ĐI VỀ ĐÂU (bài 2)

+++

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

            Chúng  ta  đọc  : Ga 14, 1-6.

 

            Trong bữa Tiệc ly, thời gian cuối cùng của cuộc đời ở trần thế, Chúa Giêsu nói với các môn đệ Ngài những lời tâm huyết mà thánh Gioan tông đồ đã ghi lại trong cuốn Tin mừng của ngài.

        Chúa Giêsu báo trước cho các ông việc Ngài sắp ra đi, giờ ấy rất gần, và đi đến một nơi mà tự các ông không thể tìm ra được. Những lời tuyên bố vừa úp mở vừa huyền bí… làm sao không gây hoang mang nơi các ông ? Vì thế, Chúa đã phải trấn an :”Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”(Ga 14,1).

        Các ông xao xuyến là phải vì các ông, tuy đã ba năm được Chúa huấn luyện, dạy dỗ, vẫn chưa đủ để các ông nhìn ra ý nghĩa cuộc sống. Bao nhiêu phép lạ đã thực hiện  không đủ thuyết phục các ông về quyền năng vô biên của Ngài. Sự thương yêu săn sóc cả tinh thần lẫn vật chất bấy lâu vẫn chưa đủ bảo đảm sự quan tâm lâu dài của Ngài cho các ông. Tất cả bởi thiếu niềm  tin !

        Vì thế, các ông thắc mắc với câu hỏi : Thầy sắp đi đâu ? Thầy bỏ mình bơ vơ ư ? Rồi mình sẽ ra sao ? Làm thế nào tìm đến nơi Thầy được ? Các ông cần một câu trả lời. Chúa Giêsu chỉ yêu cầu các ông có một điều :”Các con hãy tin vào Thầy”.

        Lời loan báo của Chúa Giêsu sẽ được soi sáng thêm khi ta đọc thư của thánh Phaolô tông đồ gửi cho tín hữu Côrintô :”Chúng ta biết rằng : nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra”(1Cr 5,1).

        Chúa Giêsu đã cho các ông biết Ngài sẽ về nhà Cha để dọn chỗ cho các ông và rồi “Thầy lại đến và đem các con về với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó”(Ga 14,3).

        Chúa Giêsu sẽ đưa chúng ta về với Ngài và về đâu ? Chắc chắn là về cùng Cha Ngài ở trên trời. Như vậy, quê hương chúng ta ở trên trời nơi Chúa ngự. Vì thế, thánh Phaolô mong ngày Chúa đến đem chúng ta về với Chúa :”Ở trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa… Điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa”(2Cr 5,6-7).

 

 

 

II. THẮC MẮC VỀ CUỘC ĐỜI

 

        1. Một công lệ phải theo

 

          Con người sinh ra ở đời phải tuân theo một công lệ mà không ai có thể chống cưỡng lại được, từ vua quan đế thứ dân, từ các bậc vĩ nhân, những anh hùng cái thế đều phải răm rắp tuân theo. Công lệ đó là sinh, lão, bệnh tử : sinh ra, già đi, bệnh tật rồi chết. Tần Thủy Hoàng đã truyền cho dân chúng phải khổ công đi tìm thuốc trường sinh, nhưng cũng thất bại.  Cuộc đời kéo dài hay ngắn tùy theo từng người, nhưng nói chung, ai cũng thấy cuộc đời vắn vỏi. Nhà hiền triết Eùpictète nói :”Mỗi người chúng ta  xa lìa cuộc sống với cảm tưởng là  mình vừa mới sinh ra”.

 

          Thi sĩ Nguyễn công Trứ cũng thấy cuộc đời “ba vạn sáu ngàn ngày” rất là vắn vỏi, kiếp sống con người chỉ phù du như giấc mơ :

 

                                      Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy

                                      Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.

 

          2. Chết là số phận của con người.

 

          Ngày xưa, có một vị vua muốn các nhà thông thái nói lên ý nghĩa của cuộc đời trong một câu vắn tắt. Sau một thời gian nghiên cứu, sửa chữa, ban tu thư đã trình lên vua một câu vắn gọn :”Lịch sử loài người từ tạo thiên lập địa đến giờ : loài người sinh ra để khổ rồi chết”.

          Người ta có sống lâu đến đâu thì cũng phải kết thúc bằng cái chết. Đấy là thực tế và kinh nghiệm của mọi người, tuy lúc tạo dựng con người sống lâu lắm : Ôâng Adong 930 tuổi, ông Noe 950 tuổi, ông Mathusalem 969 tuổi.

          Cổ nhân cũng phải xác nhận thực tế đó và cho biết thêm đứng trước cái chết đó, mọi người đều muốn để lại danh thơm tiếng tốt của mình :

 

                                      Nhân sinh tự cổ thùy vô tử

                                      Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh

                                                (Văn Thiên Trường)

                                      Con người từ cổ xưa ai không chết ?

                                      Để lại lòng son rạng sử xanh.

 

          3. Chết rồi sẽ rao sao ?

 

          Tuy mọi người đều xác nhận thực tế này : mọi người đều phải chết, nhưng người ta chưa đồng ý với nhau về số phận con người sau khi chết. Phải chăng chết là hết, là đi vào hư vô, hay chết ø mà vẫn còn ?  Đó là thái độ của hai hạng người : người không có niềm tin và người có niềm tin.

 

          a) Chết là đi vào hư vô.

 

          Nhà văn Nhất Linh, một ngày bâng khuâng, ông tự hỏi mình :

          - Chết rồi sẽ ra sao nhỉ ?

          Nghĩ ngợi một chốc, rồi ông lại tự trả lời lấy :

          - Hồi Hai Bà Trưng, tôi chưa ra chào đời. Thế khi ấy tôi ở đâu ? Chết, tức là trở về tôi hồi ấy vậy.

          Nhà văn này còn bâng khuâng, không biết chết rồi số phận sẽ ra  sao, nhưng ông không khẳng định chết là đi vào hư vô, là đi vào tuyệt vọng, mà đây chỉ là một câu hỏi chưa có lời giải đáp

          Còn Karl Marx, ông tổ thuyết Marxisme vô thần, bị suy sụp trước cái chết của con trai ông. Chết là một sự mất mát mà không gì có thể lấp đầy được. Sự mất mát ấy lại càng khủng khiếp hơn khi con người  không còn một niềm hy vọng nào vào cuộc sống mai hậu. Chối bỏ cuộc sống mai hậu có nghĩa là tự đọa đầy mình  vào một nỗi tuyệt vọng khủng khiếp nhất.

          Vì nếu chết là đi vào cõi hư vô thì người ta chỉ biết sống vội sống cuồng, tận hưởng cuộc đời cho nhiều để chờ giờ chết đến, vì thế họ mới nói :

 

                                      Người ơi ! Tận hưởng đi mùi thế tục

                                      Trước ngày tan nát cõi tha ma.

                                                       (Omar)

 

          b) Chết là đi vào cõi sống.

 

          Trái lại, có nhiều người tỏ ra lạc quan trước cái chết bởi vì họ quan niệm rằng chết mà vẫn còn, chết là đi vào cõi sống : sinh ký, tử qui. Do đó, người ta sống lạc quan, người ta chấp nhận cái chết một cách vui vẻ vì cho rằng chết là ngưỡng cửa bước vào cõi sống.

          Triết gia Heiddeger nói :”Nếu chết là hết, thì đời người luôn luôn sống trong lo sợ. Bởi vì biết rằng mình sẽ chết, vậy sẽ trở về cõi hư vô, thì tức là đã mang hư vô trong mình rồi. Sống làm gì để mai ngày, rơi vào cõi hư vô” ?

          Michel Ange, nhà họa sĩ đại tài và nhà điêu khắc trứ danh của nhân loại, đã để lại bao nhiêu tác phẩm vĩ đại cho nhân loại. Hai ngày trước khi chết, ông tâm sự :”Tôi tiếc rằng tôi phải chết, khi tôi bập bẹ những tiếng đầu đời trong nghệ thuật của tôi… Nhưng qua những tác phẩm của tôi, Thiên Chúa hiện diện”.

          Giữa những chán nản của giới hạn sự chết, Michel Ange dù thấy giới hạn trước cái chết, ông cũng thấy được  câu trả lời của câu hỏi “Đi về đâu” để xác tín niềm tin nơi Thiên Chúa và sẵn sàng ra đi trong bình an.

          Trước khi chết, thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng đã an ủi các chị em đang đứng chung quanh giường thương tiếc khi chị nói :”Không, em không chết, em đi vào cõi sống”.

          4. Câu hỏi vẫn còn đó.

 

          Người thời nay vẫn còn đặt ra những câu hỏi cho cuộc sống : người ta bởi đâu mà đến, đến đây để làm gì và sau này sẽ đi đâu ? Sau cái chết những gì đang thực sự chờ đợi con người?Đó là những câu hỏi lớn mà người thời nay, khi đứng trước mâu thuẫn của cuộc sống, không ngừng đặt ra cho mình.

          Chúng ta cảm tạ Chúa, bởi vì, nhờ Đức Tin, chúng ta tìm được ánh sáng cho những câu hỏi ấy. Trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21, nhân loại đang mỗi lúc phải đương đầu với những thách đố lớn của cuộc sống. Người Kitô hữu được trang bị bởi đức tin đang nắm giữ một vai trò quan trọng trong giai đoạn này.

 

III. THỬ TÌM MỘT GIẢI ĐÁP

 

1.    Định hướng cho cuộc sống của mình.

 

          Vì chưa có ai chết nên chưa biết chết là như thế nào, chưa có kinh nghiệm về cái chêt, nhưng có một số người chết hụt sẽ cho chúng ta biết một số kinh nghiệm của họ : họ chỉ muốn sống lành thánh, còn những cái khác đối với họ đều là vô nghĩa.

