người có làm hay không . Chúa nói với kẻ lành :”Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”(Mt 25,34-36).

 

          Một người cố gắng sống trinh khiết đẹp lòng Chúa và rất tự hào về đời sống thanh tịnh của mình. Một đêm kia, họ nằm mơ thấy như thế này : họ chết và lên trình diện Chúa. Họ giơ hai tay trinh sạch  lên trình diện Chúa để Chúa thưởng. Thật thế, Chúa khen hai bàn tay trắng trẻo xinh đẹp nhưng rỗng tuếch vì chưa dùng bàn tay để giúp ích cho ai cả.

 

          Cuộc đời chóng qua, chúng ta hãy bắt tay vào việc ngay để sắm sẵn cho mình một số hành trang để đến trình diện Chúa.  Chúng ta hãy suy gẫm một bài thơ cổ :

 

“Khi tôi là một đứa trẻ, tôi cười tôi khóc, thì lúc đó thấy thời gian bỏ tôi.

Khi tôi là một thanh niên, tôi táo bạo hơn, thì thấy thời gian đi bộ.

Khi tôi trưởng thành, tôi là một người chững chạc, thì thấy thời gian chạy.

Cuối cùng, khi tôi bước vào tuổi chín mùi, tuổi già, thì thấy thời gian bay.

Chẳng bao lâu nữa là tôi chết, lúc đó thời gian đã đi mất.

Ôi, lạy Chúa Giêsu, khi cái chết đến, thì ngoài Ngài ra, không còn gì là quan trọng nữa”.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

         


Mục Lục