CHUYẾN XE CUỘC ĐỜI
+++
I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.
Chúng ta đọc : Lc 12,35-40
Sau khi Chúa Giêsu giảng dạy dân chúng
về vấn đề ham mê của cải (Lc 12,13-22), hãy tin vào Chúa quan phòng (Lc
12,22-32) và hãy tích trữ của cải cho đời sau (Lc12,33-34), trong bài Tin mừng
này Chúa Giêsu dạy về việc phải luôn sẵn sàng cho giờ từ giã cõi đời này để bước
vào sự sống đời sau.
Chúa dạy :”Anh em hãy thắt lưng… Hãy làm như những người đợi ông chủ đi ăn cưới về”(Lc
12,35-36). Tại sao Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ phải bắt
chước cách thức người đầy tớ đợi ông chủ đi ăn cưới về ? Theo tục lệ người Do thái, tiệc cưới kéo dài
không biết đến bao giờ mới kết thúc, có khi kết thúc buổi chiều, có khi mãi tới
nửa đêm hay muộn hơn nữa. Người đầy tớ ấy “phải thắt lưng cho gọn” và “cầm đèn
cháy sáng trong tay” có nghĩa là phải ở trong tư thế làm việc, chờ đợi ông chủ
về để soi sáng cho ông vào nhà. Nếu vừa nghe thấy một tín hiệu nhỏ cho biết chủ
về sắp tới là mau mắn làm việc và phục vụ ngay.
Như vậy, tỉnh thức và sẵn sàng trong tư
thế “thắt lưng” và “thắp đèn” là việc đầy tớ phải sẵn sàng nghênh đón ông chủ và chờ đợi phần thưởng ông chủ ban cho.
Lời Chúa được ngỏ với con người xuyên
qua cuộc sống mỗi ngày, nên cũng luôn mang tính bất ngờ. Chính trong những cái thường nhật, nhỏ bé, độc
điệu mỗi ngày, con người được mời gọi để nhận ra lời ngỏ của Chúa. Chính trong
những cái bất ngờ của cuộc sống mà con người được mời gọi để nhận ra tiềng Ngài…
Xin Ngài cho chúng ta luôn có đôi mắt rộng
mở để nhìn thấy Ngài trong từng biến cố của cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta đôi
tai tinh tường để biết lắng nghe tiếng mời gọi của Ngài trong từng phút giây cuộc
sống. Xin Ngài cho chúng ta quả tim và đôi tay rộng mở để biết chia sẻ cho tha
nhân là hiện thân của Ngài (Trích Mỗi ngày một tin vui).
II. CHUYẾN XE CUỘC ĐỜI
Cách đây hơn một trăm năm, khi đường sắt
vừa mới được phát minh, nhu cầu đi lại mỗi lúc một tăng, một văn sĩ nọ, trong
quyển lịch sử của xe lửa và đường sắt, đã ghi ra một số chỉ dẫn cho hành khách. Trong một chương có tựa đề:”Những lời khuyên
trước khi lên đường”, ông đưa ra vài căn dặn như sau :”Trước khi bắt đầu cuộc hành
trình, hành khách nên quyết định : mình sẽ đi đâu, sẽ lên chuyến xe lửa nào và ở
đâu, tại nơi nào sẽ đổi tầu…”
Trong một đoạn khác, ông nhắc nhủ hành
khách như sau :”Khuyên quý khách mang theo hành lý càng ít bao nhiêu càng tốt…
Riêng với các bà, các cô, không được phép mang quá ba hành lý và năm gói nhỏ”.
Những lời khuyên trên đây xem chừng như
không có chút giá trị nào đối với hệ thống đường sắt hiện tại ở Việt nam ngày
nay. Người ta đã có những xe lửa hiện đại, rộng rãi, không phải chen chúc nhau
như hồi xưa nữa và đem theo hành lý nhiều hay ít cũng không thành vấn đề nữa.Nhưng
dù thanh thản trong một con tầu tiện nghi, hay chen chúc nhau trong một wagon
chật hẹp bẩn thỉu mỗi khi bước vào xe lửa, ai trong chúng ta cũng được mời gọi để tưởng nghĩ đến chuyến đi
của cuộc đời… Đời cũng là một chuyến đi.
Bước lên chiếc xe lửa của cuộc đời, ai
trong chúng ta cũng được mời gọi để chuẩn bị cuộc hành trình bằng một số câu hỏi
cơ bản : Tôi sẽ đi về đâu ? Tôi phải mang những gì cần thiết trong cuộc hành
trình.
Trên một số tuyến đường liên tỉnh tại
Phi luật tân, thỉnh thoảng hành khách có thể đọc được một bảng hiệu có thể làm
cho họ phải giật mình suy nghĩ : có thể đây là chuyến đi cuối cùng của bạn. Thật
ra, ít có ai khi lên đường, lại có ý nghĩ ấy. Có lẽ người ta nghĩ đến công việc,
nghĩ đến gia đình, nghĩ đến những thú vui đang chờ đợi hơn là phải dừng lại với ý nghĩ của một cái
chết bất ngờ.
Thái độ khôn ngoan nhất mà Chúa Giêsu
thường lặp lại trong Tin mừng của Ngài, đó là :”Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào”.
Con người sinh ra để chết. Nói như thế không hẳn là một phát biểu bi quan về cuộc
đời, mà đúng hơn là một cái nhìn trong suốt về hướng đi của cuộc đời.
Giả như ai trong chúng ta cũng biết rằng
: công việc ta đang làm trong giây phút này đây là công việc cuối cùng trong cuộc
đời, thì có lẽ mọi việc đều có một ý nghĩa và một mục đích khác hẳn (Đức Ôâng
Nguyễn văn Tài).
III. CHUYẾN ĐI CUỐI
CÙNG.
Đời là một cuộc hành trình, mà cuộc hành
trình nào cũng phải chấm dứt, nhưng cuộc hành trình nào cũng phải có đích điểm.
Người ta chỉ kết thúc cuộc hành trình khi đã đến đích điểm là Quê Trời. Vì thế, đích điểm của niềm cậy trông vĩnh hằng của chúng
ta, hạnh phúc vĩnh cửu mai hậu mà chúng ta đang tiến về, quê hương Nước Trời mà
chúng ta đang nỗ lực xây dựng , không bao giờ là một cõi vu vơ, hão huyền như
kiểu :
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm
cây thông đứng giữa trời mà reo.
Hoặc :
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm
đôi chim nhạn tung trời mà bay.
Hay lãng đãng mơ màng như lời ca trong bài hát “Một cõi đi về” của Trịnh
công Sơn :
Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa
bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm
năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng
biết nơi nao là chốn quê nhà…
Người thời nay không chấp nhận những
thực tại siêu hình, những thực tại siêu nhiên. Người ta đặt dấu hỏi : có không
thiên đàng, hỏa ngục, có không hạnh phúc vĩnh hằng, có không thế giới bên kia…
và những thực tại đó như thế nào ? Vì thế, đã có một số người hoặc quay lưng chạy
trốn hoặc bực bội khước từ. Đối với họ : cuộc sống đời thường là trên hết, hưởng
thụ là cần thiết nhất, thành công phương tiện là ưu tiên số một. Mọi thứ khác
chẳng đáng quan tâm. Ngay vào thời Chúa Giêsu đã có cả một phong trào, một cộng
đoàn Do thái chủ trương như thế. Họ chính là nhóm Sađucêu, đã chối bỏ niềm tin
vào sự sống lại và cả sự sống đời sau.
Trái lại, ở cuối chân trời hy vọng, ở đích
điểm vĩnh hằng, ở cội nguồn hạnh phúc của chúng ta lại là một CON NGƯỜI, MỘT NGÔI
VỊ : Một Thiên Chúa Tình yêu, một Mục tử tốt lành, một Người Cha thương yêu đang
ngóng đợi con về, một bạn đồng hành đang thân thương sánh bước đang từng bước đi
về. Vâng Thiên Chúa của chúng ta, Đức Kitô
của chúng ta không phải chỉ đứng đợi mà
là đang đi tới, đang trở về, như tư tưởng thư thứ 2 thánh Phaolô gửi cho tín hữu Thessalonica :
Thánh Phaolô động viên
tín hữu Thessalonica hãy vững lòng trông cây đợi chờ ngày Chúa đến. Đức Kitô phục
sinh sẽ giải thoát những ai đặt niềm tin vào Ngài khỏi quyền lực của ác thần và
ban thưởng xứng đáng cho họ vì những việc lành mà họ đã thực hiện trong cuộc sống
tại thế.
Mọi người phải chuẩn bị cho chuyến đi
sau cùng của đời mình vì đã đi thì không bao giờ trở lại nữa. Người Trung hoa có
một câu thành ngữ rất hay làm phương châm sống cho những người quyền thế. Những người quí tộc Trung hoa thường viết câu
châm ngôn này trên các bức hoành phi :”Tư
hoạn dự phòng”, có nghĩa là hãy suy nghĩ về những tai họa có thể xẩy ra để đề
phòng.
Người Việt nam từ xưa đến nay vốn hiểu
rất rõ điều đó và bài học đạo đức đó mỗi người chúng ta đều được học từ những
ngày chập chững biết đi, biết nói. Còn
người Công giáo thì sao ? Chúng ta còn ý
thức sâu sắc hơn về điều đó bởi chúng ta biết rằng, con người không chỉ có cuộc
sống chóng qua đời này mà điểm đến của con người chính là thế giới mai sau. “Hoạn”
đó chính là hỏa ngục, nơi mà mọi linh hồn phải khóc lóc nghiến răng. Còn “hoạn” đối với Phật giáo đó chính là chết
đi mà phải chịu cảnh trầm luân, mãi mãi không được đầu thai trở lại. Chính cái “hoạn” mai sau đó đã nhắc nhở mọi
người Kitô hữu chúng ta cũng như các tín đồ của các tôn giáo khác phải biết sống
lương thiện và hướng thiện, sống là phải biết yêu thương để được lãnh nhận.
Người ta cũng rút ra được một câu châm
ngôn trong sách Luận ngữ để làm kim chỉ nam cho cuộc sống, khuyên mọi người phải
biết lo cho tương lai mai hậu :
“Nhân
vô viễn lự, tắc hữu cận ưu “(Luận ngữ)
Người
không biết lo xa, ắt phải buồn gần.
Thái độ cơ bản của người Kitô hữu, đó
là tỉnh thức. Người Kitô hữu tỉnh thức vì biết rằng mỗi khoảnh khắc đều mang một
ý nghĩa đối với giai đoạn mới hoặc cần thiết cho sự trưởng thành, mỗi biến cố đều
mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.
Truyện : chuyến đi cuối cùng.
Một tu sĩ dòng Tên thuật lại câu trả lời
đầy tràn xúc động sau đây của một thủy thủ sắp chết. Anh luôn sống đạo đức - Đây
là điều hiếm có nơi các thủy thủ – và trong buổi sáng hôm đó, anh nhận của ăn đàng.
Buổi chiều, khi Linh mục đến gặp anh và
nhận thấy anh rất yếu, bèn hỏi :
- Con đã sẵn sàng cho chuyến đi lớn
lao chưa ?
- Thưa cha, hoàn toàn sẵn sàng !
- Con không sợ ư ?
- Sợ ? Con sợ ư ? Tại sao con lại sợ ?
Và đặt tay lên ngực, nơi Chúa ngự đến
buổi sáng, anh nói thêm “Hoa tiêu đã xuống thuyền, vậy con còn sợ gì nữa” ?
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt