SINH HỮU HẠN,
TỬ BẤT KỲ
+++
I. SUY NIỆM LỜI CHÚA
Chúng ta đọc : Lc 12,35-40 : Hãy sẵn sàng,
vì chính giờ phút các con không ngờ
Thì
Con Người sẽ đến.
II. SINH HỮU HẠN TỬ
BẤT KỲ
Câu tục ngữ “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ” nói lên kinh nghiệm của con người trước việc
sinh tử. Người ta có thể chuẩn bị cho ngày sinh nhật của một trẻ sơ sinh, có thể
tính ngày giờ cho một đứa trẻ chào đời, “chín tháng cưu mang” là chuyện rất
bình thương.
Nhưng trước giờ chết của một người thì
ta phải nói là “tử bất kỳ”, nghĩa là người ta có thể chết bất cứ lúc nào, không
ai có thể biết trước được vì Kinh thánh nói :”Giờ
chết đến như kẻ trộm” (x. Lc 12,39).
Vì thế, người ta chỉ có thể chuẩn bị xa, chờ đợi cái giờ phút ra đi, còn ngày
giờ thì do Chúa định, không ai biết được.
Tuy thế, ai cũng biết là “tử bất kỳ”
nhưng ít ai lưu tâm đến nó. Người ta cứ sống như không bao giờ chết, nhưng chỉ
khi nào thần chết đến gõ cửa thì người ta mới cuống cuồng lên, người ta lo sợ,
buồn phiền, hối tiếc :
Nhưng mà tôi sẽ chết than ôi !
Tôi
run như lá, tái như đông,
Trán
chảy mồ hôi, mắt lệ phồng
Năm
đẩy tháng dồn tôi đã đến
Trước
bờ lạnh lẽo cõi hư không.
(Xuân
Diệu)
Người Estonia có câu ngạn ngữ :”Cái chết ở trước mặt người già, và sau lưng
người trẻ”. Giới trẻ thì ít nghĩ đến sự chết vì thấy mình còn sức khỏe dồi
dào, còn nhiều cao vọng tốt đẹp, còn nhiều kế hoạch lớn lao như xẻ núi lấp sông,
đội đá vá trời, biến đổi thế giới thành một xã hội hanh phúc. Với những chương
trình lớn lao sắp được thự hiện, làm sao người trẻ lại nghĩ tới sự chết ? Và nếu
có chết thì cũng còn khuya. Nhưng những
chương trình, những kế hoạch cao đẹp không nằm trong tầm tay họ mà nằm trong
tay Thiên Chúa, nên nhiều khi họ phải đột ngột ra đi như người ta nói :
Lá
vàng còn ở trên cây
Lá xanh rụng xuống
có hay chăng trời ?
Người già thì thấy mình gần sự chết hơn
vì luôn tâm niệm rằng :”Mỗi năm một tuổi như đuổi xuân đi”, nên lá vàng rụng xuống
là lẽ đương nhiên : sinh, lão, bệnh, tử mà !
Tuy thế, ai cũng ham sống, ai cũng muốn sống thêm, ai cũng sợ chết nên
không muốn nghĩ đến nó .
Người đời thì ai cũng “tham sinh úy tử”.
Người ta nhận xét rằng : các cụ già thường hay sợ chết hơn các thanh thiếu niên. Không bao giờ người ta cảm thấy mình sống lâu
cả. Dẫu tóc bạc da mồi, đi không vững, đứng không ngay, cũng còn thấy như mới bước
chân vào đời ngày hôm qua vậy :
Nhớ từ năm trước hãy ngây thơ
Thoát
chốc mà già đã tới ngay.
(Nguyễn
Khuyến)
Một hôm, một bà đã 40 cái xuân thu trên
đầu đã nói với Fontenelle, 95 tuổi rằng :
- Thần chết đã quên chúng mình đi rồi
!
Ôâng bí thư Hàn lâm viện Pháp tròn xoe
con mắt, lườm kẻ đối thoại, đặt ngón tay trỏ trên đôi môi sù sì :
- Nói nhỏ chứ !!!