 

Truyện : Bác sĩ Elizabeth  Couplaros

 

          Bác sĩ Elizabeth Couplaros là một giáo sư về môn tâm lý trị liệu tại đại học Chicago, Hoa kỳ. Một trong những tác phẩm bán chạy nhất của bà có tựa đề Sự Chết và Chết. Cuốn sách ghi lại sự phỏng vấn của tác giả  với hàng trăm người đã bị bác sĩ tuyên bố là chết nhưng bỗng dưng sống lại. Có thể những người chết sống lại này đều cho biết rằng trong khoảnh khắc mà các bác sĩ gọi là chết ấy, họ như sống lại cả quãng đời của họ, cứ như thể họ xem lại cuốn phim về cuộc đời của họ. Khoảnh khắc ấy có ý nghĩa gì không ? Bác sĩ Elizabeth Couplaros đã nhận định như sau : “Khi bạn trải qua khoảnh khắc ấy, bạn chỉ thấy có hai điều quan trọng trong cuộc đời, một là bạn đã phục vụ, hai là bạn sống yêu thương; còn tất cả những điều mà chúng ta xem trọng như danh tiếng, tiền của, uy tín và quyền lực đều vô nghĩa”.

          Các nhà văn muốn viết một cuốn truyện hay thường nghĩ trước phần kết của truyện. Người ta thường nói là câu truyện phải có hậu. Chúng ta muốn viết cuốn truyện đời mình cho hay thì cũng phải nghĩ trước về ngày chết của mình, đừng như nhân vật trong câu truyện sau đây :

          “Nhà khoa học Huxley đang gấp vì sợ đến trễ phiên họp, trong đó ông phải đọc một bài tham luận. Ôâng nhảy lên một chiếc xe ngựa và bảo người đánh ngựa :”Hãy chạy hết tốc lực”. Xe chạy một quãng, ông mới giật mình hỏi :”Nhưng mà ta đang chạy đi đâu vậy”? Người đánh ngựa đáp :”Tôi cũng chẳng biết, chỉ biết là xe đang chạy hết tốc lực”(Clifton Gadiman).

          Nếu chúng ta không biết định hướng cho cuộc đời của mình thì sẽ đi vào chỗ sa đọa, sống cho qua ngày, sống để hưởng thụ, sống mà không biết lý do của cuộc sống, giống như một câu trên ngôi mộ của Bopp:”Đây là nơi yên nghỉ của một người không biết tại sao mình sống”.

 

                                      Ta lên ta hỏi ông Trời

                                      Trời sinh ta ở trên đời làm chi ?

 

          2. Hãy nghĩ tới cùng đích của mình.

 

          Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một hướng đi cho cuộc đời : đó là nguồn hạnh phúc lớn lao cho con người.Chúa không dựng nên con người để đẩy họ vào chốn hư vô không lối thoát, nhưng để họ được hạnh phúc, không phải là hạnh phúc chóng qua ở đời này nhưng là hạnh phúc trường cửu ở đời sau. Vì thế chúng ta phải nhìn vào cùng đích của mình để mà sống.

 

Truyện : Diogène bán sự khôn ngoan.

 

          Một ngày nọ, triết gia Diogène của Hy lạp đã đến giữa chợ Athènes và dựng lên một căn lều có ghi đậm hàng chữ như sau :”Ở đây có bán sự khôn ngoan”.

          Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều đọc được lời rao báo, mới cười thầm trong bụng… Muốn biết đàng sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái  mà người bán gọi là sự khôn ngoan.

          Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời căn dặn của chủ… Anh đưa cho Diogène 3 hào và nói rằng  chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogène nói với người đầy tớ một cách trang trọng như sau :”Anh hãy về đọc lại cho chủ anh câu này : Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.

          Vị khoa cử thành Athènes vô cùng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ôâng đã cho viết trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả những ai đi qua trước nhà ông  đều có thể đọc thấy.

          Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”. Có lẽ đó cũng là khuôn vàng thước ngọc mà Giáo hội muốn ngỏ với mọi người chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều người trong chúng ta  tự nhủ mình : hãy vui hưởng cuộc đời, hãy sống như thể con người không bao giờ chết : đó là sống không có định hướng, sống không có mục đích.

          Cái chết là cửa để bước vào cuộc sống mai hậu. Và cuộc sống mai hậu ấy tùy thuộc vào những tích chứa, những xây dựng của chúng ta trong cuộc sống tại thế này. Nếu trong cuộc sống này, chúng ta hướng tất cả hoạt động của chúng ta vào cùng đích ấy, nếu chúng ta hành động, suy nghĩ như thể chúng ta sẽ ra đi tức khắc, thì chắc chắn khi bước qua ngưỡng cửa ấy, chúng ta sẽ không ngỡ ngàng, thất vọng.

                                     

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục