SỐNG KHÔN CHẾT THIÊNG

+++

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

          Chúng ta đọc : Ga 12,23-33.

 

          Trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Chúa, có mấy người Hy lạp muốn gặp Chúa Giêsu. Họ nhờ ông Philipphê làm môi giới và ông đã cùng ông Anrê đưa họ đến trình diện Ngài. Ôâng Gioan không cho chúng ta biết kết quả việc mấy người Hy lạp gặp Chúa Giêsu như thế nào, chúng ta không biết gì hết vì các người Hy lạp không được Chúa Giêsu trả lời trực tiếp, nhưng nhân dịp này Chúa Giêsu trả lời cho các môn đệ :”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”(Ga 12,23).

 

          Giờ của Chúa Giêsu là giờ nào ? Theo ý Ngài, giờ vừa là sự chết vừa là sự tôn vinh để diễn tả sự phong phú từ cái chết của mình được mời gọi tiến đến vinh quang. Chúa Giêsu đi từ dụ ngôn ngắn gọn, quen thuộc ở nơi thôn dã về hạt lúa cần phải được mục nát đi để mang lại nhiều hoa trái. Sự tương phản mà Chúa Giêsu đưa ra, ở giữa chết hoặc sống ít hơn là giữa chết hay mang lại nhiều hoa trái.  Cũng như hạt giống, Chúa Giêsu cần phải được gieo vào lòng đất, chết đi, nhờ đó mang lại hoa trái cho mọi người.

 

          Cái chết của Chúa Giêsu không chỉ là một sự bắt buộc phải kinh qua để tiến tới vinh quang mà còn là điều kiện để khai sinh và phát triển Giáo hội.

 

          Người Kitô hữu chúng ta cũng phải đi theo con đường ấy vì như thánh Phaolô đã nói với tín hữu Philipphê:”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Kitô từ trời đến cứu chúng ta”(Pl 3,20). Ngài còn nói thêm :”Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra”(2Cr 5,1).

 

            Muốn được về Quê trời, muốn được về với Chúa thì điều kiện cần thiết  là phải lìa bỏ thân xác này là nơi giam hãm linh hồn chúng ta :”Và chúng ta biết rằng : ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa…  và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa”(2Cr 5,6.8).

 

            Vì vậy, việc từ giã cõi đời này tiến sang đời sau không phải là đi vào hư vô  mà là đi vào một đời sống hoàn hảo hơn. Do đó, chết là điều kiện cần thiết cho cuộc đi về :”Sinh ký tử qui”, đi về quê hương vĩnh cửu ở trên trời.

 

II. TRIẾT LÝ TỬ VONG

 

          Người đời thường nói :”Sống ở nhà, già ở mồ” hay “Sống cậy nhà, già cậy mồ’(tục ngữ) người ta có ý nói nhà ở lúc sống, mồ mả lúc chết là những chuyện rất quan trọng đối với con người Việt nam. Chữ “già” ở đây có nghĩa là chết theo ý nghĩa sinh, lão, bệnh, tử. Con người càng sống lâu càng già đi và già thì sinh bệnh tật rồi chết.

 

          Tư tưởng trên còn được soi sáng thêm bằng một câu tục ngữ khác :

                             Sống về mồ về mả,

                             Chẳng ai sống về cả bát cơm”.

 

          Đây là một quan niệm mê tín : người ta làm ăn phát đạt là nhờ mồ mả cha ông chôn cất nơi có địa thế tốt, kết phát. Vì vậy, người ta rất chú trọng vào việc chôn cất người chết theo địa thế đất, theo phương hướng, ngày giờ và bao nhiêu kiêng kỵ khác.

 

          Tuy là một quan niệm sai lầm nhưng nó cũng nói lên một mối ưu tư : mọi người sẽ phải chết và phải chuẩn bị cho ngày đó :”sống cái nhà, già cái mồ”. Phải làm sao cho mồ mả được thích hợp để đem phúc lộc đến cho con cháu, vì tuy ông bà cha mẹ đã chết nhưng vẫn còn liên hệ đến con cháu.

 

          Như vậy, đây được coi như một triết lý tử vong của người dân quê mộc mạc chất phác.  Triết lý tử vong có tương quan mật thiết với triết lý nhân sinh : sinh ký tử qui. Triết lý tử vong đem lại cho chúng ta  tất cả những giáo huấn khôn ngoan, những hứng khởi sáng suốât về cuộc đời. Thành thử nếu đích thực là “sống khôn chết thiêng” thì cũng đích thực là  “triết lý tử vong chi phối triết lý nhân sinh”,  vì chỉ ai muốn chết thiêng thì mới biết sống khôn.

 

III. SỐNG KHÔN CHẾT THIÊNG

 

          Câu tục ngữ “Sống khôn chết thiêng” muốn nói với chúng ta rằng : ai sống lành cũng sẽ chết lành, ai sống dữ cũng sẽ chết dữ. Đấy là quan niệm chung của mọi người bởi vì tự thâm tâm ai cũng phải công nhận “Sống sao chết vậy”.  Khi còn sống cái cây đã nghiêng về phía nào thì khi chết cái cây cũng đổ về phía đó.

 

          Vì vây, ai cũng muốn chết lành, mà muốn chết lành thì phải sống lành, sống cho tốt.  Đây là một cách dọn mình hoàn hảo và đúng đắn mà chúng ta hay khuyên bảo người khác. Chúa Giêsu đã không phán :”Hãy dọn mình chết”, nhưng phán rằng :”Hãy sẵn sàng” (Mt 24,44), nghĩa là hãy luôn luôn chuẩn bị cho cuộc kinh qua này, chúng ta phải sống như thể đã chết (x.Cl 3,3).

 

          Ngày nào cũng phải sống như thể là ngày cuối cùng của cuộc đời. Thánh Grêgôriô Cả đã nói :”Sở dĩ Chúa muốn giữ kín giờ sau hết của chúng ta , là để chúng ta không dự đoán được, thì ngày nào cũng phải sống  như ngày cuối đời” (Homelia 13 in Evang).

 

          Khi người bị án tử hình biết được là đơn xin ân xá của mình đã bị bác bỏ, và không bao lâu nữa mình sẽ bị hành quyết, tất nhiên người bất hạnh ấy không còn nghĩ đến cuộc đời sắp tàn, đến thế gian, đến sự vật và người nào trên đời, là những thứ không còn ý nghĩa gì đối với mình nữa, cũng không còn nghĩ đến việc phạm tội nữa.  Cũng vậy, vì nghĩ rằng ngày nào cũng có thể  là ngày cuối đời, nên chúng ta cũng phải thoát ly cuộc đời, thoát ly mọi sự, nhất là thoát ly  và xa lánh những gì liên quan đến tội lỗi.

 

          Chính Chúa Giêsu cũng phòng ngừa chúng ta khỏi điều mà những người thời ông Noe làm, ấy là “họ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho đến ngày ông Noe vào tầu và hồng thủy đến  mà tiêu diệt họ hết thảy. Cũng như vào thời ông Lót, thiên hạ cứ ăn uống, mua bán, trồng tỉa; nhưng ngày ông Lót ra khỏi Sôđôma, thì tự trời mưa lửa và diêm sinh xuống mà tiêu diệt họ hết thảy”(x. Lc 17,26-29)

 

IV. MUỐN SỐNG KHÔN CHẾT THIÊNG.

 

          Phương pháp chuẩn bị hay nhất là hãy sống giây phút hiện tại. Chúng ta bước vào thời gian ngay lúc vừa mở mắt chào đời, và ra khỏi đó khi giờ chết đến.

 

          Khi suy nghĩ về thời gian, ta thường gặp một cám dỗ chính đó là thái độ thoái thác. Tất cả chúng ta quen cái khuynh hướng nhắm tới tương lai hay quay về với quá vãng một cách thái quá. Do đó, ta trở nên những kẻ bạo tợn hoặc nản lòng.

 

          Một thanh niên đã nói :”Lúc này tôi cứ ăn chơi cho đã…  sau này sẽ sống nghiêm túc hơn”. Một ông già,  với quá khứ rỗng không và tràn đầy tội lỗi, đã kêu lên :”Giờ này thật đã quá muộn ! Tôi đã làm hỏng mất cuộc đời”.

 

          Không khi nào quá sớm, không bao giờ qúa muộn… giây phút hiện tại là hồng ân cần nắm giữ. Đó là giây phút cứu độ. Bí quyết thành công của con người, của ơn Chúa, là can đảm  và tin tưởng chấp nhận thời gian trước mắt.

 

          Thời gian hiện tại sẽ đáp ứng nhu cầu thiêng liêng và trần thế của ta cách thích đáng hơn. Nhờ đó, ta đón nhận từng giọt sự sống và tìm cách làm phong phú đời mình. Phương thế hữu hiệu để khỏi làm hỏng đời mình, là dù lúc nào, tuổi nào, ta cũng dính kết trọn vẹn vào giây phút hiện tại, như chốt cắm điện dính liền với dòng điện, để phát tỏa ánh sáng và sức mạnh (Charles Lebrun, Vượt qua cõi hồng trần, tr 24).

 

          Cuộc sống là một cuộc hành trình đi về quê trời, cuộc hành trình ấy chấm dứt sớm hay muộn không ai biết, chỉ biết chắc một điều là có ngày chấm dứt, ngày đó là giờ chết. Vậy trong cuộc hành trình đó chúng ta đem theo được những gì ? Hành trang đem theo là những gì ?

 

                                      Kiếp ngắn dài, một mộ bia

                                Xoay vần cát bụi ngày lìa dương gian.

                                      Dừng chân đếm túi hành trang

                                Những gì còn lại chuỗi vàng lời kinh.

 

          Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì người ta nào có ích lợi gì” ? Câu này đã khiến cho Phanxicô Xaviê bỏ mọi sự để đi theo Chúa, thành một nhà truyền giáo nhiệt tình. Mỗi người chúng ta hãy duyệt lại xem mình đang tìm kiếm những gì ở đời này (quyền lợi, thú vui, danh vọng…) Rồi nghĩ tới ngày mình nhắm mắt ra đi. Lúc đó mình sẽ mang theo được những gì ?

 

Truyện : Ba người bạn.

 

          Người kia có 3 người bạn, 2 người trước là bạn rất thân, người thứ ba thương thường vậy thôi. Ngày kia, ông bị tòa bắt xử, liền xin 3 người bạn đi theo để biện hộ. Người bạn thứ nhất từ chối ngay, viện cớ bận việc quá không đi được.  Người thứ hai bằng lòng đi đến cửa quan nhưng lại không dám vào. Chỉ có người thứ ba tuy không được ông yêu thích nhưng tỏ ra trung thành vào tận tòa án biện hộ cho ông ta, không những trắng án mà còn được thưởng nữa.

 

          Người bạn thứ nhất là Tiền bạc. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta, chỉ để lại cho ta một chiếc chiếu và một cái hòm. Người bạn thứ hai là Bà con Bạn hữu. Họ khóc lóc đưa ta đến huyệt rồi về. Người bạn thứ ba là các Việc lành, chúng  theo ta đến tòa phán xét và đưa ta vào cửa thiên đàng.

 

          Chúa sẽ xem xét đến cả hành trang của chúng ta. Nếu hành trang của chúng ta  chỉ toàn những việc lành qui hướng về mình thì cũng chưa đủ, mà còn phải qui hướng về tha nhân nữa. Một người cố gắng sống trinh khiết đẹp lòng Chúa và rất tự hào về đời sống thanh sạch của mình.  Một đêm kia, họ nằm mơ thấy như thế này : họ chết và lên trình diện Chúa. Họ giơ hai tay trinh sạch lên để trình diện Chúa để Chúa thưởng.  Thật thế, Chúa khen hai bàn tay trắng trẻo xinh đẹp nhưng rỗng tuếch vì chưa dùng bàn tay để giúp ích cho ai cả…

 

          Một y sĩ nổi danh nói rằng :”Một người có thể sống mạnh khỏe đến 81 tuổi”. Dĩ nhiên với điều kiện là người ấy phải là người bình thường. Y sĩ này còn nói thêm :”Mặc dù người ta có thể tìm ra được thuốc chữa cho những căn bệnh giết người, như ung thư hay cứng động mạch, thì thiên nhiên sẽ buông một cú đánh cuối cùng, cái mà người ta gọi là “chết” !  Đúng vậy, sau cùng mọi người đều phải chêt.

 

          Mỗi người chỉ chết có một lần nhưng phải chuẩn bị cho lần chết ấy. Do đó, ta phải “tập chết” mỗi ngày để cho lần chết thật đó phải đẹp, có ý nghĩa và hoàn hảo.  Các cha có lệ tĩnh tâm hàng tháng và các cha hay nói là dọn mình chết lành, có khi nói đùa là “tập chết”.  Cha dặn cậu giúp lễ coi nhà để cha đi tập chết. Khi khách đến hỏi cha xứ, cậu giúp lễ trả lời tỉnh bơ :Thưa ông, cha xứ đi tập chết”. Người khách ngẩn ngơ, không hiểu !!!

 

                                      Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,

                                   Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.

                                                (Tv 61,2)

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 


Mục Lục