III. NHỊP SỐNG TÀ TÀ.
Ngày nay kinh tế phát triển, đời sống
vật chất được nâng cao, các tiện nghi dồi dào, có thể phục vụ cho đời sống một
cách thoải mái. Do đó, người ta có phong trào thi đua hưởng thụ, càng nhiều càng
tốt mà quên đi những cái gì vượt trên vật chất, những cái gì là thiêng liêng
cao quí, những cái gì có thể nâng cao tâm hồn con người lên.
Nếu được nhắc nhở về đời sống tâm
linh, người ta tìm cách thoái thác, hoặc chần chờ không muốn đặït vấn đề. Nói cách
khác, người ta muốn trì hoãn việc sửa đổi cách sống, cứ sống tà tà, được ngày nào
hay ngày ấy, rồi ra sẽ hay.
1. Lý do của việc trì hoãn.
Lý do của việc trì hoãn là thời gian còn
sớm, không vội, đợi một thời gian nữa rồi sẽ hay. Giới trẻ thì cho là thời gian còn dài, đến già thì sám hối vẫn kịp.
Còn người già thì cũng thích dùng kế “hoãn
binh” : đợi một thời gian nữa. Người ta đã mắc cạm bẫy của ma quỉ.
Truyện : Hội nghị của quỉ.
Ngày kia Satan hỏi các đồ đệ :
- Làm thế nào để chiếm đoạt được
các linh hồn ?
Con thứ nhất trả lời :
- Tôi sẽ rỉ bên tai họ : không
có Chúa, không có Chúa.
- Họ đâu có tin. Nhìn vũ trụ,
họ không thể nào chối không có Chúa được.
Con thứ hai trả lời :
- Tôi sẽ rỉ tai họ : chết là hết, chết là hết.
- Than ôi, sự đời đời đã được
khắc sâu vào chính giữa trái tim của con người !
Satan và các độ đệ trầm ngâm
nghĩ ngợi. Bỗng một con quỉ khác từ từ đứng
dậy :
- Tôi sẽ nhắc đi nhắc lại
cho loài người biết rằng Chúa có thật và chết thì chưa hết đâu. Tôi lại còn nói
với họ hãy ăn năn đền tội và trở lại với Chúa, nhưng tôi sẽ rỉ tai họ : Gấp gì.
Còn chán thời giờ ! Để gần chết rồi hãy ăn năn tội, để khi gặp sự nguy hiểm rồi
mới lo phần hồn cũng chưa muộn gì !
Quỷ vương Satan liền đập bàn
, vỗ đùi cái đét :
- Tuyệt ! Tuyệt ! Theo kế hoạch
này, chắc chắn chúng ta sẽ thành công !
Đấy là cơn cám dỗ mà nhiều
người vấp phải và cũng là cái bẫy nguy hiểm của ma quỉ giăng ra. Ma quỉ không cám
dỗ ta đừng ăn năn sám hối vì nó biết nói thế là ta không tin. Nó chỉ nói : Còn
sớm, chờ đã.
2. Nguy hiểm của sự trì hoãn.
Có người lập luận rằng Chúa
là Đấng từ bi và thương xót, chậm bất bình và rất mực khoan dung. Ngài nhẫn nại
chờ đợi kẻ tội lỗi ăn năn sám hối. Họ
vin và trường hợp của người trộm lành (x. Lc 23,39-40), người đó chỉ xin Chúa có
một câu : Khi nào lên nước thiên đàng, xin hãy nhớ đến tôi”, và Chúa đã trả lời
ngay :”Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với ta”. Như vậy, chỉ cần một giây
phút cuối ăn năn sám hối thì sẽ được Chúa tha thứ và sẽ được cứu rỗi !
Nhưng theo Kinh Thánh, trẻ đi
theo lối nào thì già cũng đi theo lối ấy. Cái cây đã nghiêng về phía nào thì sẽ
đổ về phía ấy.
Theo ý kiến của nhiều nhà đạo
đức và theo kinh nghiệm của một số người chết hụt thì trước khi tắt hơi thở cuối
cùng, Chúa sẽ cho quay lại cuốn phim của đời mình. Nếu đời sống tốt đẹp thì sẽ
vui mừng và hy vọng, còn nếu đời sống xấu xa thì sẽ sợ hãi và thất vọng.
Cái nguy hiểm của sự trì hoãn
là thời gian gấp rút, khi thần chết đến thì không kịp trở tay. Người ta chỉ biết
bó tay chịu đựng, hoàn toàn bế tắc Lần
kia, đến giờ ăn tối, người ta đem đến cho Archias, bạo chúa thành Thèbes, một lá
thư khẩn cấp, ông hồn nhiên trả lời :”Các việc nghiêm trọng hãy để sáng ngày mai”.
Không một ai hay biết tín thư đó sẽ cáo giác một vụ mưu phản sắp bùng nổ. Sự kiện này khiến chúng ta coi câu nói của ông
không những như là một châm ngôn mà còn như một chương trình.
Ngoài ra, người ta còn bị ảnh
hưởng bởi dư luận, bị lôi cuốn bởi gương thiên hạ, bởi bầu khí công cộng, bởi các
châm ngôn thông thường, bởi cả một nền giáo dục hèn nhát mà quên đi sự chết. Vì
thế trong cuốn suy gẫm của cha Gratry
có câu như sau :”Phong tục ngoài đạo của ta đã khiến ta sợ sệt trước sự chết. Ngay
từ thơ ấu, người đời dạy ta phải kính sợ sự chết, trốn tránh sự chết với bất cứ
giá nào. Người đời bảo ta đó là một huyền bí rùng rợn, không bao giờ được nói đến. Đúng thế, chết thật là cay đắng và khó khăn,
vì không ai dạy ta chết, người đời để ta chết cô đơn, khi người ta lừa gạt ta tới
giây phút cuối cùng, để cản trở người hấp hối, đến lúc gần tắt thở mới biết được
việc họ làm”.
Đức Giam mục Bossuet cũng nói :”Người đời mà số phận
phải chết, lại lo chôn giấu những ý nghĩ về sự chết, không kém gì lo chôn cất kẻ
chết”. Đôi khi họ thành công, đến nỗi chết đến với họ hãy còn xa xăm, một giả
thuyết lờ mờ.
Còn Xavier de Maistre đã viết trong lúc đùa cợt rằng :”Tôi sẽ chết sao
? Tôi đang nói, tôi tự cảm thấy mình, tôi sờ thấy mình, tôi sẽ có thể chết sao
? Tôi hơi khó tin đấy. Vì những người khác chết xem ra tự nhiên lắm : người ta
trông thấy người chết mỗi ngày, người ta đã quen đi rồi. Nhưng chính mình chết,
đích thân mình chết, cái ấy hơi quá. Còn các ông, hỡi quí ông, các ông hãy coi
những suy tư này như những câu văn mập mờ, các ông hãy biết cho rằng đó là cách
suy nghĩ của mọi người và của chính các ông ấy”(De Parvillez, Niềm vui trước sự
chết, 1996, tr 9).
IV. FESTINA LENTE
Tây phương có một câu tục ngữ
rất hay và hơi lạ : “Festina lente” : hãy vội vàng thư thả
hay vội vàng một cách ung dung. Câu tục ngữ này xem ra mâu thuẫn, đã “vội vàng”
làm sao còn “thư thả” được. Nhưng nếu phân tích một cách sâu xa thì lại thấy nó
hài hòa. Người ta dùng chữ Festina để khuyên ai đã có chương trình hay kế hoạch
thì hãy bắt tay vào việc ngay để thực hiện bằng được chương trình đó, đừng chần
chờ, đừng để thời gian trôi đi kẻo làm hỏng kế hoạch; bởi vì người ta nói :”Cái gì có thể làm hôm nay thì đừng để đến
ngày mai”.
Nhưng phải thực hiện chương
trình một cách lente thư thả, sáng suốt, bình tĩnh, đừng nôn nóng, không vội vàng
hấp tấp đến nỗi :
Đi đâu mà vội mà vàng
Mà
bỏ túi bạc mà mang túi chì.
Thiên Chúa ban cho con người
có đủ thời giờ để sống, để làm việc và xếp đặt mọi công việc một cách sáng suốt,
nên sách Khôn ngoan đã nói :”Omnia tempus
habent” (Kn 3,1) : mọi công việc có thời giờ của nó.
Chúng ta đừng hối tiếc quá
khứ, đừng quá chú trọng vào tương lai mà bỏ quên hiện tại. Giây phút hiện tại là
hồng ân Chúa ban để chúng ta sống và làm việc.
Để nhắc nhở mình phải dùng
giây phút hiện tại mà làm việc, văn hào Anh J. Ruskin đã cho khắc vào phiến đá hai chữ “TO DAY” (hôm nay) và đặt trên bàn viết để mỗi
ngày ông ta có việc chiêm nghiệm về bổn phận của mình là làm xong những công việc
“Hôm nay”.
Một thi nhân Hy lạp thời xưa
cũng đã viết chữ “CARPE DIEM” để khuyến khích chúng ta hãy biết dùng một cách đầy
đủ ngày hôm nay. Làm tất cả những gì chúng ta có thể làm ngày hôm nay tức là xây
đắp tương lai một cách thực tiễn.
Nhưng cũng có người đã bỏ
phí hiện tại, chỉ biết vùi đầu trong các lạc thú, không còn nghĩ đến thời gian
và khi tỉnh ngộ thì chỉ còn biết hối tiếc, nhưng đã muộn, vì thế Stephen Leacock nói :”Lạ lùng thay cái
chuỗi đời người. Còn nhỏ thì ước được lớn lên. Lớn lên rồi, ước đến tuổi trưởng
thành. Đến tuổi trưởng thành rồi, ước được một tổ ấm. Được tổ ấm rồi, ước làm ông
nội nghỉ ngơi. Được nghỉ ngơi rồi lại nuối tiếc quãng đời quá khứ và cảm thây một
luồng gió lạnh đang rì rầm thổi tới. Nhưng khi ý thức được rằng đời sống chính
là ở hiện tại, ở trong ngày hôm nay, thì đã quá muộn rồi”. Rõ ràng là :
Quá hiền nên vụng tính !
Tôi
đã phá đời tôi.
Điên
rồi khi vụt tỉnh
Hạnh
phúc đi xa rồi.
(Huy Cận)
Người Kitô hữu phải biết quí
trọng thời giờ. Có người dám nói : Thời giờ là giá máu của Chúa Kitô. Dùng thời giờ
nhưng đừng bao giờ vội vàng hấp tấp, cứ ung dung thư thái. Chỉ lúc nào
sang thế giới bên kia, ta mới phải nói :”Không còn thời giờ nữa”.
Cũng có câu ngạn ngữ rất ý
nghĩa : “Thượng Đế đã sáng tạo ra thời giờ
và Ngài đã sáng tạo ra đầy đủ”
Thật thế, Thời giờ thì Thiên
Chúa ban cho ta đầy đủ, không bao giờ thiếu. Ta có thể kết tinh những giây phúc
mong manh của ngày hôm nay thành vạn đại
vinh quang. Ta có tài lồng cái hiện tại phù du này vào khung bất diệt. Ta có cách
làm cho mỗi một hơi thở của cuộc đời nảy
sinh một mầm mống trường sinh mới.
Thời giờ của ta trôi qua, nhưng
không mất. Cũng như giòng nước cuồn cuộn lao đầu xuống biển khơi, không mất đi,
nhưng hòa mình vào nguồn nước mẹ.
Quá khứ vẫn chất chứa trong
hiện tại, và hiện tại lại cưu mang tương lai. Tất cả đều có thể thần thánh hóa,
trường cửu hóa trong tình yêu vô biên của Đấng sáng tạo ra thời giờ.
Nếu chúng ta biết dùng thời
giờ Chúa đã ban cho để làm tròn bổn phận Chúa đã giao phó thì đó là lúc chúng
ta đang chuẩn bị đón cái”Tử bất kỳ” mà không phải phàn nàn hối tiếc. Lúc đó, chúng
ta có thể nói như cha Charleron :”Đối với
tôi, cái chết không bao giờ là bất ngờ vì tôi hằng chờ đợi nó hằng giây hằng phút”(Cha
Charleron viết tong chúc thư và yêu cầu đọc cho giáo dân).
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt